Châu Âu với tham vọng sức mạnh quân sự riêng

Chủ Nhật, 18/09/2022, 09:30

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn châu Âu tự chủ chiến lược, nhưng họ đụng phải thực tế yếu kém về quân sự của Liên minh châu Âu (EU) và chưa có chiến lược thực tế để đưa các nước trong EU gần lại với nhau trong vai trò lãnh đạo quân sự thực sự hiệu quả, tự chủ.

Hiện tại, các kế hoạch cho một lực lượng quân sự mạnh mẽ của châu Âu chỉ giới hạn trong các bài phát biểu và quyết định trên giấy. Mỹ vẫn nắm trong tay quả đấm sắt bảo vệ EU.

Xung đột ở Ukraine, sự yếu kém về quân sự của châu Âu và vai trò quá lớn của Mỹ trong phản ứng của phương Tây đã khiến nhiều nhà quan sát kết luận rằng, cuối cùng, đã đến lúc EU đảm nhận một vai trò chiến lược tự trị. Tạp chí Continental Observer đưa tin về mong muốn của Đức trong việc trở thành nhà lãnh đạo EU. Trong bài phát biểu tại Praha, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức tuyên bố ứng cử vào vai trò lãnh đạo chiến lược của EU.

Châu Âu với tham vọng sức mạnh quân sự riêng -0
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn châu Âu tự chủ chiến lược.

Berlin khẳng định rằng EU phải chuyển mình thành một liên minh “địa chính trị” có khả năng thực hiện các hành động “quyết định” và “trên quy mô toàn cầu”.

Thủ tướng Đức đề xuất thành lập một “lực lượng quân sự phản ứng nhanh châu Âu” vào năm 2025 đồng thời kêu gọi thành lập hệ thống phòng không thống nhất ở châu Âu. Ông cho rằng EU luôn phụ thuộc vào Mỹ và NATO nhưng nay vì Washington đang tập trung vào Trung Quốc ở Ấn Độ[1]Thái Bình Dương nên châu Âu phải trở thành một thành phần địa chính trị mạnh mẽ, có chủ quyền hơn.

Về lý thuyết, quyền tự chủ chiến lược của châu Âu rất hấp dẫn. EU có gần 450 triệu dân, GDP 18 nghìn tỷ USD và hơn 200 tỷ USD chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, ý tưởng này có một lỗ hổng chết người: Nó sẽ khiến châu Âu trở nên yếu hơn và kém an toàn hơn bằng cách rời xa Mỹ mà không làm tăng sức mạnh của châu Âu. Thay vào đó, các nước EU nên tiếp tục đặt cược vào Washington và mối liên kết xuyên Đại Tây Dương. Phương Tây là tương lai của họ, như cuộc xung đột ở Ukraine và phản ứng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của một phương Tây chung đã cho thấy. Thoạt nhìn, người ta có thể khó hiểu vì sao một lục địa giàu có và hùng mạnh như EU lại cần Mỹ để bảo vệ an ninh và quốc phòng cho mình.

Đối với tất cả quy mô và sức mạnh kinh tế của mình, EU và 27 quốc gia thành viên thiếu quy mô, tốc độ và sự tinh vi của sức mạnh quân sự Mỹ. Bất chấp những lời hứa của họ với Washington và với nhau về việc củng cố quân đội của họ, người châu Âu sẽ không thể bắt chước khả năng của Mỹ, thống nhất lực lượng của họ dưới một quyền chỉ huy duy nhất hoặc đạt được thỏa thuận về các vấn đề an ninh tồn tại trong một thời gian dài.

Continental Observer trước đây đã cảnh báo rằng dự án SCAF (máy bay chiến đấu thế hệ 6) đang bị “chìm xuồng” và dự án xe tăng Pháp-Đức mới, “Xe tăng chiến đấu chủ lực Euro” (EMBT) đã bị đặt dưới sự chỉ đạo chính trị của Đức. Trong 3 thập kỷ qua, các quốc gia châu Âu đã tham chiến nhiều chiến trướng như Afghanistan, Bosnia, Iraq, Kosovo và Libya nhưng vai trò của Mỹ vẫn có ý nghĩa quyết định.

Tại Ukraine, Mỹ cung cấp phần lớn viện trợ quân sự: Hơn 10 tỷ đô la so với chỉ 2,5 tỷ đô la từ EU. Washington cũng cung cấp hơn 10.000 binh sĩ để tăng cường cho sườn phía Đông của NATO, so với 1.500 người Đức và 1.000 lính Pháp.

Sự phân chia này, trong đó tỷ trọng của châu Âu hiếm khi vượt quá 20%, đã ổn định đáng  kể kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thêm vào đó là sự phân chia giữa Paris và Berlin để tạo ra cái gọi là lực lượng quân sự châu Âu. Châu Âu có thể làm nhiều hơn nhưng vẫn miễn cưỡng.

Pháp gần đây đã rút khoảng 5.000 quân khỏi Mali, Sahel và có thể sẽ triển khai tới các thành viên NATO ở phía Đông. Quyết định này vẫn là câu hỏi với những người ủng hộ chủ trương về quyền tự quyết chiến lược: Tại sao EU cần hình thành một lực lượng quân sự đặc biệt được chỉ định thay vì từng quốc gia gửi quân đến đó? Suy nghĩ tương tự cũng áp dụng cho viện trợ quân sự cho Ukraine. Đức, Pháp và Ý cộng lại đã hứa hẹn với Ukraine ít hơn chỉ một mình Ba Lan, mặc dù tổng GDP của 3 nước lớn hơn gần 14 lần so với Ba Lan. Để đạt được quyền tự chủ chiến lược thực sự, EU phải thay thế chiếc ô hạt nhân của Mỹ, đây cũng là vấn đề không hề nhỏ.

Những người ủng hộ quyền tự chủ quân sự chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân của Pháp, về lý thuyết, có thể được mở rộng sang các nước EU khác, thậm chí mở rộng để chống lại Nga. Nhưng, liệu Pháp có đồng ý khi thấy lực lượng hạt nhân chiến lược của mình chịu sự giám sát của các nước EU khác, bao gồm cả Đức?

Châu Âu với tham vọng sức mạnh quân sự riêng -0
Đến lúc EU thấy cần thành lập một lực lượng quân sự đặc biệt.

Tạp chí Foreign Policy phủ định điều này vì theo Bart MJ Szewczyk, một thành viên tại Quỹ Marshall của Đức, trong thực tế châu Âu hiện nay, những câu hỏi tương tự nảy sinh đối với mọi quyết định an ninh lớn khác, nơi mà người châu Âu chỉ đơn giản là thiếu kinh nghiệm để quyết định và dẫn đầu các cuộc chiến tranh.

“Ai sẽ kiểm soát đội quân EU?”, ông Szewczyk đặt câu hỏi, liệu Đức - chứ chưa nói đến Pháp - sẽ đồng ý bị Hungary phong tỏa (nếu chiến tranh đòi hỏi một quyết định nhất trí giữa các thành viên của EU) hay bị loại bỏ (nếu đa số là đủ)?

“Bất chấp tất cả những khiếm khuyết, an ninh tập thể thông qua NATO và phương Tây vẫn là câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi này” và đối với Mỹ, việc cung cấp chiếc ô an ninh ở châu Âu mang lại cho họ vai trò đặc biệt trong việc định hình chính sách trên lục địa, cũng như khả năng huy động các đồng minh cho hành động chung mà nếu không họ sẽ thiếu. Điều này bao gồm cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Continental Observer cảnh báo rằng chính quyền ông Biden, ngay cả trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, đã yêu cầu Đức và các thành viên EU khác từ bỏ tham vọng chiến lược của họ vì “mục tiêu chung” của phương Tây.  

Điều này trở nên rõ ràng hơn kể từ cuộc xung đột ở Ukraine và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được liên kết với nhau, cho dù thông qua tuyên bố của Bắc Kinh về quan hệ đối tác “không giới hạn” với Moscow trong năm nay. Trong những điều kiện này, Mỹ sẽ cần sự hỗ trợ của châu Âu nếu muốn kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc, điều này cho thấy rằng cần phải thực hiện một thương lượng chiến lược lớn.

Đối với Bart MJ Szewczyk, “một liên minh quân sự linh hoạt như NATO có thể dễ dàng hình thành các liên minh chuyển đổi giữa 30 thành viên, hiệu quả hơn nhiều so với một quân đội EU tập trung vốn không bao giờ có”, đặc biệt là trong trường hợp có những thay đổi chính trị ở Mỹ hoặc ở các nước EU.

Sự khác biệt sâu sắc giữa các quốc gia EU trong các vấn đề chính trị và kinh tế, quốc phòng và lãnh đạo đã làm chìm đắm ý tưởng của một quân đội châu Âu mà không tính đến năng lực kỹ thuật của chính nó.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.