Bức màn sắt vô hình

Thứ Năm, 19/05/2022, 09:25

Ngày 16-5, theo hãng tin Reuters, Chính phủ của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đã đưa ra quyết định chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, để theo bước nước láng giềng Phần Lan trong động thái được xem là sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị của khu vực Bắc âu. Có thể nói, với động thái này, một giai đoạn đã thật sự khép lại trong rất nhiều hồ nghi và lo lắng, từ cả hai phía của một lằn ranh vô hình.

Sự phẳng lặng trên bề mặt

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố: “Có đa số (nghị sĩ) trong Quốc hội Thụy Điển ủng hộ việc (nước này) gia nhập NATO”, sau cuộc tranh luận về chính sách an ninh tại quốc hội. Bà nhấn mạnh: “Gia nhập NATO là điều tốt nhất cho Thụy Điển và người dân Thụy Điển”.

Trước đó một ngày, ngày 15-5, nước láng giềng Bắc Âu của Thụy Điển là Phần Lan cũng đã chính thức công bố ý định gia nhập NATO. Phần Lan và Thụy Điển được cho là đang chuẩn bị chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự đó trong tuần này.

Không cần thiết và cũng không thể né tránh, đây là những bước biến chuyển đáng kể trong chính sách của hai quốc gia vốn duy trì quan điểm trung lập, tránh gia nhập các liên minh quân sự trong một khoảng thời gian rất dài. Quyết định thay đổi để bước sang một giai đoạn mới này, không ít thì nhiều, chắc chắn có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga đang tiến hành tại miền Đông Ukraine.

Bức màn sắt vô hình -0
NATO đứng trước cơ hội gia tăng đáng kể tiềm lực và tầm ảnh hưởng quân sự.

Song, trên lý thuyết, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson vẫn khẳng định: Việc Thụy Điển gia nhập NATO không nhằm mục đích chống lại nước Nga.

Ngược lại, ngay trong ngày 16-5, theo hãng thông tấn TASS (Nga), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) diễn ra tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: Đối với việc mở rộng của NATO, cụ thể là thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, Nga không coi là mối đe dọa trực tiếp bởi Moscow không có vấn đề nào với các quốc gia này. 

Mặc dù vậy, người đứng đầu nước Nga cũng làm rõ: Moscow sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển. Ông khẳng định: Phản ứng của Nga sẽ dựa trên bản chất của mối đe dọa mà Moscow đối mặt.

Nghĩa là, cho đến hiện tại, việc Phần Lan và Thụy Điển có trở thành thành viên NATO hay không, xét cho cùng, cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến hình thái địa chính trị khu vực.

Bức màn sắt vô hình -0
Với Thủ tướng Thụy Điển, “đây là sự lựa chọn tốt nhất”.

Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ

Điều rất đáng chú ý là trong khi Điện Kremlin tỏ ra khá bình thản, thì những trở lực lớn nhất đối với tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, đến lúc này, lại xuất phát từ chính một thành viên quan trọng của khối liên minh quân sự ấy.

Song song với tuyên bố “điềm đạm” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng trong ngày 16-5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayipp Erdogan một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ không đồng ý để những quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt với đất nước chúng tôi gia nhập tổ chức an ninh chung”. Và, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nói thẳng rằng, các phái đoàn của Thụy Điển và Phần Lan không cần tới Ankara để thuyết phục nước này chấp thuận nỗ lực gia nhập NATO của họ.

Nguyên nhân chính dẫn đến thái độ quyết liệt này của Ankara là gì? Một cách ngắn gọn, là những hiềm khích sâu xa đã kéo dài kể từ khi Tổng thống Recep Tayipp Erdogan lên nắm quyền, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự năm 2016, cũng như những động thái trấn áp - thanh trừng diễn ra sau đó.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan “chứa chấp” những người mà Ankara cho rằng có liên quan tới các tổ chức mà nước này và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật mà Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016.

Bức màn sắt vô hình -0
Một vòng vây vô hình, một rào chắn vô hình.

Cùng ngày 16-5, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển không dẫn độ hàng chục nghi phạm “khủng bố” cho Ankara. Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong 5 năm qua, cả Phần Lan và Thụy Điển đều phản ứng kiên quyết trước yêu cầu của Ankara về việc dẫn độ 33 nghi phạm khủng bố. Những cá nhân này, theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, đều có liên quan tới các tay súng người Kurd hoặc phong trào Gullen.

Giới quan sát quốc tế hẳn chưa ai quên quãng thời gian ấy, khi phương Tây và EU nói chung chứ không chỉ là Phần Lan hay Thụy Điển có những động thái hết sức gay gắt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, với các lý do liên quan tới vấn đề nhân quyền. Chưa ai quên, rằng đến tận lúc này, hồ sơ xin gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở trong trạng thái “treo”. Chưa ai quên, tình thế đó đã khiến Ankara xích lại gần Moscow nhanh chóng đến choáng váng như thế nào, sau một cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài 18 tháng (từ sự vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga hồi tháng 11-2015), để thiết lập những mối dây liên hệ khăng khít về cả kinh tế lẫn quân sự và địa chính trị (như tại chiến trường chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông).

Cũng không nên quên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những thành viên có tiềm lực quân sự hùng hậu hàng đầu NATO. Không nên quên, những năm qua, Ankara đã xây dựng được cho mình một vị thế vững chắc như thế nào, đủ để có thể “ngang ngạnh” đứng giữa hai trục quyền lực Đông - Tây và tận dụng chứ không chịu bị cuốn vào cuộc cạnh tranh trên tiến trình tái định hình trật tự thế giới ấy.

Nếu bối cảnh châu Âu hiện tại đang được nhiều nhà phân tích ví von với sự tái hiện một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, thì đứng ở vị trí cửa ngõ Á - Âu và khống chế Biển Đen, lại sở hữu một vị thế ngoại giao tương đối đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem là “ô cửa đặc biệt” trổ giữa “bức màn sắt vô hình” đang sập xuống chia cách NATO - Nga.

Cần phải nhấn mạnh: Nếu Thổ Nhĩ Kỳ - vì những lợi ích của chính mình - nhất quyết phản đối, thì theo điều lệ của NATO (đơn xin gia nhập phải được tất cả 30 quốc gia thành viên chấp thuận), Phần Lan và Thụy Điển cũng khó có thể đạt được mục đích.

Bức màn sắt vô hình -0
Nhưng,Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối quyết liệt.

Sóng ngầm Baltic

Chưa có đầy đủ dữ kiện được công bố, nên sẽ là phiến diện nếu cứ cố suy diễn rằng phản ứng của Ankara ăn khớp với một tính toán nào đó từ Moscow, khi Điện Kremlin rõ ràng đã không thể hiện một thái độ quá gay gắt đối với việc Thụy Điển và Phần Lan cố gắng tìm kiếm những phương thức tự bảo vệ mới cho nền an ninh - quốc phòng của họ.

Mặc dù vậy, điều không hề biến mất vẫn ở nguyên đó. Tổng Thư ký CSTO Stanislav Zas vẫn tuyên bố: Việc NATO mở rộng sẽ làm gia tăng căng thẳng tại châu Âu và liên minh do Nga dẫn đầu này đang phải đối mặt với những thách thức về việc quân sự hóa mạnh mẽ hơn nữa ở Đông Âu. Và, chủ nhân Điện Kremlin vẫn nhận định: ngoài việc mở rộng hoạt động, NATO cũng vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, tìm cách tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế và kiểm soát tình hình quốc tế theo quan điểm an ninh của mình. Do vậy, Nga sẽ chú ý tới thực tế đó.

Dù chưa xem việc hai nước Bắc Âu bày tỏ ý định gia nhập NATO là nguy cơ trực tiếp, thì với cách tiếp cận vấn đề như vậy, trong trung và dài hạn, có lẽ nước Nga vẫn sẽ luôn đặt mình trong tình trạng “sẵn sàng phản ứng”. Xét cho cùng, không một siêu cường hay đại cường nào có thể thoải mái, khi cảm thấy những vòng vây từ từ siết lại quanh biên giới và cả khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình.

Điều này có lẽ sẽ trở nên rõ ràng hơn, khi đặt cạnh sự “cổ vũ nhiệt tình” từ phương Tây. Ngày 16-5, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố: “Chúng tôi tin vào chính sách mở cửa của NATO cũng như quyền của từng nước được lựa chọn chính sách đối ngoại và những cam kết an ninh của mình. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều là những đối tác quốc phòng gần gũi và có giá trị của Mỹ và NATO”. Đồng vọng từ bên kia Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly khẳng định: “Canada không chỉ ủng hộ những nước này được gia nhập (NATO), tôi muốn nói rằng chúng tôi ủng hộ hai nước được gia nhập thật nhanh chóng”.

Bức màn sắt vô hình -0
Thụy Điển và Phần Lan đã lựa chọn thay đổi về chính sách đối ngoại.

Từ nước Anh, Ngoại trưởng Anh Liz Truss góp tiếng: “Anh mạnh mẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO”. Từ nước Pháp, Văn phòng Tổng thống Pháp tuyên bố Paris sẵn sàng hỗ trợ về mặt chính trị cho Phần Lan và Thụy Điển, những nước vừa quyết định gia nhập NATO, thông qua “việc tăng cường tương tác quân sự” cũng như bảo đảm an ninh của hai quốc gia Bắc Âu này.

Và hơn cả, Ngoại trưởng Estonia Eva-Maria Liimets phát biểu: “Khi nước láng giềng của chúng tôi cùng các quốc gia dân chủ khác gia nhập NATO, điều đó sẽ có ý nghĩa rằng chúng tôi có thể có các cuộc tập trận chung mở rộng và... củng cố thêm quan hệ hợp tác quốc phòng”.

“Những cuộc tập trận” không chắc đã là điều nên được nhắc đến vào lúc này, khi nó không tương thích cho lắm với lời Thủ tướng Thụy Điển, rằng họ và Phần Lan không gia nhập NATO để chống lại Nga. Nó khoác cho lời “trần tình” ấy một dáng vẻ tương tự như cách các nhà lãnh đạo NATO luôn nói rằng họ “chỉ là một liên minh phòng thủ”.

Duyên hải biển Baltic, bởi vậy, lại đã chất chứa bao nhiêu sóng gió...

Mây Linh
.
.