Biện pháp trừng phạt của phương Tây - con dao 2 lưỡi

Thứ Tư, 12/01/2022, 11:41

Năm 2021 vừa qua được đánh dấu bởi một xu hướng đáng chú ý trong các chính sách trừng phạt của phương Tây. Mỹ vẫn là nước khởi xướng các biện pháp trừng phạt trên quy mô lớn nhất và có ảnh hưởng tiêu cực nhất đối với hoạt động thương mại. Các biện pháp trừng phạt của liên minh châu Âu cũng có sự thay đổi nhưng không có đột phá đáng chú ý.

Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã dẫn đến những điều chỉnh trong chính sách trừng phạt đối với Nga, Trung Quốc và Iran. Trong khi đó, Belarus có thể coi là “quốc gia mục tiêu” của năm 2021. Mức độ trừng phạt của Mỹ, EU, Anh, Canada và Thụy Sĩ đối với nước này đã tăng lên đáng kể. Trong khi đó, Trung Quốc là nước đã thể hiện quyết tâm đáp trả mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Đầu tiên, phải kể đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden lật ngược sắc lệnh của ông Trump về việc trừng phạt Tòa án Hình sự quốc tế. Ông Biden cũng làm điều tương tự ví các sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump đối với Trung Quốc. Đặc biệt, ông đã gỡ bỏ sắc lệnh cấm WeChat và TikTok ở Mỹ. Tương tự, Xiaomi của Trung Quốc cũng được ông Biden đưa ra khỏi danh sách các doanh nghiệp quân đội được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Bộ Tư pháp Mỹ đã hủy bỏ vụ án hình sự đối với Giám đốc Tài chính Huawei, đổi lại, Trung Quốc đã trả tự do cho 2 công dân Canada bị giam giữ trước đó. Tuy nhiên, các chính sách được cho là kiềm chế Trung Quốc thì không thay đổi, chỉ có điều đã trở nên thận trọng và ít tai tiếng hơn. Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt quan chức Trung Quốc nhưng không áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ khác đối với các tổ chức tài chính.

Trong khi đó, EU và các đồng minh khác của Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Brussels đã sử dụng cơ chế pháp lý mới về nhân quyền và điều này lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh.

Biện pháp trừng phạt của phương Tây - con dao 2 lưỡi -0
Khủng hoảng biên giới Ba Lan - Belarus khiến Minsk hứng chịu nhiều đòn trừng phạt của phương tây.

Về phần mình, Trung Quốc được cho là đã làm tốt việc phát triển cơ chế chống trừng phạt. Từ các cơ chế mới được sử dụng để đáp trả các nước phương Tây, Trung Quốc từng bước hình thành chính sách trừng phạt của mình theo hướng “gậy ông đập lưng ông”. Cùng với đó, Bắc Kinh còn sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các nước phương Tây đối với thị trường Trung Quốc hoặc giảm thiểu mức độ quan hệ kinh tế thương mại. Litva là nước cảm nhận rõ chính sách này của Trung Quốc nhất.

Về vấn đề Iran, nhiều người kỳ vọng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được khôi phục và ít nhất là các biện pháp trừng phạt sẽ được nới lỏng. Năm 2018, ông Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và hành động đó đã khiến ông bị các bên còn lại của thỏa thuận chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên, đối với Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran không phải là một hiệp ước quốc tế mà chỉ là một cam kết thực hiện. Sau năm 2018, chính quyền Mỹ đã gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Iran, mở rộng danh sách các yêu cầu chính trị.

Đối với Nga, đầu năm 2021, chính quyền ông Biden đã phát động một cuộc tấn công trừng phạt liên quan đến vụ Navalny và một báo cáo khác về can thiệp bầu cử năm 2020. Các biện pháp trừng phạt lên đến đỉnh điểm vào tháng 4-2021, khi ông Biden ký Sắc lệnh hành pháp số 14024, hệ thống hóa các yêu sách chống lại Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực công nghệ của nước này.  Đồng thời, một số công ty của Nga liên quan đến an ninh mạng cũng đã bị phong tỏa. Tổng thống Biden cũng đã mở rộng lệnh cấm mua trái phiếu của Nga trên thị trường sơ cấp.

Hiện nay, lệnh cấm này vẫn được áp dụng đối với trái phiếu có mệnh giá bằng đồng ruble Nga. Ngoài ra, số lượng người Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ cũng được mở rộng. Những người này bị hạn chế xuất cảnh. Nga cũng đã đáp trả bằng cách trục xuất và cấm các cơ quan ngoại giao Mỹ thuê nhân viên Nga.

Năm 2021 cũng đánh dấu bằng các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, một dự án khiến quan hệ Mỹ - EU có những sứt mẻ nhất định. Việc thông qua Đạo luật bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu (PEESA) không làm thay đổi tình hình. Hơn nữa, ông Biden phần nào đã tính đến mối lo ngại của các đồng minh châu Âu. Chính quyền ông Biden đã sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các pháp nhân và tàu thuyền của Nga liên quan đến dự án. Tuy nhiên, động thái trên không ngăn chặn được dự án này và đường ống cuối cùng đã được hoàn tất.

EU cũng đã sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Đầu năm 2021 được đánh dấu bằng các biện pháp trừng phạt liên quan đến vụ Navalny và chuyến thăm Nga không thành công của Josep Borrel, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại châu Âu. Tuy nhiên, các biện pháp của EU chỉ giới hạn ở việc hạn chế các quan chức cấp cao chứ không gây thiệt hại cho nền kinh tế và thị trường.

Một loạt các biện pháp trừng phạt thực sự cũng đã được áp đặt đối với Belarus. Áp lực của phương Tây đối với Minsk đã bắt đầu vào năm 2020, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các cuộc biểu tình công khai sau đó. Sau sự cố liên quan chuyến bay của Ryanair, các biện pháp trừng phạt đã tăng lên đáng kể. Các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU, Canada, Anh và Thụy Sĩ đã nhắm vào một số quan chức Belarus, các doanh nhân gần gũi với chính quyền, các cơ chế nhà nước và các công ty có vai trò then chốt đối với ngành xuất khẩu của Belarus. Minsk phải đối mặt với các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính, công nghiệp thuốc lá, lọc dầu và chế biến kali. Những biện pháp này ngày càng tăng lên như là hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus. Chỉ có điều, nó có giải quyết được tình hình hay không thì còn phải chờ xem đã.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.