An ninh kinh tế với nỗ lực phục hồi sau đại dịch

Thứ Hai, 22/11/2021, 16:01

Do tình trạng thiếu hụt lao động, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia phát triển đã tăng cao, kéo theo đó là yêu cầu tăng lương để phù hợp với tình hình lạm phát đang ngày càng “nóng”. Đây đang trở thành vấn đề tâm điểm của các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Tại Đức, Mỹ hay Nhật Bản, người lao động giờ đây thường xuyên phàn nàn về mức lương so với mặt bằng giá cả chung. Một trong những công đoàn lớn nhất của Đức trong tháng 10 đã lên tiếng yêu cầu tăng 5,3% lương cơ bản để phù hợp với mức tăng của lạm phát.

Trung tuần tháng 10, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương cần hết sức cảnh giác về hiện tượng tăng giá năng lượng và các chi phí khác, bởi chiều hướng này có khả năng gây ảnh hưởng tới tiền lương và giá sinh hoạt.

Lạm phát phi mã

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phát đi những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation). Đây là hiện tượng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều cao. Chỉ số giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE lõi) trong tháng 8 của Mỹ tăng 3,6%, trong khi của Anh tăng 3,1%, cũng là mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

An ninh kinh tế với nỗ lực phục hồi sau đại dịch -0
Lạm phát tăng mạnh gây ra áp lực tiền lương ở nhiều nước phát triển.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 60%. Nhìn vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng của Trung Quốc và châu Âu gần đây, giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vẫn có không gian để tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh khiến giá nguyên vật liệu và hàng hóa công nghiệp gia tăng, trong khi hoạt động cung ứng và vận chuyển tắc nghẽn do dịch bệnh đã đẩy cao giá cả hàng hóa và kỳ vọng lạm phát. Báo cáo tháng 10 của IMF dự báo lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đạt 2,8% vào năm 2021 và 2,3% vào năm 2022, cao hơn so với mức 2,4% và 2,1% trong báo cáo công bố hồi tháng 7.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 10, chỉ số giá thực phẩm đã tăng gần 2% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tăng hơn 4% ở Mỹ. Còn tại Nhật Bản, mức giá mà người tiêu dùng phải trả cũng đã tăng 1% trong tháng 9. Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cuối tuần qua cho thấy lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 7 đã tăng lên 3,2%. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 10 năm tại EU. Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 30 năm là 6,2% vào tháng 10.

IMF cảnh báo tác động tiêu cực của lạm phát còn có thể tăng thêm, nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch trở nên tiêu cực hơn và kéo dài.

Áp lực tiền lương

Mỹ là một trong những nước áp lực của lạm phát đối với tiền lương có thể nhìn thấy rõ ràng. Lực lượng lao động hiện thấp hơn khoảng 4 triệu người so với con số 165 triệu người vào thời điểm trước đại dịch và thu nhập trung bình tính theo giờ đang tăng ở mức 4,5% hằng năm.

Alan Detmeister, nhà kinh tế học tại Ngân hàng UBS và là cựu nhân viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cho biết: “Các doanh nghiệp thiếu hụt lao động sẽ chịu áp lực tăng lương và nếu người lao động tiếp tục không quay trở lại, tiền lương sẽ tăng cao hơn”.

Tại Anh, áp lực về tiền lương cũng đang lớn dần. Ví dụ điển hình nhất có thể quan sát thấy là tình trạng thiếu hụt một lượng lớn tài xế lái xe tải trên toàn quốc, minh chứng cho việc thiếu lao động đang hiện hữu ở một loạt ngành nghề.

Tại Nhật Bản, tiền lương cũng đang chịu áp lực tăng, khi thị trường lao động ngày càng bị thắt chặt. Tân Thủ tướng Fumio Kishida hứa giảm thuế cho các công ty nếu họ chấp nhận tăng lương cho nhân viên. Trong 30 năm gần đây, tiền lương của người lao động Nhật gần như không đổi.

Một số chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay là yếu tố tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ xem xét lại mức tiền lương cơ bản, vốn đã bị trì trệ trong một thời gian dài và giúp tái cân bằng lại thu nhập cho người lao động. 

Bấp bênh câu chuyện tăng lương

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tại Mỹ, tăng trưởng tiền lương dù đã xảy ra nhưng chỉ vượt qua lạm phát giá tiêu dùng, hiện đang ở mức cao hơn 5% trong vòng 2 tháng qua. Trong năm 2020, IMF cho biết tiền lương thực tế đã sụt giảm đáng kể. Tăng trưởng tiền lương của Mỹ cho đến nay vẫn “trong phạm vi bình thường”.

Ở những nơi khác trên thế giới, triển vọng tăng tiền lương vẫn bấp bênh bất chấp áp lực giá cả sinh hoạt. Đối với khu vực Eurozone, có rất ít dấu hiệu cho thấy lương sẽ tăng, thậm chí tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trở lại mức thấp nhất trước đại dịch và số người đăng ký các chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ đã giảm mạnh. IG Bau, công đoàn ngành xây dựng ở Đức, trong tháng 10 đã đề xuất tăng 5,3% lương tối thiểu cho 890.000 công nhân xây dựng. Tuy nhiên, sau đó IG Bau đã đồng ý thỏa thuận với mức tăng 3,3% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023.

Bất chấp tỷ lệ lạm phát của Đức hiện ở mức cao nhất trong vòng 29 năm, đạt 4,1% vào tháng 9, các chuyên gia đều nhìn nhận lạm phát không gây ra sự bùng nổ về nhu cầu tiền lương. Tuần trước, dự báo của các chuyên gia kinh tế cho biết, mức tăng chi phí lao động của Đức sẽ giảm từ 3,4% vào năm ngoái xuống 0,8% trong năm nay và bằng 0 vào năm 2023.

Ông Andrew Bailey, Thống đốc BoE, nói rằng điều quan trọng là phải xác định xem sự thay đổi về giá cả và tiền lương hiện nay là hiện tượng nhất thời hay sẽ là xu hướng gia tăng liên tục. Chuyên gia Brzeski của ING nhận định các nhà hoạch định chính sách của Eurozone hoan nghênh hành động tăng lương vì điều đó góp phần bù đắp cho thu nhập khả dụng do chi phí sinh hoạt cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng giải thích thêm việc tăng lương để phù hợp với lạm phát là “hoàn toàn không thực tế, ít nhất là không phải trong năm nay”.

Bích Vân(Tổng hợp)
.
.