Thủ phạm làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

Thứ Sáu, 07/10/2016, 17:45
Cuối tuần qua, tại Hawaii, Mỹ và các nước ASEAN đã mở một cuộc họp không chính thức giữa các bộ trưởng quốc phòng. Phía Mỹ nhấn mạnh: cuộc họp này cho thấy tầm quan trọng của ASEAN là một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ xoay trục sang châu Á.

Đây cũng là cuộc họp đầu tiên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này. Nhân dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã công bố một số sáng kiến mới về an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm đối thoại về an ninh hàng hải và tập dợt chung với các nước ASEAN trong hoạt động tăng cường giám sát vùng biển.

Theo bài báo đăng ngày 2-10 trên tờ The Diplomat, Mỹ đang muốn đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quân sự của nước này với những cơ quan của các nước Đông Nam Á, bởi vì các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống mà hai bên đang phải đối phó rất phức tạp. Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Obama đã đẩy mạnh hỗ trợ các nước Đông Nam Á về an ninh hàng hải trước những hành động của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.

Bên lề cuộc họp bàn về việc làm thế nào ngăn chặn căng thẳng leo thang ở Biển Đông, tờ SCMP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đưa ra nhận định: Nguy cơ xảy ra xung đột ở Biển Đông nằm ở các tàu phi quân sự, trong lúc Trung Quốc đang triển khai ngày càng nhiều tàu bảo vệ bờ biển có vũ trang tới khu vực này.

Mặc dù Singapore không có tranh chấp ở Biển Đông, song nước này cảnh báo việc Trung Quốc thường xuyên dùng tàu hải cảnh, thường được sơn màu trắng, để uy hiếp, đẩy đuổi tàu cá nước khác ra khỏi các vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền "sẽ khiến phát sinh sự cố từ hoạt động đánh bắt trên ngư trường” - ông Ng Eng Hen nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Mỹ ở Hawaii ngày 30-9.

Hồi đầu tháng 9, khảo sát của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ đưa ra báo cáo: Việc hợp nhất các lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính... vào năm 2013, đi đôi với việc tăng cao ngân sách đã giúp Trung Quốc tạo ra lực lượng tuần duyên lớn nhất thế giới: 205 tàu, trong đó có 95 tàu hơn 1.000 tấn, đông hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản.

Còn theo khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ, từ năm 2010 đến nay, trên Biển Đông đã xảy ra 45 lần đụng độ và đối đầu. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc liên quan trong 30 lần, 4 sự cố khác liên quan đến các tàu chấp pháp của hải quân Trung Quốc.

Nghiên cứu khảo sát này bao gồm cả vụ Trung Quốc vào năm 2014 hạ đặt trái phép giàn khoan dầu sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và căng thẳng dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines năm 2012. Báo cáo nêu ra vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 9-7, hai tàu đánh cá QNg 90479 TS và QNg 95001 TS của Việt Nam đang hoạt động gần Đá Lồi (Discovery Reef) tại Hoàng Sa, đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc Haijing 46101 và Haijing 35103 đâm chìm, họ còn ngăn cản không cho các tàu cá Việt Nam khác đến cứu vớt các ngư dân bị rơi xuống biển.

“Trong khi các nhà quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện tại vùng biển tranh chấp, không thể coi thường mối nguy hiểm từ những sự cố có liên quan đến các tàu tuần duyên Trung Quốc” - bà Glaser cho biết - nguy cơ xảy ra thương vong trong đụng độ dân sự cao hơn so với giữa các lực lượng hải quân tuần tra Biển Đông, dựa vào tần suất và cường độ các vụ việc trong vài năm qua”.

Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Lào vào đầu tháng 9 vừa qua, đoàn đại biểu Philippines đã cho công bố rộng rãi hình ảnh chứng minh các tàu tuần duyên và xà lan Trung Quốc di chuyển đến bãi cạn Scarborough, và nêu nghi ngờ Bắc Kinh âm mưu xây đảo nhân tạo tại đây.

Đ.K. (tổng hợp)
.
.