68 năm đồng hành cùng sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự

Thứ Năm, 18/12/2014, 11:30
Ngày 1/11/2014, Báo Công an Nhân dân (CAND) kỷ niệm lần thứ 68 ngày phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2014).
Ra đời trong thời kỳ Công an Việt Nam anh dũng chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng còn rất non trẻ, từ đó đến nay, Báo CAND đã liên tục làm tốt nhiệm vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phục vụ đắc lực việc thực hiện đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trên lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, tiến lên chính quy, từng bước hiện đại.
Nhìn lại hành trình 68 năm gây dựng và phát triển cũng là một cách để đội ngũ những người làm Báo CAND tự hào về những chặng đường đã qua và cùng nhau phấn đấu vươn lên, không ngừng đổi mới và phát triển, xứng đáng là Cơ quan của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong và ngoài lực lượng Công an.

Từ bước khởi đầu với Báo Công an Mới đến Tuần báo Công an nhân dân

Ngày 19/8/1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng CAND Việt Nam ra đời cùng với chính quyền cách mạng. Công tác tuyên truyền trên mặt trận giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn này là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi lực lượng công an phải sớm thành lập một cơ quan ngôn luận công khai để giải quyết vấn đề đó.

Người đi xin giấy phép xuất bản tờ Công an Mới chính là đồng chí Nguyễn Tài, người sau này đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.

Ông kể: “Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ban chấp hành Đoàn Công an cứu quốc chúng tôi bàn nhau phải ra một tờ báo của Đoàn, định lấy tên là Công an Mới. Chúng tôi coi đây là việc của Đoàn chứ không phải của lực lượng công an… Một lần họp Đảng đoàn, tôi báo cáo việc ra báo của Đoàn Công an cứu quốc. Giấy phép Báo Công an Mới đã được Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ cấp, do tôi đứng tên với danh nghĩa Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc. Nghe tôi nói như vậy, anh Lê Giản hỏi tôi về nội dung, về người viết, về việc quản lý… định ra sao.

Thú thật, tôi chưa có kinh nghiệm ngoài việc tham gia làm Báo Nước Nam Mới ở chiến khu Tân Trào trước Cách mạng tháng 8/1945 (dưới sự chỉ đạo của anh Văn). Cuối cùng, anh Lê Giản kết luận rằng, với giấy phép đã được cấp, nên để Nha Công an lo việc này. Do đó, Báo Công an Mới vẫn ra đời, nhưng do Nha Công an phụ trách và chính thức là báo của lực lượng công an, bán rộng rãi”.

Chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1/11/1946 tờ báo Công an Mới số 1 của Công an Việt Nam ra mắt bạn đọc. Tòa soạn đặt tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, là cơ quan của Bộ Công an bây giờ.

Công an Mới ra mỗi tháng 2 kỳ vào ngày 1 và 15, dày 20 trang, khuôn khổ 21x30cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Số 4 đã in 5.000 bản nhưng chưa kịp phát hành thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào đêm 19/12/1946.

Kế tục sự nghiệp của Công an Mới là nội san “Rèn luyện” được xuất bản bằng sự quyết tâm vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp của đội ngũ những cán bộ chiến sĩ làm báo của Nha Trung ương.

Ngày 21/2/1948, ngày kỷ niệm lần thứ hai thành lập Việt Nam Công an Vụ, tờ báo nội bộ Rèn luyện với dáng dấp khiêm tốn đã ra số đầu tiên tại căn cứ địa Việt Bắc với lượng phát hành số 1 chỉ có 15 bản. Sang năm thứ ba, vào năm 1951 số lượng in đã nâng lên 1.200 rồi 1.500 bản mỗi kỳ. Báo đã đến tay CBCS công an ở các đồn, trạm. Bộ Nội vụ đã ra Nghị định công nhận Nội san Rèn Luyện là “Cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, huấn luyện, giáo dục cán bộ và hướng dẫn công tác công an, là tờ báo chính thức của lực lượng Công an”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm, chúc mừng Báo Công an nhân dân nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2014). Ảnh: T.Dũng.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc được 2 năm thì Bộ Công an tổ chức ra tờ báo nội bộ của toàn lực lượng Công an lấy tên là Báo Công an Nhân dân. Kế tục vai trò của Rèn Luyện và trên một nền móng mà Công an Mới và Rèn Luyện đã xây dựng, Báo CAND đã cố gắng cải tiến nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ của lực lượng Công an trong giai đoạn mới của cách mạng. Cuối năm 1960, Bộ Công an chỉ đạo Báo CAND cần tăng cường phần nghiên cứu lý luận, hướng dẫn nghiệp vụ . Nếu vậy, duy trì hình thức khổ to không còn thích hợp. Báo CAND đã đổi sang hình thức tập san kể từ tháng 1/1960. Nội dung Tập san mang cả “2 màu sắc’ của tờ báo và tạp chí.

5 năm sau, để thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, phần tuyên tuyền cổ động và phổ cập của Tập san CAND chuyển sang Tuần báo CAND. Số đầu tiên của Tuần báo CAND ra ngày 20/11/1965. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ở miền Bắc, dưới mưa bom, bão đạn, đội ngũ những người làm Tuần báo CAND đã cháy hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người chiến sĩ công an cầm bút. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Báo CAND đã mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước. Đồng thời, với sự phát triển về tổ chức bộ máy, các công tác tổ chức bài vở, biên tập, công tác xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong cả nước cũng phát triển một bước vượt bậc để đáp ứng yêu cầu  tuyên truyền trong giai đoạn cách mạng mới.

Bước ngoặt lớn trên chặng đường trưởng thành, phát triển

Ngày 20/12/1981, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ ký quyết định số 99-QĐ/BNV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Báo CAND. Trong đó, điều 1 khẳng định vị trí, chức năng của Báo CAND: “...Là cơ quan tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật công an cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân”. Kế tục truyền thống và những thành quả của các thế hệ trước của Báo CAND, những người làm Báo CAND ở thời kỳ này đã đoàn kết nội bộ chặt chẽ, khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt bậc, phấn đấu đưa tờ báo từng bước tiến lên.

Một bước ngoặt lớn trên chặng đường phát triển của Báo CAND là từ ngày 4/10/1988 Báo CAND được phát hành công khai ra ngoài xã hội. Báo luôn đúng đắn về lập trường quan điểm chính trị, đi đúng đường lối tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.

Tháng 2/1995, một ấn phẩm mới đã ra mắt, hòa nhập vào đội ngũ báo chí của lực lượng Công an. Đó là Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (VH-VNCA) Sau 5 số thử nghiệm với chủ biên là nhà văn Hữu Ước, một cây bút nổi tiếng trong lực lượng công an, bắt đầu từ tháng 1/1996, Tạp chí được phép phát hành chính thức. Đồng chí Phạm Văn Dần, bấy giờ là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL Công an nhân dân kiêm Tổng Biên tập, nhà văn Hữu Ước là Phó Tổng Biên tập (một năm sau nhà văn Hữu Ước giữ cương vị Tổng Biên tập).

Chưa đầy một năm sau, ngày 19/8/1996, An ninh Thế giới (ANTG) - Chuyên đề của Tạp chí VH–VNCA ra đời. Chỉ sau một thời gian ngắn, Chuyên đề ANTG đã có bước nhảy vọt, trở thành một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn trên cả nước với số lượng hơn nửa triệu bản/kỳ.

5 năm sau, tháng 9/2001, Chuyên đề An ninh Thế giới Cuối tháng tiếp tục ra mắt bạn đọc.

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 19/11/2003, Tạp chí VH–VNCA, ANTG đã sáp nhập vào Báo CAND và thành Chuyên đề của Báo CAND.

Tháng 11/2004 Báo Công an nhân dân điện tử chính thức hòa mạng Internet.

Tháng 4/2009, Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu tháng ra mắt bạn đọc.

Tháng 2/2010, Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu Tuần ra mắt bạn đọc.

Cùng với việc thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, Báo CAND và các chuyên đề lấy tiêu chí “Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời”. Từ tờ báo Công an Mới năm 1946, đến nay, trải qua 68 năm, Báo CAND đã lớn mạnh không ngừng với đội ngũ gồm CBCS tại trụ sở chính ở Hà Nội, Cơ quan đại diện tại TP HCM và các văn phòng thường trú tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ. Báo CAND đã trở thành một cơ quan báo chí lớn với 6 ấn phẩm gồm Báo CAND ra hàng ngày, Chuyên đề ANTG ra mỗi tuần/2 kỳ, Chuyên đề CSTC ra mỗi tuần/2 kỳ, Chuyên đề CSTC Tháng, Chuyên đề ANTG Cuối tháng ra mỗi tháng 2 kỳ (Giữa tháng và Cuối tháng), Chuyên đề Văn nghệ Công an ra mỗi tháng 2 kỳ và Báo CAND điện tử. Báo CAND không ngừng phát triển lớn mạnh và vững chắc, là công cụ phục vụ đắc lực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an, xứng đáng là Cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

PV
.
.