EU muốn giành lại ảnh hưởng ở Balkan?

Thứ Hai, 11/05/2020, 09:29
Liên minh châu Âu (EU) vừa tổ chức một hội nghị từ xa qua video với 6 quốc gia thuộc vùng Balkan. Chủ đề bao trùm của hội nghị là đối phó với đại dịch COVID-19 nhưng phía sau đó, giới quan sát cho rằng mấu chốt là EU muốn giành lại các quốc gia Balkan từ Nga và Trung Quốc.

Hội nghị diễn ra tại điểm cầu chính đặt tại thủ đô Zagreb của Croatia, nước Chủ tịch EC luân phiên vào chiều ngày 6-5, với sự tham gia của lãnh đạo EU, 27 nước thành viên và 6 quốc gia Balkan gồm Albania, Kosovo, Bosnia, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia. Các bên tham gia hội nghị đã thảo luận một số vấn đề, trong đó bao trùm trên hết vẫn là hợp tác toàn khu vực trong việc ứng phó với tác động về kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 và những giải pháp phục hồi sau đại dịch; kế đến là những thách thức về an ninh, khủng bố và người nhập cư.

Lãnh đạo EC, EU và nước chủ nhà Croatia tại hội nghị Zagreb 2020.

Hội nghị đã ra Tuyên bố Zagreb 2020, trong đó hủy bỏ hiệu lực các tuyên bố trước đây tại các hội nghị Zagreb 2000, Thessaloniki 2003 và Sofia 2018. Điểm mấu chốt quan trọng của Tuyên bố Zagreb 2020 chính là sự hợp tác giữa EU với các dối tác Balkan trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong đó, EU đã cam kết gói hỗ trợ các nước Balkan chống đại dịch trị giá 3,3 tỉ Euro, bao gồm hỗ trợ y tế ngay lập tức và hỗ trợ phục hồi sau khủng hoảng, trong đó có 1,7 tỉ Euro thông qua khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Một điểm quan trọng khác trong Tuyên bố Zagreb 2020 là việc EU “quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình mở rộng khối ở mọi cấp độ” nhằm khuyến khích chuyển hóa về kinh tế và xã hội, sự duy trì và phát triển các giá trị và nguyên tắc châu Âu tại Balkan phù hợp với các nguyên tắc, giá trị và quy tắc chung của EU. Từ lâu nay, việc gia nhập EU đã là mong muốn của các quốc gia Balkan.

Nhưng trong nhiều năm qua, việc này đã bị đình trệ do một số vấn đề phát sinh về tranh chấp địa lý, cũng như các vấn đề về chính trị, xã hội mà EU cho rằng các quốc gia Balkan chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn EU. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng cảnh báo hồi tháng 11-2019 rằng nếu EU không làm gì thêm để kéo Balkan về phía mình, thì “các nước khác” sẽ làm.

Những gì diễn ra từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay cho thấy lời cảnh báo của bà von der Leyen là không thừa. Sau giai đoạn 1 của đại dịch, khi Trung Quốc đã qua đỉnh dịch và từng bước khống chế dịch bệnh một cách hiệu quả, cũng là lúc Trung Quốc bắt đầu triển khai cái gọi là chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”, hay còn gọi là “con đường tơ lụa y tế” đến khắp châu Âu chứ không riêng gì Balkan.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hồi tháng 4 đã công khai cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì sự giúp đỡ của Trung Quốc cho nước ông trong cuộc chiến chống COVID-19. Cùng với Trung Quốc, Nga lúc này địch bệnh còn được kiểm soát tốt, cũng đã đưa những chuyến hàng cứu trợ thiết bị y tế, y bác sĩ đến hỗ trợ nhiều nước châu Âu, như Italy và các nước Đông Âu, trong đó có Balkan.

Milorad Dodik, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Bosnia & Herzegovina cũng ca ngợi nước Nga, đồng thời chỉ trích EU chậm chạp trong công tác ứng phó cũng như thiếu sự phối hợp, “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự hỗ trợ cần thiết cho các nước nghèo hơn trong khối. “Châu Âu mà chúng tôi từng tin tưởng cách đây 10 năm ngày nay không tồn tại nữa” - ông Dodik nói với hãng tin Reuters.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Báo chí châu Âu vì lo ngại sức ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đã mở chiến dịch công kích rộng khắp. Từng có nhiều câu chuyện đã được các hãng tin, các tờ báo lớn của châu Âu đưa tin về những lô hàng khẩu trang, thiết bị y tế kém chất lượng của Trung Quốc bị trả về, hay như những cáo buộc và hoài nghi mang màu sắc “thuyết âm mưu” về những điệp viên trà trộn trong các phái đoàn y bác sĩ Nga sang hỗ trợ các nước châu Âu chống COVID-19...

Dù sao thì ảnh hưởng cũng đã được thiết lập ở Balkan. Nga là “người cũ”, từng có hàng chục năm hiện diện tại khu vực này trên nhiều phương diện, từ thời Liên Xô cho đến gần đây. Còn Trung Quốc là “người mới”. Sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong vài năm trở lại đây đã gây lo ngại cho không chỉ EU mà cả NATO. Hội đồng NATO từng đưa ra lời cảnh báo về “mối đe dọa mới” đến từ Trung Quốc khi nước này triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Trung Quốc đã đầu tư hoặc cho vay ưu đãi để lôi kéo các quốc gia châu Âu, từ Bắc Âu đến Đông Âu, Balkan tham gia sáng kiến của mình và bước đầu gây được ảnh hưởng nhất định tại khu vực. Điều đó, cộng với những hành động trong đại dịch COVID-19, đã khiến EU cảm thấy “nếu không làm gì” thì chắc chắn “mất” Balkan về tay Trung Quốc, thậm chí là Nga.

Sau lời cảnh báo của bà von der Leyen, EU bắt đầu có “nhúc nhích” với việc đồng ý cho Bắc Macedonia và Albania khởi động tiến trình đàm phán kết nạp thành viên sau 2 năm trì hoãn, nhằm xua đi suy nghĩ trong khu vực rằng việc gia nhập EU chỉ còn là “giấc mơ”. Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ. Với cam kết đã được ghi trong Tuyên bố Zagreb 2020, EU có lẽ cần phải bỏ ra nhiều nữa để có thể thuyết phục các nước Balkan rằng khối này đang thật sự muốn họ cùng lên con thuyền chung.

Tổng thống Serbia Vucic tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ yêu cầu EU cho thêm nữa và bớt đi các khoản vay”. Trong khi đó, để tất cả các quốc gia Balkan là thành viên khối, EU cần đồng thuận hoàn toàn về nhiều vấn đề còn tồn đọng trong khu vực này, trong đó có cả việc công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập. Sau hơn 10 năm, hiện vẫn còn 5 quốc gia EU chưa công nhận Kosovo, trong đó có Tây Ban Nha.

Dập tắt được tất cả những bất đồng chính trị, ngoại giao và san bằng khác biệt về các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước trong khu vực sẽ giúp ích nhiều hơn cho EU.

An Châu (Tổng hợp)
.
.