Chuyến thăm Manila của ông Anwar

Thứ Hai, 27/03/2023, 10:14

Chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tới Philippines hồi cuối tháng 2 vừa qua cho thấy mục tiêu chung của cả hai bên về các mối đe dọa, lo ngại và nhu cầu. Cả hai đang phải đối mặt với cùng một mối đe dọa và có cùng điểm yếu trong các thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Về mặt lý thuyết, Manila ít nhất cũng có sự đảm bảo hỗ trợ của Mỹ và do đó có khả năng răn đe lớn hơn, với sự hỗ trợ quân sự rõ ràng hơn, để ngăn chặn các mối đe dọa quân sự tiềm tàng trong khu vực. Ngược lại, Malaysia chỉ có những đảm bảo răn đe mơ hồ. Bên cạnh đó, khả năng răn đe của Manila cũng có tổ chức hơn, do Mỹ đang trên tiến trình hiện diện trở lại ở Vịnh Subic.

Còn Kuala Lumpur thỉ chủ yếu đang dựa vào thiện chí ngoại giao và các công cụ ngăn ngừa xung đột hiện có. Tuy nhiên, Manila cũng muốn mở rộng khả năng răn đe thay vì chỉ phụ thuộc vào phương Tây, muốn tìm kiếm thêm sức mạnh của Kuala Lumpur trong việc định hình hướng đi cũng như giải pháp cho ngoại giao trong khu vực, đồng thời sử dụng sức ép và ảnh hưởng ngoại giao như một công cụ bổ sung trong “kho vũ khí” của mình.

Chuyến thăm Manila của ông Anwar -0
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Các thách thức song phương trực tiếp bao gồm yêu sách tại biển Sulu và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) sẽ được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, hai nước sẽ muốn có các nhân tố thay thế để hợp tác trước mối đe dọa lớn hơn trong khu vực. Ông Anwar muốn giảm nhẹ vấn đề Sabah và Sulu, nhận thấy yếu tố quan trọng hơn là năng lực chung trước những thách thức cấp bách dài hạn hơn. Thách thức này, không hẳn chỉ là mối đe dọa ở Biển Đông (vùng còn có tranh chấp), không liên quan đến thực thể chính thức do nhà nước lãnh đạo và không gây ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào giữa các bên xung đột. Sự cố Lahad Datu liên quan đến những chiến binh ủng hộ một trong những người đòi ngai vàng của Quốc vương Sulun nhưng không có yếu tố nhà nước. Cả hai chính phủ đều hiểu thực tế và cần xử lý vấn đề này một cách thận trọng, cũng như cố gắng hợp tác để giảm thiểu sự cố.

Có vẻ như Kuala Lumpur hy vọng tìm kiếm sự hiện diện vững chắc của Mỹ như việc Manila với hy vọng Mỹ nỗ lực hơn nữa để kết nối và dành cho nước này sự đảm bảo và hợp tác quân sự cơ bản tương tự, nhưng không có sự hiện diện trực tiếp của quân đội.

Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof Ishak (ISEAS - Singapore) trong một báo cáo hồi đầu tháng 2/2023 cho thấy gần 79% người Philippines sẽ chọn Mỹ thay vì Trung Quốc, phản ánh tâm lý phổ biến ủng hộ Mỹ tại quốc đảo này. Điều này trái ngược với quan điểm của công chúng Malaysia, tỏ ra hướng về Bắc Kinh nhiều hơn trong cùng một cuộc thăm dò.

Về phần mình, ông Anwar đã thể hiện mạnh mẽ lập trường của Malaysia chống lại hành vi xâm lược và hiếu chiến, do đó cũng hạ thấp khả năng Malaysia hoan nghênh bất kỳ hình thức hiện diện quân sự gia tăng nào có thể làm leo thang căng thẳng. Đây là một thông điệp rõ ràng thể hiện qua việc nhắc lại lập trường hàng chục năm qua của Kuala Lumpur rằng khu vực này không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài và sử dụng các cơ chế ngăn ngừa xung đột thông thường. Cách tiếp cận của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông cũng tương đối khác với Philippines.

Đã có rất nhiều tranh cãi về mức độ thành công của Malaysia trong việc dựa vào chính sách can dự kín đáo và lặng lẽ với Bắc Kinh về tranh chấp nhạy cảm và một loạt các cuộc thâm nhập của nước này. Malaysia vẫn đang cố gắng đi theo con đường trung dung trong khu vực theo nhiều cách dựa vào các biện pháp xây dựng lòng tin và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sức mạnh khu vực để tránh chịu phí tổn cao hơn do bất kỳ biện pháp quân sự nào từ cả hai bên. Kuala Lumpur vẫn tin rằng việc xây dựng cách tiếp cận khu vực mang tính tập thể và hội nhập hơn sẽ mang lại năng lực chung lớn hơn, có khả năng định hướng sức ảnh hưởng và con đường của chính mình trong việc cùng lúc duy trì tính trung lập và củng cố vai trò trung tâm của khu vực.

Theo các nhà phân tích, có vẻ như cả ông Marcos Jr và và ông Anwar đều nhận thức được điều này và cùng đang theo đuổi con đường 2 ngả rẽ nhằm tìm kiếm sức mạnh đối trọng lớn hơn của Mỹ, mà họ cho rằng sẽ giải quyết được lỗ hổng an ninh cấp bách nhất hiện nay, đồng thời khiến những đối thủ lớn trong khu vực phải nhận ra rằng con đường duy nhất phía trước là tạo dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau dựa trên nền tảng là quan hệ nước lớn - nước nhỏ không có tính áp đảo, một chiều và trục lợi.

Chỉ có điều, sự khác biệt giữa Manila và Kuala Lumpur, đó là trong khi cả hai đều cố gắng đạt được những điều tốt nhất cho mình thì nền kinh tế của Malaysia lại gắn quá sâu sắc và phụ thuộc vào Bắc Kinh. Điều này bị lấy làm cái cớ để hạn chế hơn nữa các lựa chọn của Malaysia, không còn chỗ để tìm kiếm thêm các biện pháp đối phó của phương Tây, chưa nói đến việc sẽ dẫn đến sự đe dọa về mặt kinh tế của Bắc Kinh cùng lúc với gia tăng đe dọa quân sự.

Vẫn còn phải chờ xem mức độ tiếp cận an ninh, chính sách đối ngoại mở rộng và khu vực của Malaysia khi đối mặt với những mối đe dọa mới này như thế nào, cũng như liệu nước này có thể thành công vượt qua nút thắt và chuyển mình nhanh hơn để đạt được lá chắn cần thiết hay không. Chuyến thăm tới Philippines cùng một loạt các nước láng giềng trong khu vực rõ ràng đã phản án ưu tiên trước mắt của ban lãnh đạo mới của Malaysia và một kế hoạch dài hơi thì vẫn còn đang được chờ đợi ở phía trước.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.