Mỹ - Cuba: Nối lại bang giao sau 53 năm gián đoạn

Thứ Hai, 05/01/2015, 17:15
Quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã chấm dứt 53 năm thù địch giữa hai quốc gia. Vì sao Washington đột ngột thay đổi chính sách với La Habana và liệu đây có phải là một sự khởi đầu hoàn toàn mới cho quan hệ giữa hai nước?

Một cách ứng xử văn minh hơn

Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama từ Washington và Chủ tịch Cuba Raul Castro từ La Habana cùng lúc nói chuyện với dân chúng, thông báo Mỹ - Cuba nối lại bang giao đã gián đoạn 53 năm, kể từ tháng 1/1961.

Theo lời tuyên bố của Tổng thống Obama tại Nhà Trắng: “Hơn 50 năm qua đã chứng tỏ rằng cô lập không có hiệu quả và bây giờ đến lúc phải có một đường hướng mới”.

Nói chuyện trên truyền hình tại Cuba, Chủ tịch Raul Castro cho biết dù vẫn  còn nhiều bất đồng quan điểm sâu sắc giữa hai nước, bây giờ cần thiết phải “ứng xử một cách văn minh hơn”.

Chủ tịch Raul Castro của Cuba và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng lúc nói chuyện với dân chúng qua truyền hình ngày 17/12/2014 về kế hoạch khôi phục quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba, sau 53 năm bị cắt đứt kể từ tháng 1/1961.

Tái lập bang giao giữa Mỹ và Cuba là một sự kiện được thông báo đột ngột, mặc dù từ lâu đã có dự tính và những thương lượng. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter có ý muốn này ngay sau khi nhậm chức năm 1977 và đã thương thuyết trao đổi tù binh bị bắt trong vụ Vịnh Con Lợn năm 1961. Nhưng tiếp đó là những bất đồng ý kiến đối với việc Cuba gửi phái bộ quân sự qua châu Phi và tình hình căng thẳng do làn sóng dân tị nạn Cuba đổ bộ vào Mỹ, mọi tiếp cận ngừng hẳn khi Tổng thống Ronald Reagan đắc cử năm 1980.

Ngày 16/12/2014, Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro điện đàm trong 45 phút để xác định các thỏa hiệp đã đạt được qua 18 tháng mật đàm do Canada và Tòa thánh Vatican đứng làm trung gian. Đây là những thảo luận cuối cùng trước khi hai nguyên thủ đưa ra thông báo bình thường hóa quan hệ.

Một trong những điều kiện tiên quyết khác cho việc bình thường hóa quan hệ là việc trao trả tù binh giữa Mỹ - Cuba. Ngày 17/12, Cuba đã trả tự do cho Alan Gross, công dân Mỹ, bị Cuba giam giữ từ 5 năm qua. Năm nay 65 tuổi, ông Gross làm việc cho Tổ chức USAID, đã bị La Habana kết án tù với tội danh làm gián điệp. Đổi lại, 3 người Cuba đang bị giam giữ tại Mỹ được tự do cùng ngày.

3 người Cuba được Mỹ phóng thích thuộc trong số 5 người bị bắt ở Florida năm 1998 và bị truy tố về tội gián điệp, âm mưu xâm nhập các căn cứ quân sự kể cả Bộ Tư lệnh Miền Nam của quân lực Mỹ và các cơ quan ở Florida. Theo Cuba thì 5 người này không có hành động xâm phạm chủ quyền Mỹ và nhiệm vụ của họ là nhằm ngăn chặn các tổ chức tị nạn quá khích hoạt động tấn công khủng bố về Cuba...

Trong nhiều năm, Cuba đã mở chiến dịch vận động cho 5 công dân của mình. Rene Gonzalez, mang quốc tịch Mỹ và Cuba, được thả năm 2011 khi mãn án tù 13 năm và được trở về Cuba năm 2013 với điều kiện từ bỏ quốc tịch Mỹ. Fernando Gonzalez bị tù hơn 15 năm, được trả tự do tháng 2/2014 và trục xuất về Cuba.

Ba người còn lại, Antonio Guerrero, Ramon Labanino, Gerardo Hernandez, án tù từ 20 năm đến chung thân, được phóng thích cùng lúc với việc Cuba trả tự do cho Alan Gross.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro tại lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, tháng 12/2013.

Điều kiện cần và đủ

Vai trò của Canada và Tòa thánh Vatican cũng được nhắc tới trong sứ mệnh lịch sử này. Đầu mùa hè năm 2014, Giáo hoàng Francis đã gửi nhiều thư riêng cho ông Obama và ông Castro, thúc giục 2 nguyên thủ trao đổi tù nhân và cải thiện quan hệ. Khi đón tiếp Tổng thống Mỹ tại Vatican hồi cuối tháng 3, mật đàm với Cuba là tâm điểm trong các cuộc thảo luận giữa Giáo hoàng và ông Obama.

Nhờ có Đức Giáo hoàng và những cộng sự thân cận của ngài, như cựu đại diện của Giáo hoàng tại Cuba hay Quốc vụ khanh, Hồng y Pietro Parolini, một nhà ngoại giao lão luyện tinh tế, mà hồi tháng 10/2014, Vatican đã kín đáo tổ chức và đón tiếp một cuộc gặp mang tính chất quyết định giữa đại diện chính quyền Mỹ và Cuba tại Canada, quốc gia vẫn duy trì quan hệ với Cuba.

Theo giới quan sát, Tổng thống Obama chọn một thời điểm thuận lợi để bất ngờ đưa ra quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba. Chắc chắn một số nhà lập pháp Mỹ gốc Cuba sẽ chống đối. Nhưng bây giờ Quốc hội sắp nghỉ lễ và tới tháng 1/2015, đảng Cộng hòa mới kiểm soát cả hai viện. Thêm nữa, dư luận Mỹ muốn mở cửa với Cuba đang có chiều hướng thuận lợi và có lẽ những luận điệu chống đối chỉ là cho có lệ.

Về mặt cá nhân, sau khi đảng Dân chủ mất đa số ghế ở Quốc hội, Tổng thống Obama phải chuẩn bị trước một tình thế khó khăn. Ông không muốn 2 năm cuối nhiệm kỳ trở nên bất động và muốn để lại nhiều di sản trong sự nghiệp của mình. Ðiều này thể hiện qua việc đã sử dụng quyền của hành pháp cho nhiều vấn đề từ di dân tới môi trường, thỏa hiệp khí thải với Trung Quốc và bây giờ là bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Trong lời phát biểu với người dân Mỹ, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, ông vẫn quan tâm sâu sắc về thành tích nhân quyền của Cuba nhưng không tin đường lối mà Mỹ đã thi hành trong nửa thế kỷ sẽ có hiệu lực gì trong việc tạo ra sự thay đổi của chính quyền Cuba.

Có thể nói quyết tâm chính trị bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba được cả hai phía bày tỏ. Tháng 12/2013, Tổng thống Obama đã gặp và bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro tại buổi lễ ca ngợi những cống hiến của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Hơn 50 năm sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, việc hai người đứng đầu hai nhà nước gặp nhau là điều vô cùng hiếm thấy, nếu không muốn nói là lịch sử.

Từ trước đến nay, các giới chức ngoại giao Mỹ bao giờ cũng sắp xếp làm sao để Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Nhà nước Cuba không phải chạm mặt nhau. Cái bắt tay giữa ông Obama và ông Castro là lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba, kể từ khi Tổng thống Bill Clinton bắt tay Chủ tịch Fidel Castro tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi năm 2000. Chuyện xảy ra tại Nam Phi là một tia hy vọng, đó là một dấu hiệu cho thấy có tiến triển trong quan hệ giữa hai nước, dù là rất nhỏ.

Trong diễn văn mới đây đọc trước Quốc hội, Chủ tịch Raul Castro, nói: “Nếu thực sự muốn cải thiện quan hệ song phương, chúng ta cần phải biết tôn trọng những khác biệt của nhau và phải quen sống hòa bình với những khác biệt đó. Bằng không (Cuba) sẵn sàng tiếp tục với tình trạng này thêm 55 năm nữa”.

Người dân Cuba đón mừng 3 tù nhân bị giam giữ ở Mỹ trở về, ngày 17/12.

53 năm thù hận

Cắt đứt mối bang giao và cấm vận Cuba đã kéo dài qua 10 đời tổng thống Mỹ và không đem lại kết quả gì cụ thể.

Mỹ công nhận chính quyền cách mạng Cuba do Fidel Castro và Raul Castro lãnh đạo ngay từ buổi đầu sau khi lật đổ Tổng thống Fulgencio Batista do Mỹ hậu thuẫn, nhưng mối quan hệ xấu dần khi Mỹ mạnh mẽ phê phán việc xét xử kiểu tòa án nhân dân để hành quyết hàng loạt những phần tử trung thành với chế độ cũ.

Năm 1960, Cuba quốc hữu hóa các xưởng lọc dầu và tiếp đó tất cả các cơ sở kinh doanh khác của Mỹ. Tháng 10/1960, chính quyền Tổng thống Eisenhower ban hành lệnh cấm vận hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Cuba. Ðầu năm 1961, chính quyền Tổng thống Kennedy cắt dứt quan hệ ngoại giao với Cuba.

Ba tháng sau, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố Cuba là một nước xã hội chủ nghĩa, một ngày trước khi Mỹ trực tiếp yểm trợ cho các đơn vị quân nổi dậy đổ bộ vào Vịnh Con Lợn. Hành động quân sự lật đổ Fidel Castro thất bại và nhiều âm mưu ám sát Fidel Castro do CIA bí mật tổ chức cũng bất thành.

Tháng 10/1962, Cuba cho Liên Xô đặt các giàn tên lửa chiến lược trên đất nước mình và sự việc này có nguy cơ biến Chiến tranh lạnh thành chiến tranh nguyên tử. Hải quân Mỹ được lệnh phong tỏa Cuba và Tổng thống Kennedy chấp thuận cho phép đổ bộ tấn công nếu cần, nhưng cuối cùng Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba. Không khí chiến tranh hạt nhân nhờ đó tan biến, nhưng từ đó Cuba hoàn toàn bị cô lập.

Các biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba trong suốt 53 năm qua đã khiến nền kinh tế của quốc đảo này thiệt hại hơn 100 tỉ USD. Số liệu trên được công bố trong một bản báo cáo của La Habana chuẩn bị trình lên Đại hội đồng LHQ ngày 10/9/2014, yêu cầu thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cuba mà Chính phủ Mỹ áp đặt từ năm 1961 đến nay.

Trong bản báo cáo của Cuba chuẩn bị trình lên Đại hội đồng LHQ, Cuba cho biết, chỉ riêng trong năm vừa qua, các biện pháp cấm vận của Mỹ đã khiến Cuba thiệt hại 3,9 tỉ USD trong giao thương với nước ngoài, nâng tổng số thiệt hại cho nền kinh tế nước này trong suốt 53 năm qua lên 116,8 tỉ USD. Trong suốt 22 năm qua, Đại hội đồng LHQ đều thông qua nghị quyết với sự ủng hộ gần như tuyệt đại đa số kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Cuba.

Trong cuộc bỏ phiếu năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ nghị quyết này là 188 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống của Mỹ và Israel. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc về pháp lý, mà chỉ phản ánh quan điểm của các nước thành viên LHQ về các vấn đề nóng hổi của tình hình quốc tế, vì vậy Washington vẫn duy trì lệnh trừng phạt La Habana.

Sự kiện Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ đã được cả thế giới hoan nghênh, đặc biệt là tại châu Mỹ và châu Âu. Giáo hoàng Francis là người đầu tiên lên tiếng hoan nghênh “quyết định lịch sử”.

Thủ tướng Stephen Harper của Canada, quốc gia cũng đã từng đón tiếp các lãnh đạo cao cấp của Mỹ và Cuba kể từ tháng 6/2013, hoan nghênh Washington và La Habana về cuộc đối thoại và các cuộc đàm phán giữa hai bên, cho phép dẫn đến bình thường hóa quan hệ. Canada là một trong số hiếm hoi các quốc gia châu Mỹ đã không cắt đứt quan hệ với Cuba sau cuộc cách mạng năm 1959.

Các nước Mỹ Latinh cũng đã hoan nghênh bước “tiến đến hòa bình” tại châu lục này. Liên minh châu Âu cũng đang cố nối lại quan hệ bị đình chỉ từ năm 2003 với Cuba, thì hoan nghênh “bước ngoặt lịch sử”, biểu hiện cho “thắng lợi của đối thoại thay vì đối đầu”.

Trong khi đó, qua lời Ngoại trưởng Laurent Fabius, Pháp tỏ ý hy vọng là sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba sẽ nhanh chóng dẫn đến việc bãi bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với La Habana.

Khó khăn còn ở phía trước

Sau khi người dân hai nước ăn mừng ngày phá bỏ “xiềng xích”, công việc sắp tới của Chính phủ Mỹ sẽ gồm: (1) Xem xét lại việc coi Cuba là một Nhà nước tài trợ khủng bố; (2) Nới lỏng lệnh cấm vận du lịch đến Cuba đối với công dân Mỹ; (3) Nới lỏng các hạn chế về tài chính đối với Cuba, các thẻ tín dụng của Mỹ được phép chi tiêu tại Cuba; (4) Tăng cường các liên lạc, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước; (5) Gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài từ năm 1961 đến nay.

Sự thay đổi này được Cuba đón nhận một cách thận trọng hơn, với tuyên bố của Chủ tịch Raul Castro, nhấn mạnh điều này không có nghĩa là vấn đề chính đã được giải quyết, mà lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính gây ra những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và người dân Cuba cần phải chấm dứt.

Trong bài diễn văn hôm 17/12, ông Raul Castro đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã vẫn trung thành với những người đã ngã xuống để bảo vệ những nguyên tắc độc lập”. Chủ tịch Cuba còn khẳng định rằng lập trường của La Habana đối với Washington đã không thay đổi chút gì so với thời Fidel Castro.

Thậm chí, trong cuộc họp Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Vịnh Caribê, hồi tháng 1/2014 ở Cuba, ông Raul Castro đã huy động được toàn bộ khối này thông qua một nghị quyết lên án Mỹ. Các nước này cũng đã dọa sẽ tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ vào tháng 4/2015 ở Panama, nếu Cuba tiếp tục bị Washington cô lập.

Sự thận trọng này là có cơ sở, bởi Tổng thống Obama sẽ phải cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội để dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cuba. Đây sẽ là một sứ mệnh khó khăn trong bối cảnh cả hai viện Quốc hội Mỹ hiện đều do đảng Cộng hòa kiểm soát, và một số nghị sĩ chủ chốt của đảng Cộng hòa vẫn phản đối bất kỳ sự tan băng nào dù là nhỏ nhất trong quan hệ với Cuba.

Tuy nhiên, giới phân tích dự báo: mặc dù sự chỉ trích từ Quốc hội Mỹ hiện đang khá gay gắt, nhưng xu hướng chung trong thời gian tới sẽ là khá thuận lợi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba. Thỏa thuận của ông Obama với Cuba nhiều khả năng sẽ được để lại cho người kế nhiệm hoàn tất sau năm 2016.

Mộc Thạch - Đan Kô (tổng hợp)
.
.