Hỗn loạn bao trùm Mỹ Latin

Thứ Tư, 30/10/2019, 18:45
Biểu tình phản đối chính phủ đã bùng phát và kéo dài trong nhiều tuần lễ qua tại một số quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbe. Mấu chốt gây ra các cuộc biểu tình này được cho là do sự bất công đã tồn tại trong xã hội lâu nay chưa được giải quyết.

Không phải vô cớ mà “Không được lạm dụng thêm nữa” là khẩu hiệu phổ biến nhất trong làn sóng biểu tình của người dân Chile trong thời gian qua. Chile đang chứng kiến một trong những thời khắc hỗn loạn nhất lịch sử đất nước.

Ngày 27-10, Tổng thống Chile Sebastián Pinera đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng khẩn cấp được ban bố trong 1 tuần qua sau khi nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực phản đối các chính sách xã hội bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp người dân và kêu gọi tiến hành những cuộc cải tổ đối với mô hình kinh tế của đất nước.

Cùng lúc, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã kêu gọi tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng. Trong bài phát biểu trước quốc dân, ông Pinera nói: “Tôi đã yêu cầu tất cả các bộ trưởng của tôi từ chức để thành lập một chính phủ mới và để có thể đáp lại những yêu cầu mới này”.

Người biểu tình bao quanh tòa nhà Quốc hội Chile ở thành phố Valparaiso.

“Giọt nước tràn ly”

Theo sắc lệnh, lực lượng quân đội sẽ không tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh và trấn áp biểu tình như đã thực hiện trong những ngày vừa qua. Việc Chính phủ Chile quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm cách đây hơn 1 tuần như “giọt nước tràn ly” gây bùng nổ xã hội bằng các cuộc biểu tình liên tiếp khiến chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng lệnh giới nghiêm trong nhiều ngày.

Các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.

Chile là một trong những quốc gia phát triển nhất tại khu vực Mỹ Latin, với tổng thu nhập tính trên đầu người đạt 20.000 USD/năm. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 2,5% và lạm phát 2%. Nền kinh tế Chile phụ thuộc vào khai thác đồng và thường phát triển tích cực khi giá nguyên liệu này tăng, song người hưởng lợi hầu hết là chủ sở hữu nhà máy, công ty lớn bởi 75% tăng trưởng GDP của Chile đến từ tầng lớp thượng lưu.

Do vậy, bất bình đẳng thu nhập, hệ thống phúc lợi xã hội đắt đỏ là ngọn nguồn của xung đột tại đây. Bất bình đẳng thu nhập tại Chile cao hơn mức trung bình các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tới 65%. Chính sách hỗ trợ người nghèo không được chú trọng. Dịch vụ công như nước sạch, điện, y tế, giáo dục hay giao thông công cộng đều bị nắm giữ bởi các tập đoàn lớn, đẩy giá thành ở mức cao nhằm thu lợi nhuận. Điều này khiến người nghèo khó tiếp cận các dịch vụ này, khiến tính di động xã hội giảm và bất bình đẳng thu nhập tăng.

Thêm vào “khối thuốc nổ” xã hội đó là các vụ bê bối bị phanh phui trong vòng vài năm qua, tại cả khu vực Nam Mỹ nói chung và Chile nói riêng, cho thấy các doanh nghiệp lớn đã tài trợ phi pháp cho các chính trị gia. Các “nhân vật chính” trong các vụ bê bối được bảo vệ trước các cáo buộc bằng những hành động trực tiếp của chính phủ. Chile, theo như một số nghiên cứu hay bảng xếp hạng, từng là một trong số 4 nước ít tham nhũng nhất tại khu vực nhưng có lẽ cũng là nước mà những chính trị gia và doanh nhân tham nhũng ít bị trừng phạt nhất.

Người biểu tình tại Ecuador.

Cho tới nay, không có bất cứ chính trị gia hay doanh nhân “cỡ bự” nào của Chile bị kết án, khác với Argentina, Brazil, Peru, Ecuador hay nhiều nước khác, nơi các cựu tổng thống, cựu bộ trưởng hay doanh nhân “máu mặt” có thể xếp thành hàng riêng trong các nhà tù. Mô hình của Chile dường như có ít tham nhũng hơn nhưng cũng ít công lý hơn.

Ngoài ra, trong Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa qua, Chile đã cho thấy khả năng cạnh tranh yếu kém của các thị trường trong nước, với nhiều hiện tượng độc quyền như chỉ 6 ngân hàng nhưng kiểm soát tới 91% tổng giá trị tín dụng, 3 công ty dược kiểm soát 95% lượng thuốc bán trên thị trường - những doanh nghiệp bị tố cáo kết bè với nhau để đẩy giá dược phẩm tại đất nước này lên mức cao nhất trong khu vực và đây cũng là nơi tỷ lệ chi trả cá nhân cho dịch vụ y tế và thuốc men cao nhất trong số các nước thành viên của OECD.

Chile có 6 quỹ đầu tư nhưng kiểm soát toàn bộ thị trường lương hưu tư nhân và chi trả những khoản lương hưu chỉ ở mức bình quân 40% so với lương trước khi về hưu, đa phần là không đủ trang trải sinh hoạt; chỉ 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhưng đã kiểm soát tới 95% thị trường bảo hiểm y tế tư nhân; 2 doanh nghiệp kiểm soát gần như 100% thị trường giấy và bị tố cáo là bắt tay với nhau trong 10 năm qua để nâng giá.

Nỗ lực xoay chuyển tình thế trước thềm APEC

Liệu rằng những động thái mềm mỏng mới đây của Tổng thống Sebastián Piera có thể làm xoay chuyển tình hình?

Đối mặt với làn sóng chống chính phủ, Tổng thống Sebastián Pinera đã có quyết định mang tính tích cực là ngưng biện pháp tăng giá vé métro. Do không làm dịu nổi cơn giận dữ của dân chúng, ngày 21-10, nhà lãnh đạo đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2018 đã tuyên bố sẽ họp với lãnh đạo các đảng phái, kể cả phe đối lập, để tìm kiếm một thỏa thuận xã hội nhằm nhanh chóng thiết lập tình đoàn kết một cách hiệu quả và có trách nhiệm, hướng tới những giải pháp tốt đẹp nhất cho các vấn đề đang gây ảnh hưởng tới dân chúng.

Sau cuộc họp với các đảng, Tổng thống thông báo hàng loạt biện pháp cải tổ, trong đó có đảm bảo mức lương tối thiểu, tăng 20% lương hưu và ổn định giá điện. Tổng thống Pinera cũng thừa nhận không lường được chuyện tăng giá vé métro lại khiến xã hội nổi giận đến như vậy và ông đã xin lỗi dân chúng.

Dường như các các nỗ lực của Tổng thống vẫn là chưa đủ để giải quyết những bất công xã hội tích tụ suốt mấy thập kỷ qua. Ngày 23-10, hàng chục nghìn người, nhất là sinh viên và công chức, tiếp tục tham gia đình công và biểu tình tại nhiều nơi trong cả nước.

Có lẽ, những gì mà Tổng thống Sebastián Pinera đang gắng sức thực hiện cũng nhằm đảm bảo một Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng tới tại Chile được êm đẹp. Từ lâu, Chile đã mong muốn có vai trò tích cực và có tiếng nói hơn trong hệ thống kinh tế quốc tế; việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện rõ ước vọng đó. Do vậy, một thất bại nào đó, dù nhỏ hay lớn, trong khuôn khổ APEC có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mong muốn của Santiago.

“Lây lan”?

Tại Ecuador và Haiti, những vấn đề tương tự cũng đã và đang gây ra bất ổn xã hội. Biểu tình ở Ecuador nổ ra từ đầu tháng 10, xuất phát từ việc Tổng thống Lenin Moreno quyết định hủy bỏ chương trình tài trợ nhiên liệu nhằm đáp ứng điều kiện thỏa thuận vay tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chương trình tài trợ nhiên liệu được xem là một trong những  chương trình an sinh xã hội trọng điểm của Tổng thống tiền nhiệm Rafael Correa, với kinh phí mỗi năm khoảng 1,4 tỉ USD.

Ông Moreno là người được ông Correa lựa chọn kế vị để tiếp nối những chương trình an sinh xã hội như thế. Tuy nhiên, sau một năm cầm quyền, ông Moreno đã bắt đầu thay đổi, không tiếp tục thực hiện những gì ông Correa truyền lại và ngày càng đi theo chiều hướng hữu khuynh. Chính sách thắt lưng buộc bụng của ông để thỏa mãn các yêu cầu của IMF không được đa số dân chúng Ecuador ủng hộ, và đó chính là nguồn gốc dẫn đến cuộc biểu tình kéo dài gần một tháng qua.

Vòi rồng xuất hiện trong cuộc biểu tình ở Chile.

Chính phủ Ecuador đã phải sơ tán ra khỏi thủ đô Quito, dời đến thành phố duyên hải Guayaquil để lánh nạn. Không như Tổng thống Chile Pinera, Tổng thống Ecuador Moreno tỏ ra cứng rắn và tuyên bố “quyết không thay đổi quyết định hủy tài trợ nhiên liệu”, bất chấp người dân biểu tình phản đối.

Còn tại Haiti, biểu tình cũng đã diễn ra từ nhiều tháng nay, cũng xuất phát từ những vấn đề tương tự. Nhưng Haiti còn phức tạp hơn, bởi đất nước này đang nỗ lực tối đa để gượng dậy sau thảm họa động đất năm 2010, vẫn còn nhận viện trợ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức, quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, gần 10 năm sau thảm họa động đất, một bộ phận không nhỏ dân chúng Haiti vẫn sống trong điều kiện lay lắt, tồi tàn. Họ cáo buộc chính phủ đã không làm gì để cuộc sống của họ được cải thiện hơn.

Nhìn lại sự bùng phát biểu tình đang diễn ra tại một số quốc gia Mỹ Latin, một số người đặt câu hỏi rằng có phải đang có một phong trào biểu tình “Mùa xuân Mỹ Latin” hay không? Báo chí khu vực đánh giá tình hình tại Mỹ Latin và vùng Caribbe đang trở nên “rất nóng”. Tuy nhiên, các chuyên gia chính trị trong khu vực không cho rằng đang có một “Mùa xuân Mỹ Latin”, mặc dù quy mô biểu tình và những vấn đề gây ra biểu tình có vẻ giống với các cuộc biểu tình “Mùa xuân Arab”.

Một phần bởi vì đám đông biểu tình tại Mỹ Latin chủ yếu đưa ra những đòi hỏi chính phủ phải có biện pháp cải thiện cuộc sống, giảm bớt những bất công để giúp họ có điều kiện sống tốt hơn. Như Chile, chính phủ đã ban hành tình trạng khẩn cấp, áp dụng lại các chính sách cứng rắn thời độc tài, đưa quân đội vào để trấn áp biểu tình, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu trở thành “cách mạng hoa” hay “cách mạng màu”.

Tại Ecuador, Tổng thống Moreno thậm chí còn cáo buộc các đảng phái chính trị đối lập lợi dụng tình hình khó khăn, xúi giục, kích động người dân biểu tình để “đục nước béo cò”. Chuyên gia chính trị Michael Reid cho rằng, các cuộc biểu tình Mỹ Latin này tuy mang dáng dấp như “Mùa xuân Arab”, nhưng thiếu động lực và nhất là không mang mục tiêu lật đổ chính quyền.

An Châu - Hà Phương (tổng hợp)
.
.