Tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc gây thêm căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên

Thứ Năm, 27/08/2009, 19:40
Từ ngày 17/8, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu kế hoạch tập trận hàng năm, được giải thích nhằm lên kế hoạch phối hợp các hành động chung trong trường hợp phải hứng chịu những đòn tấn công hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên.

Ngay từ trước đó, CHDCND Triều Tiên đã có những tuyên bố chỉ trích gay gắt nhằm vào cả Washington và Seoul, đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân chống lại họ trong trường hợp nảy sinh những mối đe dọa về an ninh của Bình Nhưỡng.

Đánh giá của nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc tập trận Mỹ - Hàn lần này chỉ làm căng thẳng thêm tình hình tại bán đảo Triều Tiên, đi ngược lại những cử chỉ thiện ý mới nhất của Bình Nhưỡng như gỡ bỏ những hạn chế về biên giới hay trả tự do cho một công nhân của Tập đoàn Hyundai...

"Nếu như Mỹ và phe cánh của Lee Myung-bak (tức Tổng thống Hàn Quốc) đe dọa chúng tôi bằng đòn tấn công hạt nhân, chúng tôi sẽ trả lời bằng vũ khí hạt nhân" - đó là nội dung tuyên bố của đại diện Bộ Quốc phòng CHDCND Triều Tiên khi nói về cuộc tập trận sắp tới. Phía cơ quan quân sự CHDCND Triều Tiên cũng cảnh báo, sẽ có "một cuộc chiến toàn diện và chính đáng" nhằm đáp trả bất cứ hành động nào nhằm xiết chặt hơn nữa cấm vận chống Bình Nhưỡng. 

Một loạt những chỉ trích gay gắt trên được đưa ra ngay trước khi diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn dự kiến kéo dài 9 ngày mang tên "The Ulchi Freedom Guardian 2009", trong đó có sự tham gia của 56.000 binh sĩ Hàn Quốc và 10.000 binh sĩ Mỹ. Ý kiến chung của giới quan sát đều tỏ ra lo ngại về cuộc tập trận. Nguyên nhân gây căng thẳng mới này lại diễn ra đúng vào thời điểm cả SeoulWashington đang triển khai các nỗ lực nhằm lôi kéo Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại.

Cuối tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, trong một bài diễn văn trước toàn dân trên truyền hình nhân kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi ách chiếm đóng của phát xít Nhật, đã kêu gọi CHDCND Triều Tiên phi quân sự hóa "tuyến kiểm soát" hiện đang ngăn cách hai miền Nam - Bắc.

"Nếu như hai miền Nam - Bắc cùng giảm bớt số vũ khí thông thường và quân số, điều này sẽ cho phép giải phóng được những nguồn tài nguyên lớn có thể sử dụng để cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước" - Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng, đã đến lúc cả hai miền đều phải ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận các vấn đề trên.

Song song với Seoul, chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang tìm kiếm các khả năng tác động ngoại giao lên Bình Nhưỡng. Hồi đầu tháng 8 vừa qua, cựu Tổng thống Bill Clinton đã có chuyến đi bất ngờ tới CHDCND Triều Tiên, gặp gỡ với Chủ tịch Kim Jong Il và đã đạt được thỏa thuận trả tự do cho hai nữ phóng viên Mỹ vừa bị kết án tù. Tuy nhiên, các nhà quan sát đều cho rằng, kết quả hàng đầu trong sứ mạng trên của cựu Tổng thống Mỹ chính là đã thiết lập được mối liên hệ không chính thức giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Cũng vào cuối tuần qua, Washington cũng có những phát biểu bóng gió rằng, họ không có ý định đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc những biện pháp xiết chặt cấm vận hơn đối với Bắc Triều Tiên. Quan điểm trên cũng nhận được sự khẳng định từ Philip Goldberg, Trưởng nhóm đàm phán liên cơ quan của Mỹ, được thành lập trước đó để phối hợp các nỗ lực nhằm thực thi các quyết nghị của Hội đồng Bảo an đối với Bình Nhưỡng. Cụ thể theo lời ông này, phía Mỹ vào thời điểm hiện tại không có ý định vượt ra ngoài khuôn khổ của những Nghị quyết 1874 và 1718 được Hội đồng Bảo an thông qua trước đó nhằm ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn rất có thể khiến cho các nỗ lực của cả SeoulWashington trở nên "xôi hỏng bỏng không". Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại có cái nhìn khác về thái độ phản ứng gay gắt vừa qua của CHDCND Triều Tiên. Theo họ, đây chỉ là một hình thức để Bình Nhưỡng gây sức ép bắt Washington phải ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.

Ngay khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã tính đến khả năng về một bước ngoặt mới về đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn tỏ ý không muốn từ bỏ hình thức đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như trước kia. Những phát biểu gây sức ép lần này có thể được nhìn nhận như một nỗ lực nữa nhằm thúc đẩy Mỹ ngồi vào bàn đàm phán song phương.

Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở nếu tính tới một loạt những cử chỉ thiện chí của Bình Nhưỡng đằng sau những phát biểu mang tính "đao to búa lớn". Việc Chủ tịch Kim Jong Il đồng ý trả tự do cho hai nữ phóng viên Mỹ có thể coi là thiện chí đầu tiên. Động thái đáng chú ý tiếp theo là cuộc gặp mới đây giữa Chủ tịch Hyun Jung-eun của Tập đoàn kinh tế Hyundai Group lớn nhất Hàn Quốc với Chủ tịch Kim Jong Il, kết quả đầu tiên là quyết định trả tự do cho một công nhân của tập đoàn này đã bị bắt giữ trước đó.

Bà Hyun Jung-eun cho biết còn đang nỗ lực đàm phán với phía CHDCND Triều Tiên về việc khôi phục lại các chuyến du lịch tới khu nghỉ mát trên núi trong lãnh thổ nước này, từng là cơ sở kinh doanh thuận lợi do Tập đoàn Hyundai điều hành trước đó.

Một năm trước, tuyến du lịch này đã bị các quan chức CHDCND Triều Tiên đóng cửa, sau khi một khách du lịch Hàn Quốc bị bắn chết do đi lạc vào khu quân sự. Khu nhà nghỉ này từ trước vẫn được coi là một trong những kênh chính thu hút ngoại tệ của CHDCND Triều Tiên trong hoàn cảnh thường xuyên bị cấm vận.

Cuối cùng ngay trong ngày 17/8, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ gỡ bỏ những hạn chế về biên giới với Hàn Quốc để cho phép các gia đình bị ly tán vì chiến tranh trước đây được tái hợp, cũng như khởi động lại các dự án về du lịch đã bị gác lại từ 18 tháng qua do leo thang căng thẳng giữa hai miền

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.