Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Maduro

Thứ Hai, 13/06/2022, 11:40

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đến Ankara hôm 9-6 trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm hiếm hoi của một nhà lãnh đạo Venezuela diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước có chuyển biến tích cực trong khi Venezuela vẫn đang bị Mỹ cấm vận.

Trong những năm gần đây, quan hệ hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela đạt được tiến bộ rất quan trọng. Kim ngạch giao thương giữa hai nước đã tăng lên gần 850 triệu USD, mua bán vàng giữa hai bên cũng tăng mạnh trong bối cảnh thu nhập quốc gia của Venezuela suy giảm do chính sách cấm vận của Mỹ.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đến thăm Venezuela trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế kết hợp đại dịch COVID-19. Tại cuộc họp báo ngày 9-6, ông Erdogan tiếp tục hứa hẹn sẽ đến Caracas lần thứ hai vào tháng 7 tới.

Dư luận đặt câu hỏi vì sao ông Maduro đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay?

Bên cạnh việc tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước, việc ông Maduro đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ còn vì lý do khác. Hội nghị cấp cao Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) diễn ra từ ngày 7 đến 10-6 tại Los Angeles, bang California, Mỹ, là một sự kiện ngoại giao khu vực quan trọng trong năm nay. Đây là diễn đàn ở cấp cao nhất với sự tham dự của tất cả nguyên thủ quốc gia châu lục. Tuy nhiên, thành phần tham dự hội nghị vào giờ chót lại không có một số quốc gia mà Mỹ đang xem là đối địch, như Venezuela, Cuba và Nicaragua. Lãnh đạo 3 quốc gia này đã không được Mỹ mời tham dự hội nghị, với lý do “thành tích nhân quyền kém”.

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Maduro -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro duyệt đội danh dự.

Việc Mỹ không cho phép lãnh đạo 3 nước tham dự Hội nghị cấp cao OAS được đánh giá là hành động thể hiện vai trò “lãnh đạo” của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở khu vực châu Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng bất bình của một số quốc gia. Nguyên thủ của Mexico, El Salvador, Honduras và Guatemala đã thẳng thắn từ chối, không tham dự hội nghị để bày tỏ thái độ trước hành động loại bỏ các quốc gia thành viên OAS tại một hội nghị cấp cao của tổ chức này. Nguyên thủ của các quốc gia này cho rằng họ chỉ tham dự khi thư mời được gửi đến tất cả các thành viên OAS.

Trong trường hợp này, Mỹ đã loại bỏ 3 quốc gia, vì thế họ quyết định không tham dự. Sự vắng mặt của các quốc gia này còn mang hàm ý khác, có thể làm ảnh hưởng đến việc hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia này trong việc thúc đẩy chính sách về người di cư châu Mỹ nhập cư vào Mỹ.

Riêng đối với Venezuela, việc Mỹ không cho ông Maduro tham dự hội nghị OAS phản ánh một sự thật trái với những động thái gần đây của Washington. Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh cũng bắt đầu triển khai chiến dịch bao vây, cấm vận Nga. Tuy nhiên, chính sách cấm vận gây ra hệ lụy là đẩy giá dầu và tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, đe dọa ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế không chỉ của Mỹ và nhiều quốc gia khác ở phương Tây. Mỹ đã nỗ lực tìm giải pháp kéo giảm giá dầu nhưng không thành công. Đặc biệt là việc vận động các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt trên thế giới tăng sản lượng để kìm giá dầu đã không nhận được sự hưởng ứng.

Trong một động thái được xem là chưa từng có hồi tháng 3, Washington đã cử người tiếp xúc và trao đổi, đưa ra những đề nghị hòa hoãn, có vẻ như là hướng đến giảm nhẹ cấm vận, bình thường hóa quan hệ hai nước. Mục đích của Washington là lôi kéo Venezuela tham gia liên minh chống Nga do Mỹ cầm đầu, đồng thời lợi dụng quan hệ đó để vận động Caracas đồng ý tăng sản lượng xuất khẩu dầu và khí đốt, mở thêm nguồn cung mới ngoài Nga để giảm phụ thuộc vào Nga. Dường như, những miếng mồi mà Washington đưa ra chưa đủ sức hấp dẫn nên đã không nhận được phản hồi tích cực từ phía Caracas. Vì vậy, quan hệ giữa hai nước cho đến nay cũng vẫn như cũ, chưa có tiến triển gì.

Tại Ankara, chuyến thăm của ông Maduro dường như đã làm nổi rõ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ trong khối NATO và đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, Ankara lại thường xuyên có những hành động được xem là trái khoáy với chính sách của Mỹ.

Ankara không đồng tình với Washington trong chính sách bao vây cấm vận Nga do cuộc chiến tại Ukraina, Anakra cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn giao thương và duy trì quan hệ ngoại giao bình thường với Moscow bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Cùng thời gian ông Maduro đến Ankara, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đang có mặt tại đây để hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh các vấn đề “nóng” hiện nay mà hai nước cùng quan tâm. Cũng như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ giáp với Biển Đen, vì vậy việc ông Lavrov đến Ankara không gặp trở ngại nào như cách đây 2 ngày ông đã bị từ chối bay qua không phận một số nước trước khi đến thăm Serbia.

Đối với Venezuela, Ankara cũng giữ quan điểm tương tự. Trong cuộc họp báo chung hôm 9-6, ông Erdogan cho rằng việc một quốc gia đơn phương áp đặt lệnh cấm vận đối với một quốc gia khác là không chấp nhận được và nó không có hiệu lực đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang làm thay đổi nhiều mối quan hệ quốc tế, định hình lại các quan hệ đồng minh và liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực thể hiện vai trò đối ngoại nước lớn khi liên tục có các hành động đi ngược với chính sách của đồng minh Mỹ. Điều này có thể khiến Washington khó chịu nhưng cũng không thể có biện pháp mạnh tay. Giữa Washington và Ankara từng xảy ra mâu thuẫn, quan hệ lạnh nhạt do vấn đề Syria, sau đó đã hòa giải. Lần này, liệu Washington có làm điều gì đó để trừng phạt Ankara hay không?

An Châu (Tổng hợp)
.
.