Kế hoạch hòa bình của Ukraina được đón nhận bằng thái độ hoài nghi

Thứ Hai, 30/06/2014, 17:00

Vài ngày sau khi Nga quyết định ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina, tân Tổng thống nước này Petro Poroshenko đã đơn phương tuyên bố một lệnh ngừng bắn tại các tỉnh miền Đông - Nam Ukraina, nơi có phần đông người Nga sinh sống. Một sáng kiến rất cần thiết nhằm tránh đổ máu tại Ukraina vào lúc này. Tuy nhiên, Nga và các lực lượng đòi ly khai tại Ukraina lại tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko.

Từ khi ông Poroshenko đắc cử Tổng thống Ukraina, quan hệ Nga - Ukraina có vẻ được cải thiện chút ít. Tuy nhiên, những yêu cầu của phía Nga đòi hỏi chính quyền Kiev ngưng các cuộc tấn công ở các tỉnh miền Đông - Nam Ukraina, nơi có đa phần người dân Nga sinh sống, lại không được đáp ứng. Cộng thêm vụ Đại sứ quán Nga tại Kiev ngày 14/6 bị tấn công mà chính quyền Ukraina không ngăn cản gì, đã làm giọt nước tràn ly, khiến Nga cúp khí đốt cho Ukraina.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Moskva không đến nỗi vì khoản nợ 4,5 tỉ USD của Kiev mà khiến họ điêu đứng về ngân sách. Đây thực ra là đòn phép chính trị mang vỏ bọc kinh tế. Đòn đánh này của Nga nhằm vào 3 mục tiêu. Một là gây áp lực buộc chính quyền Kiev ngừng các cuộc tấn công nhằm vào những người thân Nga ở miền Đông - Nam Ukraina. Hai là, qua đây cảnh cáo Liên minh châu Âu (EU) về đòn đáp trả nếu họ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Và cuối cùng là thử lửa mức độ trung thành của chính quyền Ukraina với châu Âu. Bởi lẽ nếu như trước đây, khi bị Nga cúp khí đốt, Kiev đã trích lại một lượng khí đốt trung chuyển cho châu Âu để dùng cho nội địa. Điều này đã khiến châu Âu năm 2009 điêu đứng. Nay nếu Ukraina làm vậy, quan hệ EU - Ukraina lập tức tan vỡ. Nga sẽ lại là người chiến thắng.

Ngày sau quyết định cắt khí đốt của Moskva, ngày 18/6, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã đề nghị thi hành một cuộc ngưng bắn đơn phương ở miền Đông Ukraina, trong khuôn khổ một kế hoạch hòa bình để giải quyết cuộc tranh chấp kéo dài nhiều tháng qua trong khu vực.

Các cơ quan thông tin Nga dẫn lời ông Petro Poroshenko nói rằng cuộc ngưng bắn sẽ dành cho các chiến binh đòi ly khai một cơ hội để buông vũ khí, và những người muốn rời Ukraina có cơ hội ra đi.

Ông Poroshenko cũng hứa với Tổng thống Putin qua cuộc điện đàm với Tổng thống Nga rằng sẽ mở cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên nhân gây ra cái chết của hai phóng viên một đài truyền hình Nga bị thiệt mạng trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraina, đồng thời sẽ có biện pháp để bảo vệ an toàn cho các nhà báo hoạt động trong vùng giao tranh.

Tình hình căng thẳng nặng nề giữa hai phía đã được thấy hôm 18/6 khi xảy ra vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến châu Âu, gây nên quả cầu lửa khổng lồ cao tới 30m. Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniy Yatsenyuk mô tả vụ nổ là “một hành động phá hoại”, mà theo ông, được thực hiện với mục đích phá hoại uy tín của Ukraina trong tư cách là một nước trung chuyển năng lượng.

Ông Yatsenyuk nói thật rõ ràng kẻ nào muốn phá hoại sự tin tưởng vào hệ thống chuyên chở dầu khí của Ukraina. Ông tuyên bố Ukraina là một nước trung chuyển đáng tin cậy, đã thực hiện và sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực vận chuyển khí đốt.

Trở lại với kế hoạch hòa bình đơn phương của Poroshenko, báo Le Figaro (Pháp) ra ngày 19/6 nhận định: "Giữa một bên là công luận trong nước đang đòi hỏi phải giải quyết nhanh chóng tình hình miền Đông và một bên là quân nổi dậy không chịu hạ vũ khí, phạm vi hành động của ông Porochenko quá hẹp".

Mỹ lên tiếng hoan nghênh việc Ukraina đơn phương ngưng bắn, cho biết chờ đợi sự hồi đáp của Nga để làm dịu khủng hoảng. Còn tại Genève, một báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về nhân quyền công bố hôm 18/6 cho biết, ít nhất 356 người, trong đó có 257 dân thường, đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu hoạt động "chống khủng bố" ở khu vực miền Đông Ukraina.

Theo tính toán của LHQ, có 14 trẻ em thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Bên cạnh đó, EU từ tuần tới sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa từ Crimea đặc biệt là rượu vang, để trừng phạt việc Nga sáp nhập bán đảo này của Ukraina.

Về phản ứng của Nga. Ngày 19/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: "Kế hoạch của ông Poroshenko quả là hay nếu Kiev thực sự mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trong nước. Nếu sáng kiến này nhằm tiến tới một lệnh ngừng bắn toàn diện, nếu tiếp theo sau đó có lời mời các đại diện khu vực đông nam ngồi vào bàn đàm phán, thì quả là điều mà tất cả chúng ta đang mong đợi từ ông Poroshenko. Trừ khi lệnh ngừng bắn đơn phương trong thời gian nhất định là mưu đồ dụ dỗ lực lượng dân quân hạ vũ khí và sau đó bỏ tù họ”.

Kiev còn nói rằng, lệnh ngừng bắn tạm thời cần thiết cho những ai không hài lòng có thể rời khỏi lãnh thổ Ukraina. Điều này giống sự thanh lọc sắc tộc, khi mời người dân rời khỏi đất nước và chính quyền không đếm xỉa tới nguyện vọng chính đáng của họ...".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng phản đối khả năng áp đặt thiết quân luật tại các vùng miền đông và nam Ukraina, vì Quốc hội Ukraina đang thảo luận vấn đề trên. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga thì nói, kế hoạch hòa bình trên là đòn hỏa mù của ông Poroshenko. Hơn nữa, giới tư pháp Nga vừa khởi tố Bộ trưởng Nội vụ Ukraina vì "cố tình sát hại thường dân".

Các lực lượng ly khai ở miền Đông và Nam Ukraina không tin tưởng vào lời hứa hẹn của ông Poroshenko và vẫn sẵn sàng tiếp tục cuộc đấu tranh. Hôm 18/6, quân đội Chính phủ Kiev đề nghị dân quân tự vệ khu vực Lugansk tạm ngừng bắn để trao đổi thi thể. Lực lượng nổi dậy ở miền Đông - Nam Ukraina tích cực tán thành đề nghị này và tiếng súng nổ lắng đi vài giờ. Nhưng thời gian này bị quân đội Ukraina lợi dụng cho hành động có tính toán của họ.

Trong khi các bên đang trao nhận thi thể, những đoàn xe bọc thép cũng tiến về hướng các khu vực có người ở đang được lực lượng ly khai kiểm soát. Rồi không hề tuyên bố chấm dứt ngừng bắn, quân đội Ukraina tiến hành pháo kích trở lại. Theo nhận xét của truyền thông Nga, hành động này chỉ làm cho người dân thêm hoài nghi về tính đứng đắn của lực lượng Ukraina và đặt câu hỏi về bản chất, ý định thiết lập thỏa thuận ngừng bắn toàn diện mà Kiev tuyên bố.

Trước đó, chính quyền Kiev đã hai lần đồng ý với kế hoạch giải quyết hòa bình ở Ukraina do các trung gian quốc tế đề soạn. Nhưng cả hai lần, họ lại từ chối thực hiện quy ước. Do vậy, kế hoạch hòa bình lần này của ông Poroshenko lại càng bị nghi ngờ là vậy.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 19/6, người đứng đầu NATO loan báo Nga lại tiếp tục tăng cường binh sĩ dọc theo biên giới với Ukraina giữa lúc Tổng thống Ukraina thông báo sẽ ký một thỏa thuận liên kết với EU. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu tại Brussels rằng, ít nhất có thêm một vài ngàn binh sĩ Nga được điều động trong chiến dịch mà ông mô tả là "tăng cường quân sự mới của Nga" xung quanh biên giới Ukraina. Có tới 40.000 binh sĩ Nga được bố trí gần biên giới với Ukraina, nhưng theo báo cáo của NATO hồi tháng trước, họ đã rút khỏi khu vực.

Cũng trong ngày 19/6, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ làm việc với các đối tác để áp dụng thêm những cái giá mà Nga phải trả nếu Moskva không dùng sức ảnh hưởng của mình giúp ngăn chặn tình trạng bạo động ly khai ở miền Đông Ukraina

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.