Ấn Độ thúc đẩy hoạt động đối trọng Trung Quốc

Chủ Nhật, 22/08/2021, 08:59

Các thành viên trong Hiệp định An ninh Colombo bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives hồi đầu tháng 8 đã tổ chức cuộc họp thứ hai trong 8 tháng để thúc đẩy tầm ảnh hưởng trên các tuyến hàng hải, với mục tiêu đối trọng Trung Quốc.

4 trụ cột về an ninh

Khi các đối thủ chiến lược của Thái Bình Dương ngày càng lộ diện và gia tăng hoạt động, một nhóm đa phương mới đã xuất hiện ở Ấn Độ Dương.

Đó là Hiệp định An ninh Colombo bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives. Hồi đầu tháng 8, nhóm này đã tổ chức cuộc họp thứ hai trong 8 tháng, trong đó nhấn mạnh “4 trụ cột” của hợp tác bao gồm: an ninh biển, chống khủng bố, buôn người và an ninh mạng. Cuộc họp được tiến hành chỉ 1 tháng sau khi hải quân 3 nước tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trên biển kéo dài 2 ngày mà chính quyền New Delhi gọi là biểu tượng của “cam kết 3 bên sâu sắc” trong lĩnh vực hàng hải giữa các quốc gia.

Ấn Độ thúc đẩy hoạt động đối trọng Trung Quốc -0
 Tàu sân bay bản địa của ấn Độ - INS Vikrant bắt đầu thử nghiệm trên biển hôm 4-8. Ảnh: Getty

Thực tế, hợp tác 3 bên 3 về an ninh giữa Ấn Độ, Sri Lanka cùng Maldives được thành lập vào năm 2011 và mới hồi sinh vào tháng 11 năm ngoái sau 6 năm gián đoạn với tên chính thức là Hiệp định An ninh Colombo, có trụ sở chính ở thủ đô Colombo của Sri Lanka. Hiện tổ chức này đã sẵn sàng để mở rộng thành viên với sự gia nhập của Bangladesh, Seychelles và Mauritius - các quốc gia đang giữ tư cách quan sát viên.

Các chuyên gia cho rằng, quyết định chào đón 3 thành viên mới phản ánh tham vọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực và sự cảnh giác của Hiệp định An ninh Colombo với những hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Trước đó, vào năm 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết, 3 bên đang “khám phá khả năng” đưa các quốc gia như Seychelles và Mauritius vào nhóm những kế hoạch bị đình trệ khi mối quan hệ giữa New Delhi và Malé trở nên rạn nứt trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen.

6 năm sau mọi thứ đã thay đổi. Trung Quốc đã và đang mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực, thiết lập một căn cứ quân sự ở Djibouti, vận hành cảng Gwadar ở Pakistan và cảng Hambantota ở Sri Lanka. Hồi tháng 5, Kenya cũng đã khánh thành một cảng do Trung Quốc xây dựng trên đảo Lamu ở Ấn Độ Dương, trong khi Chính phủ Tanzania cho biết họ có kế hoạch khôi phục thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Trung Quốc để xây dựng một cảng mới ở thị trấn ven biển Bagamoyo. Các nhà quan sát quân sự suy đoán rằng, với những bước tiến này, hải quân Trung Quốc cuối cùng có thể điều động một hạm đội đặc biệt tới Ấn Độ Dương.

Đương nhiên, các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực đã gây ra lo lắng cho New Delhi. Tháng 12-2019, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được phát hiện đi vào vùng biển của Ấn Độ và bị trục xuất. Tháng 9 năm ngoái, ngay sau cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, hải quân Ấn Độ cho biết đã theo dõi một tàu Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương vì nghi ngờ thu thập thông tin nhạy cảm.

Hồi tháng 2, Ấn Độ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cho các Bộ trưởng Quốc phòng của khu vực, nơi New Delhi tuyên bố sẵn sàng cung cấp hệ thống vũ khí cho các nước láng giềng. Không nêu tên Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đề cập đến các tranh chấp ở Biển Đông khi nói rằng “tác động tiêu cực của các tuyên bố chủ quyền và hành động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế ở một số khu vực biển trên thế giới làm nổi bật sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình” trong khu vực.

Vai trò của Ấn Độ

Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ tại Quỹ Nghiên cứu quan sát có trụ sở tại New Delhi nhận định: “Rất rõ ràng, lý do thúc đẩy sự mở rộng của Ấn Độ là Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không hoạt động ở Ấn Độ Dương và không gửi tàu chiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ thì New Delhi đã không chủ động như vậy”.

Cũng theo nhà phân tích Rajagopalan, một Hiệp định An ninh Colombo mở rộng sẽ giữ cho các đối tác tham gia và đảm bảo họ không “hoàn toàn rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc”. Trong khi đó, một cựu sĩ quan cấp cao của hải quân Ấn Độ khẳng định, New Delhi luôn định vị mình là “quốc gia phản ứng đầu tiên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong khu vực và là nhà cung cấp an ninh cho khu vực”.

Ấn Độ thúc đẩy hoạt động đối trọng Trung Quốc -0
 Tàu sân bay Hải quân ấn Độ trong cuộc tập trận hải quân Malabar, năm 2020. Ảnh: Getty

Vì thế, Ấn Độ đang tăng cường hợp tác song phương với các nước láng giềng như: tặng tàu tuần tra nhanh cho Seychelles và nâng cấp quan hệ quốc phòng với Maldives. Như vậy, các nhóm tiểu vùng, thay vì chỉ phụ thuộc vào quan hệ đối tác song phương, đã giúp củng cố vai trò của Ấn Độ. Nilanthi Samaranayake, Giám đốc Chương trình phân tích chiến lược và chính sách tại CNA, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định, việc mở rộng tổ chức 3 bên sẽ thể hiện sự tiến bộ của tổ chức này và gia tăng được các cuộc tập trận trên biển cũng như tăng cường giao lưu quân sự, dân sự giữa 3 quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, New Delhi có thể vẫn phải kiềm chế những kỳ vọng của mình từ việc hợp tác với nhóm này. GS Lailufar Yasmin chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Dhaka cho biết, Bangladesh có thể cảnh giác với việc nhóm này trở thành một chiến lược địa chính trị của Ấn Độ để “kiềm chế hoặc chống lại Trung Quốc”.

“Bangladesh đã làm rõ rằng họ sẽ không tham gia bất kỳ hiệp ước hoặc liên minh an ninh nào nhằm mục tiêu chống lại bất kỳ quốc gia nào”, GS Lailufar Yasmin phân tích và nói thêm, việc Dhaka gia nhập nhóm đã được thúc đẩy bởi các mối quan tâm chung như cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các tác động của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao.

“Đây là những lĩnh vực mà Bangladesh cần các đối tác hợp tác để ứng phó. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống không thể được giải quyết bằng nỗ lực của một quốc gia, mà cần có các cơ chế hợp tác cấp khu vực”. Đồng quan điểm này, nhà phân tích Rajagopalan cho biết, có thể Ấn Độ phải bằng lòng với những chiến thắng nhỏ để bắt đầu, chẳng hạn như các cuộc tập trận chung trên biển.

Sông Thương
.
.