Phép thử và lằn ranh

Thứ Tư, 30/06/2021, 07:04
Bất chấp những phản đối gay gắt từ phía Nga, ngày 28-6, 32 tàu chiến, hơn 5.000 binh sĩ, 40 máy bay cùng 18 biệt đội của Mỹ và 31 quốc gia khác chính thức bắt đầu cuộc tập trận hải quân thường niên mang tên Sea Breeze 2021, sẽ kéo dài 2 tuần. Hiển nhiên, đây không chỉ là một hoạt động quân sự thuần túy. Hay nói đúng hơn, tiềm ẩn dưới hoạt động quân sự thuần túy đó là không ít tính toán chính trị - ngoại giao.


Điểm nhấn Ukraine

5 ngày trước đó, 23-6, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và các đồng minh từ bỏ việc thực hiện các hoạt động quân sự ở Biển Đen, đồng thời kêu gọi giải quyết những vấn đề phát sinh trong khu vực mà không cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài”.

Trong khi đó, như nhận định của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov: Dưới vỏ bọc cuộc tập trận Sea Breeze, NATO sẽ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại để rồi sau đó chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Ukraine và các tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa ở Donbass (theo Sputnik).

Tổng thống Mỹ Joe Biden bị cho là thất thế trước người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Và bởi vậy, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng viết rõ trên trang mạng xã hội Twitter chính thức của họ: “Quy mô và tính chất gây hấn rõ ràng của cuộc tập trận Sea Breeze không hề tương ứng với những nhiệm vụ thực thụ nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực Biển Đen”. Các nhà ngoại giao cũng lưu ý: Cuộc tập trận “làm tăng nguy cơ xảy ra những sự cố không chủ ý, đồng thời khuyến khích tư tưởng quân phiệt ở Kiev (thủ đô Ukraine)”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra những thống kê rất đáng chú ý: “Tổng cộng đã có 7 cuộc tập trận chung với các nước NATO được lên kế hoạch trên lãnh thổ Ukraine trong năm nay, 2021, tức là cứ một tháng rưỡi đến 2 tháng lại có động thái quân sự này hay hoạt động quân sự khác diễn ra. Tất cả những việc đó đều không giúp ích gì cho việc giải quyết xung đột nội bộ trong Ukraine”.

Như vậy, có thể thấy rõ, cuộc xung đột tại Ukraine cũng như các vấn đề liên quan tới bán đảo Crimea vẫn đang là một khúc mắc chính, một vấn đề mâu thuẫn tạo nên căng thẳng giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây đồng minh của Mỹ. Ít nhất, hiện tại, câu chuyện này cũng vẫn đóng vai trò một cái cớ để cả hai phía “khua chiêng gióng trống”.

Nga thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Thậm chí, ngày 23-6, đã gần như có một vụ đụng độ xảy ra giữa hải quân Anh với hải quân Nga, khi phía Nga tuyên bố bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh tại Biển Đen, gần bán đảo Crimea. Phía Nga khẳng định: Tàu chiến của Anh đã đi sâu 3km vào bên trong khu vực lãnh hải của Crimea, gần mũi Fiolent. Vì thế, không chỉ bắn cảnh cáo, Nga còn cho thả bom trên lộ trình di chuyển của HMS Defender.

Cần nhấn mạnh: Các nước phương Tây vẫn thường xuyên công kích việc Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea. Lời lên án gần đây nhất được họ đưa ra là tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14-6. Ngày 23-6, Liên minh châu Âu (EU) cũng gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, khi việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã bước sang năm thứ 8.

Ngày 22-6, chỉ một ngày trước khi tàu HMS Defender đi vào vùng biển Crimea, các quan chức Chính phủ Anh và Ukraine đã gặp nhau trên boong tàu, đồng ý hợp tác đóng tàu tuần tra và xây dựng căn cứ hải quân cho Ukraine. Anh cũng hứa hẹn về khả năng chuyển giao hai tàu quét mìn cũ cho hải quân Ukraine.

Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Geneva ngày 16-6, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ mong muốn tìm kiếm mối quan hệ “ổn định và có thể đoán định được” với Nga. Tuy nhiên, ông Biden cũng vạch ra một số “lằn ranh đỏ”, tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Nga tiến hành thêm các cuộc tấn công mạng vào Mỹ hoặc gây căng thẳng ở Ukraine. Nước Anh có vẻ đã thực hiện một động thái nhằm giúp nước Mỹ “gạch đậm” thêm một trong những lằn ranh ấy.

Tàu HMS Defender - một trong những công cụ gia tăng ảnh hưởng của nước Anh.

Đáng lưu ý, chuyên gia Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) nhận định: “Theo những gì tôi biết, đây là lần đầu tiên một tàu chiến NATO đi vào vùng biển Crimea kể từ năm 2014”. Và, theo ông, hành động của Anh là rất táo bạo nhưng đầy rủi ro. Nga đã bố trí sự hiện diện quân sự lớn ở Crimea, bao gồm các hệ thống tên lửa, phòng không và tác chiến điện tử tiên tiến.

Tuy vậy, các nước châu Âu khác dường như lại nỗ lực làm êm dịu mối quan hệ với Nga. Ngày 23-6, ngay sau khi tàu khu trục HMS Defender đi qua Biển Đen, Pháp và Đức đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) mời Tổng thống Nga Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU.

Và rồi, ngày 26-6, khi tàu khu trục trang bị tên lửa USS Ross của Mỹ đang hướng đến Biển Đen để tham gia cuộc tập trận Sea Breeze-2021, Trung tâm Chỉ huy quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: Hạm đội Biển Đen của Nga đang giám sát di chuyển của tàu USS Ross - đại diện Hạm đội 6 Hải quân Mỹ đồn trú tại Địa Trung Hải.

Thanh đông để kích tây

Có một thực tế: Biển Đen là cửa ngõ duy nhất của Nga thông ra Địa Trung Hải (và từ đó ra các vùng đại dương quốc tế theo hướng Nam). Đó là lợi ích cốt lõi thiết thân của nước Nga và chính vì vậy, suốt lịch sử từ thời lập quốc, Nga luôn làm mọi cách để bảo vệ lợi ích quan trọng bậc nhất này của mình. Song, ngược lại, mọi kình địch của nước Nga cũng sẽ cố gắng tranh giành và hạn chế lợi ích đó.

Nếu lật lại những diễn biến phức tạp trong quan hệ quốc tế xoay quanh khu vực này trong thập niên qua, dễ dàng nhận thấy rằng Ukraine hay vấn đề bán đảo Crimea không phải là những thành tố then chốt duy nhất, bên cạnh hai “người chơi” chính là Nga và Mỹ.

Tàu chiến Mỹ trên Biển Đen.

NATO, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, đã không ngừng bành trướng vào sâu trong không gian hậu Xôviết. Trong tiến trình đó, Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Họ - những người thừa kế của đế chế Ottoman từng cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với nước Nga Sa hoàng trên Biển Đen - cũng chính là một thành viên quan trọng, có tiềm lực quân sự hùng hậu bậc nhất của NATO. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ luôn được xem là “tiền đồn” của NATO ở Hắc Hải.

Vấn đề là, trong những năm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tận dụng rất khéo léo những biến động trong thời cuộc cũng như vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ, để phục vụ những lợi ích riêng cho Ankara. Bị phương Tây gây sức ép sau khi trấn áp mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự nhắm vào mình hồi năm 2016, ông đưa đất nước xích lại gần Nga, bình thường hóa quan hệ với Nga, xây dựng những kế hoạch hợp tác phát triển.

Chuỗi hành động này không chỉ mang tính thách thức đối với việc EU “treo vô thời hạn” tiến trình kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm một thành viên của mình, mà còn là công cụ để Ankara “ra giá” với châu Âu về chuyện chấp nhận đóng vai trò sàng lọc làn sóng người nhập cư. Và không chỉ vậy, khi tỏ ra hữu hảo với Nga (đến độ cân nhắc việc thay thế lá chắn tên lửa Mỹ bằng tên lửa phòng không Nga), Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến NATO vừa “khó chịu”, vừa “khó xử”.

Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) có một vị trí chiến lược.

Hiện tại, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu không ít luồng dư luận chỉ trích rằng ông đã quá nhu nhược, để phía Nga “có được quá nhiều”. Những cuộc tập trận như Sea Breeze đang diễn ra, với đầy đủ tính chất căng thẳng cần thiết, sẽ giúp ông chủ Nhà Trắng cảm thấy “dễ thở” hơn một chút. Không chỉ vậy, đó cũng là một cách để NATO “siết chặt lại hàng ngũ” và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải lựa chọn đứng về một bên của lằn ranh.

Không chỉ vậy, ngoài Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ, trong một loạt tài liệu vừa được công bố, nước Anh cũng đề ra một chiến lược mới, liên quan việc tích cực sử dụng các lực lượng quân sự trên khắp thế giới. London kêu gọi “hoạt động liên tục theo các điều khoản của chúng ta và ở những nơi chúng ta lựa chọn”, bao gồm các hành động “có thể kiểm tra các giới hạn truyền thống về sức mạnh của Anh”.

Đối kháng trực tiếp một cách cứng rắn với Nga quanh Biển Đen, Crimea và Ukraine, có thể xem là hành động mang tính chất “kiểm tra” như thế. Nói cách khác, cuộc tập trận Sea Breeze cũng là công cụ để nước Anh hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế cũng như tầm ảnh hưởng của mình.

Sẽ không có cường quốc nào mạo hiểm đi quá giới hạn nên cuộc tập trận vẫn đang diễn ra, bao hàm rất nhiều tính toán phức tạp. Và ai cũng hiểu, Biển Đen không phải là sân khấu chính.

Ngày 28-6, theo Bộ Quốc phòng Nga, Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Đó cũng có thể hiểu là một lời “nhắn nhủ”, rằng cuộc so kè sẽ còn gay gắt đến đâu...

Mây Linh
.
.