Đằng sau dự án khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ - Israel

Thứ Ba, 25/01/2022, 11:25

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 19-1 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với Israel trong một dự án đường ống dẫn khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải, đánh dấu mong muốn của Ankara trong việc nối lại quan hệ với Tel Aviv. Sự xích lại quan hệ hợp tác này phụ thuộc vào điều gì và đâu là ý đồ của Ankara đằng sau động thái này.

“Bộ trưởng Năng lượng của chúng tôi, Berat Albayrak, từng đàm phán với Israel để đưa khí đốt (từ Địa Trung Hải) đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi có thể làm điều này ngay bây giờ”, ông Erdogan khẳng định. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối mạnh mẽ một dự án tương tự hiện đang bị đình trệ mà Israel và Hy Lạp cùng nhau hợp tác.

Với tên gọi EastMed, dự án này được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng, theo truyền thông Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tuần trước Washington đã thông báo với Hy Lạp rằng họ sẽ không hỗ trợ dự án này nữa vì những căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi nghĩ rằng Mỹ đã rút lui sau khi thực hiện các phân tích tài chính và nhận thấy rằng dự án này không mang lại lợi ích gì”, người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Theo ông Erdogan, sau khi Mỹ rút lui, một dự án đường ống mới sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, theo ông Erdogan, có thể được thành hình. “Chúng tôi hội đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog. Ông ấy có thể đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Naftali Bennett cũng có cách tiếp cận tích cực”, ông Erdogan nói thêm.

Đằng sau dự án khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ - Israel -0
Ankara mơ ước trở thành một trung tâm năng lượng của khu vực.

Vào tháng 11 năm ngoái, Ankara đã tuyên bố xích lại “dần dần” trong quan hệ với Israel và các nước khác trong khu vực. Mối quan hệ giữa Ankara và Israel đã trở nên căng thẳng kể từ sau sự cố Mavi Marmara năm 2010, khi lực lượng Israel tiến hành một cuộc tấn công chết người nhằm vào một tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng chuyển viện trợ tới Gaza. Cả hai nước đã triệu hồi đại sứ của họ vào năm 2018 sau cái chết của những người biểu tình Palestine ở Gaza.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác giữa hai nước có thể dựa trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Ông nói: “Là các chính trị gia, chúng ta không nên đánh đấm, mà hãy hợp tác trong hòa bình”. Hơn nữa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã trả tự do cho hai người Israel bị buộc tội gián điệp. Bất đồng có thể được giảm thiểu đến mức tối thiểu “với điều kiện có sự hiểu biết lẫn nhau”, theo ông Erdogan. Bên phía Israel cũng vậy. Thủ tướng Naftali Benett “hoan nghênh các đường dây liên lạc giữa hai nhà nước đã hoạt động hiệu quả và kín đáo trong thời kỳ khủng hoảng”.

Động thái mới này của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chuỗi những hành động hòa giải của Ankara với một số nước Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Arab Saudi. Pascal le Pautremat, một chuyên gia về các cuộc khủng hoảng và xung đột hiện đại, cho biết: “Đây là chính sách thực dụng của Tổng thống Erdogan. Ông ấy sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ nhất định hoặc thể hiện động lực ngoại giao để phục vụ lợi ích của mình. Đó là một bước đi đáng khen ngợi và trên hết ông Erdogan không muốn bị cô lập trong khu vực”.

Thật vậy, một số quốc gia Arab, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain, gần đây đã xích lại gần nhà nước Do Thái. Do đó, Ankara sẽ không muốn tránh xa xu hướng địa chính trị mới này. Nhưng, trên hết, lợi ích kinh tế mới mang tính quyết định hướng đi này. Đó chính là lý do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố muốn cùng Israel xây dựng một đường ống dẫn khí.

Thực sự, Israel cũng bị cám dỗ bởi sự hợp tác này. “Sự hợp tác này đáp ứng lợi ích kinh tế rõ ràng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara mơ ước trở thành một trung tâm năng lượng khu vực và những khó khăn nội bộ đang thúc đẩy họ xem xét lại chính sách đối ngoại của mình”, chuyên gia Pascal le Pautremat nhận định.

Thật vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu lạm phát phi mã trong nhiều tháng, dẫn đến sự bần cùng hóa của xã hội dân sự và các phong trào phản đối đang xuất hiện khắp cả nước. Chuyên gia Pascal le Pautremat nói rằng Tổng thống Erdogan đang mất điểm trong các cuộc thăm dò dư luận và “ông ấy cũng phải bận tâm về thời hạn bầu cử năm 2023”. Tuy nhiên, sự khởi đầu của sự ấm lên này vẫn phụ thuộc vào vấn đề của người Palestine.

“Tổng thống Erdogan chơi cùng lúc trên nhiều bàn cờ khác nhau, thậm chí xung khắc”, chuyên gia Pascal le Pautremat nói. Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo đầu tiên công nhận Israel vào năm 1948, tùy theo thời điểm và hoàn cảnh chính trị, nhưng một số chính phủ đã bày tỏ sự dè dặt nhất định. Xu hướng này đã được khẳng định khi đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan dẫn đầu trong cuộc bầu cử năm 2003.

Đằng sau dự án khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ - Israel -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố muốn cùng Israel xây dựng một đường ống dẫn khí.

Nếu Tel Aviv tiến hành cuộc chiến chống lại Dải Gaza, Ankara luôn nhanh chóng ủng hộ sự chính nghĩa của người Palestine. Chẳng hạn vào tháng 5 năm ngoái, trong cuộc xung đột giữa quân đội Israel và Hamas, ông Erdogan đã không ngần ngại xếp Israel là một quốc gia “khủng bố tàn ác”. Đi xa hơn nữa, Fahrettin Altun, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã công khai kêu gọi một cuộc tấn công vào nhà nước Do Thái.

Hơn nữa, Ankara lên án mạnh mẽ chính sách bành trướng của Israel tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh vào tháng 11 năm ngoái: “Chúng ta phải chấm dứt các chính sách của Israel đối với việc thực dân hóa, phá hủy bất hợp pháp, buộc phải di dời và sơ tán ở Đông Jerusalem và Bờ Tây”. Đây là một quan điểm thực dụng bởi vì ông Erdogan hiểu tầm quan trọng của Palestine và sự hấp dẫn của vấn đề Palestine đối với người dân Arab và Hồi giáo.

Bất chấp những lãnh đạm tạm thời, hai nước chưa bao giờ cắt đứt quan hệ kinh tế. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Israel đạt khoảng 600 triệu USD vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, trong vấn đề Israel-Palestine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đi trên trứng.

Mộc Thạch(Tổng hợp)
.
.