Bước ngoặt lịch sử

Thứ Tư, 29/06/2022, 09:03

“Dự luật mới này không hoàn hảo. Nó chưa đáp ứng được tất cả những gì mà nước Mỹ mong muốn, nhưng đây là một bước đi có ý nghĩa không chỉ với xã hội mà còn cả chính trường. Nếu có thể đạt được thỏa hiệp về kiểm soát súng, chúng ta sẽ có thể tìm được tiếng nói chung về các vấn đề quan trọng khác”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu như vậy vào sáng 25-6, thời điểm mà ông ký ban hành dự thảo luật kiểm soát súng đạn “Vì cộng đồng an toàn hơn” (Safer Communities Act).

Bây giờ, hoặc không bao giờ

Dự luật lưỡng đảng này chính là cải cách liên bang đầu tiên về kiểm soát súng đạn kể từ năm 1994 - có nghĩa là quy định pháp luật về vũ khí quan trọng nhất trong gần 30 năm qua ở một đất nước đang bị chấn động bởi các vụ xả súng xảy ra hằng ngày.

Trước khi dự thảo pháp luật này được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ ký ban hành, sau những cuộc tranh cãi gay gắt, cuối cùng, ngày 24-6, Hạ viện Mỹ đã thông qua với tỷ lệ 234 phiếu thuận và 193 phiếu chống. Đó không hẳn là một tỷ lệ hoàn toàn áp đảo và giàu tính đồng thuận. Chênh lệch chỉ ở mức 41 phiếu khẳng định rằng nước Mỹ vẫn đã, đang và sẽ còn chia rẽ bởi những câu chuyện xoay quanh vấn đề này, bởi súng đạn và niềm đam mê súng đạn luôn được xem là một nét văn hóa đặc trưng của nước Mỹ, là quyền hiến định của các công dân Mỹ kể từ khi lập quốc.

Bước ngoặt lịch sử -0
“Bảo vệ trẻ em, chứ không phải bảo vệ súng đạn”.

Trước đó, ngày 23-6, tại Thượng viện Mỹ, dự luật cũng được phê chuẩn với 65 phiếu thuận (bao gồm lá phiếu của 15 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, vốn là lực lượng chính trị có khuynh hướng thủ cựu) và 33 phiếu chống.

Song, hiển nhiên, những thảm kịch gần nhất, như vụ xả súng đẫm máu ở một trường tiểu học tại thành phố Uvalde (bang Texas) ngày 24-5-2022 làm 21 người thiệt mạng (trong đó có 19 trẻ em), hay vụ tấn công có vũ khí trước đó 10 ngày tại Buffalo (New York) làm 10 người tử vong đã tạo nên những lực đẩy cần thiết, để Quốc hội Mỹ quyết định thông qua văn bản luật mới. Sau những nỗi kinh hoàng dồn dập, cảm giác bất an đã góp phần quan trọng đẩy tung một cánh cửa đột phá quyết định.

Và cũng ngay trong ngày 25-6, tại Trung tâm Công nghệ thời tiết ở thị trấn Bolingbrook (bang Illinos), lại có ít nhất 3 người bị bắn. Hãng tin CNN dẫn nguồn tin Sở Cảnh sát Bolingbrook cho biết, sau khi thực hiện vụ tấn công, kẻ thủ ác đã tẩu thoát. Tình trạng vết thương của các nạn nhân không được công bố. Rõ ràng, chuyện bất cứ một kẻ điên khùng nào đó cũng có thể sở hữu những thứ vũ khí giết người, để rồi sử dụng chúng trong cơn kích động và tạo nên những hậu họa khôn lường là một thực tế chết chóc đã được đẩy đến giới hạn cuối cùng.

Bước ngoặt lịch sử -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành dự thảo luật kiểm soát súng đạn “Vì cộng đồng an toàn hơn”.

Cần nhắc lại rằng, Mỹ là quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng theo đầu người cao nhất thế giới và số vụ xả súng hằng năm cao nhất trong số các nước phát triển. Điều đó khiến những lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden càng trở nên giàu sức nặng, khi ông khẳng định rằng văn bản luật này sẽ “giúp cứu mạng nhiều người”. “Thông điệp của họ (gia đình các nạn nhân) nhắn gửi đến chúng tôi là: Hãy làm điều gì đó đi. Bạn đã phải nghe điều ấy bao nhiêu lần rồi? Chỉ cần làm điều gì đó, vì Chúa! Và, hôm nay, chúng ta đã làm điều ấy”, ông chủ Nhà Trắng nói.

Có gì mới trong dự luật?

Đạo luật “Vì cộng đồng an toàn hơn” vừa được ký, cho dù vẫn mới chỉ là những viên gạch đầu tiên trên lộ trình siết chặt kiểm soát súng đạn, cũng đã chứa đựng những điều khoản cải cách mạnh mẽ.

Theo đó, luật mới sẽ thắt chặt việc kiểm tra lý lịch của những người muốn mua súng. Những cá nhân 18-20 tuổi phải cung cấp hồ sơ sức khỏe tâm thần vị thành niên của tiểu bang và địa phương trong hồ sơ xin phép sở hữu súng. Thời gian giải quyết hồ sơ của cơ quan chức năng cũng kéo dài từ 3 lên 10 ngày, nếu không có vấn đề, việc mua bán súng mới có thể được hoàn tất. Luật cũng cho phép nhà chức trách truy cập thông tin về những tội ác nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện.

Bước ngoặt lịch sử -0
Bắt nguồn từ niềm yêu thích súng đạn, vũ khí dân dụng trở thành một thị trường béo bở ở Mỹ.

Ngoài người mua, những cửa hàng kinh doanh vũ khí cũng sẽ được tiến hành thanh tra lại toàn bộ. Nếu có dấu hiệu vi phạm hay bán súng cho những người không đủ điều kiện nhằm kiếm lợi, chủ cửa hàng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mức phạt cao nhất lên đến 25 năm tù.

Trong 5 năm tới, dự luật sẽ cung cấp 750 triệu USD cho các tiểu bang để thực thi luật “cờ đỏ (red flags)” - cho phép nhà chức trách tạm thu súng của người có dấu hiệu gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Dự luật cũng siết chặt luật chống bán súng qua trung gian và chống mua bán súng xuyên bang.

Dự luật cũng có ngân sách cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần và an toàn trường học, siết chặt hơn nữa lệnh cấm người có tiền sử bạo lực gia đình mua súng trên cả nước. Dự luật mới sẽ nghiêm cấm việc bán súng với những người có tiền án bạo hành trong “các mối quan hệ thân mật”, bất kể là vợ chồng hay người yêu. Những điều luật cũ chỉ áp dụng với những người bị kết tội bạo hành có hôn thú hợp pháp. Dự luật kiểm soát súng đạn mới cũng tập trung hơn vào việc phát triển các chương trình hỗ trợ tâm lý tại trường học, cũng như tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở giáo dục. Tổng chi phí cho dự luật vào khoảng 13 tỷ USD.

Tuy vậy, dự luật vẫn chưa có những biện pháp kiểm soát súng toàn diện mà đảng Dân chủ mong muốn như cấm bán băng đạn dung lượng lớn, nâng độ tuổi được mua súng trường tấn công. Dù sao, đây cũng vẫn là một thành công quan trọng để tiến đến những mục tiêu khác trong tương lai và là một thất bại hiếm hoi với các nhà sản xuất súng ở Mỹ và Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA).

Bước ngoặt lịch sử -0
Những nối bất an đã tạo nên thay đổi.

Một câu chuyện dài và còn hơn thế nữa

Như điều được thể hiện qua tỷ lệ những lá phiếu ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ, vẫn hiện hữu những chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn. Cụ thể, phần đông các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn từ chối những biện pháp kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn nữa mà đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đề xuất, như cấm hẳn việc mua bán các loại súng trường tấn công bán tự động, hay cấm các băng đạn dung lượng lớn.

Sát cánh với họ là những thành viên NRA. Ngay sau “bước lùi” ở Thượng viện, NRA đã chính thức tuyên bố: “NRA sẽ hỗ trợ luật cải thiện an ninh trường học, thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và giúp giảm tội phạm bạo lực. Tuy nhiên, chúng tôi phản đối đạo luật kiểm soát súng này, vì nó còn khiếm khuyết ở mọi cấp độ. Nó không thực sự giải quyết được tội phạm bạo lực, trong khi mở ra cánh cửa cho những gánh nặng không cần thiết đối với việc thực hiện quyền tự do của Tu chính án số 2 bởi những người sở hữu súng tuân thủ luật pháp”.

Bước ngoặt lịch sử -0
Nước Mỹ có tỉ lệ sở hữu súng theo bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Hậu thuẫn cho những lập luận này là Tòa án Tối cao Mỹ - cơ quan quyền lực độc lập với cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội. Ngày 23-6, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết bác bỏ luật ban hành vào năm 1913 của bang New York về những giới hạn đối với việc mang súng ngắn ngoài phạm vi nhà ở, với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống. Tòa kết luận rằng đạo luật được ban hành vào năm 1913 mà New York đang áp dụng vi phạm quyền “giữ và mang vũ khí” nơi công cộng của công dân Mỹ theo Tu chính án hiến pháp số 2.

Và đó là cơ sở để NRA tuyên bố: “Các quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ làm rõ rằng Tu chính án số 2 là quyền tự do hợp hiến của cá nhân. Chúng tôi sẽ luôn đấu tranh cho các quyền tự do đó - cũng như các giá trị cơ bản mà chúng tôi đã bảo vệ trong hơn 150 năm qua”. Và, nếu biết những số liệu sau mà một nhà nghiên cứu - giáo sư Christopher R.Martin của Đại học Bắc Iowa công bố: Quỹ Thể thao bắn súng quốc gia Mỹ (NSSF) báo cáo đầu năm 2022 rằng “tổng quy mô kinh tế của ngành công nghiệp đạn dược và vũ khí tại Mỹ đã tăng từ 19,1 tỷ USD (năm 2008) lên tới 70,52 tỷ USD (năm 2021)”, bất cứ ai cũng có thể hình dung được những trở lực cũng như sức phản chấn dành cho đạo luật mới sẽ còn có thể lớn đến đâu.

Tổng thống Joe Biden, hiển nhiên, hiểu rõ thực trạng ấy. Có lẽ do đó mà ông nhấn mạnh đến khía cạnh “khả năng thỏa hiệp trên chính trường”, như một sự gợi mở hay một lời dự báo. Bởi, quả thật, trong một năm rưỡi qua và cả trong chặng đường sắp tới của nhiệm kỳ, ông đã và sẽ còn phải ra những quyết định khó đạt được đồng thuận gấp bội.

Mà đến tháng 11 tới đã lại là cuộc bầu cử giữa kỳ. Cho dù việc thúc đẩy để ký ban hành được đạo luật kiểm soát súng đạn sơ khởi này có thể xem là một thắng lợi thì ông và đảng Dân chủ sẽ còn phải đối diện rất nhiều thách thức.

Mây Linh
.
.