Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: “Nhất tiễn hạ song điêu”

Thứ Ba, 02/11/2021, 16:31

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa nhất trí xem xét kết nạp Iran làm thành viên đầy đủ sau nhiều năm trì hoãn. Tác động của thành viên mới Iran trong SCO tới các vấn đề chính trị quốc tế được cho là tích cực nhiều hơn tiêu cực, dù vẫn có không ít trở ngại.

SCO được phát triển từ nhóm “Thượng Hải 5” bao gồm Trung Quốc và 4 nước tách ra từ Liên Xô cũ là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Sau khi Uzbekistan gia nhập vào năm 2001, SCO chính thức ra đời, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế và văn hóa để chống lại “3 tệ nạn” là chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan. SCO được các học giả Trung Quốc mô tả là “chiếc xe đẩy hai bánh” trong đó hợp tác an ninh và kinh tế có vai trò quan trọng như nhau.

Kể từ năm 2004, tổ chức này đã kết nạp thêm các nước thành viên, quan sát viên và đối thoại. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời, SCO vẫn giữ khoảng cách với các cường quốc phương Tây và từ chối sự tham gia của Mỹ dưới góc độ này hay góc độ khác. Kể cả khi SCO chưa bao gồm các quốc gia như Iran, Ấn Độ hoặc Pakistan, một số chuyên gia đã ví tổ chức này như là một “OPEC có bom”.

Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: “Nhất tiễn hạ song điêu” -0
Việc Iran gia nhập SCO đem lại tác động tích cực nhiều hơn.

Hiện tại, các thành viên đầy đủ của SCO bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan và giờ đây là Iran. Trong khi đó Afghanistan, Belarus và Mông Cổ giữ vai trò quan sát viên. 6 nước đối thoại bao gồm Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao SCO thường niên được tổ chức tại Tajikistan tháng 7-2021, SCO cũng cấp quy chế đối thoại cho Ai Cập và Saudi Arabia.

Iran cùng với Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên quan sát của SCO vào cùng một thời điểm nhưng trong khi hai nước kia trở thành thành viên thường trực từ năm 2017 thì phải đến Hội nghị Thượng đỉnh tháng 9-2021 Iran mới được nâng cấp thành thành viên đầy đủ của tổ chức này. Và quá trình gia nhập đầy đủ của Iran có thể sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.

Một trong những lý do là bởi, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tashkent năm 2010, SCO tuyên bố các quốc gia muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức này phải nằm ngoài các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, với hàm ý các nước thành viên SCO chưa sẵn sàng kết nạp Iran. Sau khi lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ nhờ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015, đơn gia nhập SCO của Iran lại được chú ý. Khúc mắc của Iran với Tajikistan, các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự dè dặt của Trung Quốc lại là những rào cản khác không dễ vượt qua đối với quá trình gia nhập của nước này. Quan hệ căng thẳng giữa Iran và Tajikistan là một trở ngại ngăn cản Iran gia nhập SCO, nhất là khi thiết kế thể chế của SCO dựa trên sự nhất trí của tất cả các thành viên, nên việc Tajikistan bác bỏ tư cách gia nhập thành viên của Iran là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo phân tích, các lệnh trừng phạt là lý do chính khiến SCO nấn ná mãi việc trao tư cách thành viên đầy đủ cho Iran. Lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran khiến các nước thành viên SCO khác lo ngại về khả năng sẽ bị lôi kéo vào các vấn đề của Iran với Mỹ. Mặc dù quan hệ của Nga và Trung Quốc với Mỹ thế nào thì SCO lâu nay vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ. Với Iran, ngay từ đầu Mỹ đã tỏ rõ sự phản đối SCO kết nạp nước này, thậm chí là phản đối cả quy chế quan sát viên đối với Iran. Trung Quốc không muốn SCO bị coi là một tổ chức chống Mỹ.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi với một loạt bước đi mạnh mẽ của Washington thì việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Iran không phải là một lựa chọn tồi, giúp cân bằng hoặc như một động thái răn đe Mỹ. Iran lại có vị trí địa chính trị quan trọng, thậm chí là sống còn đối với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để xây dựng các tuyến đường bộ xuyên Trung Á trên trục Đông - Tây, kết nối Trung Quốc với Biển Đen và Trung Đông.

Các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, coi SCO là yếu tố đảm bảo để Trung Á không trở thành một Trung Đông khác. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với một số mối đe dọa, bao gồm các vấn đề người tị nạn, khủng bố và ma túy. Trung Quốc nhấn mạnh quan điểm coi Iran là một quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng cần thiết để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Afghanistan. Việc tái kích hoạt Nhóm liên lạc của SCO tại Afghanistan từ năm 2017 thể hiện mong muốn của SCO đóng một vai trò quan trọng hơn tại đây.

Theo quan điểm của Trung Quốc, tình hình hiện tại ở Afghanistan có thể khiến các chiến binh thánh chiến tràn ra ngoài biên giới, đe dọa sự ổn định trong khu vực. Một tư cách thành viên đầy đủ của Iran sẽ thúc đẩy đáng kể kế hoạch an ninh tổng thể của SCO, khiến SCO trở thành tổ chức khu vực quan trọng nhất liên quan đến vấn đề Afghanistan. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích khác thì không nên đánh giá quá cao tác động tích cực của việc Iran trở thành thành viên SCO đầy đủ.

Mặc dù SCO hoạt động theo cơ chế đồng thuận nhưng Iran khó có thể thay đổi cách tiếp cận trong việc ra quyết định của SCO, vì Nga và Trung Quốc đều có vai trò quan trọng trong chính sách hướng Đông của Iran. Là hai quốc gia lớn nhất trong SCO, Trung Quốc và Nga dù có chung lợi ích trong việc ngăn Mỹ tham gia khối này nhưng cũng có những kỳ vọng riêng đối với SCO. Trung Quốc coi tổ chức này là một cơ quan thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong khi Nga tìm cách khôi phục ảnh hưởng và sự thống trị của mình ở Trung Á.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.