Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc: Đôi bên cùng có lợi

Thứ Hai, 27/03/2023, 10:40

Chuyến thăm Nga thu hút sự chú ý của cả thế giới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là dịp để Bắc Kinh khẳng định vị thế trong các hồ sơ quốc tế như một “cường quốc có trách nhiệm”.

Trong chuyến công du này, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định mối quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước, bước vào “kỷ nguyên mới” đối mặt với phương Tây. 2 nhà lãnh đạo đã tập trung bàn thảo các vấn đề xoay quanh 4 chủ đề chính, trong đó 2 vấn đề về hợp tác kinh tế và năng lượng giữa 2 nước, 2 vấn đề còn lại liên quan tới xung đột Ukraine và phương Tây.

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc: Đôi bên cùng có lợi -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin, ngày 20/3.

Đối tác kinh tế không giới hạn

“Hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Nga - Trung”, ông Putin nói, đồng thời hy vọng kim ngạch thương mại sẽ vượt 200 tỷ USD vào năm 2023 và đây sẽ là một kỷ lục mới. Ông Putin đảm bảo rằng Moscow có thể tăng cường cung cấp dầu và nông sản cho Trung Quốc. Tổng thống Putin còn “sẵn sàng thành lập một cơ quan làm việc chung” để phát triển “tuyến đường biển Bắc” ở Bắc Cực để dễ di chuyển hơn khi băng tan và nhờ đó, Moscow hy vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu hydrocarbon. Ông Putin cũng ủng hộ “việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thương mại giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”, một phương tiện khác để đẩy nhanh quá trình phi USD hóa nền kinh tế thế giới.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã đồng ý khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt khổng lồ Power of Siberia 2. Đường ống này sẽ nối các mỏ khí đốt ở Siberia qua Mông Cổ đến vùng Tây Bắc của Trung Quốc. Dự án này là biểu tượng của chiến lược xoay trục kinh tế sang châu Á mà Nga hy vọng, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt quốc tế dẫn đến việc đóng cửa các thị trường phương Tây truyền thống. Tuy nhiên, Tổng thống Nga không đưa ra lịch trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt, vốn phải hoàn thành một đường ống hiện có, Power of Siberia.

Từ khi cuộc chiến Ukraine xảy ra, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay cho một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc. Với thông điệp rất rõ ràng: Tạo đối trọng với phương Tây. Kể từ đó, thương mại song phương giữa hai nước này đã bùng nổ, đạt kỷ lục 190 tỷ USD vào năm 2022. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong số các loại tiền tệ được sử dụng cho ngoại thương của Nga đã tăng từ 0,5% lên 16% trong vòng 1 năm, dẫn đến sự sụt giảm ngoạn mục của đồng euro và USD trong xuất khẩu của Nga (hiện nay là 48%).

Moscow và Bắc Kinh cũng đã tăng cường việc nối lại quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nguồn thương mại chính của Nga và Trung Quốc. Các nhà kinh tế từ Hiệp hội Các ngân hàng và Viện Tài chính Quốc tế (IIF) giải thích rằng “Trung Quốc và Ấn Độ đã thay thế EU trở thành thị trường xuất khẩu chính” đối với dầu của Nga, “trong quý 4/2022, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 2/3 tổng xuất khẩu dầu thô của Nga”.

Vẫn còn nhiều vấn đề hậu cần để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác Nga - Trung. Các tuyến đường sắt ở vùng Viễn Đông của Nga nhằm xuất khẩu than sang Trung Quốc đã “tắc nghẽn”, bà Anna Kireieva, thuộc Đại học Quốc gia quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) cho biết. “Và quá trình hiện đại hóa các tuyến đường này sẽ mất thời gian”. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về hydrocarbon của Nga, chẳng hạn như cảng dầu Kozmino của Nga, cũng cần phải đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo về những rủi ro trong mối quan hệ “mất cân bằng” này và thế yếu nghiêng về Nga. Vì Nga không có nhiều đối tác kinh tế lớn nên nhu cầu quay sang Trung Quốc trở nên cấp thiết. Ông Temour Oumarov, chuyên gia về quan hệ Trung - Nga tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, phân tích: “Sự ổn định của nền kinh tế Nga hiện phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này mang lại cho Bắc Kinh một công cụ mới để gây ảnh hưởng trực tiếp đến Nga”. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phản đối nhận định này. “Trong mối quan hệ này, không có người lãnh đạo cũng không có người theo sau”, cố vấn ngoại giao của ông Vladimir Putin, ông Yuri Ouchakov, khẳng định, đồng thời đề cập đến việc “hai đối tác tin tưởng lẫn nhau và hầu như có cùng mục tiêu”.

Việc phương Tây cấm vận và áp mức giá trần với dầu của Nga kể từ tháng 12/2022 đã tác động tiêu cực đến nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào tháng 2/2023, doanh thu dầu mỏ của Nga đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù có cùng một lượng dầu bán ra thị trường. Điều này làm suy yếu vị thế của Nga đối với Trung Quốc, vốn có thể tìm cách lợi dụng để đạt được những lợi ích kinh tế.

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc: Đôi bên cùng có lợi -0
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby phát biểu sau tuyên bố chung Nga - Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga được coi là đồng minh, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh. Do đó, Bắc Kinh có thể tìm cách lợi dụng vị thế suy yếu của Moscow để đạt được lợi ích kinh tế. Theo ông Temour Oumarov, đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình Moscow phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm tới hay thập kỷ tới, đòn bẩy kinh tế này có thể biến thành một đòn bẩy chính trị thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Thách thức phương Tây

Nếu như về mặt kinh tế thì đúng là hiện nay Nga đang cần Trung Quốc hơn chiều ngược lại, nhưng trên trường quốc tế, hai nước đang có nhu cầu như nhau trong việc tạo đối trọng với Mỹ và các đồng minh. Chuyến đi của lãnh đạo Trung Quốc được giới quan sát tập trung chú ý vào kế hoạch hòa bình cho Ukraine sẽ được triển khai thế nào. Dù không mấy ai hy vọng chuyến công du của ông Tập sẽ tạo được bước đột phá trong giải quyết xung đột tại Ukraine. Nhưng, Washington theo dõi với mối lo ngại những bước đi ngoại giao mới đây sẽ giúp Bắc Kinh tạo được uy tín trên trường quốc tế.

Những tuần qua, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những sáng kiến lớn về vấn đề an ninh toàn cầu, ngày càng tỏ ra tích cực can dự vào các hồ sơ nóng của thế giới. Hạ tuần tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh giới thiệu dự án hòa bình lớn có tên gọi “sáng kiến cho an ninh toàn cầu”. Tài liệu kêu gọi ủng hộ giải quyết các điểm nóng của thế giới, cụ thể, hiện nay là cuộc khủng hoảng Ukraine, thông qua đối thoại và đàm phán. Trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Moscow, hôm 10/3, tại Bắc Kinh, Trung Quốc tổ chức thành công cuộc hòa giải, tái lập quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia sau 7 năm là đối thủ kình địch nhau trong khu vực Trung Đông, nơi từ nhiều thập kỷ qua, Mỹ vẫn là quốc gia điều hành chủ yếu bàn cờ địa chính trị.

Giới quan sát nhận thấy những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực này không chỉ là lợi ích kinh tế qua các hợp đồng dầu mỏ, hay bán vũ khí cho các nước được Trung Quốc giúp mang lại sự ổn định, mà còn đạt mục tiêu rộng hơn, thu hẹp sự ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế.

Riêng với vấn đề Ukraine, từ đầu cuộc chiến, Mỹ và các nước phương Tây vẫn tự tin là vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Giờ đây, Washington thậm chí còn tỏ ra nghi ngại bản kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine, sẽ có thể dẫn đến việc ngừng bắn, tạo cơ hội cho Nga có thời gian củng cố lại lực lượng đã gặp phải sự kháng cự của Ukraine từ hơn 1 năm nay làm tiêu hao đáng kể. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken coi kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là một ý đồ chiến thuật nào đó của Nga được Trung Quốc ủng hộ để làm bế tắc cuộc chiến tranh. Trong tuyên bố chung Trung - Nga ngày 21/3, lãnh đạo Nga đánh giá cao ‘‘lập trường khách quan và không thiên vị’’ của Trung Quốc ‘‘về vấn đề Ukraine’’,‘‘các ý tưởng mang tính xây dựng’’ trong kế hoạch hòa bình cho Ukraine của Trung Quốc. Ngay lập tức trong cuộc trả lời báo giới hôm sau, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby đã bác bỏ vai trò được gọi là ‘‘tích cực’’ của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột Nga - Ukraine ‘‘bằng con đường chính trị-ngoại giao’’ như khẳng định của tuyên bố Trung - Nga. Ông John Kirby nhấn mạnh điều căn bản là Trung Quốc ‘‘đã không hề lên án cuộc chiến của Nga’’, ‘‘không ngừng mua dầu và năng lượng của Nga’’, Trung Quốc đã ‘‘liên tục nhắc lại các tuyên truyền của Nga, đó là bằng cách này hay cách khác, đây là cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga, đây là một mối đe dọa sống còn với Tổng thống Nga Putin’’.

Ngay sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã tuyên bố hùng hồn rằng nước Mỹ đang trở lại dẫn dắt thế giới. Washington ngày càng thuyết phục được các đồng minh phương Tây coi Trung Quốc như là mối đe dọa toàn cầu. Quan điểm này càng được phát triển rộng ở châu Âu sau khi gần đây, Washington khẳng định Bắc Kinh đang dự định cung cấp vũ khí cho Nga. Chuyên gia Daly cho rằng việc ông Tập Cận Bình thể hiện mình là một nhà trung gian hòa giải sẽ tạo một hiệu ứng nhất định ở châu Âu, đặc biệt ở nhiều nước đang phát triển không mấy đồng tình với điểm duy trì trật tự thế giới dựa trên các luật lệ do Mỹ đặt ra.

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc: Đôi bên cùng có lợi -0
Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn 214 của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (OPFOR) nạp đạn cho xe tăng dọc tiền tuyến phía bắc Bakhmut.

Lo âu thì hồ nghi

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ nhìn nhận việc Iran và Saudi Arabia hòa hợp là “điều tốt”, dù là dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc. Nhưng, ông này cho rằng Trung Quốc chỉ nhảy vào cuộc chơi ở những nơi có chọn lọc. Iran và Saudi Arabia là những nước mà Mỹ đều bất lực không thể điều khiển được. Còn theo bà Yun Sun, Giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Stimson Center (Mỹ), “thỏa thuận Iran - Saudi Arabia đã khiến nhiều người ở Mỹ khó chịu”. Chuyên gia này giải thích thêm, Trung Quốc đã rời bỏ dần với chính sách ngoại giao “chiến lang” được triển khai từ nhiều năm qua. “Nhưng, vấn đề là để xem liệu Trung Quốc có khả năng đề xuất một trật tự thế giới mới, tôi không cho là như vậy”, bà Yun Sun nhấn mạnh.

Evan Feigenbaum, cựu quan chức Mỹ hiện đang làm việc tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện nay chỉ có thể giúp ích, nếu không muốn nói là rất nhiều, ở châu Âu - nhưng không có chuyện thắng Mỹ. “Bắc Kinh hiểu Washington sẽ coi bất kỳ hoạt động ngoại giao nào của Trung Quốc chỉ là biểu diễn, nhưng người Mỹ không phải là khán giả của Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh có thể không quan tâm lắm đến những gì Washington nghĩ”, chuyên gia Evan Feigenbaum bình luận.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Vladimir Putin nói: “Chúng tôi tin rằng nhiều điểm trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất có thể làm cơ sở cho một giải pháp hòa bình”. Tuy nhiên, ông Putin nói rằng không thấy Kiev và phương Tây “sẵn sàng” tìm lối thoát dựa trên kế hoạch của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình nói với nhà lãnh đạo Nga rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm một “giải pháp hòa bình”, tuy nhiên không tiết lộ bất kỳ con đường cụ thể nào trong các cuộc đàm phán. Không lâu sau tuyên bố chung của lãnh đạo Nga - Trung, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng mời Trung Quốc đối thoại. Theo ông Zelensky, Bắc Kinh nên trực tiếp tham gia đối thoại với Ukraine thay vì thông qua Nga. 

Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc, những người đóng vai trò là đối trọng với sức mạnh của Mỹ, đã cáo buộc Mỹ “phá hoại” an ninh quốc tế để đảm bảo “lợi thế quân sự” của mình. Trong một tuyên bố chung được ký kết sau các cuộc đàm phán, Nga và Trung Quốc khẳng định Mỹ đã tìm cách triển khai “hệ thống phòng thủ tên lửa” ở các khu vực trên thế giới cũng như các tên lửa “tầm trung và tầm ngắn” ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Trong tuyên bố chung này, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc “rất lo ngại” trước “sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương”.

Quân đội Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành “thường xuyên các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không” cũng như “các cuộc tập trận quân sự chung” nhằm “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau”, ông Putin và ông Tập nhấn mạnh trong văn bản tuyên bố chung.

Liên quan đến tình hình Ukraine, Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 22/3 tuyên bố sẽ không có leo thang hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine sau khi Tổng thống Nga cảnh cáo London chớ cung cấp đạn uranium nghèo cho các lực lượng của Kiev. Sau đó, cùng ngày, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby bác bỏ những chỉ trích của Nga về việc Anh thông báo gửi đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo cho Ukraine, theo AFP. Ông Kirby khẳng định loại đạn chứa uranium nghèo giúp tăng cường khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của xe tăng, "không phóng xạ" và "không liên quan" lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.