Phương Tây chia rẽ vì Nga?

Thứ Hai, 31/07/2017, 14:18
Việc Mỹ đơn phương thông qua các biện pháp gia tăng trừng phạt Nga đã khiến các đồng minh châu Âu phản ứng dữ dội. Đây là điều trái với lệ thường và nó cho thấy chính sách chia nhỏ bó đũa của Tổng thống Putin đã phát huy tác dụng cũng như phần nào thể hiện sự vô tác dụng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga trong suốt mấy năm qua.

Châu Âu không chấp nhận “sáng kiến đơn phương” của giới lập pháp Mỹ

Ngày 25-7-2017, Hạ Viện Mỹ biểu quyết thông qua dự luật mới gia tăng trừng phạt Nga liên quan tới cáo buộc là Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như việc sáp nhập Crimea.

Dự luật cũng chứa đựng một điều khoản cho phép Quốc hội Mỹ được thực hiện một quy trình rút ngắn để bác bỏ bất kỳ động thái nào mà tổng thống thực hiện để chấm dứt các biện pháp trừng phạt. Tiếp đó, đến ngày 27-7, Thượng viện Mỹ cũng nhất trí thông qua dự luật với tỉ lệ ủng hộ là 98 phiếu “đè bẹp” hoàn toàn 2 phiếu phản đối lạc lõng.

Trước khi tiến hành bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain phát biểu cứng rắn: “Mỹ cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và các bên gây hấn khác rằng chúng ta không khoan dung với các cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ".

Dự luật trừng phạt này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang điều tra khả năng Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016 và nghi vấn có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow. Tổng thống Nga và ông Trump đều kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố "nếu phía Mỹ không quan tâm đến những lo ngại từ phía châu Âu, EU sẵn sàng đáp trả một cách thích hợp”.

Đây là cách các nhà lập pháp Mỹ trói tay Tổng thống Donald Trump. Nhất là vào lúc này, lãnh đạo hành pháp Mỹ muốn cải thiện quan hệ với chủ nhân Điện Kremlin. Theo AFP, ông Trump không có cách nào cưỡng lại. Trước sức ép của lưỡng viện Quốc hội, Nhà Trắng gián tiếp cho biết tổng thống sẽ ký ban hành dự luật. Tuy nhiên, cho dù ông Trump dùng quyền phủ quyết thì lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2/3 để thông qua.

Nhưng rắc rối của dự luật trừng phạt Nga của Mỹ lần này không chỉ có vấn đề bên trong nước Mỹ mà nó còn bị châu Âu phản ứng dữ dội. Lý do là vì châu Âu không chấp nhận sáng kiến đơn phương của Quốc hội Mỹ. Từ trước đến nay, đồng minh hai bờ Đại Tây Dương luôn đoàn kết thành một khối trong các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ Nga tái sát nhập bán đảo Crimea.

Ngày 24-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker đã kêu gọi EC nhanh chóng thảo luận về vấn đề này. Phát ngôn viên của EC Margaritis Schinas lo ngại mất “tình đoàn kết trong G7”.

Mặc dù không nêu cụ thể quan ngại của phía châu Âu là gì nhưng tất cả giới quan sát đều biết, lo ngại lớn nhất từ phía châu Âu đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp dụng với Nga là liên quan đến các dự án hợp tác năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) với Nga, đặc biệt là dự án xây dựng đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2” nối liền Nga với Đức.

Đây là một dự án đặc biệt quan trọng đối với cả hai phía châu Âu và Nga và có tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ euro, trong đó tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga đóng góp một nửa, còn một nửa còn lại do 5 tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu, gồm Engie của Pháp, Shell của liên doanh Anh-Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức và OMV của Áo đóng góp.

Nhiều nước châu Âu, nhất là Đức tức giận, bởi vì với đạo luật mới này, Tổng thống Mỹ có thẩm quyền trừng phạt các doanh nghiệp thầu xây ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Các doanh nghiệp này sẽ khó vay tiền của ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia các cuộc gọi thầu của chính phủ Mỹ.

Từ khi Tây phương ban hành cấm vận và trừng phạt Nga, Washington và Bruxelles có vạch ra một “lằn ranh đỏ” là không để ảnh hưởng đến nguồn khí đốt mà châu Âu mua của Nga. Thế mà Mỹ đơn phương hành động không phối hợp với đồng minh.

EU đáp trả bằng cách nào?

Nếu các phản đối từ phía châu Âu không khiến chính quyền và Quốc hội Mỹ thay đổi các lệnh trừng phạt Nga thì EU có thể sử dụng các biện pháp tự vệ và đáp trả sau đây đối với Mỹ. Đầu tiên, EU có thể tìm kiếm một sự trợ giúp từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tức là một tuyên bố công khai rằng các quyết định tùy ý này từ phía Mỹ sẽ không được sử dụng để chống lại các công ty châu Âu.

Đây là điều mà cựu Tổng thống Mỹ, Barack Obama từng làm năm 2014 và khả năng chính quyền của ông Donald Trump làm điều tương tự là vẫn có, dù rất thấp.

Khả năng thứ hai mà EU có thể áp dụng, đó là sử dụng “cơ chế phong tỏa”, tức là điều 2271/96 trong Luật định của Hội đồng châu Âu về việc bảo vệ lợi ích của châu Âu trước quyết định pháp lý do một nước thứ ba đưa ra mà lại áp dụng bên ngoài lãnh thổ nước này. Tức là, EU có thể dùng cơ chế phong tỏa này để không thực thi các quyết định từ phía Mỹ. Tất nhiên, khi đó sẽ nảy sinh các mâu thuẫn pháp lý với phía Mỹ.

Tổng thống Putin cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ vi phạm pháp luật quốc tế và các chuẩn mực của WTO.

Biện pháp thứ ba mà EU có thể sử dụng, đó là kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới để tổ chức này ra phán xử hoặc cho phép châu Âu áp dụng các biện pháp trả đũa.

Theo báo chí Pháp, phản ứng bất bình của EU có lẽ sẽ được Quốc hội Mỹ lắng nghe. Trước khi biểu quyết, dự luật được sửa đổi đôi chút, chỉ liên quan đến những ống dẫn phát xuất từ Nga mà thôi. Nói cách khác, những ống dẫn khí đốt từ vùng Kavkaz của Kazakhstan, đi ngang qua lãnh thổ Nga, đến châu Âu không bị ảnh hưởng.

Qua những phản ứng gay gắt của giới lãnh đạo châu Âu với Mỹ lần này, có thể thấy là, trong thời điểm hiện tại, các bất đồng giữa Mỹ và châu Âu đang ngày có xu hướng phức tạp, không chỉ thể hiện ở lời nói mà bắt đầu thể hiện ở cả các hành động có tính xâm hại đến lợi ích của nhau. Từ khi ông Trump lên làm tổng thống đến nay, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh châu Âu ngày càng rạn nứt vì nhiều vấn đề, từ việc phòng thủ tương hỗ cho nhau tới hồ sơ biến đổi khí hậu.

Các nước châu Âu giờ đây cũng không còn như trước, nhất là khi Anh đã tách ra khỏi khối Liên minh châu Âu. Một số nước như Pháp và Đức đang tiến hành các chính sách đối ngoại độc lập hơn chứ không còn xếp hàng đứng sau Mỹ như trước.

Việc Tổng thống Pháp Macron mời Tổng thống Putin tới Paris hồi cuối tháng 5-2017 là một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác. Việc Tổng thống Putin đến Paris là nằm trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng cô lập hiện nay.

Kéo dài trừng phạt chỉ “thiệt đơn hại kép”

Về phía Nga, Tổng thống Putin hôm 27-7 tuyên bố biện pháp trừng phạt chống lại Nga là trái với pháp luật quốc tế và các chuẩn mực của Tổ chức Thương mại Thế giới thế giới. Hơn nữa, chúng ảnh hưởng đến không chỉ Nga, mà còn cả các nước châu Âu. Theo Tổng thống Putin, Moskva chỉ thiệt hại khoảng 50 - 52 tỉ USD do các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi đó những nước áp đặt bị thiệt hại khoảng 100 tỉ USD.

Ông Putin cho rằng, dự thảo luật trừng phạt mới là biểu hiện của các rắc rối trong nội bộ Chính phủ Mỹ và ông không cảm thấy ngạc nhiên vì Washington sẽ luôn có cớ để trừng phạt Moskva. Tổng thống Nga cũng cho biết đang có một thái độ điên cuồng chống Nga kiểu tập thể ở phương Tây.

Trong một phỏng vấn trước đó, ông Putin đã chỉ trích Mỹ vẽ nên hình ảnh Nga như một kẻ thù chung để tăng cường ảnh hưởng ở các nước khác như châu Âu, nhưng cho rằng điều này sẽ không thể kéo dài mãi. “Như bạn đã biết, chúng ta đã kiềm chế và kiên nhẫn, nhưng đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải đáp trả. Thật không thể chịu đựng mãi các biện pháp trừng phạt chống lại đất nước chúng ta", nguyên thủ Nga nhấn mạnh.

Cho tới giờ này, Nga vẫn chưa vội đưa ra các biện pháp sẽ trả đũa Mỹ như thế nào. Ngày 26-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serguei Ryabkov tuyên bố, việc đưa ra dự luật này là một bước đi rất nghiêm trọng nhằm phá hủy các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Nga. Ông nói thêm, Moskva ngày càng mỏi mệt khi cứ phải tự kềm chế.

Dimitri Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin nhấn mạnh, cần phải chờ đợi đến khi những trừng phạt này có hiệu lực để có thể đáp trả, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo ông Peskov, đây là điều mà Tổng thống Nga chắc chắn sẽ làm, nếu dự luật này được Thượng viện và Tổng thống Trump thông qua.

Trong một động thái phản ứng kín đáo hơn, ngày 26-7, Bộ trưởng Kinh tế Nga thông báo nền kinh tế Nga đã hồi phục và phát triển mạnh vào quí II năm nay. Thông báo này, đúng vào thời điểm Mỹ thông qua các biện pháp tăng cường trừng phạt Nga, cho thấy sự trừng phạt về kinh tế không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả mong muốn. Kinh tế Nga không những không quỵ ngã mà còn mạnh mẽ lên.

Phát biểu trên kênh RT của Nga ngày 26-7, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxime Orechkine cho biết GDP của Nga trong quý 2 năm nay tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% so với quý 1. Với kết quả này, ông Maxime Orechkine dự báo mức tăng trưởng trong cả năm 2017 của Nga hoàn toàn có thể đạt được mức 2%.

Trên đây là những con số cụ thể đầy thuyết phục về sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Nga. Chúng là bằng chứng chứng minh cho những phát biểu gần đây của Tổng thống Nga Putin trước người dân. Trong chương trình đối thoại “Đường dây trực tiếp với Vladimir Putin” được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền thông của Nga ngày 15-6-2017, Tổng thống Nga thông báo rằng sự suy thoái trong kinh tế Nga đã qua. “Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phát triển. Chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng liên tục vừa qua” - ông Putin nói.

Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Nga, Dimitri Peskov cho biết Nga chưa vội trả đũa Mỹ.

Vào đầu tháng 7 này, Tổ chức Bảo hiểm ngoại thương Pháp (Coface) khẳng định trong báo cáo rằng: “Sau thời kỳ suy thoái kéo dài do giá dầu tụt giảm mạnh kèm theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại”.

Để có kết luận trên, Coface đã tiến hành phân tích chi tiết và cẩn thận 13 lĩnh vực ngành nghề khác nhau ở 24 quốc gia, đại diện cho khoảng 85% GDP toàn cầu. Coface nhận thấy trong quý II/2017, kinh tế châu Âu và Nga đã khởi sắc. Cụ thể, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Nga hiện được xếp ở cấp độ B (nguy cơ tương đối) thay vì mức C (rất cao) như trước đây.

Hơn nữa, các chuyên gia của Coface cũng nhận thấy nền kinh tế Nga có sự gia tăng đầu tư và sản xuất công nghiệp, trong khi doanh số bán lẻ đã ngừng giảm nhờ tỉ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức 4%. Bên cạnh đó, gần đây nhiều ngành nghề đang khởi sắc, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô.

Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tàu của châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế đang làm khó kinh tế Nga của EU đối với Moskva. Bằng chuyến thăm Nga hôm 2-5-2017, mục tiêu của Thủ tướng Đức Merkel là phục vụ cho vận động tranh cử trong nước với kỳ vọng đắc cử lần thứ 4, khai thác triệt để hình ảnh người “xử lý khủng hoảng” của châu Âu và thế giới, đặc biệt là thể hiện vai trò chủ tịch rất thành công của Nhóm G20, vì thế cần thiện chí và sự hợp tác xây dựng của Nga.

Tương tự như Pháp, Nga cũng rất cần Đức vào lúc này để phân hóa nội bộ EU và NATO cũng như thúc ép Mỹ và EU chấm dứt những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính mà không bị mất đi những gì đã giành về được từ chuyện chính biến xảy ra ở Ukraine.

Những tranh cãi giữa EU và Mỹ giờ đây phần nào cho thấy chiến lược “chia để trị” các đối thủ của Tổng thống Putin đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù Nga thành công trong việc này nhưng vẫn chưa thể tách EU hoàn toàn ra khỏi Mỹ và chưa thể khiến các nước EU thôi trừng phạt Nga.

Thực tế là vào ngày 28-6-2017, châu Âu đã quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng, tức là châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga từ trước khi chính quyền Mỹ bàn thảo các lệnh trừng phạt mới với Moskva như hiện nay. Sự phản ứng của châu Âu với Mỹ lần này chẳng qua cũng chỉ là muốn bảo vệ quyền lợi của họ chứ thực chất họ cũng chưa sẵn sàng làm hòa với Nga.

Nói cách khác, EU hiện đang phản đối Mỹ không phải là vì bảo vệ Nga mà là để bảo vệ lợi ích kinh tế của chính mình.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.