Cột mốc kinh hoàng

Thứ Tư, 27/04/2022, 09:31

Ngày 25-4, số liệu trong báo cáo mới nhất mà Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho thấy, bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2021 vẫn tăng 0,7% so với năm 2020. Đây cũng chính là lần đầu tiên, tổng ngân sách quân sự toàn cầu vượt mức 2.000 tỷ USD - một cột mốc đầy hăm dọa.

Một thế giới ngày càng bất ổn

“Năm 2021, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lần thứ 7 liên tiếp, đạt 2.100 tỷ USD.Đó là con số cao nhất chúng tôi từng ghi nhận”, Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, xác nhận.

Tuy nhiên, đặt vào một chuỗi thời gian gần đây, năm 2021 lại không phải “kỷ lục” duy nhất. Trước đó, SIPRI cũng ghi nhận mức tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2020 là 1.980 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019, bất chấp việc một số quốc gia bắt buộc phải phân bổ lại ngân sách quốc phòng để chống đại dịch COVID-9. Đây là khoản chi tiêu quân sự lớn nhất sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và chính ông Diego Lopess da Silva cũng nhận định rằng số liệu thống kê này “gây bất ngờ”, khi giới chuyên gia “rơi vào thế việt vị” với dự báo “chi tiêu quân sự sẽ giảm”.

“Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn đại dịch COVID-19 không gây ảnh hưởng đáng kể đến chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020” - Lopes da Silva từng đúc kết như vậy.

Cột mốc kinh hoàng -0
Hình thái chiến tranh phi đối xứng góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.

Còn hiện tại, trong khi các chuyên gia nhận định xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục tại các nước châu Âu thì cũng trong ngày 25-4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cảnh báo: Cuộc xung đột Ukraine có nguy cơ leo thang thành Chiến tranh thế giới lần 3.

Song song, từ Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Australia - ông Peter Dutton khẳng định: Khi đối mặt với các đe dọa quân sự, “cách duy nhất để duy trì hòa bình là chuẩn bị cho chiến tranh và xây dựng đất nước vững mạnh, không thu mình, không quỳ gối và yếu đuối... Thu mình lại, giả vờ như không có gì đang xảy ra và không nói gì sẽ không có lợi cho chúng ta về lâu dài”.

Trùm phủ lên những tuyên bố ấy (cũng như các thông điệp sặc mùi thuốc súng tương tự như vậy), có lẽ bầu khí quyển chưa từng trở nên nóng bỏng và ngột ngạt đến mức độ đó, kể từ sau khi Thế chiến 2 chính thức hạ màn.

Cột mốc kinh hoàng -0
Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine tạo nên những động lực đáng sợ cho chạy đua vũ trang.

Ở Đông Âu, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã diễn tiến sang tháng thứ ba, với việc Nga được cho là đã sẵn sàng tập trung lực lượng để tiến hành một giai đoạn mới khốc liệt hơn. Ở Bắc Âu, Thụy Điển và Phần Lan, đứng sát cạnh lửa cháy, đã sẵn sàng từ bỏ vị thế trung lập cố hữu để gia nhập NATO.

Ở Châu Á - Thái Bình Dương, trước viễn cảnh Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ quân sự tại quần đảo Solomon thông qua một thỏa thuận an ninh, các thành viên của liên minh quân sự AUKUS (mới thành lập năm ngoái, bao gồm Mỹ, Anh và Australia) đều “nhảy dựng lên phản đối”.

Ở Trung Đông, không quân Israel oanh kích Dải Gaza, ngược lại, hỏa tiễn Hamas cũng bắn từ Gaza vào lãnh thổ Israel. Trên các đường phố Jerusalem, ngay trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo (cũng trùng với lễ Vượt qua của người Do Thái và lễ Phục sinh của cộng đồng Thiên Chúa giáo), xung đột và đụng độ vẫn liên tục xảy ra giữa các lực lượng an ninh Israel với tín đồ Hồi giáo, khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đưa quân vượt qua biên giới sang lãnh thổ Iraq để tiến hành trấn áp các nhóm vũ trang người Kurd (mà Ankara xem là những phần tử khủng bố), bất chấp việc Baghdad phản đối dữ dội và cáo buộc đó là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đột nhiên tuyên bố đóng cửa không phận đối với các chuyến bay quân sự hoặc chuyến bay dân sự chở lính từ Nga đến Syria - một động thái cứng rắn khá kỳ lạ, nếu xét đến mối quan hệ gần gũi giữa Ankara với Moscow trong quá khứ gần.

Cột mốc kinh hoàng -0
Hiện đại hóa quân đội đang là mục tiêu của rất nhiều quốc gia.

Ở châu Phi, nếu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại hoành hành tại Đông Bắc Nigeria (với vụ đánh bom làm 30 người thương vong ngày 20-4) thì tại Somalia, đạn pháo từ phe phiến quân đối lập nã thẳng vào quốc hội đang họp.

Sự bất ổn và nguy cơ bùng nổ xung đột hiện hữu ở khắp nơi.

Xu thế đáng sợ

Với những mâu thuẫn đối kháng về lợi ích mà không (hoặc chưa) thể có giải pháp chính trị, khả năng răn đe dựa trên sức mạnh quân sự, từ ngàn đời nay, vẫn luôn là lựa chọn của các trung tâm quyền lực địa chính trị, từ các đế chế cổ đại đến những cường quốc hiện đại. Minh họa cho điều này, chúng ta thấy: Cho dù không còn trực tiếp can dự vào cuộc chiến tranh nào (sau khi đã triệt thoái hoàn toàn khỏi Afghanistan, cũng như chấm dứt các hoạt động quân sự trực tiếp tại Iraq), năm 2021, nước Mỹ vẫn “dẫn đầu bảng xếp hạng” của SIPRI.

Năm 2020, chi tiêu quân sự của Mỹ vào khoảng 778 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2019. Với ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, Mỹ chiếm khoảng 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020. Vẫn duy trì vị trí đó, năm 2021, dù đã giảm 1,4%, chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn chiếm tới 38% tổng ngân sách chi tiêu quân sự toàn cầu.

Điều này xuất phát từ một nguyên nhân liên quan đến cách tiếp cận ở tầm chiến lược. Trong thập kỷ qua, chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển tăng 24%, trong khi mua sắm vũ khí giảm 6,4%. Cả hai chỉ số này đều giảm trong năm 2021, cho thấy Mỹ tập trung “vào các công nghệ thế hệ tiếp theo”. “Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì ưu thế công nghệ của quân đội nước này trước các đối thủ chiến lược”, Alexandra Marksteiner, một nhà nghiên cứu khác tại SIPRI, nhận xét. Vả lại, mức đầu tư vượt trội từ trước đó cho khối lượng khí tài quân sự của Mỹ có lẽ cũng đã đủ tạo nên những sự “yên tâm” nhất định.

Cột mốc kinh hoàng -0
Giảm 1,4%, song mức chi tiêu quốc phòng của nước Mỹ vẫn lớn nhất thế giới.

“Đuổi theo” Mỹ, Trung Quốc, quốc gia có ngân sách quốc phòng năm 2021 khoảng 210 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới, đã tăng chi tiêu quân sự lên 4,7%, đánh dấu đà tăng năm thứ 27 liên tiếp. Không như Mỹ, chi tiêu quân sự của Nga năm 2021 tăng 2,9%, đánh dấu đà tăng năm thứ 3 liên tiếp, lên 65,9 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới. Và, khi căng thẳng gia tăng ở châu Âu, nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại càng phải tăng cường mua sắm vũ khí. Năm 2021, 8 quốc gia thành viên NATO đã đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng - điều mà trong thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng vấp phải những sự phản đối quyết liệt, thậm chí dẫn đến tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Thực tế, theo bà Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI, chi tiêu quân sự của châu Âu thực tế đã có xu hướng tăng từ năm 2015, khi châu Âu thay đổi chính sách an ninh. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, các nước châu Âu cảm thấy nguy cơ tăng lên, cùng lúc đó chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gây áp lực muốn các thành viên NATO đầu tư nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang. Xung đột tại Ukraine hiện nay sẽ khiến xu hướng tăng chi ngày càng mạnh hơn.

Bên cạnh đó, thực địa chiến trường tại Ukraine có lẽ cũng gợi lên rằng chi tiêu quốc phòng trong chiến tranh hiện đại sẽ ngày một trở nên tốn kém. Những thành công của hình thái chiến tranh phi đối xứng, khi một chiếc xe tăng hạng nặng tối tân có thể dễ dàng bị đánh gục bởi một hỏa tiễn vác vai hoặc một tuần dương hạm khét tiếng hoàn toàn có thể bị nhấn chìm bởi những đợt tập kích tầm xa bằng tên lửa... chắc chắn sẽ chỉ khiến những khoản “chiến phí” trở nên nặng nề hơn, khi mọi quân đội đều phải cố gắng tạo nên ưu thế trong trường hợp “lâm chiến”, dù là bằng số lượng hay chất lượng vũ khí.

Cột mốc kinh hoàng -0
Biểu đồ chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2021.

Trong 5 quốc gia dẫn đầu về khả năng “chi tiêu rộng rãi” năm 2021, sự hiện diện của Anh và Ấn Độ cũng rất đáng chú ý. Họ đang gấp rút chuẩn bị cho việc “trở lại là” một cường quốc đích thực hoặc trở thành một đại cường thực thụ. Trong trung hạn và dài hạn, những sự thay đổi này có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến sự cân bằng địa chính trị toàn cầu, thúc đẩy cuộc “chạy đua vũ trang mới” này được triển khai ồ ạt hơn.

Và hàng núi tiền, thay vì được sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế chung, sẽ chỉ tôn cao thêm vị thế của các nền công nghiệp quốc phòng. Để thiết lập những kỷ lục u ám khác, dĩ nhiên...

Mây Linh
.
.