Những chuyển động mới trong quan hệ Mỹ - Trung

Thứ Hai, 28/11/2005, 06:47

Người ta cho rằng Mỹ rất chú trọng đến các vấn đề chiến lược vì đó là một nước lớn. Những vấn đề như chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng, chiến lược chống khủng bố và chính sách đối với Trung Quốc cũng được nâng lên thành vấn đề chiến lược... Là hai cường quốc, giờ đây quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những chuyển động về chiến lược đáng chú ý.

Kết thúc buổi hội đàm sáng 20/11/2005 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ W.Bush cho biết họ đã nhất trí phát triển toàn diện mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai bên trên cơ sở “bằng tầm nhìn xa chiến lược”. Nhưng trong con mắt của các nhà quan sát, đằng sau những nghi thức lịch sự của phương Đông, những tuyên bố mang phong cách ngoại giao cổ điển trong chuyến đi này của Bush, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra những cuộc cạnh tranh chiến lược ở tầm khu vực và cả phạm vi toàn cầu.

Một số nhà phân tích cho rằng, do Mỹ không ngăn cản Trung Quốc nổi lên là một cường quốc khu vực và thế giới, Washington phải điều chỉnh chiến lược đối với Bắc Kinh với hy vọng sẽ kìm hãm Trung Quốc. Người ta còn nhớ là trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống hồi năm 2000, W.Bush đã chỉ trích chính sách Trung Quốc của Bill Clinton là quá mềm dẻo. Có thể hiểu ẩn ý của Bush là với chính sách đó không ngăn chặn được sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc có thể thách thức vai trò thống trị của Mỹ đối với thế giới trong tương lai.

Tâm trạng của nhiều người Mỹ có sự lo ngại về sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc là có thật. Ngay chính Bush và những cộng sự thân tín của ông ta như Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld và những nhân vật diều hâu trong chính giới Mỹ đều coi Trung Quốc là kẻ thù tiềm tàng của Mỹ. Và trên thực tế, sau khi lên cầm quyền năm 2001, W.Bush đã thay đổi chính sách coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược” của Clinton sang chính sách coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Chính quyền Bush còn tuyên bố sẽ ra sức bảo vệ Đài Loan - hòn đảo mà Trung Quốc luôn coi là một phần của đất nước này. Nhưng giờ đây, Nhà Trắng cho biết chính quyền Bush chống lại việc thay đổi hiện trạng và không ủng hộ Đài Loan giành độc lập. Tổng thống Mỹ W.Bush còn nói rằng, Trung Quốc thành công trong công cuộc phát triển hòa bình, trở thành một xã hội phồn vinh và đóng vai trò tích cực trên thế giới là sẽ có lợi cho Mỹ và thế giới.

Đặc điểm của sự chuyển hướng chính sách đối với Trung Quốc mà Washington hiện đang thực hiện là vừa “công” vừa “thủ” nhưng tỏ ra uyển chuyển hơn. Theo báo chí Hồng Công, trước khi đi thăm Trung Quốc, Tổng thống Mỹ W.Bush đã trả lời Đài Truyền hình Phượng Hoàng, trong đó nêu lên hai điểm đáng chú ý là: thừa nhận sự lớn mạnh của Trung Quốc và cho rằng nếu Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác sẽ có lợi và những bất đồng sẽ có thể giải quyết thông qua đối thoại. Tuy nhiên, giới phân tích còn chỉ ra rằng, phía Mỹ vẫn đang triển khai những động thái mang tính chất cứng rắn với Trung Quốc như: Bố trí và tăng cường lực lượng quân sự nhằm vào Trung Quốc, tăng cường phát triển vũ khí tác chiến trên vũ trụ, khẩn trương tiến hành xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) với Nhật Bản, lên án Trung Quốc về nhân quyền, tôn giáo và một bộ phận trong giới hoạch định chính sách của Mỹ còn đe dọa đến một hành động cấm vận thương mại đối với Trung Quốc...

Về tổng thể, một số nhà phân tích cho rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn nặng về phong tỏa, bao vây, kiềm chế. Chuyến thăm Trung Quốc của Bush tỏ ra mềm dẻo, nhưng trên thực tế đang gây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc trên một số vấn đề gai góc như tỉ giá đồng nhân dân tệ, nhân quyền, tôn giáo, Đài Loan...

Đúng là Mỹ vẫn coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Washington. Chẳng hạn như chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D. Rumsfeld và Bộ trưởng Tài chính John Snow đã chứng minh điều này. Trong khi Mỹ nhấn mạnh đến tính chất trọng tâm của APEC, nơi Mỹ có vị trí quan trọng thì các nhà nghiên cứu chiến lược Mỹ lại tỏ ra hậm hực khi cho rằng Mỹ không được Trung Quốc ủng hộ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Và theo báo chí phương Tây, hiện Mỹ đang nhìn tổ chức này với con mắt ngờ vực. Theo tờ Le Figaro (Pháp), ở Nhà Trắng người ta cho rằng kiểu tổ chức này không có trong chiến tranh lạnh và cũng không thực sự cần thiết.

Quan hệ Mỹ - Trung có những bước phát triển trong nhiều năm qua. Hai nước đã nhân nhượng nhau trong một số vấn đề chiến lược mang tính toàn cầu dựa trên cơ sở lợi ích của mình. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Trung Quốc hiện cũng đang có nhiều bất đồng đáng kể. Mặc dù trước sự thúc ép của Mỹ và Liên minh EU, Trung Quốc đã nới lỏng biên độ giá của đồng nhân dân tệ, nâng giá đồng nhân dân tệ cao hơn chút đỉnh so với đồng USD, nhưng Washington vẫn không hài lòng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Tổng thống Mỹ W.Bush nhấn mạnh đến việc tự do hóa thực sự tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Mỹ đã nhượng bộ Trung Quốc về Hiệp định hàng dệt may và Trung Quốc cũng quyết định sẽ mua 70 máy bay Boeing 737 của Mỹ, nhưng người Mỹ vẫn lo về khả năng thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc sẽ tăng đến 200 tỉ USD trong năm 2005. Đó là chưa kể đến nạn hàng giả còn gây cho Mỹ thiệt hại tới 250 tỉ USD. Tổng thống Mỹ còn thúc giục Trung Quốc đẩy mạnh cải cách chính trị, thực hiện dân chủ, nhân quyền...

Trung Quốc khẳng định rằng hầu hết người dân Trung Quốc hài lòng với chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao không chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào đã nêu lên 4 điểm, trong đó có nhấn mạnh đến việc “Thiết lập tư duy mở cửa, cấu trúc xây dựng thế giới hài hòa”. Cụ thể là “cần phải tôn trọng quyền của các nước được tự chủ lựa chọn con đường phát triển của mình, với tinh thần dân chủ, bình đẳng thúc đẩy sự tăng cường giao lưu đối thoại giữa các nền văn minh khác nhau, học tập lẫn nhau...”.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao ở phạm vi rộng và ở tầm cao. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã mở chiến dịch hoạt động đối ngoại dồn dập đi khắp nơi từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu và cả Mỹ Latinh, khu vực sân sau của Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã mở đầu chiến dịch này bằng chuyến thăm CHDCND Triều Tiên, Việt Nam. Sau đó, ông đã đi thăm 3 nước ở châu Âu là Anh, Đức và Tây Ban Nha và tiếp đến là sang Hàn Quốc dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương. Trong thời gian này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng thực hiện các hoạt động ngoại giao quan trọng như thăm Nga, dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Thượng Hải, một tổ  chức an ninh khu vực mà Washington rất quan tâm. Tiếp đó Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đi thăm châu Âu... Người ta cho rằng, đây là chiến dịch lớn, hiếm thấy từ trước tới nay của Trung Quốc. Tờ Tuần san châu Á còn nhận xét rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược lấy “công” làm “thủ” trong chiến lược của một cường quốc đang trỗi dậy và nhằm đối phó với chiến lược vừa “công” vừa “thủ” của  Washington.

Tất nhiên là Washington không thể bỏ qua những động thái này. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ G.W.Bush không nằm ngoài sự điều chỉnh chiến lược của Washington đối với Trung Quốc. Tuy vậy, quan hệ Mỹ - Trung còn khá phức tạp, sẽ còn nhiều diễn biến sôi động

Nguyễn Khắc Đức
.
.