Thấy gì qua chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình?

Thứ Hai, 24/06/2019, 18:08
Ngày 20-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Triều Tiên trong hai ngày. Vấn đề kinh tế và hồ sơ hạt nhân là chủ đề xuyên suốt trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này của ông Tập.

Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, mặc dù đến thăm CHDCND Triều Tiên nhưng mục đích thực sự của Chủ tịch Trung Quốc lại nhắm vào Mỹ.

Theo thông lệ trước đây trong các chuyến thăm của  lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập  Cận Bình được cho là sẽ cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo khổng lồ cho CHDCND Triều Tiên, và một số hãng truyền thông Hàn Quốc đồn đại rằng ông Tập có thể sẽ tặng Bình Nhưỡng đến 100.000 tấn lương thực. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, thông tin trên chưa được xác nhận.

Liên quan tới hồ sơ hạt nhân, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc và tờ Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên cho biết, ông Tập ủng hộ các nỗ lực kiên định của CHDCND Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân bằng các biện pháp chính trị đúng đắn. Trung Quốc ủng hộ cuộc đối thoại, trong đó lưu tâm tới những lo ngại của Bình Nhưỡng.

Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay trước khi bước vào cuộc họp ở Bình Nhưỡng ngày 20-6.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác với CHDCND Triều Tiên, cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un thúc đẩy đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đóng góp tích cực cho sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến Bình Nhưỡng kể từ năm 2005. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đọ sức với Washington về thương mại và đàm phán My - Triều Tiên về hạt nhân rơi vào bế tắc. Đây không phải là lần đầu tiên mà hai lãnh đạo Trung - Triều gặp nhau, thế nên các nhà quan sát tập trung đi vào phân tích ẩn ý của hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un khi gặp nhau vào thời điểm này.

Trước hết với CHDCND Triều Tiên, theo phân tích của AFP, Bình Nhưỡng sẽ được 3 lợi thế sau chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc. Kể từ khi chuyển hướng, ngừng khiêu khích cộng đồng quốc tế để chuẩn bị đàm phán với Mỹ, Bình Nhưỡng đã xích lại gần với Seoul. Bởi Hàn Quốc vừa là đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Bắc Á vừa là nước láng giềng anh em với CHDCND Triều Tiên.

Nhưng vài tuần trước khi đến Singapore bắt tay Tổng thống Donald Trump, ông Kim và phu nhân đã đến thẳng Bắc Kinh. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng không bao giờ lơ là với Bắc Kinh, kể cả sau thất bại tại thượng đỉnh hồi tháng 2-2019. Điều này khiến giới quan sát khẳng định rằng trong đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Bắc Kinh là “kênh trên đối thoại ưu tiên” của Bình Nhưỡng, bởi ông Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài hơn là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Thứ nhất, về chiến lược và kinh tế, Bắc Kinh là điểm tựa an toàn cho Bình Nhưỡng. Thứ hai, Bình Nhưỡng cũng cần hỗ trợ của Bắc Kinh để hạn chế các lệnh trừng phạt quốc tế. Trên cương vị thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào CHDCND Triều Tiên và lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với nước láng giềng này không nhỏ.

Người dân Triều Tiên vẫy chào Chủ tịch Trung Quốc trên đường phố Bình Nhưỡng ngày 20-6.

Tại Liên Hiệp Quốc ngày 18-6, Trung Quốc và Nga đã bác bỏ một sáng kiến của Mỹ nhằm ngăn chặn việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho CHDCND Triều Tiên. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Washington khẳng định lượng dầu mỏ nhập vào CHDCND Triều Tiên đã vượt quá hạn định cho phép trong năm 2019.  

Điểm thứ ba là ông Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài để thuyết phục Tổng thống Trump ở Nhà Trắng hơn Tổng thống Moon Jae In. Ngoài ra, ông Kim Jong Un muốn phô trương liên minh với Trung Quốc để củng cố vị thế đàm phán của mình trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ông Donald Trump vừa khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, nên cũng cần lấy điểm với cử tri Mỹ.

Khi cả ông Trump và ông Tập cùng muốn nhanh chóng tạm khép lại cuộc chiến thương mại thì rõ ràng lãnh đạo Bắc Kinh mới chính là chìa khóa giúp Bình Nhưỡng nhanh chóng đạt được mục tiêu mong muốn. Như một sự trùng hợp, ngày 20-6, đặc sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên tuyên bố rằng để tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân, cả Washington lẫn Bình Nhưỡng cần có thái độ “uyển chuyển”.

Về phần ẩn ý của Trung Quốc trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này, AFP cho biết ông Tập Cận Bình đã không chọn thời điểm công du Bình Nhưỡng một cách ngẫu nhiên: Vào tuần tới đây, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ mở ra tại Osaka (Nhật Bản), nơi ông sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Zhiqun Zhu, chuyên gia về chính trị quốc tế, Đại học Bucknell, Pennsylvania, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng: Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán vấn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều vô ích. Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington, là nếu Hoa Kỳ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì phải có các nhân nhượng với Trung Quốc.

Chuyên gia Zhao Tong phỏng đoán, Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hóa, đổi lại Washington sẽ “mềm mại” hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại. Chuyên gia Zhiqun Zhu, Đại học Bucknell, Pennsylvania, nêu kịch bản lãnh đạo CHDCND Triều Tiên thông qua Chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến Tổng thống Mỹ, đề nghị ông Trump có thái độ thực tế hơn, và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về các lo ngại của Bình Nhưỡng, trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Theo Abraham Denmark, Gsiám đốc Chương trình châu Á của Viện tư vấn Wilson center, Washington, việc các thương thuyết Mỹ - Triều Tiên có tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến đích phi hạt nhân hóa, cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại đàm phán bế tắc có thể dẫn đến những căng thẳng mới tại khu vực, thậm chí xung đột vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán Mỹ - Triều Tiên đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho đến nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.