Đức: Đằng sau câu chuyện tăng ngân sách quốc phòng

Thứ Hai, 06/02/2023, 10:24

Theo thông tin từ Le Monde, mới đây, Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua gói tài trợ đầu tiên trị giá 13 tỷ euro trong khuôn khổ “quỹ đặc biệt” nhằm hiện đại hóa quân đội. Cùng với đó, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của quốc gia đầu tàu châu Âu này cũng có những thay đổi quan trọng trong định hướng sản xuất vũ khí kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine.

Tuy nhiên, có vẻ như các nỗ lực này là chưa đủ để duy trì mục tiêu dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự mà NATO đề ra.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Phát sóng 3 lần/tuần vào buổi tối trên kênh truyền hình ZDF, chương trình trò chuyện của Markus Lanz là một trong những chương trình được xem nhiều nhất ở Đức. Eva Hogl, Ủy viên phụ trách lực lượng vũ trang của Quốc hội Liên bang (Bundestag), một khách mời của chương trình, đã đề cập đến báo cáo thường niên về tình hình quân đội Đức. Theo bà, bản báo cáo dày 178 trang cho thấy quân đội Đức hiện đang có quá nhiều tồn tại, cả về nguồn lực và trang thiết bị: “Những người lính dù của chúng ta thậm chí còn thiếu mũ bảo hộ. Còn đối với các biệt kích thủy quân lục chiến ở căn cứ Eckernforde (bên bờ biển Baltic), họ đã không có bể bơi từ 10 năm nay, đến nỗi phải đi xa hàng dặm để tìm địa điểm bơi lặn và huấn luyện”.

Đức: Đằng sau câu chuyện tăng ngân sách quốc phòng -0
Xe tăng thế hệ mới Leopard 2A7V - sản phẩm hợp tác của Đức và Pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn của tuần báo Die Zeit diễn ra ít lâu sau đó, Eva Hogl cũng bày tỏ thái độ thiếu kiên nhẫn trước thực trạng của Bundeswehr và cho rằng quân đội Đức đang là nạn nhân của bộ máy quan liêu. Còn Tham mưu trưởng quân đội Đức, Tướng Alfons Mais, cũng chia sẻ trên mạng xã hội LinkedIn: “Trong 41 năm phục vụ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua một cuộc chiến tranh mới. Vậy mà Bundeswehr - đội quân do tôi lãnh đạo đang gặp ít nhiều vấn đề. Các lựa chọn mà chúng tôi có thể đề xuất hỗ trợ NATO là vô cùng hạn chế”.

Theo một báo cáo về công tác chuẩn bị tác chiến của quân đội Đức được tiết lộ, thì nhiều chiến hạm Đức không sẵn sàng cho một số nhiệm vụ được lên kế hoạch cho năm 2023 ở Địa Trung Hải hoặc các hệ thống radar lỗi thời làm suy yếu an ninh không phận Đức gặp nhiều nguy cơ trong trung hạn. Trong một bức thư đính kèm báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã rất thực tế khi cho rằng do hàng chục năm đầu tư dưới mức cần thiết, những thiếu hụt của quân đội Đức về nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng và đạn dược “sẽ không thể được lấp đầy chỉ bằng 1 chữ ký”.

Và mục tiêu hiện đại hóa quân đội

Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, Quốc hội Đức đã thông qua “Quỹ đặc biệt” nhằm mục tiêu hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này. Đối với cá nhân Thủ tướng Olaf Scholz, người khởi xướng việc này, đây là một chiến thắng chính trị vang dội, bởi sự phân bổ đặc biệt này không chỉ nhận được sự ủng hộ của các đảng trong liên minh “đèn giao thông” của ông - gồm đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) - mà còn được sự tán thành của nhóm bảo thủ trong liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo - Xã hội Thiên Chúa giáo (CDU - CSU), lực lượng đối lập chính trong quốc hội. Sự chấp thuận của CDU - CSU là rất cần thiết bởi điều này sẽ giúp cho việc sửa đổi hiến pháp diễn ra dễ dàng và cũng giúp cho quá trình thực thi, phân bổ ngân quỹ được suôn sẻ.

Theo kế hoạch đã nhận được sự nhất trí của các đảng trong liên minh, lực lượng không quân sẽ nhận được phần lớn nhất của chiếc bánh ngân sách, cụ thể là 33,4 tỷ euro, chiếm 1/3 ngân quỹ. Đặc biệt, khoản phân bổ này sẽ được sử dụng để mua 35 máy bay chiến đấu F-35 mà Chính phủ Đức đã quyết định mua của Lockhead Martin để thay thế đội bay Tornado cũ kỹ được biên chế từ những năm 1970. “Siêu phẩm” F-35, loại máy bay duy nhất có khả năng mang bom hạt nhân của Mỹ, sẽ cho phép Đức tiếp tục tham gia cơ chế “chia sẻ hạt nhân”, hay nói cách khác là chương trình răn đe của NATO.

Để củng cố sức mạnh không quân, Berlin cũng có ý định mua máy bay chiến đấu Eurofigher ECR của Airbus, trực thăng vận tải Chinook CH-47-F của Boeing, cũng như máy bay không người lái Heron TP của Israel. Đề cập đến dự án phát triển hệ thống phòng không chiến đấu trong tương lai (FCAS) gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha, dự kiến kết thúc vào năm 2040, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định dự án này cũng sẽ nhận được sự quan tâm trong nay mai.

Được nhận nguồn ngân sách có trị giá lần lượt là 16,6 và 8,8 tỷ euro, lực lượng lục quân và hải quân của quân đội Đức cũng sẽ có sự cải thiện. Đối với lục quân, một phần khoản tiền được phân bổ sẽ được sử dụng cho dự án xe tăng chiến đấu thế hệ mới (MGCS) của châu Âu nhằm thay thế các mẫu xe tăng Leclerc của Pháp và Leopard của Đức vào năm 2035.

Phần còn lại của ngân quỹ sẽ được sử dụng cho các chương trình khác, chẳng hạn khoản 20 tỷ euro được phân bổ cho dự án số hóa Bundeswehr, bao gồm mua thiết bị liên lạc mới và tăng cường hệ thống vệ tinh. Khoản cuối cùng sẽ được dùng để mua đạn dược và trang bị cho binh sĩ.

Với “quỹ đặc biệt” dành cho quân đội, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz muốn gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới các đồng minh: Đức thực sự muốn hướng tơi mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự vào năm 2024 theo như yêu cầu của NATO đối với các nước thành viên. Hiện tại, Đức mới chỉ dành khoảng 1,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Bằng cách đưa khoản ngân quỹ này thành một điều khoản trong Hiến pháp Liên bang, ông Olaf Scholz đã có một tính toán khôn khéo. Do chỉ là “Quỹ đặc biệt”, số tiền này sẽ không nằm trong ngân sách thông thường, có nghĩa là không nằm trong “phanh nợ” - một điều khoản hiến định cấm nhà nước liên bang để thâm hụt ngân sách hằng năm ở mức trên 0,35% GDP.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.