"Chiến lược mềm" trong cuộc chiến chống IS

Thứ Năm, 18/12/2014, 14:15
Để tăng tốc trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm đạt được hiệu quả rõ ràng hơn, ngoài các biện pháp quân sự, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cùng ngoại trưởng các nước châu Âu, Arập và một số quốc gia khác đã cùng nhau thảo luận về "chiến lược mềm" chống IS. Cái gọi là "chiến lược mềm" này sẽ đánh vào các phương tiện truyền thông của IS, ngăn chặn những chiêu tuyển mộ chiến binh nước ngoài của tổ chức này.

Cần vô hiệu hóa các hình thức chiêu mộ

Để ngăn IS tuyển mộ quân, các nước trong liên minh sẽ tìm cách vô hiệu hóa việc lực lượng này sử dụng hệ thống các trang mạng xã hội lôi kéo các chiến binh và người ủng hộ. Giải pháp cụ thể cho vấn đề này sẽ được các bên thảo luận chi tiết tại cuộc họp ở Morocco vào ngày 15/12 tới. Ngoài ra, các ngoại trưởng cũng tìm kiếm cách thức chặn nguồn thu mà IS có được từ hoạt động bán dầu mỏ, tống tiền, cướp bóc, buôn người và bán các cổ vật mà chúng cướp bóc được ở Syria. Đây là chủ đề được đưa ra thảo luận tại cuộc họp cấp cao đầu tiên của liên minh chống IS bao gồm 60 nước, tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), diễn ra hôm 3/12 vừa qua.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) tại cuộc họp ở Brussels hôm 3/12. Ảnh: lainformacion.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng John Kerry dẫn báo cáo của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, trung bình mỗi ngày Mỹ thực hiện 25 cuộc không kích IS, gồm 14 cuộc ở Syria và 11 ở Iraq. Tại Syria, sở chỉ huy của IS đã bị phá hủy, cơ sở hạ tầng dầu mỏ bị hư hỏng và lực lượng này cũng không thể chiếm giữ thị trấn chiến lược Kobani,  gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Còn tại Iraq, lực lượng của IS tại Iraq đã suy yếu và các lực lượng Chính phủ Iraq đã tái chiếm lại nhiều khu vực, mở rộng quyền kiểm soát an ninh xung quanh một số nhà máy lọc dầu.

Ông John Kerry nhấn mạnh, mặc dù cuộc chiến chống IS sẽ còn phải kéo dài trong nhiều năm tới, song cho đến nay, các nỗ lực của liên minh quốc tế cho đến nay đã có hiệu quả, gây ra nhiều thiệt hại lớn cho các hoạt động của IS. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng phải thừa nhận, bấy nhiêu đó vẫn chưa hiệu quả do IS đang có chiều hướng mở rộng địa bàn hoạt động, chiêu mộ thêm binh lính tại các nước trong khu vực. Liên quan tới vấn đề này, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi, tướng David Rodriguez cho biết, IS đã lập nhiều trại quân sự để huấn luyện cho hàng trăm tay súng ở miền Đông Libya và hiện vẫn chưa rõ những chiến binh này sẽ đóng vai trò gì trong lực lượng của IS hoặc có dự định tấn công vào lực lượng quân đội Mỹ hay không.

Theo tướng Rodriguez, hoạt động của IS tại miền Đông Libya mới dừng ở "giai đoạn đầu và phạm vi rất nhỏ". Quân đội Mỹ hiện đang theo dõi chặt chẽ diễn biến này và giới chức Mỹ chưa khuyến nghị Washington điều binh lính hoặc sử dụng không lực nhằm vào các trại huấn luyện đó. Theo thông tin thu được, có khoảng vài trăm tay súng tại các trại trên và những người này là binh sĩ Libya đào ngũ theo IS chứ không phải lính đánh thuê nước ngoài. Cũng trong cuộc họp tại trụ sở NATO, Liên minh chống khủng bố cũng đã thảo luận về hoạt động viện trợ nhân đạo cho những người Iraq và Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống IS.

Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn được công bố ngày 3/12, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng, các cuộc không kích của liên minh quốc tế nhằm vào phiến quân IS thật ra không có tác dụng. Phát biểu trên tạp chí Paris Match (Pháp), ông Assad nói: "Không thể chấm dứt các hoạt động khủng bố bằng những cuộc không kích. Binh lính tham chiến dưới mặt đất am hiểu thực địa và có thể phản ứng với tình hình mới là yếu tố cần thiết".

Theo Tổng thống Syria, đó là lý do tại sao các cuộc không kích của Mỹ và liên minh không thể chứng tỏ các kết quả cụ thể trong hai tháng triển khai. Ông Assad cũng thẳng thừng tuyên bố Mỹ không đóng vai trò trong thắng lợi của Iraq trước IS mà đó là chiến thắng của quân đội nước này. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã giải phóng được hầu kết các khu vực tại tỉnh Salahuddin. Chúng tôi sẽ tiến tới giải phóng các phần lãnh thổ bị IS chiếm đóng".

Có thêm Iran trong cuộc chiến chống IS

Trái với luận điểm của Tổng thống Syria, 60 nước phương Tây chống IS trong Hội nghị tại Brussels hôm 3/12 đều đưa ra nhận định: "Những cuộc oanh kích của liên minh đã mang lại kết quả. Đà tiến của IS qua Syria và Iraq đã bị chặn đứng. Quân đội Iraq và quân đội của chính quyền địa phương Kurdistan, với sự hỗ trợ của những cuộc không kích của Mỹ và liên minh, đã chiếm lại nhiều phần lãnh thổ ở Iraq". Tất cả đều "tái cam kết sẽ cùng hành động trong khuôn khổ một chiến lược chung, đa dạng và lâu dài để làm suy yếu và chiến thắng IS".

Phi cơ F-4 Phantom của Iran tấn công IS.

Liên minh nhấn mạnh đến 5 trục hành động là tăng cường nỗ lực quân sự, ngăn chặn làn sóng tham gia của các phiến quân thánh chiến nước ngoài, cắt đứt nguồn tài chính, giải quyết vấn đề nhân đạo và phá hủy tính hợp pháp của IS". Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ còn lạc quan hơn: "Không một đơn vị lớn nào của IS có thể di chuyển tự do mà không e sợ cái gì sẽ đổ ập xuống đầu chúng".

Trên chiến trường, IS liên tiếp hứng chịu những thất bại, đặc biệt là tại Iraq, chẳng hạn như con đập Adhaim, nhà máy lọc dầu và thành phố Baiji, khu vực chiến lược Jurf Al-Sakhr. Tuy nhiên, chúng vẫn còn chiếm giữ tỉnh Al-Anbar và thành phố Mosul.

Tại Syria, các trận đánh vẫn còn diễn ra dữ dội quanh thành phố Kobani. Phe IS đã tập trung lực lượng rất nhiều vào trận chiến này. Tại cứ địa Raqqa, Mỹ và các đồng minh Arập Xêút, Jordan và Bahrein đã oanh kích liên tục từ ngày 23/9. Không quân Syria cũng thừa cơ hội đó mở thêm những chiến dịch không kích khác.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết vẫn chưa hài lòng với những kết quả đó và muốn "tăng cường hoạt động một cách nhanh chóng và hiệu quả". Ngoại trưởng John Kerry nhắc lại rằng, cuộc chiến chống IS sẽ mất nhiều năm, và năm 2015 ngân sách cho chiến dịch sẽ là hơn 5 tỉ USD gồm cả chương trình huấn luyện quân đội. Cũng trong ngày 3/12, Mỹ xác nhận sự tham gia của Iran vào chiến dịch không kích IS. Nhiều chiến đấu cơ F-4 Phantom của Iran đã tấn công các mục tiêu tại tỉnh Diyala ở biên giới Iran. Nhưng Mỹ cho rằng "không có gì thay đổi trong chính sách không phối hợp với Iran".

Các mục tiêu tại tỉnh Diyala không phải được chọn ngẫu nhiên. Khi tấn công một phần khu vực này, IS đã đe dọa biên giới Iran. Những tháng gần đây các nguồn tin cho rằng nhiều thành phần của IS đã thâm nhập vào lãnh thổ Iran. Trên các hình ảnh do Đài Al-Jazeera phát đi, người ta thấy chiến đấu F-4 của Iran hỗ trợ quân đội Iraq chiếm lại thành phố Sa'adiya, một thành trì của IS ở phía bắc Diyala.

Ngày 23/11 lực lượng Peshmerga cùng quân đội và dân quân Shiite đã tái chiếm nhiều khu vực trong quận Sa'adiya và Jalula. Từ đó người Peshmerga kiểm soát Jalula trong khi quân đội và dân quân giải phóng Sa'adiya. Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc tái chiếm toàn bộ khu vực này không thể nhanh chóng được vì IS có rất nhiều ổ trấn thủ tại đấy. Sự hỗ trợ của Iran là rất quan trọng. "Những ngày gần đây quân đội và dân quân Iraq đang cố cô lập phe thánh chiến trong vùng núi gần Hamreen" - một chuyên gia quân sự tại Baghdad, cho biết.

Có một điều chắc chắn là những cuộc tấn công đầu tiên này của Iran cho thấy sự can thiệp ngày càng lớn của nước này vào cuộc chiến chống IS. Téhéran đã cung cấp cho Baghdad các  máy bay Su-25 trong những ngày đầu, giờ đây không chỉ viện trợ vũ khí cho các chiến binh người Kurd và biệt phái cố vấn quân sự cho quân đội Shiite. Sự có mặt tại Baghdad của tướng Qassem Suleimani, chỉ huy đội quân đáng gờm Al-Qods, lực lượng vũ trang của Iran ngoài biên giới, không còn là một bí mật nữa. "Ông ta chỉ đạo các trận chiến từ trên trực thăng" - một chuyên gia quân sự cho biết.

Tuy sự can dự của Iran vào cuộc chiến có nhiều ưu điểm trong ngắn hạn nhưng lại bất lợi khi đào sâu thêm mối bất bình của cộng đồng thiểu số Sunni ở Iraq vốn luôn thù ghét Iran. "Khi dân quân người Shiite được Iran đào tạo giải phóng một khu vực, họ lại mở cuộc tàn sát hay phá hủy nhà cửa của người Sunni. Không phải bằng cách đó mà người ta sẽ khuyến khích các bộ tộc Sunni đừng bảo vệ cho IS nữa" - một nhà ngoại giao than thở.

Khổng Hà – Mê Linh (tổng hợp)
.
.