Cam kết với tương lai

Thứ Tư, 03/11/2021, 14:00

“Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta.

Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân...”. Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu toàn cầu (COP26) tổ chức tại Vương quốc Anh, là tiếng đồng vọng từ Việt Nam với tâm trạng lo ngại chung của toàn thế giới về sự cấp bách trong việc “cứu mái nhà chung của nhân loại”.

Không được phép thất bại

Đúng ngày khai mạc COP26, một báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới được công bố, bộc lộ thực trạng đáng sợ: Các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm các đợt nắng nóng mạnh và lũ lụt nghiêm trọng đã dần trở thành những “hiện tượng bình thường mới”, trong khi từ năm 2015, thế giới đã trải qua 7 năm liền đạt kỷ lục về nền nhiệt tăng cao. Bối cảnh đó, không nghi ngờ gì nữa, tác động một cách sâu sắc đến hiện trạng kinh tế - xã hội toàn cầu, đào sâu thêm hố ngăn cách giàu - nghèo, trở thành tiền đề cho các cuộc khủng hoảng cũng như những mâu thuẫn và xung đột (kể cả xung đột về các nguồn tài nguyên cơ bản như nước sạch), phá hủy các cơ cấu an ninh lương thực, tạo nên các dòng người di cư khổng lồ...

Cam kết với tương lai -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đây là vấn đề toàn cầu, nên phải có cách tiếp cận toàn cầu”.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh: Các nhà lãnh đạo trên thế giới “sẽ phải nhóm họp xem xét kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu vào mỗi năm thay vì 5 năm một lần như hiện nay, nếu COP26 kết thúc mà vẫn thiếu đi những cam kết thiết thực nhằm hiện thức hóa mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015”.

Cũng trong phiên khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson kêu gọi thế giới “hành động ngay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trước khi quá muộn và thực hiện các bước cụ thể để loại bỏ dần than đá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy điện, ngăn chặn nạn phá rừng, đồng thời hỗ trợ tài chính các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Ông nêu rõ: “Những hành động đó sẽ tạo ra khác biệt lớn trong việc giảm lượng khí thải ngay trong thập niên này, để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris”. Theo các nhà khoa học, thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030 để có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 12 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050.

Cam kết với tương lai -0
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các cam kết thiết thực.

Và bởi vậy, như một cách “nêu gương”, Thủ tướng Anh cam kết ngân sách dành cho chống biến đổi khí hậu của Anh thêm 1 tỷ bảng (hơn 1,3 tỷ USD) vào năm 2025, nếu nền kinh tế nước này phát triển như dự kiến. Năm 2019, Anh đã tăng gấp đôi cam kết tài chính khí hậu quốc tế lên 11,6 tỷ bảng trong 5 năm. Cam kết mới của Thủ tướng Johnson sẽ đưa con số này lên 12,6 tỷ bảng, đưa Anh trở thành nước dẫn đầu thế giới trong tài trợ khí hậu. Đồng thời, ông cũng cảnh báo: Nếu COP26 khép lại không thành công, đó sẽ là thất bại của nỗ lực ngăn chặn tiến trình Trái đất nóng lên.

Việt Nam không đứng ngoài cuộc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP26 trong bối cảnh cả đất nước Việt Nam đang nỗ lực cố gắng phục hồi kinh tế cũng như đời sống xã hội sau đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19. Cùng lúc đó, một thách thức rất lớn đặt ra cho các địa phương phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch: Tiến trình biến đổi khí hậu, với những biểu hiện cực đoan như thiên tai, hạn, mặn, sự xâm thực của nước biển hay là sự thu hẹp và suy thoái điều kiện tự nhiên cũng đã và đang đồng thời làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nơi đây. Tình trạng thiếu nước ngọt, thừa nước mặn, cũng như nguy cơ ô nhiễm nước trong tương lai bên cạnh sự thiếu hụt dần về diện tích canh tác đã bào mòn các lợi thế vốn có, đồng thời đòi hỏi những biện pháp thiết thực nhằm bảo đảm sinh kế cũng như nâng cao sức chống chịu cho người dân.

Cam kết với tương lai -0
Thủ tướng nước chủ nhà đưa ra những cam kết cụ thể.

Cảm nhận sâu sắc những tác động cũng như thách thức đó từ quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26:  

“Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Nhân đây, tôi kêu gọi phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. Đây là đòi hỏi tất yếu để cùng nhau kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất. Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ ba, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.

Những người khổng lồ thức tỉnh

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, COP26 cùng toàn bộ những nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu đã nhận được một sự khích lệ rất đáng giá, khi cả 3 cường quốc kinh tế phát thải nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ sự “đồng tâm nhất trí” và đưa ra những cam kết cũng như các chương trình hành động cụ thể.

Cam kết với tương lai -0
COP26 thu hút sự chú ý của giới trẻ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: Nước Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt. Những cam kết khí hậu của nước Mỹ sẽ không chỉ dừng ở lời nói, mà sẽ được thể hiện bằng hành động để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005. Ông nhấn mạnh, việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế và đang là vấn đề cấp bách, không còn thời gian để chần chừ. Ông cũng muốn có thêm nhiều hành động để hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dù không tham gia hội nghị, cũng gửi bài phát biểu, trong đó kêu gọi các nước phát triển không chỉ cần làm nhiều hơn nữa trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, mà còn hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đạt được nhiều thành tích hơn trong cuộc chiến này. Trung Quốc cũng đã có chiến lược tăng cường phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh, quy hoạch xây dựng các trang trại gió quy mô lớn và các dự án quang điện, trong nỗ lực giảm khí phát thải.

Cam kết với tương lai -0
Vấn đề sống còn của nhân loại.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết: “Đến năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0”. Ấn Độ cũng đưa ra chương trình hành động riêng của mình: nâng mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất lắp đặt “năng lượng không hóa thạch” - chủ yếu là năng lượng mặt trời - từ 450 lên 500 gigawatt; 50% nhu cầu năng lượng của nước này sẽ được đáp ứng nhờ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030; Ấn Độ sẽ giảm tổng lượng phát thải carbon dự kiến 1 tỷ tấn từ nay đến năm 2030; đến năm 2030 Ấn Độ sẽ giảm 45% cường độ carbon của nền kinh tế (mục tiêu trước đó là 35%). Tuy vậy, ông cũng lưu ý: Các cam kết cắt giảm khí thải từ Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác sẽ đòi hỏi nguồn tài chính từ các nước phát thải lâu đời và giàu có.

3 năm đã trôi qua, kể từ thời điểm cô bé 15 tuổi Greta Thunberg làm cả thế giới lay động với bài diễn thuyết rực lửa của mình tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc 2018 (COP24). Dù thế nào, cũng đã đến lúc thế giới thực sự cần hành động một cách quyết liệt, để trả lời câu hỏi mà Greta - đại diện các thế hệ tương lai - đặt ra ngày đó: “Sao các người (lớn) có thể để lại cho chúng tôi một gánh nặng (về môi trường) lớn đến dường này?”...

Mây Linh
.
.