Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy bị phạt 3 năm tù

Thứ Ba, 09/03/2021, 10:25
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị buộc tội cố gắng lấy thông tin bí mật từ một thẩm phán và bị tuyên phạt 3 năm tù trong đó có 2 năm hưởng án treo.


Cuộc điều tra từ việc nghe lén

Hôm 1-2, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị tòa án ở Paris kết án tù giam với tội danh tham nhũng và lạm quyền. Đây là lần thứ hai trong lịch sử hiện đại của Pháp mà một cựu tổng thống bị kết tội. Lời tuyên án này là đỉnh điểm của một trong số những vướng mắc pháp lý kéo dài mà chính trị gia từng lãnh đạo nước Pháp từ năm 2007 đến năm 2012 đang phải đối mặt. Ông Nicolas Sarkozy, 66 tuổi, luôn phủ nhận mọi cáo buộc và tuyên bố sẽ kháng cáo.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (ở giữa) đến tòa hôm 1-3. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin The Guardian cho hay, ông Nicolas Sarkozy bị kết tội cố gắng lấy thông tin bất hợp pháp về một vụ án khác chống lại ông từ thẩm phán Gilbert Azibert để đổi lấy lời hứa sử dụng ảnh hưởng của mình, đảm bảo một công việc uy tín cho thẩm phán này tại Monaco. Jean-Francois Bohnert, người đứng đầu văn phòng công tố - nơi xử lý vụ kiện chống lại ông Nicolas Sarkozy nhấn mạnh, các thẩm phán đã nhận thấy hành động cựu tổng thống là “đặc biệt nghiêm trọng". Trong khi đó, Jacqueline Laffont, luật sư riêng của ông Nicolas Sarkozy thì gọi phán quyết là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Một số tờ báo khác của Pháp thì gọi vụ xét xử hôm 1-3 là "vụ nghe lén" bởi việc điều tra được bắt nguồn từ các thông tin nghe lén liên quan đến Libya từ năm 2013. Khi đó, khiến các nhà điều tra đã ghi âm các cuộc điện thoại trên máy điện thoại của ông Nicolas Sarkozy và luật sư Thierry Herzog.

Thông qua các bản ghi âm được nghe lén, các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng, vào năm 2014 ông Nicolas Sarkozy và luật sư riêng khi đó là Thierry Herzog đã sử dụng đường dây điện thoại bí mật để thảo luận về cách thu thập thông tin mật một vụ án khác liên quan đến cựu tổng thống.

Các công tố viên cho biết, ông Nicolas Sarkozy đã tìm cách lấy thông tin bất hợp pháp từ thẩm phán Gilbert Azibert, khi đó là thẩm phán tại tòa án. Việc này không bao giờ được thực hiện nhưng theo luật của Pháp, các công tố viên không cần phải chứng minh rằng một thỏa thuận tham nhũng đã được thực hiện mà chỉ cần chỉ rõ thỏa thuận đã được đồng ý là đủ yếu tố để đưa ra xét xử.

Tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 11 và 12 năm ngoái, các công tố viên đã buộc tội ông Nicolas Sarkozy tham gia "thỏa thuận tham nhũng" với thẩm phán Gilbert Azibert. Hiện thẩm phán Gilbert và luật sư Thierry Herzog đã bị tòa kết tội với cùng tội danh với ông Nicolas Sarkozy và nhận mức án tương tự. Ngoài ra, cả hai còn bị kết tội vi phạm bí mật nghề nghiệp và ông Thierry Herzog bị cấm hành nghề luật sư trong 5 năm.

Ám toán?

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy - người thua cuộc trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2012 và thất bại trong nỗ lực trở lại chính trường vào năm 2016, đã phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào ông. Cuối tháng 2 này, ông dự kiến lại tiếp tục hầu tòa trong một vụ án liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2012 với cáo buộc vượt quá giới hạn nghiêm ngặt về chi tiêu trong bầu cử.

Vụ án lâu nhất và nghiêm trọng nhất chống lại ông liên quan đến cáo buộc rằng chiến dịch năm 2007 của ông đã nhận tài trợ bất hợp pháp từ chính quyền cố Tổng thống Libya Muammar el-Qaddafi. Các trường hợp khác chống lại cựu Tổng thống Pháp đã bị loại bỏ, bao gồm một trường hợp ông bị cáo buộc thao túng người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm LOréal để tài trợ cho chiến dịch tranh cử năm 2007.

Pascal Perrineau, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Sciences Po ở Paris nhận định, cho đến ngày 1-3, chỉ có một tổng thống trong lịch sử gần đây của Pháp bị tòa kết tội: đó là cựu Tổng thống Jacques Chirac, người bị kết án năm 2011 về tội biển thủ và lạm dụng công quỹ khi còn là Thị trưởng Paris.

Ông Jacques Chirac cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Pháp phải hầu tòa kể từ khi Nguyên soái Philippe Pétain bị kết tội phản quốc vào cuối Thế chiến II do cộng tác với Đức Quốc xã. Tuy nhiên, ông Jacques Chirac đã bị xét xử vắng mặt vì sức khỏe tinh thần kém. Vì thế, năm ngoái, ông Nicolas Sarkozy đã trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tham dự phiên tòa xét xử riêng của mình kể từ năm 1945 đến nay và ông cũng trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên bị kết tội với tội danh tham nhũng.

"Trên thực tế, danh sách các chính trị gia Pháp (không chỉ tổng thống) bị kết tội dài hơn nhiều, bao gồm cả cựu Thủ tướng Francois Fillon, cựu Bộ trưởng Kinh tế Christine Lagarde, cựu Bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac... Chuỗi các vụ án đã gây ra sự thất vọng ngày càng tăng đối với giới tinh hoa chính trị của Pháp. Về mặt hình tượng, điều này rất quan trọng. Nó làm tăng sự ngờ vực, ấn tượng rằng tất cả họ đều hư hỏng", giáo sư Pascal Perrineau nói.

Giới quan sát thì phân tích, phán quyết mới nhất của tòa án ở Paris được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Ông Nicolas Sarkozy có quan hệ tốt với đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và vẫn giữ ảnh hưởng đáng kể đối với đảng chính trị bảo thủ chính ở Pháp.

Tờ Les Républicains viết: "Với cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và không có những ứng viên xuất sắc nổi trội, nhiều chính trị gia cáo buộc rằng các các công tố viên và thẩm phán nhắm mục tiêu không công bằng vào ông Nicolas Sarkozy. Christian Jacob, người đứng đầu tờ Les Républicains đã bày tỏ "sự ủng hộ không ngừng" dành cho cựu tổng thống khi viết trên Twitter rằng: “Mức độ nghiêm trọng của bản án hoàn toàn không tương xứng”.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cũng thể hiện "sự ủng hộ thân thiện" của mình đối với cựu tổng thống sau khi ông bị kết án. Dẫu vậy, ông Gérald Darmanin  cũng phải thừa nhận rằng, tuyên bố của tòa đã làm suy yếu vị thế trong nền chính trị Pháp của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và làm mất đi hy vọng về việc ông trở lại chính trường trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

Châu Anh
.
.