Bóng đêm dưới bầu trời sập cửa

Thứ Bảy, 20/05/2023, 19:23

“Không phận Sudan sẽ tiếp tục bị đóng, cho đến ngày 31/5 tới!”. Một thông báo lạnh lùng từ chính quyền, cũng như Cơ quan hàng không dân dụng Sudan. Điều đó có nghĩa là: Mọi nỗ lực thúc đẩy viện trợ nhân đạo dành cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất ở quốc gia Đông Bắc Phi đã và đang bị tàn phá bởi xung đột ngày càng lúc càng trở nên khó khăn. Bởi vì, viễn cảnh xảy ra một thảm họa nhân đạo mới tại đây đã được giới quan sát quốc tế cảnh báo từ trước.

Trời mỗi ngày một tối

Tính đến ngày 13/5, theo các số liệu từ Liên hợp quốc, đã có khoảng 200.000 người dân Sudan phải di tản sang các quốc gia láng giềng tị nạn. Song, dù sao, cũng có thể nói rằng đó là những người may mắn. Bởi, kẹt lại giữa cuộc xung đột vũ trang đang xé đôi đất nước ấy, giữa quân đội của chính phủ Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), bùng nổ từ giữa tháng 4 vừa qua, là hàng triệu người Sudan khác phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.

sgf3e2h54flihcx5zulce6vjlu.jpg -0
Hàng triệu người dân Sudan đã phải rời bỏ ngôi nhà của mình đi lánh nạn

Tuần đầu tháng 5/2023, số người buộc phải rời bỏ nơi cư trú là khoảng 340.000 người. Đến tuần thứ hai của tháng 5, con số ấy đã tăng lên gấp đôi: khoảng 700.000 người. Người phát ngôn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) – ông Paul Dillion – cho biết thêm: kể từ trước khi giao tranh nổ ra, Sudan đã ghi nhận khoảng 3,7 triệu người phải di tản trong nước. Phần lớn trong số họ đã đến lánh nạn ở nhà của người thân, hoặc cố gắng tìm chỗ trú ẩn tại các trường học hay những thánh đường Hồi giáo, hoặc các tòa nhà công cộng.

Lẽ tất yếu, họ không thể được cung ứng đầy đủ thức ăn, nước sạch, thuốc men, và buộc phải cắt giảm mọi điều kiện sinh hoạt. Được sống, với họ, đã là cả một “ân huệ”. Ít nhất, theo báo cáo được Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) công bố ngày 14/5, đã có khoảng 676 người thiệt mạng. Và dự báo, nếu các cuộc thương thảo ngừng bắn vẫn chìm trong bế tắc trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn, những số liệu tang tóc ấy vẫn còn có thể tiếp tục gia tăng, cho dù Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và RSF đã ký Tuyên bố cam kết bảo vệ thường dân Sudan tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia.

Bóng đêm dưới bầu trời sập cửa -0
Hàng triệu trẻ em Sudan đứng trước các nguy cơ về dinh dưỡng, cũng như không được học hành

Bên cạnh trạng thái đau thương của những cái chết là nỗi khổ đau cùng cực của người sống. Có một câu chuyện đầy rung cảm được kể lại bởi Hãng thông tấn AFP hồi thượng tuần tháng 5, về một bệnh viện phụ sản nhỏ mang tên Al-Nada tại thủ đô Khartoum vẫn “kiên gan” mở cửa dưới tầm pháo, để cố gắng cứu vớt từng sinh linh bé bỏng, cũng như cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Tuy nhiên, điều thực sự kinh hoàng lại nằm ở những thông số bên lề câu chuyện. Theo AFP, nhiều cơ sở y tế tại Khartoum đã bị pháo kích. Còn theo Liên hợp quốc, chỉ có 16% bệnh viện ở Khartoum có thể hoạt động bình thường, khiến vô số sinh mạng gặp nguy hiểm. Liên hợp quốc ước tính: có "219.000 phụ nữ mang thai ở Khartoum, bao gồm 24.000 phụ nữ dự kiến ​​sinh con trong những tuần tới". Al-Nada là một trong những cơ sở hiếm hoi mà họ có thể tìm đến. Dưới cái nóng lên tới 40 độ C, bệnh viện không được trang bị điều hòa nhiệt độ. Chỉ có những chiếc quạt trần đang chạy hết công suất để giảm bớt cái nóng nực của mùa hè. Và vào lúc này, thuốc dự trữ cũng đã dần cạn kiệt.

Những bệnh viện kiên cường như Al-Nada cũng chỉ có thể duy trì hoạt động nhờ vào những khoản tiền viện trợ nhân đạo ít ỏi đến từ cộng đồng quốc tế. Bản thân nền kinh tế Sudan, bởi bất ổn chính trị và xung đột kéo dài, đã không còn sức chống đỡ, và trở nên tê liệt. Mọi hoạt động thương mại đã bị đình trệ, do đó, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng nhân đạo càng lúc càng trở nên rõ ràng trong hiện thực, đặc biệt là nếu cuộc xung đột vũ trang giữa hai nhóm SAF và RSF phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện.

Liên hợp quốc ước tính: Khoảng 15,8 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số Sudan, sẽ cần viện trợ nhân đạo vào năm 2023. Con số này nhiều khả năng sẽ tăng lên do xung đột. Song, từ năm ngoái, phụ nữ và trẻ em tại Sudan đã luôn phải đối mặt với những hiểm họa. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 1.000 phụ nữ khi sinh con ở Sudan lại có 3 người qua đời, tỷ lệ cao gấp 8 lần so với con số ở nước láng giềng Ai Cập. Cứ 1.000 trẻ em Sudan thì có 56 trẻ chết trước khi được 5 tuổi. Rồi kể từ khi xung đột bùng phát, đã có hơn 1 triệu liều vaccine phòng bại liệt cho trẻ em bị phá hủy.

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Từ ngày 7/5, Hội đồng Liên đoàn Arab (AL) đã ban hành một nghị quyết về việc thành lập nhóm tiếp xúc cấp bộ trưởng Arab để liên lạc với các bên ở Sudan và các quốc gia có ảnh hưởng nhằm đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia châu Phi này. Theo đó, một nhóm tiếp xúc - bao gồm đại diện của Saudi Arabia, Ai Cập và AL - sẽ tiến hành liên lạc với các bên ở Sudan, các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế hữu quan, với mục tiêu tìm kiếm và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài, đồng thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.

Cùng ngày 7/5 ấy, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Sudan. Ngày 9/5, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cho biết: Ai Cập và Nam Sudan đang làm mọi việc có thể để đạt được sự ổn định trong khu vực, thông qua việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Sudan, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực xoa dịu nỗi đau cho người dân Sudan.

3ngtqifbqzpc7oqkum2vw2peni.jpg -0
Hàng chục triệu người dân Sudan cần được hỗ trợ nhân đạo

Cùng lúc, Hãng thông tấn RT dẫn phát biểu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán cho Sudan, nếu các bên tham chiến đưa ra quyết định bắt đầu đàm phán toàn diện. Trên hết, kể từ khi chiến sự nổ ra, Liên hợp quốc cũng đã liên tục kêu gọi đàm phán hòa bình, cũng như tạo điều kiện thực thi các sứ mệnh nhân đạo.

Nhìn từ tầm cao, những khoảng trống và sự tranh giành quyền lực cũng như tình trạng hỗn loạn ở đất nước 45 triệu dân ấy có thể xem là một hiểm họa đối với hòa bình và ổn định - không chỉ ở vùng quanh Sừng Châu Phi, mà còn đối với toàn thế giới. Bởi lẽ, tình trạng vô chính phủ ấy chính là “điều kiện lý tưởng” cho các hình thức tội phạm có tổ chức cùng các nhóm cực đoan hay các thành phần thuộc chủ nghĩa khủng bố quốc tế đổ về “lập căn cứ”.

Đến ngày 14/5, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Sudan, ông Volker Perthes, hé lộ với báo giới rằng một số lượng đáng kể những đối tượng có vũ trang đang tràn vào Sudan từ các nước trong khu vực Sahel, bao gồm Mali, Cộng hòa Chad, Cộng hòa Trung Phi và Niger. Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, cáo buộc RSF tuyển mộ binh lính từ các quốc gia láng giềng vốn cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn ấy.

_129722827_gunfiresmallx563.jpg -0
Giao tranh vẫn cứ tiếp diễn

Và nhìn ngược lại quá khứ rất gần, ngày 8/5, người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết những kẻ cướp bóc đã đột kích vào các văn phòng chính của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ở thủ đô Khartoum của Sudan, vài ngày sau khi cướp phá 17.000 tấn lương thực từ các kho của WFP khác. Hành động cướp bóc các cơ sở nhân đạo này bị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án gay gắt, song chính Liên hợp quốc cũng chưa có “đối sách” nào hiệu quả.

Còn hiện tại, khi tuyên bố tiếp tục đóng cửa không phận, chính quyền Sudan cho biết "các chuyến bay sơ tán và viện trợ nhân đạo" sẽ được miễn áp dụng quy định này, với điều kiện là phải có giấy phép do cơ quan liên quan cấp - mệnh đề dường như đi ngược với những gì OIC hối thúc, về chuyện “tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn viện trợ nhân đạo” và kêu gọi các bên “tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu ở các vùng khác nhau” của Sudan.

1200x0-1684460436062.jpg
Và không phận Sudan vẫn là những cánh cửa đóng

Chúng ta có thể hiểu, những sự hạn chế này cũng là cách để SAF ngăn chặn không cho hàng hóa viện trợ rơi vào tay đối thủ. Song, với việc siết chặt các quy định này, thảm cảnh của những người dân đang mắc kẹt giữa hai làn đạn chỉ càng thêm tồi tệ. Nhiều khả năng, sẽ chỉ có những người may mắn tiếp cận được các kênh hỗ trợ nhân đạo cũng như sơ tán liên hệ trực tiếp với phe chính phủ là nhận được những sự giúp đỡ cần thiết. Còn lại, tất cả đều vẫn phải tự lo cho bản thân mình, để tiếp tục tồn tại lay lắt, trong khi chờ đợi hai lực lượng xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán và đạt được một điểm thỏa hiệp phân chia quyền lực nào đó.

Tới khi ấy, không ai dám chắc, ngọn lửa xung đột đã kịp để lại thêm những hệ lụy gì, cho một đất nước vốn đã bị tàn phá nặng nề này.

Mây Linh
.
.