Chuyển động quân sự tại Vùng Vịnh

Thứ Tư, 14/06/2017, 15:10
Cuộc khủng hoảng ngoại giao xung quanh Qatar bước qua tuần thứ hai vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi các hoạt động ngoại giao đang được các bên liên quan và cộng đồng quốc tế huy động tối đa thì các hoạt động quân sự hay tin về những chuyển động binh lực đang được âm thầm hoặc công khai tiến hành.

Một tuần sau khi cuộc khủng hoảng Qatar với các nước Arập và Vùng Vịnh nổ ra cho đến nay vẫn chưa có bất cứ động thái xoa dịu nào được các bên liên quan đưa ra, có chăng chỉ là những hoạt động “kêu gọi” ngoại giao của cộng đồng quốc tế.

Nhưng không đáp lại lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc giảm bớt áp lực lên Doha, Arập Xêút và Bahrain bày tỏ hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Qatar ngừng hỗ trợ khủng bố. Trong lúc này, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arập và Vùng Vịnh với Qatar tiếp tục leo thang. Đến nay, Arập Xêút, UAE, Ai Cập và Bahrain đã liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan của Qatar vào danh sách khủng bố.

Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi.

Bên cạnh những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, dư luận thế giới đang tập trung nói về khả năng chống đỡ của Qatar trước sự cô lập của các nước Arập và Vùng Vịnh. Ngày 11-6, Iran cho biết đã điều ít nhất 4 máy bay vận tải chở thực phẩm đến Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo nước này sẽ cung cấp lương thực cho Qatar trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực sau khi Arập Xêút đóng cửa đường biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar.

Hầu hết lương thực nhập khẩu của Qatar đi qua đường biên này. Qatar nhập khẩu tới 90% nhu cầu lương thực. Hiện cửa khẩu đất liền duy nhất của nước này với Arập Xêút đã bị đóng, làm tê liệt ít nhất 40% đường vận chuyển hàng hóa, nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu cần thiết cho các dự án hạ tầng trị giá khoảng 200 tỷ USD liên quan đến Vòng chung kết World Cup 2022. Trong ngày 11-6, Qatar đã khai trương các tuyến vận chuyển hàng hóa mới thông qua các cảng ở Oman.

Theo nhà chức trách Qatar, nước này có đủ lương thực trong vòng 1 năm, nhưng thừa nhận rằng sự phụ thuộc vào hàng không và đường biển sẽ làm tăng chi phí và lạm phát. Trong một cuộc phỏng vấn của kênh CNBC (Mỹ) ngày 11-6, Bộ trưởng Tài chính Qatar, Ali Sherif al-Emadi, bày tỏ tin tưởng vào khả năng kinh tế của nước ông có thể vượt qua một cuộc tranh chấp ngoại giao với các nước đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào tuần trước.

Song song với những tin tức bề nổi trên là những chuyển động quân sự của các bên liên quan được âm thầm tiến hành. Đài CNN ngày 8-6 dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ quân đội Qatar hiện đặt trong tình trạng báo động cao nhất vì lo ngại bị các nước láng giềng tấn công quân sự hoặc hậu thuẫn đảo chính.

Theo CNN, Bộ Quốc phòng Qatar đã gửi thông điệp cho chính phủ các nước UAE, Arập Xêút và Bahrain tuyên bố sẽ bắn chìm bất kỳ tàu hải quân nào của các nước này xâm nhập vùng biển của họ. Quân đội Qatar được biết không phải là loại “xoàng” trong khu vực.

Theo thống kê từ Global Fire Power, quân số lực lượng vũ trang của Qatar vào khoảng 12.000 người và không có quân dự bị. Tuy nhiên, Qatar có cơ cấu hoàn hảo như bất cứ một nước đông dân nào, cũng gồm đầy đủ các quân, binh chủng như: Lục quân với 8.500 người, Không quân với 1.500 người và Hải quân với 1.800 binh sĩ. Ngân sách quốc phòng hằng năm chỉ khoảng 1,91 tỷ USD, chiếm chưa tới 1,5% GDP. Lực lượng Không quân Qatar hiện đang sở hữu khoảng 98 máy bay đánh chặn, 9 máy bay tấn công, 15 máy bay vận tải, 53 máy bay huấn luyện, 28 trực thăng, 43 trực thăng tấn công.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm SIPRI (Thụy Điển), thời gian gần đây Qatar đã đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa và mở rộng quy mô quân đội của mình. Năm 2014, Qatar quyết định mua tên lửa Patriot của Mỹ với giá trị hợp đồng lên đến 11 tỷ USD.

Theo hợp đồng vũ khí này, Mỹ cung cấp cho Qatar khoảng 10 khẩu đội Patriot, 24 máy bay trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin. Kể từ năm 2015, Qatar đã chi hàng chục tỷ USD để đặt mua 24 chiếc tiêm kích Rafale trị giá 7 tỷ USD từ Pháp. Ngoài ra, còn có 3 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không Boeing 727 AEW và 2 máy bay tiếp dầu trên không A-330 MRTT.

Quân đội Qatar .

Chưa kể 2 thế lực trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đang “ra tay cứu” Qatar về quân sự. Chỉ 2 ngày sau khi Qatar bị cô lập, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng phê chuẩn 2 thỏa thuận quân sự quan trọng: một là cho phép triển khai binh sĩ đến căn cứ Al-Rayyan tại Qatar và hai là hợp tác đào tạo quân sự giữa hai nước. Và cũng 2 ngày sau, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vùng Vịnh lan rộng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan phê chuẩn các quyết định này của Quốc hội.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al Arabia ở Arập Xêút ngày 7-6 dẫn các nguồn tin ở Ai Cập tiết lộ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang bảo vệ Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani trong lâu đài của nhà lãnh đạo này. Nguồn tin cho biết thêm: Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã đến Qatar dưới vỏ bọc là tham gia huấn luyện. Ngoài ra, trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng tin Tasnim của Iran, đơn vị truyền thông của lực lượng hải quân Iran cho biết một đội tàu hải quân của Iran khởi hành tới Oman từ ngày 11-6 và sau đó sẽ đi về phía Bắc của Ấn Độ Dương và Vịnh Aden.

Cửa khẩu Abu Samra của Qatar, biên giới Arập Xêút, ngày 12-6, không một bóng xe cộ.

Cũng trong ngày 12-6, Pakistan lên tiếng bác bỏ các thông tin cho rằng nước này có kế hoạch điều binh lính tới Qatar, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao tại Trung Đông. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Nafees Zakaria nhấn mạnh “những thông tin sai sự thật dường như là một phần của chiến dịch hiểm độc nhằm tạo ra sự hiểu nhầm giữa Pakistan và các nước anh em Hồi giáo tại Vùng Vịnh”.

Trước đó, có thông tin cho rằng Pakistan sẽ điều binh lính tới Qatar sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định điều quân tới quốc gia Vùng Vịnh này. Pakistan có quan hệ tốt với cả Qatar lẫn Arập Xêút, Islamabad gần đây giữ lập trường trung lập trong vấn đề căng thẳng ngoại giao giữa các nước Vùng Vịnh.

Trước tình hình này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo: xung đột giữa Qatar và các nước Arập trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến, tuy nhiên ông cho rằng vẫn có cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng.

Trả lời báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, ông Gabriel nhấn mạnh: "Điều nguy hiểm là những xung đột này có thể dẫn đến chiến tranh". Ngoại trưởng Gabriel đề cập đến những "kịch tính gay gắt" trong quan hệ giữa các nước láng giềng tại vùng Vịnh.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.