Những “lò lửa” thiêu đốt cơ hội gần gũi Mỹ-Nga

Thứ Hai, 15/01/2018, 16:30
Tổng thống Donald Trump chuẩn bị kỷ niệm một năm cầm quyền trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga tiếp tục leo thang, và nguy cơ nảy sinh những tính toán sai lầm ngày càng lớn hơn trong khi "sự hiểu biết lẫn nhau" ngày càng hạn chế. Những mâu thuẫn về lợi ích và thiếu lòng tin của cả hai phía khiến họ đẩy nhau ra xa.

Năm 2018, sức nóng từ “lò lửa” nào sẽ ngăn cách quan hệ giữa hai cường quốc này?

Nghi kỵ đeo bám

Đối đầu Nga-Mỹ là một trong những điểm nổi bật của chính trường thế giới năm 2017. Hai bên đã trao cho nhau những tuyên bố không mấy tốt đẹp và đưa ra những biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Vậy vấn đề này sẽ diễn biến ra sao trong năm 2018? Các nhà phân tích chỉ ra những cuộc đối đầu trực diện sẽ tiếp tục có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới quan hệ hai nước.

Bất chấp “tình cảm” cá nhân giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những lời hứa hẹn của cả hai về việc khôi phục mối quan hệ song phương, quan hệ Nga-Mỹ vẫn chưa có nhiều tiến triển trong năm 2017 do cuộc điều tra của Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và nhiều vấn đề khác.

Theo các chuyên gia, cuộc điều tra với tên gọi "Russiagate", được cho là vấn đề hàng đầu đè nặng những tương tác giữa Moskva và Washington trong năm 2017, sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương trong năm 2018.

Một cuộc tranh cãi công khai, nếu không muốn nói là gay gắt trên phương diện chính trị, xung quanh cáo buộc về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Căng thẳng leo thang cùng với lòng tin suy giảm là một nguy cơ với không chỉ Mỹ mà còn toàn bộ thế giới nói chung.

Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump. Ảnh: AP.

Các hoạt động điều tra bắt đầu từ tháng 6-2016, sau khi Nga bị cáo buộc thực hiện “chiến dịch gây ảnh hưởng” và tấn công mạng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump bị tố cáo có mối liên hệ đáng ngờ với Nga để giúp ông giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử. Các thành viên thân cận nhất trong ê-kíp của Trump như là con trai cả và con rể ông cũng bị điều tra.

Sự kiện được coi là bước ngoặt đã xảy ra sau khi cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller hồi tháng 5/2017 được chỉ định trở thành luật sư đặc biệt giám sát cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử này cùng các vấn đề liên quan. Vào tháng 10, văn phòng của ông Mueller đã buộc tội Paul Manafort - cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Rick Gates - cấp phó của ông Manafort và George Papadopoulos - cố vấn của chiến dịch - đã cung cấp những thông tin sai sự thật cho FBI. Trong khi ông Manafort và ông Gates khẳng định mình vô tội, thì ông Papadopoulos đã thừa nhận cáo buộc này.

Ngày 1-12-2017, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn cũng thú nhận đã không khai báo đúng sự thật với FBI về những mối liên hệ sai trái với các quan chức Nga, trở thành thành viên đầu tiên của chính quyền Trump bị buộc tội trong cuộc điều tra này.

Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch và Giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội và nhiệm kỳ Tổng thống (Mỹ), một hãng tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: "Cuộc điều tra của ông Mueller chắc chắn đã gây bất ổn cho Nhà Trắng vì ông ta có thể đưa ra cáo buộc chống lại một số nhân vật quan trọng - bao gồm ông Paul Manafort và ông Michael Flynn".

Một nhà phân tích giấu tên nói rằng, bất kỳ hành động nào chống lại ông Mueller đều có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp lớn, do đó, cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề này trong năm 2018.

Cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga trong chính giới Mỹ còn gây ra cuộc “thanh trừng” nhân viên ngoại giao giữa hai nước và các tổ chức truyền thông bị cấm hoạt động. Gia tăng ngờ vực.

Ông Mahaffee nhận định: "Mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn rất căng thẳng khi vấn đề về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ chưa được giải quyết bởi Tổng thống Trump luôn cho rằng những tranh cãi về sự can thiệp của Nga đang xúc phạm đến chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử. Còn Quốc hội, cũng như nhiều người trong chính quyền Trump, thì lo ngại về mối đe dọa của Nga đối với Mỹ và các đồng minh chính của Mỹ”.

Ngoài cuộc điều tra này, các chuyên gia từ cả hai nước đều cho rằng quan hệ Nga-Mỹ về cơ bản vẫn rất xấu bởi những xung đột lợi ích. Theo một báo cáo thu thập quan điểm của các học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cũng như Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) được công bố hồi tháng 11, những bất đồng giữa hai nước “khó có thể cải thiện”.

Đối đầu trực diện

Không chỉ có vậy, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm vào Nga là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự đối đầu. Nga yêu cầu Mỹ dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt đối với đất nước và công dân Nga. Kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, các biện pháp này ngày càng gia tăng.

Không chỉ có vậy, vấn đề tấn công mạng cũng là chủ đề nhạy cảm mà cả hai phía cùng đề cập. Nhận rõ tác hại của việc này, Moskva đề nghị Washington ký thỏa thuận không tấn công và áp dụng luật pháp quốc tế về hành vi trong không gian ảo. Ngoài hai cuộc chiến trực diện trên, cả hai nước còn vướng vào cuộc đối đầu trong lĩnh vực tình báo và truyền thông.

Sự việc nghiêm trọng tới mức, trong năm 2017, Nga đã phải yêu cầu Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ và ngừng tài trợ cho các tổ chức xã hội và báo chí thân phương Tây.

Trong giai đoạn 2015-2018, hơn 80 triệu USD đã được chi cho các hoạt động thông tin, gấp đôi số tiền tài trợ thông tin cho cuộc cách mạng Maidan ở Ukraine năm 2014. Mỹ buộc kênh truyền hình Nga Russia Today phải đăng ký là đại diện nước ngoài tại Mỹ, Twitter cấm quảng cáo từ các tài khoản RT và Sputnik, phóng viên của RT bị từ chối khi đăng ký tác nghiệp tại Quốc hội Mỹ.

Đáp trả, Nga tuyên bố một loạt phương tiện truyền thông Mỹ là đại diện nước ngoài, “cấm cửa” vào hai cơ quan Quốc hội Nga. Dù Moskva tuyên bố sẵn sàng thay đổi quyết định nếu Washington có động thái tương tự, song khó mà chờ đợi điều này trong tương lai gần. Năm 2018 chưa chắc hai nước sẽ hóa giải hết những nghi kỵ trong vấn đề này.

Ngoài các cuộc đối đầu trực diện với nguy cơ cao làm xấu đi quan hệ hai nước thì cuộc đối đầu hai nước còn thể thiện qua “trung gian” thứ ba. Đó là việc Moskva yêu cầu Mỹ không động đến thỏa thuận hạt nhân với Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này vì Moskva hy vọng phát triển thương mại với Tehran. Trong khi từ lâu ông Trump đã muốn đe dọa phá vỡ thỏa thuận này và muốn đẩy "quả bóng Iran" sang Quốc hội.

Không chỉ Iran, đó còn là những điểm nóng âm ỉ rất nhiều năm ở Afghanistan, Syria... hay vấn đề Triều Tiên. Moskva yêu cầu Washington ngừng đe dọa chiến tranh với Bình Nhưỡng, đồng thời ngừng các động thái xung quanh Bán đảo Triều Tiên. Nga và Triều Tiên có chung biên giới, vì vậy Nga cần sự ổn định ở khu vực này. Ở góc độ tài chính, Nga muốn phát triển quan hệ kinh tế với cả hai miền Triều Tiên, đặt đường ống dẫn để bán khí đốt cho Hàn Quốc đi qua lãnh thổ Triều Tiên, mang lại lợi ích cho cả hai miền.

Song, Tổng thống Trump luôn giữ quan điểm gay gắt với Triều Tiên. Với tuyên bố “Mỹ cần Triều Tiên ngồi vào bán đàm phán. Mỹ sẵn sàng nói chuyện bất cứ khi nào” của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, quan điểm của Mỹ đã hoàn toàn thay đổi, và giờ đây, dù muốn hay không, Mỹ cũng sẽ phải nhờ đến Nga và Trung Quốc làm trung gian trong đối thoại với một đối thủ "khó nhằn" như ông Kim Jong-un. Chuyên gia chính trị người Mỹ Stefan Ebert cho rằng Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể trở thành sân chơi để cuối cùng Nga và Mỹ tìm ra được thỏa hiệp.

Hai nước cáo buộc nhau tấn công mạng trong các cuộc bầu cử. Ảnh AFP.

Năm 2018, quan hệ Nga-Mỹ sẽ tiếp tục ở thế đối kháng trong vấn đề Syria, mà cụ thể là trường hợp của Tổng thống Bassar Al-Assad. Nga yêu cầu Mỹ ngừng hoạt động chống lại ông Assad và không cung cấp tiền và vũ khí cho lực lượng bạo loạn. Moskva cũng yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi Syria. Hiện Mỹ đã bắt đầu thực hiện điều kiện của Nga, ví dụ như ngừng yêu cầu ông Assad phải từ chức ngay lập tức.

Theo giới truyền thông, Nhà Trắng sẵn sàng “im tiếng” về yêu cầu này ít nhất trong 4 năm bởi “cánh tay của Mỹ quá ngắn để thực hiện các đe dọa đối với Damascus". Thêm vào đó, các khu vực ngừng bắn mà Nga và Mỹ đạt được tại Đức, đã thực sự có hiệu lực. Nhiều quyền lợi của Mỹ và Nga tại Syria không trùng nhau, song thỏa hiệp là có thể. Cơ hội ở đây cao hơn mức trung bình.

Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ Gregory Copley cho rằng cơ hội hợp tác rộng là lĩnh vực an ninh, và Trung Đông chính là khu vực khởi đầu cho hợp tác ấy giữa Nga và Mỹ. Tóm lại, trong phần lớn các vấn đề thời sự đã diễn ra trong năm qua, Moskva và Washington không có điểm chung, và việc hy vọng chúng xuất hiện trong năm 2018 và được giải quyết triệt để chỉ rất mong manh.

Giám đốc Quỹ nghiên cứu Mỹ mang tên Roosevelt thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU) Yuri Rogulev dự báo, chỉ 5 năm nữa thôi các chính trị gia Mỹ sẽ lấy làm tiếc vì đã quá tích cực chống phá quan hệ hai bên.

Thành công của người này và thất bại của người khác

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu ở phạm vi rộng lớn hơn tiếp tục diễn ra trong năm 2018. Ngoài cuộc khủng hoảng kéo dài 4 năm ở Ukraine, những bất đồng về cuộc khủng hoảng ở Syria và cuộc chiến chống khủng bố cũng chiếm một phần quan trọng trong mối quan hệ khắc nghiệt này.

Mặc dù sự can thiệp của Nga tại Syria và cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực đã giảm dần trong năm 2017, Moskva vẫn duy trì hai căn cứ quân sự ở Syria là căn cứ không quân Hymymim và căn cứ hải quân Tartus, mà theo Bộ Quốc phòng Nga, chúng sẽ đảm bảo sự ổn định của Syria trong tương lai. Sự đầu tư của Nga vào Syria đã được đền đáp tại Trung Đông, ngay tại thời điểm Mỹ quyết định thay đổi chiến lược của mình trong khu vực.

Tổng thống Nga Putin đã thực hiện một chuyến thăm “thần tốc” đến Trung Đông vào đầu tháng 12 vừa qua, ngay giữa lúc các quốc gia Hồi giáo giận dữ trước quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của ông Trump.

Trung Đông luôn là một điểm “nóng” trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu với sự hiện hữu của chủ nghĩa khủng bố, những bất ổn liên miên ở Syria, Liban và Yemen cũng như xung đột kéo dài giữa Saudi Arabia và Iran. Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2018 là chiến lược của các nước lớn, cụ thể là Nga và Mỹ, tại điểm nóng này. Bởi mỗi bước đi của hai quốc gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh chính trị, hòa bình của cả một khu vực rộng lớn và giàu có.

Những căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh các lò lửa thế giới ngày càng leo thang trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ tranh cãi về việc nên mở rộng các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Nga hay tiếp tục đóng băng các cuộc thảo luận ở cấp chuyên gia với nước này sẽ khiến cho tình hình tiếp tục xấu đi trong năm 2018.

Diễn biến này cho thấy cuộc đối đầu giữa Moskva và Washington dường như đang bước sang một nấc thang mới. Những kỳ vọng về việc cải thiện quan hệ giữa Moskva và Washington dưới thời Tổng thống Trump đã trở nên xa vời. Việc Tổng thống Mỹ Trump ký ban hành lệnh trừng phạt Nga sau khi cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật này cho thấy ông Trump cũng hiểu rằng khó đảo ngược được tình thế.

Tranh cãi ngoại giao liên tiếp trong những ngày qua cho thấy không dễ để có được một “tuần trăng mật” chính trị giữa Nga và Mỹ. Thậm chí, các diễn biến mới này đã phản ánh một sự chuyển đổi về tư tưởng trong chính giới hai nước, từ việc kỳ vọng cải thiện quan hệ sang việc chấp nhận một sự đối đầu lâu dài. Một tương lai bất định giữa hai cường quốc đang khiến cho thế giới lo lắng về những hệ lụy sẽ xảy ra.

Hoa Huyền
.
.