Nga - Mỹ: Đối thoại hay đối đầu?

Thứ Tư, 12/01/2022, 08:35

Tuần lễ đàm phán ngoại giao giữa Nga và Mỹ chính thức bắt đầu vào ngày 10-1 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, để xem xét, giải quyết các yêu cầu do phía Nga đưa ra trong 2 dự thảo hiệp ước Nga-Mỹ và Nga-NATO về vấn đề an ninh giữa hai bên, trong đó có vấn đề Ukraine. Tuần lễ đàm phán này sẽ quyết định giữa Nga và phương Tây sẽ là “đối thoại” hay “đối đầu”.

Trước thềm các cuộc đàm phán chính thức, hai phái đoàn đàm phán Nga, Mỹ đã có cuộc gặp ăn tối ngày 9-1 tại dinh thự của Đại sứ Mỹ tại Hội nghị Giải trừ vũ khí bên bờ hồ Geneva. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu 2 phái đoàn gồm các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng cấp cao. Tháp tùng bà Sherman có tướng James Mingus, Giám đốc Các hoạt động của Bộ Tham mưu liên quân và tháp tùng ông Ryabkov có tướng Aleksandr Fomin.

Nga - Mỹ: Đối thoại hay đối đầu? -0
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại cuộc đàm phán ở Geneva, ngày 10-1.

Sáng 10-1, Trưởng phái đoàn Nga Ryabkov đánh giá cuộc gặp rất “tuyệt diệu”, tuy có chút khó khăn ban đầu nhưng hai bên đã thảo luận sâu các vấn đề sẽ mang ra giải quyết trong các cuộc đàm phán chính thức. Ông Ryabkov bày tỏ sự lạc quan về kết quả đàm phán sắp tới.

Trưởng phái đoàn Mỹ Sherman nhấn mạnh chủ trương cứng rắn của Mỹ bám theo các nguyên tác quốc tế về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lựa chọn liên minh. Tuy nhiên, bà Sherman cũng “thòng” thêm rằng “Mỹ hoan nghênh tiến bộ ngoại giao đích thực”.

Giới quan sát nhận định trước thềm đàm phán, người Mỹ đang cố tình đẩy “quả bóng” trách nhiệm lựa chọn cách thức quan hệ giữa Nga và Mỹ, NATO là “đối thoại” hay “đối đầu” sang cho phía Nga. Trong phát ngôn trước báo chí hôm 9-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã vạch sẵn “khung” đàm phán rằng người Nga sẽ phải chọn giữa “đối thoại” hay “đối đầu”, tùy thuộc vào việc Nga có thay đổi các yêu cầu đặt ra hay không, mà sự thay đổi đó là phải theo chiều hướng giảm nhẹ đi, nhượng bộ nhiều hơn cho Mỹ và phương Tây. Theo cách ông Blinken nói, người Mỹ luôn đặt tiền đề cho đối thoại với việc Nga triển khai quân đội gần Ukraine và Nga chuẩn bị “có những hành động hung hăng” với Ukraine.

Nga - Mỹ: Đối thoại hay đối đầu? -0
Nga-Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng khó giải quyết.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cương quyết bảo lưu vấn đề NATO mở rộng sát biên giới Nga, điều mà Mỹ gọi là “quyền xin gia nhập thành viên NATO của các quốc gia có chủ quyền” là vấn đề “không thể đàm phán”. Cả vấn đề Mỹ triển khai quân đội ở châu Âu cũng thế. Washington chỉ chấp nhận đàm phán về các vấn đề an ninh bên ngoài, chẳng hạn như giới hạn về việc triển khai tên lửa, các cuộc tập trung quân sự tại châu Âu.

Cách đặt vấn đề như thế hoàn toàn không thể đáp ứng được các đòi hỏi của nước Nga, đó là phải thay đổi toàn diện cách thức quan hệ giữa hai bên. Các điều kiện Nga đưa ra trong 2 dự thảo hiệp ước hồi tháng 12-2021 tuy không mới nhưng lại là những vấn đề Mỹ và NATO không muốn chấp nhận, trong đó có vấn đề Ukraine sẽ không bao giờ là thành viên NATO, hạn chế triển khai vũ khí đến các quốc gia giáp biên giới nước Nga, thu hồi hoạt động quân sự ở các quốc gia thành viên mới của NATO. Việc bảo đảm an ninh không gian xung quanh nước Nga là vấn đề sống còn, vì vậy dứt khoát Nga không thể nhượng bộ, ông Ryabkov nhấn mạnh.

Cũng nằm trong vấn đề an ninh khu vực xung quanh nước Nga, ngày 6-1 vừa qua, Nga và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã triển khai quân đội đến Kazakhstan, quốc gia láng giềng ở khu vực Trung Á, nơi được xem là “sân sau” của Nga và cũng là địa bàn Mỹ và phương Tây muốn “xâm lấn”. Việc triển khai quân đội chớp nhoáng đã giúp Chính phủ Kazakhstan kiểm soát được tình hình an ninh, đảo ngược tình thế và khống chế bọn “khủng bố, thảo khấu”. Tại một cuộc họp với các thành viên CSTO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng có bàn tay của nước ngoài chọc phá gây ra tình hình bất ổn vừa qua tại Kazakhstan. Bởi các lực lượng gây bạo loạn được huấn luyện ở nước ngoài và được tổ chức một cách quy cũ. Việc triển khai quân đội tại Kazakhstan vừa nhằm bảo vệ một quốc gia bạn bè, đồng thời bảo vệ khu vực an ninh gần biên giới nước Nga. Giới quan sát còn cho rằng, cú điều quân chớp nhoáng đã gửi đi thông điệp mang tính “răn đe” của Tổng thống Putin đến các nước đối phương, thể hiện quyết bảo vệ an ninh của nước Nga.

Nga - Mỹ: Đối thoại hay đối đầu? -0
Tuần lễ đàm phán sẽ quyết định giữa Nga và phương Tây là “đối thoại” hay “đối đầu”.

Rất ít nhà quan sát đối ngoại tin rằng các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ dẫn đến thỏa thuận giữa hai bên, thậm chí ngược lại đàm phán đổ vỡ là có khả năng. Phương Tây có vẻ rất căng thẳng xung quanh các yêu cầu của phía Nga, không muốn nhượng bộ và cũng sẵn sàng cho “chiến tranh”. Khi sự lựa chọn nhượng bộ hay không nhượng bộ chỉ áp đặt cho một phía thì chắc chắn thương lượng khó thành.

Không chỉ bất đồng về vấn đề mở rộng NATO, hai bên còn bất đồng về việc sẽ đàm phán những vấn đề gì. Mỹ và phương Tây chỉ muốn đàm phán các vấn đề thứ yếu mang tính kỹ thuật về vũ khí, trong khi vấn đề then chốt trong mối quan hệ giữa Nga-Mỹ, Nga-NATO lại là an ninh khu vực xung quanh nước Nga, tức là sự hiện diện của NATO áp sát biên giới Nga. Vì thế, Washington không hy vọng các cuộc đàm phán ở Geneva sẽ mang lại kết quả đột phá nào mà chỉ có thể là xác lập quan điểm, tư thế của hai bên đối với các vấn đề đặt ra hiện nay.

Song song với các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ là các cuộc họp quan trọng khác diễn ra tại Brussels. Ngày 12-1 sẽ diễn ra cuộc họp Hội đồng Nga-NATO tại Brussels, sau đó sẽ là phiên họp của Hội đồng Thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna. Đây sẽ là một trong 3 địa điểm ngoại giao mà Ukraine sẽ trực tiếp có mặt trong các cuộc đàm phán với Nga. Các quốc gia châu Âu không phải là thành viên NATO cũng sẽ có đại diện, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển.

An Châu (Tổng hợp)
.
.