Khoảng hở của “Bức màn sắt không trung”

Thứ Tư, 09/06/2021, 09:30
Ngày 7-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký sắc lệnh, ban hành đạo luật hợp thức hóa việc nước Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (Open Skies Treaty/OST), như một sự đáp trả tương xứng với những động thái từ phía Mỹ.


Trong bối cảnh cuộc so kè tiềm lực quân sự giữa Nga và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng mức độ căng thẳng như hiện tại, những đường nét lạnh lẽo thời Chiến tranh Lạnh dường như đang được khắc họa sâu hơn nữa, qua sự “hắt hủi” mà các siêu cường dành cho OST.

Nỗi thất vọng không của riêng ai

Thực ra, đây hoàn toàn không phải là một động thái gây bất ngờ. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, cộng đồng quốc tế đã thực sự phải “chuẩn bị tinh thần” cho viễn cảnh Hiệp ước Bầu trời mở sẽ không còn sự tham dự của hai trong số những cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Và do đó, giá trị thực tiễn của OST sẽ chỉ còn là những hoài niệm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nói những gì với Tổng thống Nga Vladimir Putin trên cương vị mới?

“Đó sẽ là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu, đồng thời sẽ gây ra những tác động cụ thể đối với an ninh và lòng tin chiến lược ở Bắc bán cầu”, từ ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Đức đã khẳng định như vậy. Trong một bức thư chung gửi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tháng 12-2020, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng ngoại trưởng 15 nước châu Âu đã khẳng định rằng: Các nước châu Âu muốn tuân thủ và thực thi đầy đủ hiệp ước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho biết quốc gia Bắc Âu này cảm thấy thất vọng trước việc Nga rút khỏi OST. Ông đánh giá OST đã đóng góp rất nhiều vào việc giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an ninh chung.

Vậy thì, OST là gì? Đó là một thỏa thuận được ký kết từ năm 1992, như một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước này cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự. Có 35 quốc gia tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ.

Cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ luôn là thành tố then chốt trong tiến trình tái định hình trật tự thế giới.

Theo hiệp ước này, các chuyến bay giám sát của mỗi quốc gia được dựa trên hạn ngạch, cả chủ động (quốc gia đó có thể tiến hành) và thụ động (quốc gia đó phải chấp nhận). Các loại máy bay và máy chụp ảnh được sử dụng phải đáp ứng các quy định cụ thể. OST quy định rõ các loại máy chụp hình, vị trí chính xác gắn chúng trên máy bay, độ phân giải của chúng, đồng thời trên chuyến bay có cả đại diện của nước giám sát cũng như nước bị giám sát... Quốc gia được giám sát sẽ nhận thông báo trước chuyến bay 72 giờ, đường bay sẽ được gửi tới trước 24 giờ để nước này đề xuất sửa đổi. Hiệp ước cho phép các thành viên yêu cầu bản sao hình ảnh được chụp trong chuyến bay giám sát do nước khác thực hiện.

OST được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của OST là nhằm theo dõi thực trạng các quốc gia thành viên thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu) và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin.

Chính vì lẽ đó, mọi quốc gia thành viên còn lại của OST đều có lý do để cảm thấy bất an, khi lần lượt Mỹ và Nga từ bỏ các cam kết. Song, về chuyện này, cũng cần phải nói rằng Nga đã tỏ ra thiện chí, cho đến khi không còn hy vọng.

Thực tế, Nga và Mỹ là hai chủ thể đáng chú ý nhất trong OST. Bởi vậy, Moscow cũng như Washington đã luôn cáo buộc lẫn nhau, về chuyện vi phạm các cam kết.

Nước Mỹ đã rời bỏ OST trước.

Tháng 5-2020, cho rằng phía Nga liên tục vi phạm thỏa thuận - như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, hay Nga lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu nhằm xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh - chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước và đã hoàn tất ngày 22-11-2020.

Tháng 1-2021, Nga cũng thông báo bắt đầu các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước, viện dẫn lý do “thiếu tiến bộ” trong việc duy trì OTS sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này. Tuy vậy, Điện Kremlin vẫn cố gắng chờ đợi ông chủ mới của Nhà Trắng Joe Biden “suy nghĩ lại” và đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm. Có đôi lúc, tia hy vọng ấy đã lại lóe lên, như hồi tháng 2-2021, khi phía Mỹ tuyên bố “cân nhắc về khả năng trở lại Hiệp ước Bầu trời mở”.

Song, rút cục, ngày 28-5-2021, lời khước từ cuối cùng cũng đã được đưa ra dứt khoát. “Mỹ không có ý định tìm cách tham gia trở lại hiệp ước này, do Nga không có hành động nào để trở lại tuân thủ hiệp ước”, như tuyên bố từ các nhà ngoại giao của Washington.

Những quân bài trong tay áo

Cùng ngày 28-5, ngay sau khi Washington tuyên bố như vậy, Moscow quyết định hoàn tất những công việc còn dang dở. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, động thái của Mỹ sẽ “không tạo được bầu không khí có lợi cho các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí”, trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Vào thời điểm đó, cuộc gặp thượng đỉnh ấy cũng đã được “lên lịch” là ngày 16-6-2021 với sự “vào guồng” của các bộ phận có nhiệm vụ chuẩn bị, tổ chức.

Và nước Nga có lý do để không ở lại với OST.

Cũng theo ông Sergei Ryabkov, nước Nga “thất vọng về việc Mỹ không tham gia trở lại OST”. Song, trước đó, từ ngày 19-5, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí thông qua dự luật đưa nước Nga rút khỏi OST, nghĩa là đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Dự luật ấy nêu rõ:  “Hiệp ước Bầu trời mở củng cố đáng kể lòng tin trong lĩnh vực quân sự, song quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước này đã làm lung lay cán cân lợi ích quốc gia của các nước tham gia, đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Liên bang Nga”.

Vậy nên, ngày 2-6, với 152 phiếu thuận, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cũng thông qua luật rút khỏi OST. Và ngày 7-6, Tổng thống Nga hoàn tất các thủ tục.

Như vậy, sau những diễn biến này, giữa Nga và Mỹ chỉ còn tồn tại duy nhất một thỏa thuận kiểm soát vũ khí của nhau: Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - vừa được cả hai phía gia hạn hồi đầu năm nay.

Nhưng, như vậy, cũng có nghĩa là lại xuất hiện rất nhiều “dư địa” để ngành ngoại giao của cả hai phía thiết lập những cuộc thảo luận, hướng tới những cuộc đàm phán và thỏa thuận với nhau về những nhượng bộ có thể chấp nhận.

Các quốc gia thành viên OST.

Cho dù khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden có tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với Nga thì ở một khía cạnh khác, ông lại tỏ ra “cởi mở” với những định chế đối ngoại đa phương hơn người tiền nhiệm. Trong khi đó, không nên bỏ qua thực tế là một cuộc chạy đua vũ trang vào thời điểm hiện tại - khi đại dịch COVID-19 đang làm ngưng trệ, tê liệt hoặc ảnh hưởng nặng nề đến mọi nền kinh tế trên thế giới - sẽ không khiến bất cứ ai cảm thấy dễ chịu.

Chính bởi vậy, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ ngày 16-6 tới nhiều khả năng sẽ có những cuộc trao đổi quan trọng (nhưng chưa chắc đã được công khai) bên lề. Việc Mỹ từ chối quay lại với OST bị phía Nga đánh giá là động thái tiêu cực, thậm chí là một “sai lầm chính trị” ngay trước thềm cuộc hội đàm quan trọng ấy nhưng nó cũng chính là một tiền đề đối thoại giữa hai cường quốc, nhằm cùng có được những thành tựu ngoại giao mới.

Bên cạnh đó, ở vị thế của họ, dĩ nhiên cả Mỹ lẫn Nga đều không thể tỏ ra sẵn sàng “xuống thang trước”, ít nhất là trước “bàn dân thiên hạ”. Ngược lại, bất cứ động thái cứng rắn nào cũng là điều cần thiết, nhằm “tạo thế” trên bàn đàm phán.

Có lẽ vì thế mà vào thời điểm này, cả hai bên vẫn đang “diễu võ giương oai”. NATO vẫn tổ chức tập trận gần biên giới Nga nhưng vẫn kêu gọi đối thoại. Đồng thời, các nước vừa là thành viên NATO, vừa tham gia OST cũng khẳng định các cơ chế duy trì và củng cố niềm tin đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Ngược lại, Điện Kremlin nhấn mạnh: “Điều rất hiển nhiên là Mỹ không thay đổi chính sách trừng phạt. Trên thực tế, họ đã đưa ra hơn 90 lệnh trừng phạt. Đây rõ ràng là một vòng luẩn quẩn mà về mặt lý thuyết nên bị bãi bỏ, bởi các lệnh trừng phạt không đóng góp cho việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào”. Người phát ngôn Dmitry Peskov cũng không quên nhắc nhở: “Một cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau là công cụ ngoại giao duy nhất có tác dụng với Moscow”.

Và đừng quên, ngày 4-6, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint Petersburg, khi một lần nữa thẳng thừng về chuyện mối quan hệ Nga - Mỹ “đang ở mức thấp”, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nêu rõ: Hai bên cần tìm biện pháp bình thường hóa các mối quan hệ.

Trên các vùng trời Nga - Mỹ, một “Bức màn sắt” đã tạm thời sập xuống, như quãng thời gian Chiến tranh Lạnh. Song, không phải là không còn khe hở nào...
Mây Linh
.
.