Iraq mong muốn bất tương xâm với cả Mỹ và Iran

Thứ Tư, 29/05/2019, 17:41
Các quan chức Iraq vừa công khai lên tiếng yêu cầu Mỹ và Iran không được tiến hành chiến tranh tại Baghdad hay ở một nơi nào đó trên lãnh thổ nước này sau khi Lầu Năm Góc tiếp tục điều thêm quân tới Trung Đông như một động thái nhằm “so găng” với Tehran.

Lời kêu gọi của Iraq được đưa ra nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tới Baghdad ngày 25-5. Chuyến thăm này của ông Zarif diễn ra sau thông báo của Tổng thống Donald Trump sẽ gửi thêm 1.500 lính Mỹ tới Iraq. Mỹ cáo buộc Iran và các lực lượng được nước này yểm trợ đứng đằng sau một loạt vụ tấn công, trong đó có vụ tấn công nhắm vào vùng Xanh ở Baghdad nơi có Đại sứ quán Mỹ, hoặc nhằm vào nhà máy khai thác dầu mỏ ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tehran bác bỏ tất cả những cáo buộc của Mỹ.

Ngoại trưởng Zarif tố cáo quyết định này, gọi đó là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Trong cuộc gặp ông Zarif tối 25-5, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cảnh báo “nguy cơ chiến tranh” giữa hai đồng minh lớn là Mỹ và Iran tại Iraq. Nhà lãnh đạo Iraq đã kêu gọi các bên kiềm chế vì an ninh khu vực và duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.

Trước đó, ngày 24-5, Ngoại trưởng Iraq Mohammed Ali al-Hakim kêu gọi Iran tiếp tục tôn trọng thỏa thuận về chương trình hạt nhân mặc dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi. Trước đó tối 24-5, hàng nghìn người Iraq đã biểu tình yêu cầu các nước “không gây chiến” ở Baghdad và Basra, thành phố dầu mỏ ở cực Nam của Iraq giáp Iran.

Iraq và Iran là hai quốc gia duy nhất có đa phần là người Shiite, trong khi phần còn lại của thế giới Hồi giáo chủ yếu là người Sunni. Hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh chết chóc (1980-1988) nhưng mối quan hệ của họ đã thay đổi sau sự sụp đổ của Saddam Hussein vào năm 2003. Iran hiện đang hỗ trợ nhiều đảng phái và các nhóm vũ trang ở Iraq. Iran cũng như Mỹ đã giúp đỡ Iraq rất nhiều trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (bên trái) và Tổng thống Iraq Barham Salih tại Baghdad, ngày 25-5.

Phát biểu trước báo giới cùng đồng nhiệm phía Iraq ngày 26-5 tại Baghdad, Ngoại trưởng Iran Zarif đề xuất một hiệp ước bất tương xâm giữa Iran và các nước láng giềng nhằm xoa dịu bầu không khí căng thẳng. Sau khi xảy ra vụ vùng Xanh bị tấn công tuần trước, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết Baghdad sẽ cử các phái đoàn tới Mỹ và Iran nhằm làm trung gian hòa giải căng thẳng. Ông Mahdi nói rằng không một nhóm Iraq nào mong muốn chiến tranh nổ ra.

Iraq hiện đang ở vị thế mong manh khi Washington đang gây sức ép để Baghdad bớt quan hệ thân thiết hơn với Tehran. Vì cho rằng các nhóm vũ trang Iraq ủng hộ Iran, ngày 15-5, Mỹ đã triệu hồi về nước các nhà ngoại giao không cần thiết từ đại sứ quán ở Baghdad và từ lãnh sự quán ở Erbil (phía Bắc). Kể từ cuộc xâm lược do Mỹ lãnh đạo vào năm 2003, sự hiện diện của người Mỹ đang gây tranh cãi ở Iraq.

Thông báo hồi tháng 2-2019 của Tổng thống Donald Trump cho biết quân đội Mỹ sẽ ở lại Iraq để “theo dõi Iran” sau khi quân đội Mỹ rời khỏi Syria. Tuyên bố này đã gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng Iraq, họ kêu gọi giới lập pháp nước này “mời” các lực lượng Mỹ rời khỏi đất nước. Các phe vũ trang theo dòng Shiite ở Iraq gần gũi với Iran đã thúc đẩy việc thảo luận một dự luật nhằm áp đặt lịch trình rút quân cho Mỹ.

Chính quyền Baghdad dường như ý thức được nguy hiểm nên từ lâu đã tìm cách tự cứu lấy mình. Sau hơn một thập kỷ bị quốc tế cấm vận dưới thời Saddam Hussein và 15 năm tiếp theo chìm trong bạo lực đẫm máu bao gồm một cuộc chiến tàn khốc chống lại IS (cuối năm 2017, Iraq tuyên bố đã đánh thắng IS), Iraq đang dần chào đón trở lại những chuyến thăm của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế trong những tháng gần đây như của Mỹ, Iran hay Jordan. Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ tới Iraq trong năm nay. Một lời mời cũng đã được gửi tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách đây không lâu, Baghdad đã khởi xướng một cuộc hòa giải giữa Qatar, quốc gia chống đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và Syria, quốc gia đang chật vật tái hòa nhập về khối Arab. Theo AFP, gần đây, Cố vấn an ninh quốc gia Iraq Faleh al-Fayyadh thậm chí đã tự mình đến Riyadh (thủ đô của Saudi Arabia) để gửi một thông điệp đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran về kế hoạch tái thiết khu vực.

Nhà khoa học chính trị Iraq Ihssan al-Chemmari cho rằng, sự căng thẳng Iran-Mỹ là “quá sâu đậm để Iraq đưa ra một sáng kiến” trong khu vực và chính quyền Iraq còn phải quan tâm đến vấn đề nội bộ bị chia rẽ bởi những lợi ích khác nhau. Cụ thể, tham vọng ngoại giao thân Mỹ của của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi là hoàn toàn trái ngược với phương châm chống Mỹ của Quốc hội.

Theo cảnh báo của chuyên gia Fanar Haddad tại Đại học Quốc gia Singapore, nếu Chính phủ Iraq thật sự “chọn phe” thì chính sách đối ngoại “không rắc rối” mà Baghdad duy trì bấy lâu này sẽ “tan thành mây khói”. Đó là vì quyền lực ở chính trường nước này bị “chia năm xẻ bảy” bởi nhiều thế lực và đồng minh khác nhau của Iraq. Ông Haddad nhận định, nếu không làm cả hai vừa lòng, Iraq sẽ rất dễ “mất lợi ích ngoại giao”.

Trong lúc này, tuyên bố của các tướng lĩnh từ cả hai phía Mỹ và Iran đều hừng hực không khí chiến tranh. Sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, Tổng thống Donald Trump ngày 27-5 đã nêu ra khả năng đàm phán với Tehran. Tổng thống Mỹ một lần nữa đảm bảo rằng ông không tìm cách “thay đổi chế độ” ở Iran. Tuy nhiên, cũng giống những lần trước, lời đề nghị của ông Trump khó mà được lãnh đạo Iran chấp thuận.

“Không, không có khả năng đàm phán”, Ngoại trưởng Zarif nói với các phóng viên ở Tokyo nhân chuyến thăm Nhật Bản ngày 16-5. Ngoại trưởng Zarif cũng bác bỏ tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “Iran sẽ sớm muốn thảo luận với Mỹ”. Trước đó, vào ngày 14-5, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei đã tuyên bố: “Đàm phán với Chính phủ Mỹ hiện tại là điều không nên (...) họ không tôn trọng bất cứ điều gì”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.