Cuộc bầu cử “lạ” ở Liban

Thứ Tư, 18/05/2022, 16:04

Các cử tri ở Liban đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 2019 và vụ nổ tàu chở hóa chất ở cảng Beirut năm 2020.

Cuộc bầu cử được đánh giá là “kỳ lạ” diễn ra trong bối cảnh Hezbollah tiếp tục kiểm soát Liban, duy trì ảnh hưởng của Iran tại đất nước này, trong khi cựu Thủ tướng Saad Hariri không tham gia, kéo theo hàng loạt cử tri ủng hộ ông cũng không đi bỏ phiếu.

Cuộc đua giành 128 ghế tại quốc hội

Cử tri nói chung không kỳ vọng nhiều vào các nhà lãnh đạo chính trị mà họ bỏ phiếu bầu. Nhiều người mong muốn có sự thay đổi đảng phái lãnh đạo đất nước, nhưng thực tế hiện tại cho thấy điều đó sẽ không dễ dàng diễn ra.

Cuộc bầu cử “lạ” ở Liban -0
Người dân Liban đi bỏ phiếu, ngày 15-5

Một số ứng cử viên xã hội dân sự xếp hàng dài để đấu với tầng lớp cầm quyền cố thủ với cam kết thay đổi cục diện chính trị, trong đó nổi bật nhất là Hezbollah và các đồng minh. Cơ hội tạo ra đột phá thực sự trong cuộc bầu cử này được đánh giá là rất mong manh khi các cuộc thăm dò kết thúc vào tối Chủ nhật, với kết quả rất có thể là sự trở lại của một số hình thức hiện trạng, nơi quyền lực được phân bổ theo các đường lối giáo phái đã được thiết lập, với các cơ cấu kiểm soát hiện tại vẫn được duy trì một cách chặt chẽ.

Nhiều điểm bỏ phiếu không có điện và một số điểm bỏ phiếu vắng vẻ, đìu hiu - một hình ảnh thu nhỏ của đất nước Liban đang tiếp tục tan rã vì thiếu nhiên liệu và điện và siêu lạm phát khi đồng nội tệ tiếp tục mất giá. Tại một số trung tâm bỏ phiếu, không thiếu mặt hàng quý giá là đồng USD “tiền tươi” được sử dụng để thu hút sự ủng hộ của các cử tri vào phút chót, đặc biệt là các gia đình có nhiều thành viên tham gia bỏ phiếu.

Một cử tri tại một điểm bỏ phiếu phía Tây Beirut cho biết: “Họ phải đưa cho tôi một thứ gì đó. Tôi sẽ nhận được gì khác từ những người này?". Tại một điểm bỏ phiếu khác ở vùng Keserwan, một cử tri tên Joseph Karam cho biết anh ta đã cân nhắc bỏ phiếu cho các ứng cử viên xã hội dân sự nhưng đã quyết định bỏ phiếu cho đảng Lebanon Forces, một đảng thời nội chiến đã trỗi dậy trong những năm gần đây và được các quốc gia Vùng Vịnh bảo trợ vì họ sẵn sàng đối đầu với Hezbollah, đảng chính trị thống trị của Liban.

Tổng cộng có 718 ứng cử viên từ 15 khu vực bầu cử đã tham gia cuộc đua để giành 128 ghế trong quốc hội. Các cuộc thăm dò đều dự báo Hezbollah và các đồng minh tiếp tục giữ được 71 ghế. Cơ sở ủng hộ của họ tiếp tục đứng vững trước một số ít ứng cử viên Shiite thế tục và sự thúc đẩy của các đảng chính thống được phương Tây hậu thuẫn. Hiệp hội Bầu cử dân chủ Liban cho biết, các đại biểu của tổ chức này đã buộc phải rút khỏi 2 điểm bỏ phiếu sau khi nhận lời đe dọa từ những người ủng hộ Hezbollah và các đồng minh của họ trong nhóm Amal theo dòng Shiite.

Mặc dù vẫn xảy ra một số “sự cố” bạo lực nhỏ hoặc quấy rối bởi các đối thủ ở một số điểm bỏ phiếu, nhìn chung cuộc bầu cử đã diễn ra khá yên tĩnh, bất chấp những dự đoán về tình trạng bất ổn nghiêm trọng hơn.

Hezbollah vẫn làm chủ cuộc chơi

Có mấy điểm đáng chú ý trong kỳ bầu cử này ở Liban. Thứ nhất, đó là lần đầu tiên một chính khách đối lập giành được ghế ở miền Nam Liban, nơi vốn được xem là cứ địa bất khả xâm phạm của Hezbollah và các đồng minh. Nhưng, gây chú ý nhất vẫn là sự vắng bóng một chính khách nổi bật, ông Saad Hariri, từng 2 lần làm Thủ tướng Liban trong giai đoạn đất nước này trải qua nhiều biến động chính trị.

Cuộc bầu cử “lạ” ở Liban -0
Sự vắng bóng của ông Saad Hariri khiến “cuộc chơi” trở nên nhạt nhẽo hẳn

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử, cựu Thủ tướng Hariri, đồng thời là lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo Sunni của Liban, đã kêu gọi cử tri tẩy chay và nhiều người ủng hộ ông đã hưởng ứng, dẫn đến tỷ lệ cử tri đi bầu thấp ở các vùng người Sunni sinh sống. Trong bài đăng trên Twitter hôm 16-5, ông Hariri cho rằng đó là quyết định đúng đắn để phản đối một cục diện chính trị chán ngắt đang làm xói mòn cuộc sống của người dân. Chính sự rút lui của ông Hariri và đảng Future Movement của ông đã để lại khoảng trống chính trị rất lớn ở thành phố Tripoli, thành phố lớn thứ hai ở Liban và góp phần làm cho cuộc bầu cử càng trở nên “kỳ lạ” hơn.

Kết quả kiểm đếm phiếu bầu hôm 16-5 cho thấy, tuy một số đảng đồng minh của Hezbollah bị mất ghế về tay phe đối lập, tình hình chung là Hezbollah và các đồng minh vẫn nắm quyền kiểm soát trong quốc hội. Những đảng đồng minh của Hezbollah, như FPM bị mất vài ghế đã nổi giận đổ lỗi cho Mỹ và Israel đã “phá hỏng” cuộc chơi của họ bằng những động thái chính trị có lợi cho họ. Nhưng, trên thực tế, vấn đề là do chính các đảng phái đã làm mất lòng tin ở cử tri. Tình trạng kinh tế tiếp tục khó khăn kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho đời sống người dân khó khăn chồng chất. Từ đó, làm phát sinh nhiều cuộc biểu tình phản đối rầm rộ không chỉ bùng phát trong năm 2019 mà tiếp tục diễn ra trong 3 năm qua, lần gần đây nhất là vào tháng 12-2021.

“Vấn đề bây giờ là kiểm đếm những lá phiếu này”, Anwar Habib, một cử tri từ thành phố Sidon, miền Nam Liban cho biết. “Đây không phải là một quy trình an toàn. Hezbollah và Amal sẽ làm mọi cách để giành chiến thắng”. Sau khi kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 16-5, sẽ diễn ra vài tuần đàm phán, trao đổi, mặc cả giữa các đảng phái chính trị trước khi một chính phủ được thành lập.

Trong quá khứ nhiều năm trước, người dân Liban từng chứng kiến những cuộc giằng co giữa các đảng phái chính trị trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ. Thậm chí, có giai đoạn đàm phán kéo dài gần một năm mà vẫn chưa hình thành được chính phủ, buộc phải tổ chức bầu cử lại. Lần này, người ta hy vọng tình trạng đó sẽ không tái diễn.

An Châu (Tổng hợp)
.
.