Nga khẳng định vai trò của đối thoại chiến lược với Mỹ

Thứ Hai, 02/08/2021, 07:00

Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/7 (giờ địa phương) khẳng định một cuộc đối thoại chiến lược toàn diện giữa nước này và Mỹ, đã được Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden nhất trí trong cuộc gặp hồi tháng 6 tại Geneva (Thụy Sĩ), có thể góp phần khắc phục tình trạng suy yếu của các cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu.

 

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đang xuất hiện những hành động có chủ ý nhằm làm suy yếu khuôn khổ kiểm soát vũ khí quốc tế và làm xói mòn các nền tảng của khuôn khổ này.

asf.jpg -0
Các quốc gia và số lượng đầu đạn hạt nhân sở hữu tính đến tháng 5/2021. Ảnh: AFS 

Trong thông cáo nhân kỷ niệm 30 năm Liên Xô trước đây và Mỹ ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I), Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nước này luôn nhất quán ủng hộ chính sách tăng cường ổn định chiến lược và an ninh quốc tế thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao, trong đó có việc ký kết các hiệp ước và thỏa thuận liên quan.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, đối thoại chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đang xuất hiện những hành động có chủ ý nhằm làm suy yếu khuôn khổ kiểm soát vũ khí quốc tế và làm xói mòn các nền tảng của khuôn khổ này. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ START I, ký ngày 31/7/1991, đã trở thành hiệp ước quốc tế đầu tiên giới hạn kho vũ khí tấn công chiến lược của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Thông cáo khẳng định trong nhiều năm, hiệp ước này đã đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực ổn định quan hệ Nga-Mỹ liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa, đảm bảo mức độ minh bạch và khả năng dự báo cần thiết trong các chính sách của hai quốc gia về lĩnh vực hạt nhân chiến lược, giúp tăng cường an ninh trên quy mô khu vực.

Trong giai đoạn 2009-2010, các điều khoản của hiệp ước đã trở thành nền tảng cho một hiệp ước mới giữa Nga và Mỹ về các biện pháp cắt giảm và hạn chế hơn nữa vũ khí tấn công chiến lược (START mới, Nga gọi là START III). Ngày 3/2, Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn 5 năm hiệp ước START III, đến ngày 5/2/2026.

Theo thỏa thuận đạt được giữa tổng thống hai nước trong cuộc gặp tháng 6 vừa qua, ngày 28-7, các quan chức cấp cao Mỹ và Nga đã kết thúc vòng đàm phán trực tiếp về ổn định chiến lược. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu phái đoàn của hai nước tiến hành cuộc gặp tại trụ sở phái Bộ Ngoại giao Mỹ ở Geneva.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Sergei Ryabkov cho biết: “Về tinh thần của cuộc gặp, tôi sẽ cho là cởi mở, trung thực, rất hiệu quả và tập trung”. Quan chức ngoại giao Nga cho biết Moscow và Washington vẫn chưa nhất trí về các loại vũ khí phòng thủ và tấn công, vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân được thảo luận tại các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng tôi vẫn cam kết, ngay cả trong thời điểm căng thẳng, đối với việc đảm bảo khả năng dự đoán và giảm nguy cơ xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân”.

Ông Ned Price cũng đánh giá quá trình đàm phán diễn ra “chuyên nghiệp và thực chất”, đồng thời cho biết thêm rằng, nước này hướng đến thảo luận về các chính sách ưu tiên, môi trường an ninh hiện nay, cũng như “triển vọng cho hiệp định kiểm soát vũ khí mới” và cơ chế cho các vòng đàm phán tiếp theo. Tại cuộc họp, hai bên chủ yếu thảo luận về kiểm soát vũ khí, đồng thời nhất trí gặp lại nhau vào tháng 9 tới sau khi tiến hành các cuộc họp tham vấn không chính thức về chủ đề thảo luận cho các nhóm công tác của hai nước.

Cũng trong tuần qua, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, Nga và Mỹ là nước cuối cùng sẽ phải thảo luận về việc mở rộng các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với sự tham dự của các cường quốc khác. Ông nhấn mạnh phía Nga ưu tiên sự tham gia của Pháp và Anh trong vấn đề này. Điều này liên quan tới quyết định gần đây của Anh về việc tăng 40% kho đầu đạn hạt nhân lên tối đa 260 vũ khí.

Trong khi đó, hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Sergei Ryabkov cho biết, Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia các cuộc đàm phán sâu rộng hơn về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối đề nghị này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán ba bên nào về kiểm soát vũ khí hạt nhân, với Mỹ và Nga.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố số liệu mới cho thấy số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm nhẹ từ 13.865 vào đầu năm 2019 xuống 13.400 vào tháng 1/2020. Trong đó, Nga sở hữu 6.375 đầu đạn hạt nhân với 1.570 đầu đạn được triển khai hoạt động, giảm 125 đầu đạn so với đầu năm 2019. Mỹ có ít hơn 385 đầu đạn so với năm 2019 và hiện có tổng số khoảng 5.800 đầu đạn hạn nhân, với 1.750 được triển khai. Trung Quốc có 320 đầu đạn. Tiếp đến là Pháp và Anh với lần lượt 290 và 215 đầu đạn hạt nhân.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.