Hội nghị Thượng đỉnh G7:

Hướng đến mục tiêu khôi phục thịnh vượng toàn cầu

Thứ Ba, 31/05/2016, 10:35
Với cương vị là quốc gia đang giữ chức Chủ tịch, đồng thời chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7, Nhật Bản đã đưa vào chương trình nghị sự nhiều vấn đề, không chỉ liên quan đến kinh tế, thương mại, một số chủ đề như chính sách đối ngoại, biến đổi khí hậu, năng lượng, an ninh mạng, các nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng… đã được đề cập khá chi tiết trong sự kiện chính trị quan trọng này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Ise-Shima diễn ra vào thời điểm không thể thích hợp hơn cho các nước thành viên, cũng như với toàn thế giới. Kể từ thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau (Đức), thế giới đã chứng kiến các sự kiện đầy xáo động. Nhìn chung trên toàn thế giới, triển vọng kinh tế đang rất mong manh và có xu hướng lao dốc, trong khi các thảm họa thiên tai, cuộc xung đột ngày càng tồi tệ ở Syria, dòng người tị nạn và các hành động khủng bố ở châu Âu đã gia tăng bất ổn.     

Để giải quyết các vấn đề trên, lãnh đạo các nước G7- gồm Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ - phải thúc đẩy tầm nhìn rõ ràng và vạch ra các bước đi mà chính các nước này và phần còn lại của thế giới có thể áp dụng để loại bỏ những điều u ám và thúc đẩy phát triển, ổn định. Các thành viên G7 có lợi thế trong việc đảm nhận nhiệm vụ này. Với trọng tâm là tái sinh nền kinh tế toàn cầu và tìm kiếm sự phối hợp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa linh hoạt với các cải cách cơ cấu được đẩy mạnh, các nước cũng nhận thấy cơ hội để giải quyết thách thức ở các khu vực trọng điểm, như cơ sở hạ tầng, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề y tế toàn cầu và luật biển quốc tế.

Mặc dù chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn trong các vấn đề hóc búa, nhưng G7 cũng nhận thấy tia hy vọng mới. Thứ nhất, các nước đang chứng kiến nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng ở cấp độ toàn cầu. Nhiều nền kinh tế đang phát triển có thể tăng trưởng hơn nữa với hệ thống đường sá, cảng, viễn thông và các cơ sở hạ tầng khác. Thứ hai, các nền kinh tế phát triển có thể tập trung vào việc thúc đẩy chất lượng để cải thiện các cơ sở hạ tầng cũ kỹ cũng như đưa ra thêm các cơ sở hạ tầng bền vững thân thiện với môi trường hơn.    

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 2016 thăm một ngôi chùa ở Ise-Shima.

Việc kết nối các nhân tố cung và cầu sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế hiện nay và sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trong các năm tới. Hội nghị G7 được coi là cơ hội lý tưởng để tái khẳng định cam kết với thương mại tự do. Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản kêu gọi đẩy nhanh việc thông qua và mở rộng các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thúc đẩy sớm nhất việc nhất trí về nguyên tắc cơ bản của hiệp định thương mại song phương Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay. Cạnh tranh tự do và bình đẳng cũng cần được khuyến khích trong các thỏa thuận này và hơn thế nữa. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc khôi phục nền kinh tế toàn cầu là chưa đủ trong thế giới đang rung chuyển bởi chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi sự tập trung hơn đến trợ giúp phát triển để diệt trừ các nguyên nhân cơ bản của chủ nghĩa khủng bố, bao gồm việc bị tước đoạt các quyền kinh tế, xã hội và giáo dục. Các nước thành viên cần củng cố hậu thuẫn cho việc phát triển các xã hội ổn định và bao dung trên toàn thế giới. Y tế toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng khác để đạt được sự thịnh vượng ở các nước phát triển và đang phát triển. Vì vậy, các nhà lãnh đạo G7 thúc đẩy chương trình phổ cập y tế, đồng thời đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng.    

Được coi là động lực của hòa bình và thịnh vượng thế giới, không chỉ bởi quy mô nền kinh tế, mà còn bởi các giá trị cùng nhau chia sẻ, ở thời điểm đầy thách thức này, G7 đưa ra quyết tâm hợp tác và sẽ làm việc với các đồng sự để đưa thế giới vào quỹ đạo hướng tới sự thịnh vượng hơn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.