Malaysia tranh cãi khoản trợ cấp tiền mặt cực lớn

Thứ Hai, 04/07/2022, 10:15

Malaysia dự kiến sẽ tung ra khoản trợ cấp và viện trợ tiền mặt lớn nhất trong lịch sử, lên tới 77,3 tỷ ringgit (17,6 tỷ USD) để giúp kiềm chế tác động của giá cả leo thang trong bối cảnh người dân đang chật vật vì lạm phát nhưng giới chuyên gia vẫn đang hoài nghi về kế hoạch tham vọng này.

Ngày 25-6, Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Aziz cho biết Malaysia dự kiến sẽ chi 51 tỷ ringgit cho các khoản trợ cấp tiêu dùng bao gồm nhiên liệu, điện và thực phẩm, với giả định rằng giá cả thị trường hàng hóa vẫn ở mức hiện tại. Chính phủ cũng sẽ phân phối 11,7 tỷ ringgit viện trợ tiền mặt và 14,6 tỷ ringgit trong các khoản trợ cấp khác.

Trước đó, ngày 22-6, Malaysia thông báo sẽ giải ngân gần 400 triệu USD trong tháng này để giúp các hộ gia đình đối phó với tình trạng chi phí lương thực và sinh hoạt tăng cao. Đầu tháng 6-2022, họ cho biết mức tăng doanh thu của chính phủ do giá hàng hóa tăng là không đủ để bù đắp cho mức chi tiêu trợ cấp tăng đột biến dự kiến trong năm nay.

Kế hoạch tham vọng

Trong bản “Báo cáo tài chính nhân dân” lần thứ 100 được công bố ngày 25-6, ông Tengku Zafrul cho biết để giảm áp lực lạm phát đối với người dân, chính phủ đã cung cấp các khoản trợ cấp tiêu dùng khác nhau cho các sản phẩm bao gồm xăng, dầu diesel, khí hóa lỏng (LPG), dầu ăn, bột mì và điện. Ông nói: “Khoản chi trợ cấp tiêu dùng dự kiến cho năm 2022 là số tiền trợ cấp cao nhất trong lịch sử từng được công bố”.

Anh_2-1656899983431.jpg
Malaysia dự kiến tung ra khoản trợ cấp tiền mặt lớn nhất trong lịch sử để đối phó với cơn bão giá.

Tuy nhiên, ông cho biết chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách nói chung nhằm kiềm chế lạm phát để tránh tăng giá quá mức, đồng thời giúp đỡ những người có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp. Theo ông Tengku Zafrul, chính sách này được coi là giúp tạo ra một tình huống có thể kiểm soát được, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia khác.

Ông cho biết Bộ Tài chính Malaysia cũng đang xem xét các nguồn lực tài chính của đất nước cần được tăng cường để xây dựng lại khả năng phục hồi kinh tế xã hội của Malaysia, đặc biệt là đối với nhóm dưới trung bình và nhóm trung bình trong thang xếp hạng thu nhập (tức nhóm B40 và M40). Ông nói: “Tầm nhìn xa này của chính phủ cũng nhằm mục đích giảm bớt các khoản nợ của con cháu chúng ta trong tương lai”.

Còn nhiều hoài nghi

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, giáo sư Geoffrey Williams của Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia cho rằng, nhu cầu tăng trợ cấp là chính đáng nhưng chỉ là một biện pháp ngắn hạn. Phát biểu với StarBiz, ông nói: "Tất cả mọi thứ đều có chi phí cơ hội. Nếu chính phủ không trả trợ cấp thì người dân sẽ phải trả mức giá cao hơn”. Theo ông, tốt hơn là chính phủ phải gánh những chi phí này thay vì người dân, bởi chính phủ có đủ nguồn lực để làm việc đó.

Đối với các khoản trợ cấp xăng dầu, Williams giải thích rằng số tiền ước tính vào khoảng 28 tỷ ringgit đến 30 tỷ ringgit cho năm nay. Tuy nhiên, ông nói: “Công ty dầu khí Petronas, thuộc 100% sở hữu của chính phủ, đã kiếm được 23 tỷ ringgit trong quý đầu tiên. Vì vậy, chính phủ có đủ nguồn lực để trang trải các khoản trợ cấp xăng dầu”.

Đối với việc tăng giá điện, nước, Williams cho biết các công ty điện đã có doanh thu tăng do hoạt động tăng cường. Ông nói: “Tất cả các công ty này đều thuộc sở hữu của chính phủ và họ có thể trang trải các chi phí này. Nếu không có trợ cấp và giới hạn giá trần đối với các sản phẩm cụ thể, nguy cơ lạm phát chung sẽ gia tăng, dẫn đến việc lãi suất tăng cao có thể gây hại cho tất cả mọi người có khoản vay hoặc thẻ tín dụng và điều đó sẽ làm tổn hại đến khả năng phục hồi”. Ông Williams cho rằng động thái của chính phủ là chính đáng. Ông khẳng định: “Mặc dù chúng ta không hài lòng nhưng chính sách hiện tại là đúng đắn. Tuy nhiên, đó là giải pháp ngắn hạn và chúng ta phải xem xét cải cách cơ cấu trong dài hạn”.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục thị trường Malaysia, tiến sĩ Carmelo Ferlito, tin rằng việc tăng trợ cấp để giảm chi phí cho người dân là “ảo tưởng”. Ông nói: “Trên thực tế, chính bởi các chính sách tài khóa nới rộng trong 2 năm qua, bơm tiền vào lưu thông trong khi sản lượng quốc gia sụt giảm, nên chúng ta mới phải đối mặt với lạm phát. Vì vậy, chúng ta không thể giải quyết một vấn đề vốn xuất phát từ nguồn cung tiền dư thừa bằng việc bơm nhiều tiền hơn nữa”.

Ferlito nhấn mạnh rằng các khoản trợ cấp mới sẽ chỉ tạo ra ảo tưởng cho người dân rằng họ có nhiều tiền mặt hơn trong tay. Tuy nhiên, ông nói: “Giá trị của số tiền mặt đó sẽ tiếp tục giảm, trừ phi khoản trợ cấp đó được tài trợ bằng nhiều loại thuế hơn. Nhưng, liệu có ai muốn tăng thuế hay không?”.

Giáo sư Williams cho rằng, lợi ích của việc thực hiện các trợ cấp tiêu dùng khác nhau là lạm phát ở Malaysia được duy trì ở mức thấp, so với các nước trong khu vực và cả các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông nói: “Hạn chế ở đây là trợ cấp và áp đặt giá trần làm méo mó thị trường và tiền trợ cấp có thể được sử dụng cho các dự án khác. Ngoài ra, nguy cơ lạm dụng và tham nhũng cũng có thể xảy ra. Tham nhũng là tình trạng rất phổ biến trong các thị trường bị kiểm soát”.

Trong khi đó, Ferlito cho rằng không có lợi ích gì khi thực hiện các trợ cấp tiêu dùng khác nhau. Ông khẳng định: “Nó sẽ chỉ làm gia tăng lạm phát. Tình trạng lạm phát gia tăng và việc chúng ta áp dụng biện pháp hỗ trợ giả tạo cho nền kinh tế dẫn tới cầu giả tạo và tăng trưởng nhiều hơn mà không phản ánh cấu trúc thực tế của cung và cầu. Phương cách để giải quyết lạm phát không phải là thúc đẩy lạm phát hơn nữa mà là giảm phát, nhằm khôi phục sức mua của người dân. Trợ cấp sẽ khiến người dân nghèo hơn do tiếp tục làm giảm giá trị thực tế của đồng tiền”. Ferlito nhấn mạnh rằng cần phải thúc đẩy tiết kiệm nhiều hơn và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Về cách chính phủ có thể bù đắp sự gia tăng đột biến trong chi tiêu trợ cấp trong năm nay, Ferlito cho rằng điều này có thể được thực hiện bằng cách tăng thuế hoặc tránh chi tiêu công quá mức. Ông nói: “Cả hai cách thức này đều đau đớn”.

Về dài hạn, Williams cho rằng Malaysia cần cải cách toàn bộ thị trường, chấm dứt tình trạng độc quyền và các-ten (thỏa thuận giữa các công ty cạnh tranh để kiểm soát giá hoặc loại trừ các sản phẩm của một đối thủ cạnh tranh mới trong thị trường), đồng thời mở cửa thị trường nội địa và nhập khẩu để cạnh tranh.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.