Kịch bản mới cho nỗi đau cũ

Chủ Nhật, 27/10/2019, 11:17
Số phận của người Kurd ở Syria đang được đặt lên bàn cân của các cường quốc. Mới đây nhất, sau khi Mỹ quay lưng, có nhiều đồn đoán về việc một số nhóm tuyên bố “đổi phe”, đứng về phía Damascus và Moscow. Nhưng, thời khắc đảo lộn địa chính trị ở khu vực này một lần nữa lại tái hiện, chỉ khác là một nạn nhân mới trong một kịch bản mới với những nỗi đau cũ.

Quân bài "hết hạn"

Ngày 7-10, quân đội Mỹ vừa mới rút đi thì ngày 9-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố đưa quân vượt biên giới tấn công căn cứ của người Kurd ở miền Bắc Syria. Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc: Các nước châu Âu lần lượt lên án, các nước Arab không ngừng chỉ trích, Mỹ ban đầu nhắm mắt làm ngơ, sau đó đe dọa hủy hoại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không hoang mang trước sức ép của dư luận quốc tế. Thậm chí, ông Erdogan còn cảnh báo châu Âu không nên gọi chiến dịch quân sự này là xâm lược, nếu không sẽ chuẩn bị đón nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria.

Có phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn thông qua việc tấn công quân sự để thực hiện 2 mục tiêu lớn là xóa sổ lực lượng vũ trang người Kurd và trút bỏ gánh nặng người tị nạn Syria nhưng vấn đề Syria vô cùng phức tạp, các thế lực bên ngoài và trong khu vực có những toan tính riêng, nền hòa bình mà người dân địa phương trông chờ e rằng rất xa vời.

Người Kurd "bơ vơ" sau khi Mỹ quay lưng. Ảnh: aljazeera.

Có nhà phân tích cho rằng tấn công người Kurd chỉ là mục tiêu ngụy trang chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan không bao giờ từ bỏ chiến lược Trung Đông đầy tham vọng của mình.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến dịch này đang diễn ra thuận lợi theo kế hoạch, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công 181 “cơ sở khủng bố” của người Kurd với mục đích của chiến dịch này là dập tắt ý đồ thiết lập “hành lang khủng bố” ở biên giới miền Nam của lực lượng vũ trang người Kurd, mang lại nền hòa bình cho khu vực. Hành động xem ra có vẻ bất ngờ nhưng thực tế không phải vậy. Dư luận hoài nghi rằng tại sao Thổ Nhĩ Kỳ đối kháng với lực lượng vũ trang người Kurd đến vậy?

Có phân tích cho rằng điều này khởi nguồn từ mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd. Trong 80 triệu dân số Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd chiếm khoảng 15%. Nhưng mười mấy năm trở lại đây, đảng Công dân người Kurd (PKK) hoạt động mạnh mẽ trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ luôn là mối lo ngại lớn của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bị chính phủ nước này coi là tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria là chi nhánh ngoài biên giới của PKK, đồng thời cũng là tổ chức khủng bố, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và sự ổn định xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, so với năm 2018, sự khác biệt của chiến dịch lần này là nó đã thu hút sự chú ý hiếm thấy của cộng đồng quốc tế. Có bình luận cho rằng điều đó có liên quan tới thời cơ của chiến dịch. Một phần quân đội Mỹ vừa mới rút đi thì Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức triển khai chiến dịch, trước đó ông Trump và ông Erdogan còn điện đàm với nhau và điều này khiến người ta không khỏi hoài nghi rằng ông Trump đã ngầm “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ xuất quân.

Thêm vào đó, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có ý cùng thành lập “vùng an toàn” ở Syria nhưng do một số vấn đề chi tiết nên cuối cùng không thể đàm phán thành công, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tự mình hành động. Hiện nay, việc Mỹ rút quân đã phát huy tác dụng, Thổ Nhĩ Kỳ đã chớp lấy cơ hội thoáng qua này.

Song, nhìn từ tầm vĩ mô, tại sao Mỹ muốn trao cơ hội này cho Thổ Nhĩ Kỳ? Hãy nhìn từ “vùng an toàn”. Đây là mục tiêu trực tiếp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, như vậy vừa có thể tấn công lực lượng vũ trang người Kud, vừa có thể tạo điều kiện trút bỏ gánh nặng người tị nạn, đồng thời cũng có thể ngăn chặn tàn binh của Nhà nước Hồi giáo (IS) chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy Thổ Nhĩ Kỳ mất bao lâu để có thể thực hiện được mục tiêu này?

Chưa thể biết được Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp phải những khó khăn và tổn thất như thế nào. Nếu kiểm soát được thì làm thế nào để giải quyết ổn thỏa những vấn đề còn sót lại? Trong thời gian ngắn, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể xây dựng được hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của một lượng lớn người tị nạn trong “vùng an toàn”, xây dựng “vùng an toàn” như thế nào, cộng đồng quốc tế tham gia ra sao? Đây sẽ là một công trình mang tính hệ thống cực kỳ phức tạp.

Người Kurd tại Syria đang ở vào thế khó, đi cũng dở, ở không xong. Ảnh: foreignpolicy.

Đồng thời, không thể xem thường năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria. Xét về số lượng, lực lượng vũ trang người Kurd có khoảng 40.000 binh lính được vũ trang, ngoài ra còn có hàng chục nghìn “nhân viên an ninh” được trang bị vũ khí. Về trang bị vũ khí, mặc dù Mỹ không cung cấp nhưng lực lượng vũ trang người Kurd vẫn có được các loại vũ khí như tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai từ “các kênh khác”.

Ngoài ra, hiện nay khu vực miền Bắc Syria vẫn đang giam giữ khoảng 10.000 tù binh IS, lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria có thể thả, thậm chí vũ trang cho những tù binh này. Nếu tình hình chiến sự kéo dài, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu áp lực rất lớn về tiếp tế hậu cần, kinh tế trong nước và dư luận quốc tế. 

Tam giác chết

Sau khi cuộc tấn công xảy ra, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố đã dàn xếp một “thỏa thuận ngừng bắn” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở Syria, song không ai hoàn toàn đồng tình với phát biểu này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh “đó không phải là thỏa thuận ngừng bắn, đó chỉ là điểm tạm dừng trong chiến dịch”.

Theo thông cáo chung Mỹ-Thổ sau cuộc họp, hai bên nhất trí thiết lập “vùng an toàn” do “Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập” với sự hợp tác từ phía Mỹ. Người Kurd sẽ rút khỏi khu vực dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, dỡ bỏ các công sự và giao nộp vũ khí hạng nặng. Tướng Mazloum “Kobani” Abdi, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) phát biểu trên kênh truyền hình người Kurd rằng lực lượng này chấp thuận một lệnh ngừng bắn có giới hạn tại Ras al-Ayn và Tel Abyad, song sẽ không chấp nhận sự hiện diện thường trực của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Nhà nghiên cứu Nicholas Heras, làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, bình luận: “Theo các điều khoản trong thỏa thuận mà Phó Tổng thống Pence nỗ lực giành được, SDF về cơ bản sẽ phải trao quyền kiểm soát những khu vực then chốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và buộc phải tự nguyện rời khỏi mảnh đất quê hương để tới những khu vực khác...”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan quyết tranh thủ cơ hội Mỹ rút quân khỏi Syria để giải quyết vấn đề người Kurd. Ảnh: washingtontimes.

Có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ “phản bội” đối tác gần gũi, đã khiến nhiều người tức giận. Một đồng minh của Tổng thống Trump, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phản đối quyết định rút quân mà người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra. Hơn 100 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch này. Tuy nhiên, quyết định rút quân lại được xem là “chiến thắng” đối với phe diều hâu ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giống như phần lớn Trung Đông, đang dần hiểu được câu thành ngữ "gậy ông đập lưng ông". Việc người Thổ từ chối công nhận các quyền của người Kurd, vốn được cho là chiếm tới 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ, bắt nguồn từ khi ông Mustafa Kemal (còn được biết đến rộng rãi với cái tên Ataturk), thành lập ra nước Thổ hiện đại từ sự sụp đổ của đế chế Ottoman. Đây là một nỗ lực của ông nhằm củng cố bản sắc dân tộc cho một đất nước có nhiều sắc tộc.

Trong suốt nửa thế kỷ sau đó, cho tới khi tiếp nhận dòng chảy hàng trăm nghìn người Kurd Iraq cuối những năm 80 và đầu những năm 90 thế kỷ trước cũng như tuyên bố năm 1991 của Mỹ, Anh và Pháp về việc thiết lập một vùng cấm bay ở miền Bắc Iraq đã giúp hình thành nên một khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq, làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Thổ Nhĩ Kỳ về người Kurd và thúc đẩy chính phủ ở Ankara gọi người Kurd là người Kurd thay vì là người Thổ miền núi như trước đây.

Sự tồn tại gần 30 năm của một chính quyền khu vực của người Kurd ở miền Bắc Iraq và cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức năm 2017 mà kết quả là đa số áp đảo đã bỏ phiếu ủng hộ sự độc lập của người Kurd Iraq - bị bác bỏ và cuối cùng bị vô hiệu hóa vì sự phản đối của Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - đã không thể làm thay đổi căn bản thái độ của người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý này khiến quan hệ giữa người Kurd Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi chỉ trong một thời gian ngắn, thì nó đã không thể làm suy yếu nhận thức cơ bản về mối quan hệ này, điều có lẽ đã có thể chỉ dẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ cách tiếp cận với người Kurd ở Syria cho dù việc đối phó với người Kurd Iraq có thể sẽ dễ dàng hơn vì, không giống như người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, họ không cam dự vào các hoạt động bạo lực chính trị chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía người Kurd, lãnh đạo quân sự PKK, Cemil Bayik, từng nói với BBC cách đây 3 năm rằng "chúng tôi không muốn ly khai khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và thành lập một nhà nước. Chúng tôi muốn sống tự do trên chính mảnh đất của chúng tôi bên trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".

Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ vào năm 2015, trong bối cảnh cuộc chiến tại Syria đang diễn ra và chi nhánh ở Syria của PKK, Các đơn vị Bảo vệ nhân dân (YPG), nổi lên trở thành một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối liên minh Mỹ-YPG, đồng thời yêu cầu PKK phải chấm dứt các tấn công nhằm vào các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ và phải từ bỏ vũ khí trước khi tiếp tục tiến hành đàm phán.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại việc các cuộc đàm phán đổ vỡ và PKK tiếp tục nối lại các hoạt động bạo lực bằng một cuộc đàn áp tàn bạo ở miền Đông Nam nước này và nhằm vào đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd.

Mối quan hệ giữa người Kurd Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một lực lượng người Kurd Iraq đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 để giúp ngăn chặn IS xâm chiếm thành phố Kobani của Syria. Sonar Cagaptay, một nhà nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 8 vừa qua đã nói rằng một vùng an toàn sẽ giúp "sắp xếp lại mối quan hệ giữa PKK của Thổ Nhĩ Kỳ và chi nhánh ở Syria của tổ chức này...

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm truy đuổi người Kurd tại Syria. Ảnh: france24.

Những dàn xếp về vùng an toàn giúp thu hẹp sự hiện diện của YPG dọc theo biên giới - một điểm khởi đầu tốt đẹp để kiềm chế PKK, cải thiện quan hệ của Mỹ với Ankara và tránh một cuộc can thiệp hủy diệt của Thổ Nhì Kỳ vào Syria". Tuy nhiên, cơ hội để tạo ra sự khởi đầu cho một giải pháp bền vững có khả năng có lợi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã không còn nữa khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút binh lính Mỹ khỏi miền Bắc Syria.

Các chuyên gia nhận định việc người Kurd ở Bắc Syria bị “bỏ rơi” đã làm gia tăng những nghi ngờ vốn đã tồn tại trong khu vực và trên thế giới về việc Mỹ có còn là đồng minh tin cậy hay không. Có nhiều lý do để tin rằng tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc rút lính Mỹ khỏi miền Bắc Syria và bỏ mặc người Kurd trước nguy cơ bị tấn công quân sự là một quyết định tồi tệ. Người Kurd từng là đối tác chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Quyết định kể trên cũng tạo ra nhiều điều kiện cho phép hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn phần tử khủng bố IS tại những trại giam do người Kurd quản lí thoát ra và trỗi dậy khi có cơ hội. Vấn đề không còn là nếu, mà chỉ là khi nào Mỹ lại buộc phải quay trở lại Syria thực hiện chiến dịch chống khủng bố, một chiến dịch mà có lẽ Mỹ sẽ rất khó tìm được đối tác địa phương.

Người Kurd buộc phải hướng về Damascus trước mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ - một động thái đã cho phép chính quyền ông Bashar al-Assad (được Nga và Iran hậu thuẫn), tái khẳng định quyền kiểm soát ở nhiều vùng lãnh thổ. Mỹ đánh mất đi một trong những ưu thế quan trọng nhất có được để gây tác động đến kết cục chính trị ở Syria.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố Syria không quan trọng đối với an ninh của Mỹ, với lý luận Syria cách Mỹ hàng nghìn dặm. Nhưng người Mỹ qua sự kiện 11-9-2001 đã nhận ra một thực tế rằng khoảng cách không phải là “lời bảo đảm” cho an toàn. Tương tự, bệnh truyền nhiễm, tác động biến đổi khí hậu và những nỗ lực nhằm can thiệp kết quả bầu cử sẽ không dừng ở biên giới quốc gia.

Nhiều chuyên gia tình báo Mỹ lo ngại, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang "dọn cỗ" cho Tổng thống Vladimir Putin để Nga thay Mỹ nắm vai trò quyết định trong "mớ bòng bong" Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoa Huyền
.
.