Bài toán thất nghiệp 8 năm chưa có lời giải ở Pháp

Thứ Hai, 20/06/2016, 10:35
Giữa lúc đang tổ chức giải Vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016), nước Pháp của Tổng thống Hollande lại phải gánh chịu một làn sóng biểu tình lớn chưa từng có phản đối luật lao động sửa đổi. Đâu là lời giải cho tình trạng thất nghiệp khiến người Pháp xuống đường biểu tình từ hơn 3 tháng qua?

Ngày 14-6, tại Paris, Pháp, đúng vào thời điểm các lực lượng an ninh Pháp đang gồng mình bảo vệ an toàn cho giải bóng đá Euro 2016, hàng nghìn người lao động lại xuống đường biểu tình chống lại kế hoạch thay đổi luật lao động.

Theo Reuters, trong cuộc biểu tình hôm 14-6 tại thủ đô Paris, có tới khoảng 10.000 người tham gia. Đã có tới 700 chiếc xe bus được sử dụng để đưa người biểu tình tới Paris. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ cũng diễn ra ở 50 thành phố khác trên khắp nước Pháp.

Từ ngày 8-3-2016 đến nay đã có 8 cuộc biểu tình phản kháng, nhiều cuộc đình công trong ngành chuyên chở công cộng, phong tỏa nhà máy lọc dầu… làm Hạ viện phải nhượng bộ chỉnh sửa nhiều điều khoản trong Luật Lao động mới. Ngoại trừ hai nghiệp đoàn CFDT, thân với đảng Xã hội cầm quyền và CFTC đồng ý với dự luật lao động đã được điều chỉnh, hầu hết công đoàn Pháp như CGT, FSU, FO và Unef của sinh viên chống quyết liệt, đòi chính phủ phải hủy bỏ hẳn dự luật.

Đứng trước áp lực khủng hoảng và thất nghiệp tăng cao, Chính phủ Pháp bắt buộc phải thay đổi Luật Lao động. Bà El-Khomri, Bộ trưởng Bộ Lao động, Việc làm, Đào tạo nghề và Đối thoại Xã hội, được giao phó nhiệm vụ này từ đầu năm nay. Dự luật lao động cải cách mang tên El-Khomri, bị phản đối quyết liệt từ nhiều phía, từ đối lập cũng như trong nội bộ đảng cầm quyền. Giới công đoàn, sinh viên đã liên tục biểu tình phản đối từ nhiều tháng nay.

Biểu tình tại Paris phản đối luật lao động sửa đổi.

Cuối cùng, Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls dự tính sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để ban hành luật này mà không cần thông qua Quốc hội. Quyết định của Chính phủ Valls đã bị một nhóm dân biểu của chính đảng Xã hội cầm quyền chống lại và tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Valls. Tuy nhiên, nhóm này còn thiếu hai phiếu mới đủ để đưa ra được một kiến nghị bất tín nhiệm với chính phủ. Dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và được chuyển qua Thượng viện xem xét từ ngày 14-6.

Mục tiêu của dự án cải tổ luật lao động mà Tổng thống Francois Hollande đề nghị là nhằm tháo gỡ những rào cản đối việc tuyển dụng nhân công, để góp phần đẩy lùi nạn thất nghiệp, hiện chiếm tới 10% trên tổng số lao động và 24% trong giới trẻ Pháp. Ông Hollande đã bày tỏ quyết tâm của ông là vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho giới trẻ, vừa bảo đảm tính linh hoạt cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Nhưng dự luật El Khomri có vẻ không thuyết phục được giới trẻ. Tại Pháp 25% thanh niên trong độ tuổi 15-24 không có việc làm. Tỉ lệ này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình trên toàn quốc. Những thành phần càng ít bằng cấp lại càng khó tìm được việc làm. Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, ngay cả những người vừa ra trường cũng khó tìm việc. Cửa ải lớn nhất đối với giới trẻ là làm thế nào ký được hợp đồng đầu tiên. Thất nghiệp càng lâu thì lại càng trễ để một thanh niên thực sự có đời sống độc lập.

Nếu chỉ xoáy vào giới trẻ vừa ra trường, cách biệt không lớn so với các đối tác khác trong khu vực đồng euro hay trong Liên minh châu Âu. Trong năm 2015 vào lúc nước Italia của Thủ tướng Matteo Renzi tạo được thêm 250.000 công việc làm, Tây Ban Nha hơn nửa triệu thì các thống kê chính thức cho thấy cùng thời kỳ, Paris chỉ tạo thêm được 114.000 chỗ làm cho người dân. Tại sao lại có khác biệt lớn như vậy? Khi khủng hoảng tài chính bùng nổ vào năm 2008-2009, nạn thất nghiệp tại Pháp đã tăng lên, nhưng tăng chậm hơn và tăng sau so với các đối tác châu Âu khác.

Để trả lời câu hỏi tại sao đã 8 năm sau khủng hoảng, tình trạng lao động không được cải thiện ở Pháp, trong lúc Italia, Tây Ban Nha hay Anh đã đẩy lui được thất nghiệp thì câu trả lời rất đơn giản: Paris không chấp nhận để người lao động phải làm những công việc lặt vặt với đồng lương không đủ sống hay đó là những công việc tạm bợ, khi có khi không.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls (trái) và Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri.

Người lao động Pháp luôn được tuyển dụng với những hợp đồng ngắn hoặc dài hạn rõ ràng. Đó là những điều khoản bảo vệ người lao động, và giải pháp được Paris chọn lựa chú trọng vào chất lượng của một công việc làm hơn là về khối lượng. Trong ngôn ngữ kinh tế, cần phân biệt rõ một bên là những người trong tuổi lao động đã chen chân được vào thị trường - insider, và bên kia là những người có thể đi làm, nhưng bị đứng ngoài vòng - outsider.

Trong số những outsider, chủ yếu là thanh niên đến tuổi đi làm nhưng không tìm được việc, và những người trên 45 tuổi khi bị mất việc thì rất khó tìm lại được một việc mới. Chính những yếu tố đó, khiến ở Pháp số người không tìm được việc làm cao hơn so với ở những quốc gia khác. Bởi vì khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nước Pháp không thể bảo đảm cùng lúc vừa chất lượng vừa khối lượng cho người lao động.

Trong trường hợp cụ thể của Italia, cho dù là trong tháng 2-2016 vẫn còn 11,4% người lao động không có việc làm, nhưng năm ngoái Roma tạo thêm hơn 250.000 chỗ làm cho người dân nhờ cải tổ Luật Lao động, được gọi là Jobs Act. Cơ bản luật này quy định một hình thức hợp đồng lao động duy nhất, cho những ai vừa chen chân vào thị trường; những quyền lợi về mặt xã hội – từ số ngày nghỉ đến các khoản bồi thường hay bảo hiểm sẽ chỉ được tăng dần theo thâm niên.

Chính quyền của Thủ tướng Renzi đã dễ dàng thông qua đạo luật này khi ông khẳng định: Jobs Act chỉ áp dụng với những hợp đồng mới còn những người đang đi làm với hình thức hợp đồng dài hạn hay vô hạn định từ trước tới nay không bị ảnh hưởng.

Nhìn sang Bồ Đào Nha, số người thất nghiệp giảm đi 5 điểm so với hồi năm 2014 và tỷ lệ thất nghiệp là 13% thay vì 18% như hồi năm 2014. Còn tại Tây Ban Nha sau khi sa thải 2 triệu nhân viên từ năm 2008 đến 2014, năm ngoái quốc gia này mới bắt đầu tuyển dụng trở lại đưa 540.000 người trở lại thị trường lao động nhờ có được tỉ lệ tăng trưởng 3,2%. Dù vậy tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn là 21%.

Vậy phải chăng chung quy cũng chỉ vì Luật Lao động của Pháp quá ràng buộc? Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Eric Heyer, tăng trưởng kinh tế mới là chìa khóa mở cửa thị trường lao động đến hàng trăm ngàn người. Nếu căn cứ vào thực tế là trước khủng hoảng 2008 tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp là 6,7%, thế rồi sau khủng hoảng, tức là từ năm 2008 tới nay, Pháp đã liên tục cởi trói cho thị trường lao động được linh hoạt hơn vậy mà thất nghiệp vẫn tăng cao hơn 10%. Điều đó chứng tỏ, cải tổ luật lao động vẫn không giải quyết được gì trong trường hợp của Pháp.

Nhà nước có thể tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên, giảm thuế cho họ, nhưng nếu hàng sản xuất ra không bán được cho ai, hay không xuất khẩu được thì cũng chẳng có hãng nào tuyển dụng thêm nhân viên.

Điều đó cho thấy, vấn đề cốt lõi của Pháp không phải là luật lao động mà là do Pháp không có tăng trưởng. Hơn nữa, nếu so sánh với các đối tác châu Âu khác, thì trung bình, năng suất của Pháp cao hơn so với Anh, hay Tây Ban Nha chẳng hạn. Ngoài ra dân số ở Pháp cũng tăng nhanh hơn so với ở các nước châu Âu khác, kể cả tại các nước có truyền thống theo đạo Công giáo, thành thử Pháp phải tạo nhiều công việc hơn cho người dân, để đẩy được tỉ lệ thất nghiệp xuống ngang hàng với Anh hay với Italia.

Tựu trung, vấn đề của Pháp là không có tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa của Pháp phải tăng tối thiểu 1,5% một năm mới hy vọng tạo cơ hội cho giới trẻ hội nhập thị trường lao động. Mà từ mấy năm nay, GDP của Pháp chỉ tăng không tới 1%.

Đổ lỗi cho tăng trưởng chậm với nước Pháp không thể là giải đáp thỏa đáng. Bởi trong bối cảnh ảm đạm chung, xuất khẩu bị chựng lại, nhưng Anh và Đức vẫn vượt trội trong lĩnh vực tạo thêm công việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp trên quê hương của Thủ tướng David Cameron rơi xuống mức thấp nhất từ 4 thập niên qua. Trong ba tháng cuối 2015, nước Anh tạo thêm được 300.000 việc làm. Tất cả mọi lĩnh vực kinh tế từ xây dựng đến dịch vụ nhà hàng… đều tuyển dụng nhân viên.

Còn tại Đức, hiếm khi nào Berlin được yên tâm với thành tích chỉ có 4,5% dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Vào lúc phần còn lại của châu Âu lo lắng khi thấy các doanh nghiệp sa thải, thì các nhà máy của Đức lại thiếu đến 600.000 đôi tay để tạo ra của cải. Chính vì thế mà Thủ tướng Angela Merkel đã trông thấy ở các làn sóng người nhập cư một nguồn lao động dồi dào cho tương lai.

Chuyên gia Eric Heyer thuộc Cơ quan Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp kết luận “không có phép lạ” để giải quyết tình trạng thất nghiệp tại Pháp hiện nay.

Dự báo làn sóng biểu tình tại Pháp còn tiếp tục cho đến khi Thượng viện Pháp thông qua dự luật lao động mới. Trước những vụ bạo động và đập phá bệnh viện nhi đồng Necker, trong đợt biểu tình hôm 14-6 vừa qua, Chính phủ Pháp thông báo có ý định cấm biểu tình trong nội thành Paris. Tuyên bố này ngay lập tức đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Báo chí Pháp phê phán chính phủ là yếu kém, bất lực và không có uy.

Tổng thống Hollande đã từng tuyên bố rằng ông sẽ chỉ ra tái ứng cử khi nào thất nghiệp giảm. Philippe Martinez, cựu đảng viên đảng Cộng sản Pháp, lãnh đạo của nghiệp đoàn CGT, đã khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục kêu gọi người lao động trong mọi lĩnh vực đình công cho đến khi chính phủ hủy dự luật cải tổ lao động.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.