Có bàn tay nước ngoài ở Kazakhstan?

Chủ Nhật, 09/01/2022, 10:50

Tình hình an ninh bất ổn tại Kazakhstan đang dần được kiểm soát sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) được cử đến. Nhiều tiếng nói cho rằng có bàn tay của phương Tây đằng sau các cuộc biểu tình bạo loạn tại Kazakhstan trong những ngày qua.

Ngày 6-1, những binh sĩ đầu tiên của CSTO đã đến Kazakhstan trong sứ mệnh giúp chính phủ nước này nắm lại quyền kiểm soát đất nước, trấn áp các nhóm bạo loạn có vũ trang. CSTO là một tổ chức hợp tác an ninh bao gồm một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ, như Nga, Kazakhstan, Belarusia, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan. Đây là lần đầu tiên Kazakhstan phải đối mặt với tình trạng an ninh bất ổn sau hàng chục năm nước này trở thành quốc gia độc lập khi Liên Xô giải thể. Và đây cũng là một trong những lần hiếm hoi CSTO phải cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến một quốc gia thành viên. Trong các thành viên CSTO từ trước đến nay, ngoài Kazakhstan cũng chỉ có Kyrgyzstan từng xảy ra tình trạng an ninh bất ổn.

Có bàn tay nước ngoài ở Kazakhstan? -0
Cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.

Trong một tuyên bố, Ban Thư ký của CSTO cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình bao gồm binh sĩ của các quốc gia thành viên như Nga, Belarusia, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan được cử đến Kazakhstan. Tuyên bố của CSTO cũng cho biết, việc tổ chức này cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan là để đáp lại yêu cầu của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev được đưa ra vào tối 5-1. Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO được duy trì tại Kazakhstan trong thời gian nhất định, tùy thuộc vào việc tình hình bất ổn tại đây sẽ được kiểm soát như thế nào.

Biểu tình bạo loạn tại Kazakhstan bắt đầu nổ ra ở thành phố Zhanaozen, miền Tây Kazakhstan vào những ngày đầu năm mới 2022, sau đó lan rất nhanh sang các thành phố lớn khác của nước này, như Almaty, thủ đô Nur-Sultan và một số thành phố khác khiến chính quyền Kazakhstan bị bất ngờ. Tình trạng bạo loạn leo thang nhanh chóng, nhiều trụ sở nhà nước, ngân hàng, sân bay, ga xe lửa bị người biểu tình chiếm giữ. Đụng độ giữa cảnh sát với các nhóm bạo loạn có vũ trang đã khiến cho hàng trăm cảnh sát bị thương, hơn chục người thiệt mạng. Tình hình cấp bách khiến Tổng thống Tokayev sáng 5-1 ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần, lúc đầu tại thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan nhưng sau đó đã mở rộng ra toàn quốc.

Nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát biểu tình bạo loạn được cho là bắt nguồn từ việc giá nhiên liệu khí hóa lỏng (LPG) tăng quá cao giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn. Mặt khác, truyền thông quốc tế cũng cho rằng người dân Kazakhstan biểu tình phản đối cũng một phần do bất bình trước tình trạng tham nhũng tràn lan trong hệ thống chính quyền, nạn thất nghiệp tăng cao và bất bình đẳng trong phân phối tài sản xã hội. Họ cũng muốn thể hiện thái độ bất bình với cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev.

Ông Nazarbayev là tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, nắm quyền kể từ khi Kazakhstan độc lập đến khi ông thoái vị vào năm 2019 và trao quyền hành lại cho người kế vị là ông Tokayev. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng tại hậu trường, với chức vụ Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Tuy ông không còn tại vị nhưng những vấn đề xã hội bức xúc dai dẳng từ thời ông lãnh đạo cho đến nay khiến người dân Kazakhstan phẫn nộ.

Tình hình an ninh bất ổn tại Kazakhstan diễn ra vào thời điểm đang có những diễn biến căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, trong đó Mỹ và các đồng minh làm ầm ĩ về việc Nga điều động quân đội tiến sát biên giới phía Đông Ukraine. Thực chất việc này đã được giới phân tích chỉ rõ là nhằm tạo ra “cái cớ” cho phương Tây đưa vũ khí hiện đại đến Ukraine để uy hiếp an ninh nước Nga.

Có bàn tay nước ngoài ở Kazakhstan? -0
Biểu tình ở Almaty ngày 5-1.

Kazakhstan nằm ở khu vực Trung Á, nơi có mối quan hệ truyền thống gần gũi với nước Nga nhưng gần đây Mỹ cũng muốn tranh giành ảnh hưởng. Với đường biên giới chung rất dài, Kazakhstan được xem là láng giềng rất quan trọng đối với Nga. Bởi thế, trong một tuyên bố hôm 6-1, Bộ Ngoại giao Nga xem những bất ổn của láng giềng Kazakhstan là vấn đề rất đáng quan tâm đối với nước Nga và cho rằng tình hình bạo loạn tại Kazakhstan chính là âm mưu của các thế lực bên ngoài - ám chỉ phương Tây - nhằm phá hoại an ninh và sự toàn vẹn của Kazakhstan bằng vũ lực, sử dụng các nhóm vũ trang có tổ chức và được huấn luyện.

Tổng thống Tokayev cáo buộc các thế lực bên ngoài muốn phá hoại sự ổn định của đất nước Kazakhstan nên đã ngầm huấn luyện các nhóm “khủng bố” có vũ trang, có tổ chức gây ra tình trạng bạo loạn này. Trong các cuộc đụng độ ngày 6-1, cảnh sát Kazakhstan đã tiêu diệt hàng chục kẻ bạo loạn có vũ trang, được tổ chức bài bản và được huấn luyện từ nước ngoài.

Trong khi đó, để đáp ứng các đòi hỏi của người biểu tình, ngày 5-1 chính phủ Kazakhstan đã phải từ chức, đồng thời bản thân ông Nazarbayev cũng từ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Tổng thống Tokayev đã bổ nhiệm Phó Thủ tướng Alikhan Smailov làm quyền Thủ tướng để điều hành chính phủ. Ngay sau đó, ông đã ra lệnh cho chính phủ mới và các tỉnh trưởng phải áp dụng ngay một số giải pháp cấp bách để ổn định tình hình. Theo đó, chính phủ mới được bổ nhiệm đã họp khẩn cấp để xem xét những vấn đề người dân biểu tình đặt ra, trước mắt là kiềm chế giá khí hóa lỏng ở mức 50 tenge một lít.

Bên cạnh đó, Tổng thống Tokayev cũng yêu cầu chính phủ mới kiểm soát giá không chỉ đối với khí hóa lỏng LPG mà còn cả xăng, dầu và các hàng hóa tiêu dùng quan trọng khác. Ông cũng ra lệnh cho chính phủ xây dựng luật phá sản cá nhân, đồng thời xem xét áp dụng biện pháp đóng băng giá cả sinh hoạt và triển khai trợ cấp tiền thuê nhà cho người nghèo.

Với việc Nga và các thành viên CSTO khác đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan, giới quan sát hy vọng tình hình tại đây sẽ sớm được ổn định trở lại.

An Châu(Tổng hợp)
.
.