Afghanistan trước nguy cơ nội chiến

Thứ Năm, 05/08/2021, 06:40

Tình hình bạo lực leo thang nhanh chóng ở Afghanistan cùng sự rút lui của lực lượng Mỹ và đồng minh có nguy cơ khiến quốc gia Nam Á rơi vào một cuộc nội chiến mới, trong bối cảnh các cuộc đối thoại giữa chính quyền Kabul và nhóm vũ trang Taliban không đạt được tiến bộ.

 

Theo thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái giữa Mỹ và nhóm vũ trang Hồi giáo Taliban ở Afghanistan, từ nay đến cuối tháng 8, toàn bộ lực lượng Mỹ và NATO, trừ nhóm nhân viên bảo vệ các cơ sở ngoại giao, sẽ rời khỏi lãnh thổ quốc gia Nam Á, chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm được phát động sau vụ khủng bố 11/9/2001 của Al-Qaeda.

afghanistan.jpg -0
Binh sĩ Afghanistan làm nhiệm vụ gần hiện trường một vụ đánh bom ở Kabul. Ảnh: Reuters 

Cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói, ông tin rằng người Afghanistan có “đủ năng lực để duy trì chính phủ” của chính họ, nhưng giới chức Washington cũng thừa nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban có nguy cơ đẩy Afghanistan vào một vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng mới, nếu nhóm vũ trang và chính quyền Kabul không sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình.

“Trong trường hợp họ (Taliban) tìm cách đi ngược những gì đã hứa, thì họ sẽ trở thành những kẻ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay… và một trong những mối lo ngại lúc này là nguy cơ nội chiến”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu với báo giới ngày 4/8, Reuters đưa tin.

Bạo lực leo thang ở Afghanistan từ giữa tháng 4, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đẩy nhanh quá trình rút quân, còn Taliban lập tức gia tăng các hoạt động tấn công quy mô lớn nhằm đánh chiếm lãnh thổ từ tay Chính phủ Afghanistan, bất chấp cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Thống kê của Long War Journal tính đến ngày 3/8 cho thấy, Taliban chiếm đóng 223 quận trong tổng số gần 400 quận của Afghanistan, lực lượng chính phủ nắm giữ 68 quận, gần 120 quận còn lại vẫn đang tranh chấp.

Cách đây hai tuần, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, nói rằng, Taliban mới chỉ chiếm được một nửa số quận của Afghanistan. Nhưng trong chuyến công du tới thủ đô Moscow của Nga, đại diện Taliban quả quyết họ đang kiểm soát tới 85% diện tích và khoảng 90% đường biên giới đất nước.

AP thông tin, trong ít ngày qua, Taliban đã đánh chiếm thêm 9/10 quận của thành phố Lashkar Gah rộng lớn ở miền Nam, buộc quân đội chính phủ kêu gọi 200.000 cư dân tại đây sơ tán khẩn trước khi họ mở chiến dịch đẩy lùi Taliban. Các tay súng Taliban cũng đang đà tấn công thành phố Herat gần biên giới Iran và thành phố Kandahar, nơi được xem là thủ đô văn hóa của Afghanistan.

Việc Taliban có khả năng chiếm giữ các đô thị trọng yếu dấy lên lo ngại quân đội Afghanistan không chống đỡ được áp lực. Các chuyên gia cảnh báo, nếu quân đội Afghanistan đánh mất hành lang phía Nam, Taliban sẽ đẩy nhanh chiến dịch chiếm toàn bộ 5 tỉnh chủ chốt gần biên giới Iran và Pakistan.

Tại thủ đô Kabul, nơi đặt trụ sở chính quyền Afghanistan được quốc tế công nhận, Taliban cũng bị cáo buộc đang gia tăng sức ép thông qua hành động đánh bom. Gần nhất, hôm 3/8, Taliban thừa nhận họ đứng sau vụ nổ bom xe xảy ra gần nhà của Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi. Ông Mohammadi không có nhà vào thời điểm vụ đánh bom xảy ra, nhưng ít nhất 13 người đã chết trong vụ đấu súng diễn ra sau đó giữa lực lượng an ninh và Taliban. 

Trong khi Chính phủ Afghanistan gặp bất lợi trên thực địa, các cuộc đàm phán cũng đang lâm vào bế tắc. Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có nội dung yêu cầu Taliban phải tham gia các cuộc đàm phán với chính quyền ở Kabul, song các cuộc đàm kéo dài hơn một năm qua không đạt được tiến triển thực chất. Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, ngày 3/8 tiết lộ, hai bên có quá nhiều khác biệt khi Taliban đòi hỏi chia quyền lực trong bất kì chính quyền mới nào ở Afghanistan.

Tại cuộc điện đàm cùng ngày giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, hai bên đã cùng dành những lời chỉ trích gay gắt tới các hành động gần đây của Taliban, cáo buộc nhóm không quan tâm đến tính mạng dân thường. Tuy nhiên, trong một thông điệp riêng lẻ hôm 3/8, ông Ghani đổ lỗi cả cho Mỹ về tình trạng an ninh ở Afghanistan khi khẳng định sự rút lui của Mỹ diễn ra quá “đột ngột” .

Việc an ninh xấu đi ở Afghanistan còn dấy lên lo ngại các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan lợi dụng để trỗi dậy. The Moscow Times ngày 28/7 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Syria, Libya đang đổ dồn về Afghanistan.

Trước nguy cơ khủng bố xâm nhập vào các nước đồng minh của Nga ở Trung Á, ông Shoigu tuyên bố Nga sẽ hỗ trợ quân sự nếu Tajikistan gặp mối đe dọa an ninh từ Afghanistan. Nga tuần qua đã triển khai gần 2.000 quân nhân và trên 400 xe tăng, thiết giáp các loại tới tập trận tại thao trường Kharb-Maidon của Tajikistan, cách biên giới Afghanistan chừng 20km, để thể hiện thái độ cương quyết.

Theo TASS, trong các chuyến công du gần đây tới Moscow, Nga và Thiên Tân, Trung Quốc, đại diện Taliban đều cam kết sẽ không để các nhóm vũ trang cực đoan lợi dụng lãnh thổ để xâm nhập các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không sớm có những giải pháp khẩn trương, đồng nhất và hiệu quả, tình hình ở Afghanistan sẽ tiếp tục xấu đi và sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố có thể vượt tầm kiểm soát của cả Taliban lẫn quân đội chính phủ Afghanistan, đặt ra nhiều vấn đề về an ninh cho thế giới giống những gì đã diễn ra với Syria hay Iraq.

Thiện Minh
.
.