Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ

Thứ Sáu, 20/08/2021, 07:41

“Cơn bão” Taliban những ngày qua đang làm đảo lộn Afghanistan và thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội sau khi các chiến binh Taliban chiếm giữ thủ đô cùng dinh thự tổng thống và tuyên bố muốn đàm phán hòa bình, thiết lập ngoại giao với các nước.

Kỷ nguyên Taliban lần 2

Khi các chiến binh Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bỏ trốn đến một địa điểm không xác định và đăng một lời giải thích rằng nếu ông ở lại, sẽ có nhiều “đổ máu”, “Taliban đã chiến thắng và có trách nhiệm bảo vệ danh dự, tài sản của đồng bào mình”.

Vài giờ sau khi ông Ashraf Ghani rời đi, các thủ lĩnh Taliban được nhìn thấy trong đoạn phim do đài Al-Jazeera thu được, đang ngồi trong Phủ Tổng thống ở Kabul. 24 tiếng đồng hồ sau đó là toàn bộ khung cảnh hỗn loạn, người người chạy ra sân bay quốc tế sơ tán, nhà nhà đi về biên giới, tìm cách sang các quốc gia láng giềng để di tản...

Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ -0
 Nhiều người Afghanistan sợ hãi di tản tới vùng biên giới Pakistan mong tìm chốn bình yên ở nước láng giềng. Ảnh: Getty

Trao đổi với báo giới qua điện thoại, một lãnh đạo Taliban cho hay, còn quá sớm để nói phong trào nổi dậy này sẽ tiếp quản quyền cai trị như thế nào tại Afghanistan và rằng họ muốn “tất cả lực lượng nước ngoài rời đi trước khi chúng tôi bắt đầu tái cấu trúc chính quyền”. Cũng theo lãnh đạo này, các tay súng Taliban ở Kabul đã được cảnh báo không đe dọa dân thường và cho phép họ khôi phục các hoạt động bình thường. Ngoài ra, không một cơ quan ngoại ngoại giao hay bất kỳ trụ sở nào ở Afghanistan bị nhắm làm mục tiêu tấn công.

Phát biểu trên đài Al-Jazeera, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem tuyên bố Taliban sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan cũng như “hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Ông Naeem khẳng định, Taliban hiện có một số kênh liên lạc với các quốc gia bên ngoài và mong muốn phát triển những kênh thông tin này.

Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ -0
 Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu trong một sự kiện ở thủ đô Kabul, tháng 12-2019. Ảnh: Getty

Thất bại về an ninh của Afghanistan

Trước những diễn biến đầy bất ngờ, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của lực lượng an ninh Afghanistan khi họ bị thất thủ một cách nhanh chóng dù áp đảo cả về số lượng và loại vũ khí hiện đại được trang bị. Tờ Telegraph dẫn lời Đại tá Edris Ataaie cho biết, phương Tây và Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về những gì đang diễn ra ở Afghanistan và sự bành trướng nhanh chóng của Taliban đã cho thấy rằng, những nỗ lực trong việc biến quân đội Afghanistan thành một lực lượng chiến đấu độc lập, mạnh mẽ đã thất bại.

Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Charlie Herbert, người từng cố vấn cho lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan trong 2 năm 2017-2018 nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng tràn lan, chủ nghĩa thân hữu và tư lợi của giới tinh hoa chính trị và quân sự tại Kabul chắc chắn tác động đến ý chí chiến đấu của binh lính và cảnh sát. Lực lượng quân sự nước ngoài cũng có lỗi trong sự sụp đổ này. Họ đã sai lầm khi cố gắng xây dựng các lực lượng Afghanistan theo hình ảnh của chính mình song lại bắt đầu xây dựng quá muộn và việc rút quân về cơ bản đã phá vỡ quân đội Afghanistan”. Trong khi đó, chuyên gia quân sự của Nga Alexei Leonkov khi trả lời hãng Sputnik lại cho rằng, đáng lẽ, Chính phủ Afghanistan nên thương lượng và đàm phán với Taliban về việc điều hành đất nước chứ không nên để xảy ra tranh giành, tấn công và đổ máu.

Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ -0
 Hình ảnh do đài Al-Jazeera ghi được cho thấy các thủ lĩnh Taliban có mặt tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Kabul hôm 15-8. Ảnh: Getty

Thực tế, trước khi Mỹ và các quốc gia phương Tây tuyên bố rút quân, họ đã đổ hàng tỷ USD vào chiến dịch xây dựng và đào tạo lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan với niềm tin rằng nó sẽ giúp chính quyền Kabul độc lập chống lại Taliban. The New York Time thống kê, về lý thuyết tương quan lực lượng, quân đội Chính phủ Afghanistan luôn áp đảo Taliban với khoảng 300.000 binh sĩ và cảnh sát.

Nhưng, thực tế con số này chỉ là ảo bởi chính quyền Kabul luôn phải chật vật với công tác tuyển mộ, xây dựng lực lượng để đạt mục tiêu về quân số. Thêm vào đó, như nhận xét của chuyên gia Jack Waltling thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), quân đội chính phủ còn có thiếu sót trong khâu bảo quản vũ khí trang bị, huấn luyện tinh thần chiến đấu. Binh sĩ thường được phái đến các địa điểm mà họ không có mối liên hệ về bộ tộc hay gia đình khiến nhiều người trong số này nhanh chóng bỏ vị trí, không hề cầm súng chiến đấu. Đó là chưa kể việc binh sĩ Afghanistan thường xuyên bị thiếu thốn về cơ sở vật chất và bị áp lực trước sự “đòi hỏi vô độ” của tướng lĩnh cũng như những người cầm quyền.

“Tinh thần chiến đấu là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sự thành bại của Taliban cũng như đối với quân đội Chính phủ Afghanistan. Khi Mỹ rút quân, tâm lý e dè của binh sĩ đã tạo nên một câu chuyện mới và giúp Taliban tấn công mà không hề vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ nào”, chuyên gia Jack Waltling nói thêm.

Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ -0
 Người dân Afghanistan tập trung tại đường băng sân bay Kabul hôm 16-8 để thoát khỏi đất nước khi Taliban giành quyền kiểm soát. Ảnh: Getty
Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ -1
 Trực thăng Mỹ sơ tán các nhân viên ngoại giao từ nóc tòa nhà Đại sứ quán ở thủ đô Kabul. Ảnh: Getty

Cú sốc lớn với người Mỹ

Sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ Afghanistan cũng gây ra cú sốc lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các thành viên cấp cao trong chính quyền. Một số quan chức khác của Nhà Trắng thẳng thắn thừa nhận họ đã tính toán sai. “Thực tế của vấn đề là chúng tôi thấy rằng lực lượng đó đã không thể bảo vệ đất nước. Và điều đó đã xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán”, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với Jake Tapper của hãng CNN khi đề cập đến lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan.

Trong khi đó, phe Cộng hòa ra sức chỉ trích chính phủ kém năng lực. Một số thành viên Quốc hội đang yêu cầu chính quyền cung cấp thêm thông tin về việc làm thế nào mà tình báo của họ lại có thể đánh giá sai tình hình hoặc tại sao các kế hoạch dự phòng mạnh mẽ hơn để sơ tán người Mỹ và đồng minh của họ lại không được đưa ra. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy còn thúc giục các quan chức, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley giải trình về lý do tại sao quá trình sụp đổ của Chính phủ Afghanistan lại diễn ra nhanh chóng như vậy.

“Chúng tôi đang theo dõi xem bây giờ ở Afghanistan, điều gì sẽ xảy ra”, Hạ nghị sĩ Liz Cheney của đảng Cộng hòa nói trong chương trình “Tuần này” của hãng ABC. Còn lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell thì tuyên bố, việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đã thất bại, bao gồm “cả cuộc di tản điên cuồng của người Mỹ và những người Afghanistan dễ bị tổn thương khỏi Kabul. Một số thành viên khác của đảng Cộng hòa trước đó từng phản đối nỗ lực rút khỏi Afghanistan của cựu Tổng thống Donald Trump gọi đây là “một thất bại đáng xấu hổ của giới lãnh đạo Mỹ”.

Khi sứ mệnh của phương Tây ở Afghanistan sụp đổ -0
 Chiến binh Taliban ngồi trên xe với khẩu súng máy trước cổng chính dẫn đến Phủ Tổng thống Afghanistan ở Kabul.

“Taliban đã ra lệnh cho các chiến binh của họ tiến vào Kabul vì họ tin rằng cảnh sát đã bỏ hết các vị trí”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Nam Carolina nói trong một tweet và thêm rằng, Tổng thống Joe Biden “dường như không biết gì về các mối đe dọa khủng bố sẽ đến từ Afghanistan do Taliban điều hành” và ông Biden phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan”. Hạ nghị sĩ Michael McCaul thuộc bang Texas thì phát biểu trên đài CNN: “Đây là một thảm họa”, đồng thời ông McCaul còn nhận định, chính quyền Tổng thống Biden đã “hoàn toàn bị thổi bay bởi vụ này” do họ đánh giá quá thấp sức mạnh của Taliban.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, những rủi ro đối với ông Biden về mặt chính trị trong vấn đề Afghanistan là không chắc chắn. Đa số người Mỹ nói trong các cuộc thăm dò rằng họ ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng, mối lo lớn nhất hiện giờ là không biết sức ảnh hưởng của phong trào Taliban có lan đến các quốc gia khác và làm nên một cuộc thay máu mới ở Iraq hay Syria hay không khi quân đội nước ngoài rút hết khỏi các nước này và rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ thế nào sau sự kiện ở Afghanistan.

Khánh Chi
.
.