Bên bờ vực chiến tranh hạt nhân

Thứ Năm, 14/03/2019, 11:40
Quan hệ Ấn Độ-Pakistan ngày càng chuyển biến theo chiều hướng xấu, bất chấp những hy vọng và sự thay đổi bối cảnh địa chính trị của khu vực, nhất là sau vụ 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, tiếp đó nước này cho phi công tấn công các tổ chức khủng bố trên đất Pakistan.

Tình hình căng thẳng tới mức Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã phải hỏi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng "với khả năng về vũ khí hạt nhân của cả hai nước, liệu chúng ta có gánh chịu nổi một tính toán sai lầm hay không?".

Cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất hậu Chiến tranh Lạnh

Ngày 14-2, hơn 40 binh sĩ thuộc lực lượng cảnh sát Ấn Độ đã thiệt mạng do một trong những cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Kashmir trong hai thập niên qua. Nhóm phiến quân có trụ sở ở Pakistan Jaish-e-Mohammad đã nhận tiến hành vụ tấn công này. Chưa đầy hai tuần sau, Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích vào trại của nhóm Jaish ở Balakot ở Pakistan. Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan dâng cao. 

Nhận rõ sự nguy hiểm nếu một trong hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân muốn leo thang, phía Pakistan sau khi bắn hạ máy bay của Ấn Độ và bắt giữ một sĩ quan không quân Ấn Độ, đã phóng thích viên phi công như một "cử chỉ hòa bình" của Thủ tướng Imran Khan. Việc phi công này trở về Ấn Độ đã tạm thời làm xuống thang cuộc khủng hoảng mặc dù vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Khu vực tranh chấp nhạy cảm Kashmir. Ảnh: Canary Trap.

Việc lực lượng không quân Ấn Độ đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu ở Pakistan dù diễn ra lặng lẽ, song đây là một trong số những cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Ngày 26-2, các máy bay chiến đấu của Ấn Độ đã tấn công một trại huấn luyện của những kẻ khủng bố thuộc nhóm Jaish-e-Mohammed (JeM) ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan.

Cuộc tấn công nhằm trả đũa vụ đánh bom tự sát diễn ra trước đó tại Kashmir ngày 14-2 khiến hơn 40 cảnh sát bán dân sự của Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ sau chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971, đây là cuộc tấn công đầu tiên mà cả hai nước đều sử dụng tới sức mạnh không quân để chống lại nhau. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiến hành không kích chống lại một quốc gia khác cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Việc triển khai lực lượng không quân chống lại một quốc gia khác báo hiệu mức độ thù địch giữa hai nước đã lên cao, vượt khỏi các vụ va chạm thông thường ở biên giới. Khả năng triển khai máy bay chiến đấu công nghệ cao của một quốc gia thường được coi là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ phát triển tinh vi, khiến sức mạnh không quân trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của niềm tự hào dân tộc.

Điều đáng chú ý là máy bay chiến đấu Mirage 2000 được lực lượng không quân Ấn Độ sử dụng trong cuộc tấn công vừa qua cũng chính là loại máy bay dùng để vận chuyển một số vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Khi một quốc gia sẵn sàng thực hiện cuộc tấn công sử dụng những máy bay và bom trị giá hàng chục triệu USD, bao gồm cả những máy bay mang hoặc không mang vũ khí hạt nhân, điều này có thể châm ngòi căng thẳng và nhiều khả năng tình hình sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thực tế điều đó đã xảy ra. Pakistan đáp trả cuộc không kích của Ấn Độ bằng các cuộc tấn công sử dụng pháo binh và cũng tự tiến hành hai cuộc không kích. Máy bay chiến đấu của cả hai nước đều bị thiệt hại, Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 2 máy bay của Ấn Độ và bắt giữ 1 phi công, trong khi đó Ấn Độ tuyên bố đã bắn hạ 1 máy bay của Pakistan. Điều may mắn là phi công Ấn Độ bị bắt giữ, Abhinandan Varthaman, là một nhân tố tích cực có thể làm thay đổi tình hình, giúp giải quyết tình thế bế tắc.

Tình hình rất có thể trở nên tồi tệ hơn nếu một trong hai bên "căng" hơn mức bình thường. Bởi, Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu những kho vũ khí hạt nhân phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Lực lượng an ninh Ấn Độ truy quét các phần tử khủng bố ở Kashmir. Ảnh: Sputnik International.

Hans Kristensen, làm việc cho Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, ước tính Ấn Độ đang có khoảng 140 vũ khí hạt nhân, còn Pakistan có khoảng 150. Điều đặc biệt đáng lo ngại là Pakistan ngày càng sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn.

Theo Kristensen, những vũ khí này là một phần trong nỗ lực tạo ra sự răn đe toàn diện, vốn được thiết kế không chỉ để phản ứng lại các cuộc tấn công hạt nhân mà còn nhằm chống lại cuộc xâm lược thông thường từ nhiều hướng, trong đó không loại trừ cả Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan. Đây là điều cực kỳ đáng lo ngại...

Một tướng nghỉ hưu của Pakistan đã nói rằng, để răn đe Ấn Độ, "Pakistan nên leo thang căng thẳng và đẩy sự thù địch lên cao tới mức có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân".

Các nghiên cứu gần đây ước tính rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực này, ví dụ như giữa Ấn Độ và Pakistan, có thể khiến 2 tỷ người thiệt mạng. Chính vì thế, việc hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân mỗi khi có "va chạm" đều khiến cả châu lục và rộng hơn là cả thế giới bất an.

Tâm lý đối đầu và ẩn tình bên trong

Nhìn lại sự việc, Ấn Độ tại thời điểm cuối tháng 2-2019 đã cho thấy ý định tấn công quân sự nhằm vào các trại khủng bố nằm sâu hơn trong lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt hoặc bắt giữ thủ lĩnh của các nhóm này. Và khi Ấn Độ triển khai lực lượng, Pakistan rõ ràng không hài lòng, nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Pakistan và Ấn Độ trong tương lai là khó tránh khỏi. Trên thực tế, các mối đe dọa từ phía Pakistan không có gì mới nhưng chúng thể hiện cách tiếp cận rất khác biệt của Pakistan đối với Ấn Độ.

Các cuộc tấn công lặp đi lặp lại vào lực lượng an ninh Ấn Độ và biến Kashmir thành khu vực nguy hiểm với những phần tử quá khích ngày càng gia tăng đang đặt ra những thách thức an ninh nghiêm trọng với Ấn Độ. Khi các cuộc tấn công này trở nên dày đặc, trong khi đó, chính sách của Ấn Độ khi thực hiện các biện pháp kiềm chế bắt đầu không đạt được hiệu quả, Ấn Độ muốn trừng phạt Pakistan.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Ấn Độ có thể thực thi chính sách tự chủ chiến lược ở mức độ nào đó và buộc Pakistan nhượng bộ trong một cuộc xung đột hạn chế trong khi vẫn ở dưới ngưỡng xung đột hạt nhân. Rõ ràng đây là sự mạo hiểm và sẽ phải cân nhắc một cách nghiêm túc.

Những cuộc tấn công này cũng phản ánh sự phân cực mạnh mẽ và sự chia rẽ ngày càng tăng trong các cuộc tranh luận nội bộ của Ấn Độ về Pakistan. Các chính đảng ở Ấn Độ đang sa đà vào những cuộc tranh cãi và vấn đề an ninh, an toàn ở Kashmir. Nhiều thách thức mà Ấn Độ đang phải đối mặt hiện nay có thể xuất phát từ một số diễn biến quan trọng ở Kashmir trong hai năm qua.

Năm 2018 là năm liên tục xảy ra các vụ bạo lực đẫm máu ở Kashmir. Các cuộc đụng độ giữa phiến quân và lực lượng an ninh Ấn Độ xảy ra thường xuyên. Năm ngoái được ghi nhận là một trong những năm đẫm máu nhất trong một thập niên, với 400 người, chủ yếu là phiến quân, thiệt mạng. Đây là con số thương vong cao nhất kể từ vụ 505 người thiệt mạng cũng trong năm 2008.

Ấn Độ và Pakistan đều là những cường quốc hạt nhân. Ảnh: The National Interest.

Kể từ vụ huy động hàng loạt thanh niên Kashmir ở lễ tang của Burhan Wani năm 2016, cựu chỉ huy của nhóm phiến quân Hizbul Mujahideen, gồm những phần tử quá khích trong cộng đồng người Kashmir có giáo dục đang trở thành một vấn đề trọng tâm. Cùng với những nguy hiểm mà các tổ chức chiến binh địa phương gây ra, khả năng tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) và al-Qaeda mở rộng ảnh hưởng của chúng đối với mạng lưới các nhóm chiến binh địa phương là không thể loại trừ. Trong khi tranh cãi về sự hiện diện của những phiến quân IS còn sót lại, những lá cờ đen biểu tượng của IS đã xuất hiện trong một số cuộc biểu tình chống Ấn Độ.

Các nhóm phiến quân như Hizbul Mujahideen và Jaish-e-Mohammad có mối liên hệ chặt chẽ với al-Qaeda, khiến Kashmir và Nam Á trở thành mảnh đất màu mỡ cho các cuộc tấn công lấy cảm hứng từ al-Qaeda trong tương lai. Al-Qaeda đã tạo ra Ansar Ghazwat-ul-Hind, chân rết của chúng ở Kashmir, hồi năm 2017 dưới sự lãnh đạo của Zakir Musa. Musa ban đầu là một thành viên của Hizbul Mujahideen cho đến khi y quyết định chia tay với nhóm đó và đảm nhận vai trò chỉ huy của Ansar Ghazwat-ul-Hind.

Mặc dù số thành viên của nhóm còn ít (khoảng 12 người) nhưng nó vẫn đặt ra mối đe dọa cơ bản về ý thức hệ. Một thỏa thuận thương lượng cho phép giải quyết thực sự lợi ích của tất cả các bên liên quan dường như là không thể vào lúc này hoặc trong tương lai gần.

Khi đề cập đến vấn đề Ấn Độ-Pakistan, người ta thường gọi đó là "cuộc tranh chấp lãnh thổ" thay vì "xung đột lãnh thổ" giữa hai nước ở khu vực Kashmir, nơi mà căng thẳng leo thang đã khiến Ấn Độ và Pakistan dùng sức mạnh hạt nhân để đối đầu nhau kể từ năm 1998.

Mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan vẫn không ngừng căng thẳng do bị tác động bởi ký ức lịch sử và mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa hai nước đều luôn vấp phải bức rào cản mang tên "ký ức". Nếu chú ý tới các yếu tố gây xung đột khác giữa hai nước, chúng ta sẽ nhận thấy một khía cạnh khác - nằm ngoài khía cạnh địa chính trị: Đó là một sự xung đột về mặt tâm lý-xã hội.

Cho dù có nhiều nguyên nhân gây ra sự xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, vấn đề Kashmir vẫn là vấn đề phức tạp nhất và gây ra những tổn thất nặng nề nhất về người. Mỗi nước đều giữ các lập trường của họ, đẩy người dân sinh sống tại khu vực Kashmir vào thế bị bao vây, kìm kẹp. New Delhi, căn cứ vào hiệp ước sáp nhập Kashmir vào Ấn Độ (được ký kết ngày 20-10-1947), cho rằng tình hình ở Kashmir, đặc biệt là các sự kiện ở thung lũng Kashmir, thuộc vấn đề nội bộ của Ấn Độ và do vậy cần được giải quyết như một vấn đề về trật tự công của nước này.

Về phần mình, Pakistan coi Kashmir là "khu vực huyết mạch" bởi nó không chỉ là biểu tượng cho bản sắc Pakistan, mà còn là nơi 3 con sông lớn Chenab, Indus và Jhelum chảy qua để đổ vào lãnh thổ Pakistan. Nếu như thung lũng Kashmir là khu vực tranh chấp lớn nhất giữa hai nước thì toàn bộ khu vực Jammu và Kashmir cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, cả Islamabad lẫn New Delhi đều quyết liệt phản đối sự độc lập một phần hay toàn bộ khu vực này, bất chấp các phong trào đấu tranh đòi độc lập của các cộng đồng người Kashmir.

Chính phủ mới của Pakistan đã không thay đổi đường lối của đất nước: Bộ trưởng Ngoại giao Qureshi đã phát biểu với truyền thông rằng Kashmir, hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của đất nước, trước đây bị Ấn Độ chiếm đóng bất hợp pháp. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ thường xuyên phải đối mặt với các cuộc biểu tình trên toàn khu vực Jammu và Kashmir, đặc biệt là ở thành phố Srinagar.

Đặc biệt, cái chết của Burhan Wani (chỉ huy nhóm phiến quân nổi dậy tại Kashmir bị các lực lượng Ấn Độ tiêu diệt hồi tháng 7-2016) đã làm sống lại các cuộc biểu tình chống Ấn Độ, trong đó phải kể đến cuộc tấn công vào doanh trại quân đội tại Uri hồi tháng 9-2016 và cuộc tấn công vào doanh trại quân đội Sunjuwan vào tháng 2-2018.

Tuy bị lu mờ trước vấn đề Kashmir, những vấn đề khác cũng là nguyên nhân gây xung đột. Tình hình ở Afghanistan cũng làm gia tăng sự đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan. Cuối cùng, có một thực tế là sự phát triển chính trị nội bộ của hai nước đã làm phức tạp thêm tình hình. Một mặt, các lực lượng quân sự Pakistan đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ với Ấn Độ.

Các binh sĩ Pakistan mới được tuyển mộ đều được khắc sâu tâm lý đối đầu với Ấn Độ. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc Hindu ở Ấn Độ đã cổ vũ những tiếng nói kêu gọi một lập trường ngày càng triệt để hơn về vấn đề Pakistan.

Hoa Huyền
.
.