Mỹ kêu gọi đồng minh xả kho dự trữ dầu

Thứ Hai, 29/11/2021, 08:00

Đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, chính quyền Tổng thống Joe Biden một mặt kêu gọi OPEC và Nga tăng nguồn cung ra thị trường, mặt khác kêu gọi các quốc gia tiêu thụ lớn, nhất là các nước đồng minh của mình, xả kho dự trữ dầu chiến lược để làm giảm giá xăng dầu, qua đó duy trì sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, lý do kinh tế chỉ là phần nổi, chính trị mới đáng là vấn đề được lưu tâm khi chính quyền ông Biden nhắm tới trong chuyện này.

Giá xăng trung bình hiện nay ở Mỹ đã vượt quá 3,4 USD một gallon (khoảng 0,9 USD một lít), một kỷ lục kể từ năm 2014. Tại California, Hawaii và Nevada, giá đã vượt qua ngưỡng 4 USD, bằng mức kỷ lục của mùa hè năm 2008, khi ấy dầu gần 150 đô la một thùng. Mùa xuân năm 2020, trong đợt Coronavirus đầu tiên, giá xăng trung bình giảm xuống còn 2,1 USD/gallon. Hiện giờ, giá xăng dầu đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm đến nay.

Mỹ kêu gọi đồng minh xả kho dự trữ dầu -0
Mỹ kêu gọi các đồng minh xả kho dự trữ dầu chiến lược để hạ giá nhiên liệu.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận giá dầu đắt đỏ hiện nay có hại cho nền kinh tế Mỹ. Chính quyền ông Biden đã liên tiếp thúc ép OPEC phải tăng sản lượng, mặt khác kêu gọi các quốc gia tiêu thụ lớn mở kho dự trự dầu chiến lược hòng đưa giá nhiên liệu giảm xuống. Nguồn cung dầu hạn chế xảy ra trên toàn cầu. Liên minh OPEC+ do Nga và Saudi Arabia dẫn đầu đang sử dụng công cụ này để giữ giá dầu ở mức cao. Họ từ chối đẩy nhanh việc này mặc dù giá dầu tăng, vượt quá 80 đô la một thùng. Theo nhiều nhà phân tích, mức giá này có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nếu chỉ một vài năm trước đây, các công ty dầu mỏ của Mỹ có thể làm mưa làm gió trên thị trường dầu mỏ chỉ bằng cách tăng giảm sản lượng nhưng giờ nước Mỹ lại bất lực. Nếu như cuộc cách mạng về kỹ thuật khoan dầu đá phiến trước đây đã giúp Mỹ trở thành cường quốc về dầu mỏ thì nay các công ty Mỹ và châu Âu không có kế hoạch tăng đáng kể sản lượng của họ. Lý do rất đơn giản: hầu hết các nhà sản xuất dầu phương Tây đã rất ngần ngại đầu tư vào việc tăng sản lượng trong những năm gần đây vì áp lực ngày càng tăng từ các phong trào chống lại sự nóng lên toàn cầu. Từ trước đến nay, các phong trào này không chỉ bao gồm các nhà hoạt động môi trường mà còn có các tổ chức tài chính lớn đánh giá tác động khí hậu của các dự án mà họ tài trợ, cũng như các chính phủ cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Một trong những quyết định đầu tiên được ông Joe Biden đưa ra sau khi nhậm chức vào đầu năm 2021 là Mỹ trở lại với thỏa thuận khí hậu Paris, mà ông Donald Trump đã rút khỏi trước đó. Đảng Dân chủ trở lại nắm quyền không giấu giếm rằng họ muốn đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng sạch cho toàn thế giới và các công ty dầu khí ngay lập tức trở thành một trong những mục tiêu chính của họ.

Đối với Mỹ, họ đã và đang tăng sản lượng, mặc dù điều này không tiến triển tốt như trong thời kỳ “bùng nổ đá phiến” của thập kỷ trước. Nền kinh tế Mỹ, giống như bất kỳ nền kinh tế nào khác, không thể tồn tại nếu không được cung cấp đầy đủ năng lượng. Năng lượng bổ sung thậm chí còn cần thiết để đáp ứng các cam kết khử carbon và hiện có thể chỉ thu được năng lượng này từ nhiên liệu hóa thạch. Để giải quyết vấn đề trước mắt, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược để hạ giá nhiên liệu. Chính phủ Mỹ được cho là sẽ xả khoảng 35 triệu thùng dầu thô ra thị trường theo thời gian.

Ngày 22-11, Nhật Bản, Ấn Độ là những nước đầu tiên tuyên bố sẽ đáp ứng yêu cầu của Mỹ về xả kho dự trữ. Các nước còn lại cũng lần lượt cho biết sẽ đáp ứng đề xuất của Washingon nhưng không nói thời gian cụ thể và số lượng dầu sẽ được rút ra. Ngày 24-11, Trung Quốc xác nhận họ sẽ xả kho dự trữ, phối hợp với các quốc gia khác hạ giá “vàng đen”. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến giá dầu thô thế giới lại tăng hơn nữa.

CNBC ngày 24-11 dẫn lời nhà phân tích chiến lược Stephen Schork cho biết giá dầu có thể tăng cao hơn bất chấp những nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm kiềm chế việc tăng giá dầu bằng cách giải phóng hàng triệu thùng dầu dự trữ chiến lược. Hai nhà phân tích Damien Courvalin và Callum Bruce của Goldman Sachs cho hay: “Động thái xả kho như vậy sẽ chỉ mang lại một giải pháp ngắn hạn cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trên thực tế, nếu việc giải phóng dầu này được xác nhận và tìm mọi cách để hạ nhiệt giá dầu trong bối cảnh hoạt động giao dịch thấp vào cuối năm, nó sẽ tạo ra xu hướng tăng giá rõ rệt cho dự báo năm 2022 của chúng tôi”.

Mỹ kêu gọi đồng minh xả kho dự trữ dầu -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục OPEC tăng nguồn cung.

Trên thực tế, ngân hàng đầu tư này không phải là tổ chức duy nhất hoài nghi về hiệu quả của việc giải phóng kho dự trữ. Nhiều chuyên gia dường như cũng đồng tình rằng, không thể “bơm” đủ khối lượng để gây ra sự sụt giảm lâu dài cho giá dầu. Điều này khiến một động thái như vậy trở nên vô nghĩa.

Các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết, cho tới giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ đang xem xét lại kế hoạch của mình. Họ cho rằng việc các nước tiêu thụ dầu giải phóng một lượng lớn dầu dự trữ trước khi OPEC+ họp (2-12) có thể khiến nhóm này có động thái chống trả, dẫn đến “một tình trạng bế tắc gây bất ổn”. Trong điều kiện hiện nay, các động thái đối kháng của mỗi bên có thể dẫn đến sự biến động gia tăng, tạo ra giá dầu bấp bênh hơn và càng thêm bất ổn. Điều này sẽ không làm giảm áp lực về giá tiêu dùng cũng như không mang lại cho các nhà sản xuất sự ổn định cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định và đáng tin cậy cho nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với đại dịch tồi tệ.

Mối bất hòa giữa OPEC+ và các nước tiêu thụ dầu thô lớn có thể trở thành cuộc chiến nghiêm trọng nhất trên thị trường năng lượng kể từ khi diễn ra cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga hồi đầu năm 2020, Bloomberg nhấn mạnh. Ngoài ra, tranh chấp giữa OPEC+ và nhóm các nước tiêu thụ dầu hàng đầu còn làm lộ rõ mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Riyadh, đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Chiến lược gia hàng hóa tại RBC Capital Markets, Helima Croft nhận định: “Động thái giải phóng dự trữ dầu thô của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây náo loạn thị trường dầu mỏ, đồng thời làm xấu thêm quan hệ song phương giữa Washington và Riyadh”.

AFP thì có cái nhìn khác khi cho rằng hành động xả kho dầu dự trữ chiến lược của ông Biden còn nhằm mục đích chính trị trong nước. Theo hãng tin Pháp, ông Joe Biden và phe Dân chủ đang tìm cách tránh mất thêm ghế ở Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra năm 2022. Nếu giá nhiên liệu tăng cao sẽ gây lạm phát, đặc biệt đánh vào túi tiền của người tiêu dùng Mỹ, điều này hoàn toàn bất lợi cho phe Dân chủ cầm quyền. Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ, 6,2%, chủ yếu là do giá năng lượng - có thể trở thành một liều thuốc độc chính trị với Tổng thống Biden.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.