Nguy cơ khủng hoảng từ vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích

Thứ Năm, 18/10/2018, 20:34
Nhà báo đối lập người Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi, đã mất tích hơn 10 ngày kể từ hôm ông đến lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) làm giấy tờ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ dường như tin rằng nhà báo Khashoggi đã bị sát hại, thậm chí còn khẳng định có chứng cứ về vụ án mạng.

Những tình tiết xung quanh vụ án này đang khiến cả Trung Đông chao đảo. Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Những giả thuyết đặt ra

Cuộc điều tra về nguyên nhân nhà báo Khashoggi (mang quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ) đã mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn đang tiếp diễn, với việc một phái đoàn của Saudi Arabia tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-10 để làm việc với nhà chức trách nước này nhằm làm sáng tỏ vụ việc.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu ngày 13-10 yêu cầu nhà chức trách Saudi Arabia cho phép các nhà điều tra khám xét lãnh sự quán của nước này ở Istanbul. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ dường như tin rằng nhà báo Khashoggi đã bị sát hại, thậm chí còn khẳng định có chứng cứ về vụ án mạng.

Theo hãng tin Reuters, báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin tin cậy từ cơ quan tình báo của Ankara cho biết nhà báo Khashoggi đã kích hoạt chức năng ghi âm của đồng hồ kết nối mạng Apple Watch trước khi vào lãnh sự quán. Chiếc đồng hồ được kết nối và đồng bộ hóa với điện thoại iPhone của ông và ông đã đưa chiếc điện thoại đó cho vợ sắp cưới trước khi vào lãnh sự quán.

Nhiều người mang chân dung nhà báo Khashoggi biểu tình trước Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Ảnh: Reuters.

Báo Sabah còn cho biết các nhân viên tình báo của Saudi Arabia phát hiện ra điều đó sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại và đã dùng dấu vân tay của ông để truy cập vào đồng hồ Apple Watch của nhà báo này, đồng thời xóa một số dữ liệu nhưng vẫn còn lại một số đoạn ghi âm đã được gửi về chiếc điện thoại iPhone mà vợ sắp cưới của ông cầm.

Từ Istanbul, phóng viên của đài RFI Anne Andlauer cho biết: “Từ nhiều ngày nay, nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ẩn danh khẳng định với truyền thông trong nước và quốc tế là họ có băng ghi âm cho thấy Jamal Khashoggi bị tra tấn và giết hại bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul. Nếu những chứng cớ như vậy tồn tại, câu hỏi đặt ra là bằng cách nào nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ có được các băng ghi âm đó?

Nhật báo Sabah thân chính phủ khẳng định Jamal Khashoggi đã dùng đồng hồ kết nối mạng Apple Watch ghi âm cuộc xét hỏi và tải băng ghi âm về tài khoản iCloud và điện thoại iPhone mà trước đó ông đã đưa cho vợ sắp cưới.

Tuy nhiên, có nhiều nghi vấn quanh giả thuyết này: Nếu giả định là có cuộc xét hỏi, liệu nhà báo này có đồng hồ Apple Watch trên người khi bị xét hỏi? Nếu có, liệu ông ấy có thể ghi âm buổi tra xét hay không? Liệu ông ấy có thời gian và biết cách gửi các đoạn băng ghi âm không?

Ngoài ra, cũng có nhiều giả thuyết khác. Một số phương tiện truyền thông cho rằng Ankara cài máy ghi âm bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia. Dù có bằng chứng âm thanh hay không, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đề nghị được khám xét tòa nhà, điều mà hiện chính quyền Riyadh vẫn khước từ.

Số phận nhà báo Jamal Khashoggi vẫn là dấu hỏi!

Về giả thiết nhà báo này bị giết, báo Le Monde phân tích thông tin cho thấy rất có thể ông Jamal Khashoggi đã bị sát hại một cách dã man. Nhóm đặc nhiệm Saudi Arabia phân thành 2 tổ, một tổ có 9 người và một tổ khác có 6 người, tới Istabul bằng đường hàng không trong đêm trước ngày họ ra tay. Một nhóm đi theo máy bay tư nhân, còn nhóm kia đi bằng đường hàng không thương mại.

Mỗi nhóm tạm trú tại một khách sạn riêng và hình ảnh của họ đều được camera khách sạn ghi lại. Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau khi nhà báo Jamal Khashoggi vào lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul, một đoàn gồm nhiều xe ô tô rời lãnh sự quán.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên nguồn tin từ an ninh nước này, nhà báo đối lập đã bị giết. Vẫn theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ nhân viên của lãnh sự quán được cho nghỉ phép vào đúng ngày xảy ra vụ mất tích.

Việc chính quyền Riyadh có sát hại nhà báo đối lập hay không chắc chắn còn cần nhiều thông tin mới có thể kết luận. Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kì nói với hãng tin Reuters rằng thẩm định sơ bộ của cảnh sát là ông Jamal Khashoggi đã bị giết một cách có chủ ý bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia. Tuy nhiên, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng để ngỏ cho chính quyền Riyadh “một cánh cửa”.

Theo tờ Sabah thân với chính quyền Ankara, ông Jamal Khashoggi có thể chỉ bị gián điệp nước ngoài bắt cóc.

Những người bạn của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: itv.com.

Nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng quốc tế

Nhận định của báo Le Monde (Pháp) cho rằng vụ nhà báo Saudi Arabia - ông Jamal Khashoggi, nổi tiếng là một người chỉ trích Riyadh và chuyên viết bài bình luận cho báo The Washington Post, có thể trở thành một “cuộc khủng hoảng quốc tế”.

Le Monde dành nhiều trang mô tả các giả thiết về nghi án nhà báo chống chế độ Riyadh mất tích, cũng như thái độ lừng chừng của chính quyền nhiều quốc gia đồng minh với Saudi Arabia, trước hết là Mỹ.

Bài xã luận của Le Monde có tựa đề “Jamal Khashoggi: Sứ mệnh của sự thật”, trong đó lưu ý rằng vụ việc thoạt tiên có vẻ chỉ là một vụ án hình sự đơn thuần nhưng hiện giờ đang có nguy cơ biến thành một “cuộc khủng hoảng quốc tế” và đang được lãnh đạo các nước phương Tây theo dõi sát sao. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đề cập đến một vụ tạm giữ, rồi sau đó nhận định đây là một vụ bắt cóc và hiện giờ cho rằng đây là một chiến dịch thủ tiêu có quy mô, được chính quyền Saudi Arabia “đạo diễn”.

Các cáo buộc nói trên lúc đầu bị cho là phóng đại, thế nhưng, với các phát hiện mới lần lượt được các nhà điều tra đưa lên truyền thông, người ta ngày càng có xu hướng tin rằng có khả năng chính quyền Riyadh đứng sau vụ này, cho dù vẫn còn thiếu nhiều thông tin.

Le Monde ghi nhận thái độ dè dặt của chính quyền Pháp sau 6 ngày im lặng. Mãi đến ngày 8-10, Bộ Ngoại giao Pháp mới yêu cầu “làm sáng tỏ một cách nhanh chóng nhất có thể” về tình trạng của nhà báo mất tích nhưng không một lời nào đả động đến Riyadh. Lý do được nhiều người đưa ra: Saudi Arabia là quốc gia mua vũ khí chủ yếu của Paris.

Chỉ đến ngày 10-10, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi “cấp cao nhất” trong chính quyền đồng minh Riyadh giải thích về việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, Bộ Ngoại giao Pháp mới cho biết “đang tiếp xúc với phía Saudi Arabia”. Sau đó, ngày 12-10, trả lời France 24 và đài RFI, Tổng thống Pháp nhận định vụ nhà báo mất tích là rất “nghiêm trọng”, đồng thời khẳng định “cần phải tìm ra sự thật”.

Theo báo Le Monde, Paris và các đối tác châu Âu cần gây áp lực với Saudi Arabia để nước này chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul và nơi ở của Tổng lãnh sự Saudi Arabia. Châu Âu cũng phải yêu cầu Saudi Arabia cung cấp các hình ảnh camera chứng minh nhà báo Jamal Khashoggi, được Riyadh cho là đã rời khỏi lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul. Việc lãnh sự quán thanh minh hệ thống video bị mất điện là không thể chấp nhận.

Báo Le Monde cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần hậu thuẫn để Thổ Nhĩ Kỳ đi đến cùng trong “cam kết minh bạch”, dù cái giá phải trả là cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Saudi Arabia và Thái tử Mohammed Bin Salman. Le Monde nhắc lại rằng tự do báo chí đang trong xu hướng tồi tệ đi. Riêng tại châu Âu, kể từ đầu năm đến nay, đã có 3 nhà báo bị sát hại.

Nhà báo Slovakia Jan Kuciak, nữ phóng viên Malta Daphne Caruana Galizia và mới đây là nữ phóng viên Blugari Viktoria Marinova. Việc từ chối làm sáng tỏ nguyên nhân của các vụ nói trên chẳng khác nào “bật đèn xanh” cho những kẻ thù của tự do báo chí mặc sức hoành hành.

Trong khi đó tại Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ cho rằng Washington phải ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia nếu có đủ bằng chứng cho thấy nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán của Riyadh ở Istanbul. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối. Ông nói: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ tự làm hại mình nếu chúng ta làm điều đó (ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia). Nếu Riyadh không mua vũ khí của chúng ta, họ sẽ mua của Nga hoặc Trung Quốc”.

Mặc dù vậy, ông Trump tuyên bố sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” Saudi Arabia nếu tìm được bằng chứng chứng tỏ Riyadh sát hại nhà báo Khashoggi.

Nhưng, cũng phải cho tới ngày 13-10, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài CBS, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nói rằng Mỹ sẽ có “hình phạt nghiêm khắc” đối với Saudi Arabia nếu tìm được bằng chứng cho thấy nhà báo người Jamal Khashoggi bị giết tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul.

Người biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Saudi ở Istanbul. Ảnh: Washington Post.

Khi được hỏi liệu Thái tử Salman có ra lệnh giết ông Jamal Khashoggi hay không? Ông Trump trả lời: “Chưa thể kết luận điều gì nhưng có lẽ chúng tôi sẽ tìm ra sự thật”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của chương trình “60 Minutes” phát sóng ngày 14-10, ông Trump nêu rõ: “Chúng tôi (Mỹ) sẽ rất bất bình và tức giận nếu sự thật đúng là như vậy (nhà báo Jamal Khashoggi bị giết)”. Theo ông, vụ việc liên quan đến ông Khashoggi rất nghiêm trọng bởi “ông ấy là một nhà báo”.

Các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu đang thảo luận về khả năng đưa ra một thông cáo chung lên án Saudi Arabia nếu thực sự thông tin ông Khashoggi bị điệp viên Saudi Arabia ám sát được xác thực. Trước tình hình trên, Anh và Mỹ tuyên bố tẩy chay một hội nghị quốc tế lớn ở Saudi Arabia.

Một số nhà tài trợ và hãng truyền thông đã quyết định rút khỏi hội nghị đầu tư lớn được mệnh danh là “Davos của vùng sa mạc”, dự kiến diễn ra trong tháng 10 này, do lo ngại về số phận của nhà báo Khashoggi.

Các nguồn tin ngoại giao nói với phóng viên James Landale của đài BBC rằng cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin lẫn Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox có thể sẽ không dự hội nghị này. Hội nghị do Thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman chủ trì để quảng bá cho kế hoạch cải cách của ông, chính vì vậy, sự vắng mặt của các nhân vật và tổ chức nói trên được coi là một đòn mạnh giáng vào nỗ lực kinh tế của ông Salman.

Những lợi ích chồng chéo

Từ mối quan hệ ngoại giao nhạy cảm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Arabia Saudi, nhất là trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang chuẩn bị có những quyết định quan trọng liên quan tới cuộc chiến ở Syria và tình hình Iran..., các nhà phân tích lo ngại rằng vụ việc lần này sẽ trở thành nguyên nhân gây leo thang căng thẳng, khiến mối quan hệ giữa các cường quốc phát sinh từ những lợi ích chồng chéo trong khu vực tiếp tục “căng như dây đàn”.

Khalil Jahshan, giám đốc điều hành tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Arab Center Washington, nói: “Cách duy nhất để giải thích cho sự lưỡng lự của Riyadh và việc Ankara không nhanh chóng công bố những gì họ cho rằng đã xảy ra là bởi cả hai bên đều lo sợ sẽ khiến tình hình leo thang một cách không cần thiết. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, đây là việc vi phạm chủ quyền quốc gia, nên vẫn chưa bên nào có thể lên tiếng vì những lo ngại chính trị và an ninh quốc gia”.

Nhà báo Khashoggi, cựu cố vấn Chính phủ Saudi Arabia, đã sống lưu vong tại Mỹ kể từ năm ngoái vì sợ bị bắt giữ. Ông là một nhà phê bình gay gắt sự can thiệp của Riyadh trong cuộc xung đột ở Yemen. Jana Jabbour, một giáo sư Đại học Sciences Po ở Paris, cho biết tình hình “rất nghiêm trọng” và “có thể dẫn đến một sự tuyệt giao quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia”.

Jabbour cho biết: “Riyadh và Ankara đang lâm vào tình trạng bế tắc trong cuộc cạnh tranh giành lấy vị thế “lãnh đạo khu vực”, lãnh đạo về tôn giáo đối với cộng đồng Hồi giáo theo dòng Sunni và các mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Washington”.

Vị giáo sư này cho rằng họ đang muốn “hãm hại lẫn nhau”. Sự ganh đua trong khu vực đã làm chệch hướng các mối quan hệ song phương. Saudi Arabia đặc biệt không hài lòng với mối quan hệ gần gũi của ông Erdogan và phong trào Anh em Hồi giáo - vốn bị Riyadh coi là một tổ chức “khủng bố”...

Theo Jahshan, cả Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ “đều không thể thua cuộc trước bên còn lại vì những lợi ích chồng chéo” trong khu vực, ám chỉ cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, xung đột Syria và Yemen cũng như những mâu thuẫn về phong trào Anh em Hồi giáo...

Hoa Huyền
.
.