Trung Quốc và Ấn Độ nối lại đàm phán về tranh chấp biên giới

Thứ Năm, 27/08/2009, 15:35
Ngày 7/8 vừa qua, tại New Delhi, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tiến hành đàm phán với Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ M. K. Narayanan về hồ sơ tranh chấp biên giới song phương. Được khởi động cách đây 28 năm, vòng đàm phán lần thứ 13 này được nối lại sau một năm gián đoạn, trong bối cảnh quan hệ song phương trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu căng thẳng.

Trung Quốc hiện là đối tác kinh doanh lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau châu Âu, với thương mại hai chiều năm 2008 đạt 51,7 tỉ USD, nhưng hai bên vẫn còn nhiều bất đồng liên quan tới vấn đề biên giới.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến đường biên giới dài 3.500km trong vùng núi Himalaya và đã dẫn đến cuộc chiến năm 1962, cho tới nay hai nước vẫn chưa phân định biên giới rõ ràng. Thay vì việc vẽ ra một đường biên giới chính thức, hai nước sử dụng Đường Kiểm soát thực tế có từ sau cuộc chiến năm 1962 làm ranh giới tạm thời.

Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã kiểm soát bất hợp pháp 38.000km2 lãnh thổ Kashmir trong khi Bắc Kinh lại tuyên bố chủ quyền đối với 90.000km2 diện tích bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, đặc biệt là khu vực Tawang. Lập trường của New Delhi là không chấp nhận di chuyển dân cư khi giải quyết tranh chấp biên giới và Tawang là nơi sinh sống của người Ấn Độ.

Vòng đàm phán cuối cùng giữa hai nước về biên giới kết thúc tháng 9/2008  mà không thu được kết quả gì. Theo các nhà quan sát, cuộc gặp gỡ lần này khó đạt được mục tiêu cụ thể nào vì có những dấu hiệu căng thẳng gần đây giữa hai nước.

Ông Brahma Chellaney, chuyên gia phân tích chiến lược, làm việc tại New Delhi, nhận định: "Rõ ràng là triển vọng về loạt đàm phán mới không mang lại hứa hẹn. Bầu không khí đã xấu đi trong những tháng vừa qua, hơn nữa, tình hình căng thẳng leo thang tại vùng biên giới Himalaya".

Cách đây vài tháng, Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản Ngân hàng Phát triển châu Á cấp tín dụng cho Ấn Độ để thực hiện một dự án ở phía đông bắc nước này, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Trước đó, Ấn Độ lên kế hoạch chi ra 3 tỉ USD để hiện đại hóa hệ thống giao thông tại khu vực biên giới có tranh chấp.

Ngày 9/6/2009, trước mối đe dọa bất ổn ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, chính quyền New Delhi cho biết đã triển khai thêm hàng chục nghìn quân tới khu vực tranh chấp dọc biên giới bang Arunachal Pradesh. Thống đốc bang Arunachal Pradesh là J.J. Singh vào thời điểm đó cho biết: "Hai sư đoàn với 50.000 binh sĩ được triển khai dọc biên giới của bang Arunachal Pradesh nhằm tăng sức mạnh, tăng khả năng phòng vệ ở biên giới".

Ngoài binh sĩ, Ấn Độ cũng triển khai thêm nhiều khí tài khác tại khu vực tranh chấp như đại bác 155mm, máy bay tiêm kích Sukhoi, trực thăng, cùng nhiều thiết bị bay không người lái khác. Trước đó, Ấn Độ cáo buộc nhiều binh sĩ Trung Quốc tràn qua biên giới, tiến vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ một cách phi pháp.

Dù hai nước ký hiệp ước nhằm chấm dứt chiến tranh dọc biên giới chung dài 3.500 km năm 1962, duy trì hòa bình dọc khu vực tranh chấp và cam kết tìm giải pháp chính trị cho vấn đề này nhưng công việc tiến triển rất chậm. Tới tháng trước, không quân Ấn Độ cảnh báo, Trung Quốc là mối nguy lớn hơn cả Pakistan bởi họ không biết gì nhiều về tiềm lực quân sự của Bắc Kinh. Vì vậy, nước này "sốt sắng" tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, cũng như đẩy mạnh các hợp đồng mua vũ khí, đặc biệt từ Nga.

Theo Trung tâm Phân tích và Công nghệ, Ấn Độ đã đặt mua 90 máy bay Su-30MKI, sắp tới là 126 máy bay đa chức năng MiG-35 trị giá hơn 10 tỉ USD, cũng như cùng Nga thúc đẩy hợp tác quân sự, nổi bật là việc hai nước cùng nhau nghiên cứu máy bay thế hệ thứ 5. Ấn Độ còn ký với Nga một hợp đồng nâng cấp 70 máy bay MiG-29 đang được triển khai tại quốc gia Nam Á này. Đây là những máy bay cũ, bắt đầu hoạt động trong quân đội Ấn Độ từ những năm 80 thế kỷ trước.

Ngoài tăng cường sức mạnh trên không, Ấn Độ còn củng cố lực lượng hải quân, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm. Theo tờ Ria Novosti, New Delhi liên tục cử các chuyên gia sang Nga để đàm phán mua tàu ngầm hạt nhân 12.000 tấn Nerpa của nước này. 

Với những căng thẳng nêu trên, cuộc hội đàm hai ngày 7 và 8/8 vừa qua đã kết thúc với việc hai bên nhất trí đẩy mạnh các cuộc thảo luận khung về vấn đề biên giới trên tinh thần phù hợp các nguyên tắc và thỏa thuận chính trị đã đạt được giữa hai bên nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng và hợp lý.

Trong khuôn khổ cuộc đàm phán, Trung Quốc đề nghị hai bên xây dựng lòng tin thông qua việc duy trì các cuộc trao đổi đoàn cấp cao; tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2010; tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy cải cách hệ thống quốc tế theo hướng bảo đảm quyền lợi hơn cho các nước đang phát triển.

Mặc dù chi tiết của các cuộc đàm phán không được tiết lộ, nhưng theo giới quan sát, cuộc thảo luận đã gặp phải nhiều khó khăn vì Bắc Kinh không nhượng bộ những đòi hỏi của Ấn Độ liên quan đến những khu vực mà hai bên đều xác nhận nhận chủ quyền. Một lý do khác cũng được đưa ra là Trung Quốc muốn Ấn Độ giảm bớt sự hiện diện quân sự ở vùng biên giới, nhưng New Delhi không đồng ý với đòi hỏi này.

Giới phân tích cho rằng vòng đàm phán biên giới Trung - Ấn lần này cũng giống như những lần trước khi hai bên cố gắng thuyết phục nhau không để vấn đề biên giới ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế, hay nói như người phát ngôn phái đoàn Trung Quốc Mã Chiêu Húc thì những vấn đề tồn tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc không nên ảnh hưởng và cản trở tới bước phát triển quan hệ tổng thể của hai nước, còn thực chất của vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước từ bao năm nay vẫn không hề tiến triển được nhiều

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.