Ngành công nghiệp quân sự châu Âu “căng như dây đàn”

Chủ Nhật, 29/05/2022, 15:04

Việc phương Tây đoàn kết chống lại cuộc chiến của Nga tại Ukraine khiến cuộc xung đột ngày càng kéo dài, gây nhiều thiệt hại kinh tế và khiến ngành công nghiệp quân sự của cả châu Âu trở nên quá tải.

Nga gặp khó khăn để bổ sung kho vũ khí

Trong lúc Nga đang dấn sâu vào một cuộc chiến tranh tiêu hao tại Ukraine sau giai đoạn đầu cấp tập, để tiếp tục cuộc chiến, Nga đã huy động lực lượng tên lửa có độ chính xác cao. Tuy nhiên, kho vũ khí này không phải là vô hạn và việc bổ sung kho dự trữ không hề dễ dàng trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.

Ngày 2-5, Lầu Năm Góc ra thông báo cho biết Nga đã phóng khoảng hơn 2.100 tên lửa dẫn đường sang lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, theo tính toán của Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (FOI), dự trữ của Nga trong lĩnh vực này đạt mức 1.300 thiết bị vào năm 2019 và khoảng 3.000 vào năm 2029. Tuy không thể biết chính xác kho dự trữ tên lửa có độ chính xác cao của Nga nhưng rõ ràng quân đội nước này đã sử dụng một phần đáng kể những gì đã có.

Vincent Tourret, một chuyên gia thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), khẳng định trên tờ “Le Figaro”: “Chúng ta có thể quan sát thấy chúng đã được sử dụng trên thực địa”. Người Nga đã tấn công các sân bay, các nút giao thông, cơ sở hạ tầng hậu cần và quân sự của Ukraine, những mục tiêu tĩnh mà lẽ ra không cần đến hỏa lực có độ chính xác cao. Việc liên tục áp dụng các cuộc tấn công kiểu này cho thấy Nga không còn nhiều vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao.

Ngành công nghiệp quân sự châu Âu “căng như dây đàn” -0
Lực lượng Quân sự Ukraine di chuyển tên lửa FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất và các hỗ trợ quân sự khác tại Sân bay Boryspil, Kiev.

Tuy nhiên, Vincent Tourret vẫn cho rằng quân đội Nga “đã tiết kiệm kho vũ khí bằng cách ưu tiên sử dụng các tên lửa thế hệ cũ hoặc các tên lửa chống hạm”.Bởi vậy, trên thực địa vẫn xuất hiện các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka cũ (mà Ukraine cũng sử dụng) phóng từ đất liền hoặc tên lửa siêu thanh Oniks và Kh-22 vốn chỉ sử dụng cho các mục tiêu trên biển.Hơn nữa, trong những ngày đầu cuộc chiến, Nga đã oanh tạc lãnh thổ Ukraine mà không thực sự điều động các lực lượng pháo binh của họ.Số lượng các loạt oanh kích đã nhanh chóng giảm xuống, cho thấy quân đội Nga cũng muốn tiết kiệm đạn dược và thấy trước nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.

Ý định nâng cao năng lực sản xuất của công nghiệp quân sự Nga sẽ vấp phải những khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu thiết yếu. Theo Chính phủ Mỹ, Nga đang thiếu rất nhiều chất bán dẫn, vừa là do hậu quả của thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, vừa do hiệu lực của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Công nghiệp quân sự Nga không thể nhập khẩu các linh kiện điện tử thiết yếu này để sản xuất tên lửa có độ chính xác cao. Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), những người đã trực tiếp “mổ xẻ” thiết bị Nga tìm được trên thực địa Ukraine, cho biết rằng nhiều chất bán dẫn nhập khẩu từ các nước phương Tây rất cần cho việc sản xuất thiết bị quân sự và đặc biệt là tên lửa có độ chính xác cao của Moscow

Thách thức đối với Điện Kremlin hiện nay là phải bổ sung trong bối cảnh khó có thể cung cấp cho ngành công nghiệp quân sự những vật liệu và thành phần cần thiết để sản xuất các tên lửa này.

Phương Tây “gồng mình” viện trợ quân sự

Theo một nguồn tin quân sự Pháp, hiện tại, mỗi ngày Ukraine “ngốn” một khoản tương đương với 10 ngày giao vũ khí của phương Tây. Các kho vũ khí của Mỹ hiện không thể mở rộng và cũng giống như các đối tác châu Âu, không thể dễ dàng đem cung cấp cho chiến trường Ukraine. Joseph Henrotin, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và dự báo rủi ro quốc tế (Capri), đánh giá: “Nếu kho vũ khí thông thường của Mỹ, đặc biệt là đạn dược, không được thay đổi và bổ sung thường xuyên, thì những hệ thống phức tạp hơn, chẳng hạn máy bay không người lái hoặc tên lửa dẫn đường, sẽ phát sinh nhiều vấn đề hơn”.

Đặc biệt, Mỹ và Anh đã dẫn đầu trong việc chuyển một lượng đáng kể lượng dự trữ Javelin và NLAW (vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo) của họ tới Ukraine để kịp thời sử dụng chúng với tác động tàn phá đối với các cột chống tăng và xe bọc thép của Nga trên tất cả các mặt trận. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiêu của những vũ khí này cao hơn nhiều so với bất kỳ chính sách mua sắm nào sản xuất chúng đã tính đến trước khi xung đột xảy ra và tỷ lệ cung cấp ban đầu không thể được duy trì. Hơn nữa, khi các lực lượng Nga tập trung vào các hoạt động tấn công quy mô lớn nhằm vào vị trí của Ukraine trên địa hình thông thoáng hơn ở Donbas, các loại vũ khí vác vai như NLAW (vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo) và Javelins mà bộ binh hạng nhẹ sử dụng không còn đủ để chống đỡ.

Vấn đề là các vũ khí đã trao đi này không thể được thay thế sau “một cái búng tay”.Lockheed Martin và Raytheon, hai tập đoàn sản xuất Javelin, chỉ có thể xuất xưởng 2.100 tên lửa loại này mỗi năm. Cả hai vừa cam kết sẽ tăng gấp đôi sản lượng nhưng cũng phải mất “vài tháng hoặc thậm chí vài năm” để đạt được mục tiêu. Kết quả còn phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh kiện và phụ tùng. Jim Taiclet, CEO của Lockheed Martin, cho biết các xưởng sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng các bộ vi xử lý (một tên lửa Javelin chứa 250 thiết bị tinh vi này) sau đại dịch COVID-19. Đối với các tên lửa Stingers, thách thức còn lớn hơn nhiều, do từ lâu nhà sản xuất không nhận được đơn đặt hàng (lần cuối cùng từ năm 2006). Tình trạng này khiến tập đoàn Raytheon phải giảm mạnh kế hoạch sản xuất loại tên lửa phòng không này. Graig Hayes, Giám đốc điều hành của Raytheon, cho biết: “Đã có lời mời đấu thầu để khởi động lại dây chuyền sản xuất nhưng chắc chắn các đơn hàng không thể được đáp ứng trước năm 2023 hoặc 2024”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.