Khi “kẻ cướp” được vũ trang

Thứ Tư, 12/10/2016, 15:25
Việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu tuần duyên của Hàn Quốc ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Seoul hôm 7-10 cho thấy sự manh động ghê gớm của các ngư dân Trung Quốc. Vì sao những người dân bình thường này lại có phản ứng như vậy trong khi họ đang ở vị thế của kẻ ăn cướp theo đúng nghĩa đen?

Hàn Quốc ngày 9-10 đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh sau khi hai tàu cá đánh bắt trái phép của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu tuần duyên của Hàn Quốc nhằm tẩu thoát. Theo lực lượng tuần duyên Incheon ở phía tây Seoul, sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 7-10, tại vùng biển cách đảo Socheong 76 km về phía tây nam. Một tàu tuần duyên Hàn Quốc đang làm nhiệm vụ truy bắt các tàu đánh cá lậu của Trung Quốc trong khu vực, đã bất thần bị một tàu Trung Quốc đâm vào từ phía sau.

Lúc đó 8 Cảnh sát biển Hàn Quốc đang có mặt trên chiếc tàu đánh cá lậu hung hăng này, họ được lệnh rời tàu để giữ an toàn. Khoảng mấy chục chiếc tàu Trung Quốc sau đó kéo đến bao vây xung quanh, tuần duyên Hàn Quốc phải nổ súng để ngăn chặn. Cũng theo lực lượng tuần duyên, lúc xảy ra vụ việc, có khoảng 40 tàu đánh cá lậu Trung Quốc đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc (EEZ).

Không ai bị thương trong vụ này. Một nhân viên hàng hải 50 tuổi của Hàn Quốc bị ngã xuống nước, nhưng sau đó đã được một tàu tuần duyên khác cứu.

Lực lượng tuần duyên Incheon đã triệu mời Phó Lãnh sự Trung Quốc sáng 9-10, sau đó Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho triệu Tổng Lãnh sự Trung Quốc, để chính thức phản đối và yêu cầu Bắc Kinh phải có nỗ lực mạnh mẽ để tránh tái diễn sự cố tương tự. Phía Hàn Quốc coi đó là hành động mưu sát.

Đội tàu cá của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, vụ việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu tuần duyên của Hàn Quốc được cho là để “trả thù” vụ 3 ngư dân Trung Quốc bị chết trong vụ đụng độ trước đó vài ngày với lực lượng chấp pháp biển Hàn Quốc. Hãng tin Reuters ngày 30-9 dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết 3 ngư dân Trung Quốc được cho là bị chết do ngạt khí từ lựu đạn cay của Cảnh sát biển Hàn Quốc khi những kẻ đánh bắt cá trái phép này cố thủ trong buồng lái. Vụ việc xảy ra lúc 9 giờ 45 ngày 29-9 khi một tàu cá Trung Quốc được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc cách đảo Hong khoảng 70 km về phía tây nam.

Theo tường thuật của hãng tin Yonhap, khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng chủ quyền, Cảnh sát biển Hàn Quốc đã ra lệnh cho tàu cá Trung Quốc dừng lại để kiểm tra giấy tờ nhưng chiếc tàu kia vẫn tiếp tục chạy. Lập tức tàu tuần tra của Cảnh sát biển Hàn Quốc đuổi theo và bắt tàu cá kia dừng lại. 14 cảnh sát Hàn Quốc đã lên tàu để kiểm tra, nhưng ngư dân Trung Quốc khóa phòng lái và phòng máy. Cơ quan thực thi luật pháp biển Hàn Quốc buộc phải phá cửa sổ và ném 3 quả lựu đạn chiếu sáng vào. Nhưng khi vào được trong buồng lái, họ phát hiện 3 người nằm bất tỉnh bên trong. Cả 3 được nói là chết sau khi được đưa sang tàu Hàn Quốc để cấp cứu. Một quan chức Cảnh sát biển Hàn Quốc cho Yonhap biết nguyên nhân chính xác của cái chết vẫn chưa được xác định. "Chúng tôi có thể yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân", người này nói.

Phía Hàn Quốc cũng đã thẩm vấn 14 thuyền viên Trung Quốc còn sống và cả Cảnh sát biển tham gia vào vụ truy bắt. Cho đến nay, phía Trung Quốc chưa có phản ứng gì trước vụ việc trên và chính quyền Seoul cũng chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 ngư dân Trung Quốc.

2 vụ gần đây không phải là mới vì tàu cá Trung Quốc thường xuyên vào đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Hàn Quốc. Chính phủ Seoul đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Bắc Kinh ngăn cản ngư dân của họ xâm nhập đánh cá bất hợp pháp. Chỉ trong 4 năm gần đây, khoảng 2.200 tàu cá Trung Quốc bị Hàn Quốc chặn bắt hoặc tịch thu. Hồi tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc và cơ quan giám sát Hiệp ước đình chiến “Chiến tranh Triều Tiên” của Liên Hiệp Quốc phối hợp phát động một chiến dịch ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp của ngư dân Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía tây của Hàn Quốc. Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cũng thường xuyên xua đuổi tàu Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp và nhiều cuộc đối đầu bạo lực đã từng xảy ra.

Tàu của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc (phải).

Yonhap nhận định, các vụ đụng độ giữa lực lượng chấp pháp Hàn Quốc và ngư dân Trung Quốc thường bạo lực và đẫm máu. Khoảng mấy chục Cảnh sát biển Hàn Quốc làm việc trên vùng biển căng thẳng này đã bị chấn thương tâm lý hoặc trầm cảm. Tháng 10-2014, một thuyền trưởng Trung Quốc đã bị bắn chết vì không tuân theo những yêu cầu của tuần duyên. Lúc đó lực lượng Hàn Quốc đang cố gắng chặn một chiếc tàu đánh cá trái phép, thì thủy thủ từ 4 chiếc tàu Trung Quốc khác đã xông lên tàu, ném những chai bia vào Cảnh sát biển Hàn Quốc. Trước đó vào tháng 12-2011, sĩ quan Hàn Quốc Lee Cheong Ho bị một thủy thủ Trung Quốc đâm chết trong khi đang làm nhiệm vụ truy lùng các tàu đánh cá trái phép tại khu vực Incheon.

Giải thích về sự manh động ngày càng dữ dội của ngư phủ Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng những người dân vốn hiền lành này đã được cổ vũ bằng chính sách của chính quyền trung ương. Việc các tàu cá của Trung Quốc được trang bị vũ khí ra biển đã xuất hiện từ lâu và nằm trong một chiến lược dài hạn của nước này.

Mới đây, hãng tin Reuters đưa tin: Trung Quốc đang huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam để trở thành “dân quân” rồi xua xuống Biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Thậm chí nhiều ngư dân tại Hải Nam còn khẳng định các tàu này được trang bị vũ khí hạng nhẹ, cũng như thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để dễ dàng liên lạc với Hải cảnh Trung Quốc với mục đích đối phó tàu nước ngoài. Đầu tháng 8 vừa qua, Nhật Bản cho biết phát hiện chừng 230 tàu đánh cá và 7 tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào sát các đảo tranh chấp giữa hai phía tại biển Hoa Đông. Trong số 7 tàu tuần duyên Trung Quốc có 4 tàu rõ ràng có trang bị vũ khí.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn, kêu gọi ngư dân nước này chuẩn bị chiến tranh nhân dân trên biển. Từ khi tuyên bố đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Ðông, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đội “dân quân biển”. Theo đó, ngư dân Trung Quốc được huấn luyện quân sự, chính quyền Trung Quốc vũ trang cho cả ngư dân lẫn các tàu đánh cá, trợ cấp chi phí, hỗ trợ dịch vụ, thiết lập hệ thống liên lạc với hải quân, hải cảnh để ngư dân Trung Quốc vừa đánh bắt, vừa phối hợp tuần tra bảo vệ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông.

Giới phân tích cho rằng cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển” do quân đội Trung Quốc phát động với sự tham gia của dân quân biển chắc chắn là nhằm quấy nhiễu, gây lúng túng cho lực lượng hải quân của các quốc gia khác khi thực hiện những cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Ðông và các vùng biển mà Trung Quốc cũng đang đòi chủ quyền với các nước khác.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.