Ngày kinh hoàng ở Peshawar

Thứ Tư, 01/02/2023, 08:33

Ngày 30/1, một kẻ đánh bom tự sát đã cho nổ tung mình bên trong một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan khiến ít nhất 59 người thiệt mạng, trong đó có 27 quan chức cảnh sát.

Cảnh sát cho biết kẻ tấn công dường như đã vượt qua một số chướng ngại vật do lực lượng an ninh dựng lên để vào khu vực nhà thờ được gọi là "Vùng đỏ" này, nơi có cảnh sát và các văn phòng chống khủng bố ở Peshawar, thành phố nằm ở phía Tây Bắc đầy bất ổn của Pakistan.

Ông Mushtaq Khan, một nạn nhân kể lại: "Khi người chủ trì buổi cầu nguyện nói “Thánh Allah vĩ đại nhất” thì có tiếng nổ lớn vang lên. Chúng tôi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra vì tiếng nổ rất chói tai. Nó hất văng tôi ra khỏi hiên. Các bức tường và mái nhà đổ ập lên người tôi".

Ngày kinh hoàng ở Peshawar -0
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif (đeo khẩu trang) và Tham mưu trưởng Lục quân Asim Munir thăm các nạn nhân tại một bệnh viện ở Peshawar. Ảnh: Reuters

Vụ nổ bom đã làm sập tầng trên của nhà thờ Hồi giáo, khiến hàng chục tín đồ bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Các đoạn video cho thấy lực lượng cứu hộ băng qua mái nhà bị sập để tìm đường xuống và tiếp cận các nạn nhân. "Chúng tôi không thể nói cụ thể có bao nhiêu người vẫn còn dưới đó", Thống đốc tỉnh Haji Ghulam Ali nói.

"Đó là một vụ đánh bom liều chết", Cảnh sát trưởng Peshawar Ijaz Khan nói. Ông cho biết hội trường của nhà thờ có tới 400 tín đồ vào thời điểm đó và nhiều người trong số 170 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Quan chức Bệnh viện Mohammad Asim cho biết, số người chết đã tăng lên 59 sau khi một số người không vượt qua được vết thương. Cảnh sát cho biết 27 người thiệt mạng là quan chức cảnh sát.

Ngày kinh hoàng ở Peshawar -0
Khung cảnh tan hoang sau vụ đánh bom.

Các quan chức cho biết, kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ quả bom giấu trong người vào thời điểm hàng trăm tín đồ đang xếp hàng để cầu nguyện. "Chúng tôi đã tìm thấy dấu vết của chất nổ", cảnh sát trưởng Khan nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng đã có sự cố an ninh khi kẻ đánh bom đã vượt qua khu vực an toàn nhất của khu nhà. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu làm thế nào kẻ tấn công có thể vượt qua hàng rào an ninh chặt chẽ như vậy và liệu có bất kỳ sự trợ giúp từ bên trong hay không.

Vụ đánh bom xảy ra một ngày trước khi một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến Islamabad để bắt đầu các cuộc đàm phán về mở khóa tài trợ cho Pakistan, nơi đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng tài chính. Thủ tướng Shehbaz Sharif đã lên án vụ tấn công. "Quy mô lớn của thảm kịch là không thể tưởng tượng được. Đây không khác gì một cuộc tấn công vào Pakistan. Tôi không nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa khủng bố là thách thức an ninh quốc gia hàng đầu của chúng ta", ông nói.

Thánh đường nằm trong khu vực an ninh cao, nơi đặt trụ sở của cảnh sát và đơn vị chống khủng bố tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Đây là cuộc tấn công mới nhất nhằm vào lực lượng an ninh ở Peshawar, cũng là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại khu vực này kể từ sau cuộc tấn công tự sát của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến 58 người chết hồi tháng 3/2022.

Peshawar nằm gần biên giới với Afghanistan, là nơi nhiều phiến quân Hồi giáo vẫn hoạt động mạnh suốt nhiều năm qua. Một trong số đó là Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), nhóm vũ trang Hồi giáo bị cấm và từng thực hiện hàng chục vụ tấn công đẫm máu khiến hàng trăm người chết ở Pakistan kể từ khi xuất hiện năm 2007.

TTP là thực thể độc lập với nhóm Taliban ở Afghanistan, nhưng vẫn có chung hệ tư tưởng. Họ từng kiểm soát nhiều khu vực ở biên giới Pakistan - Afghanistan và áp đặt luật Hồi giáo tại khu vực này. Các tay súng TTP bị đẩy khỏi Pakistan sang nước láng giềng Afghanistan từ năm 2010, nhưng đang dần xuất hiện trở lại sau khi Taliban giành quyền lực hồi tháng 8/2021.

Ngày kinh hoàng ở Peshawar -0
Chưa thể ước tính còn bao nhiêu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Từ lâu, Pakistan là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do các hoạt động khủng bố của nhiều phe nhóm; đặc biệt là lực lượng TTP. Một số ước tính cho rằng, TTP đang có khoảng hơn 30.000 tay súng. TTP đã tiến hành một cuộc nổi dậy ở Pakistan trong 15 năm qua, đấu tranh để thực thi nghiêm ngặt hơn luật Hồi giáo ở nước này, trả tự do cho các thành viên của họ đang bị chính phủ giam giữ và giảm sự hiện diện của quân đội Pakistan tại các vùng bộ lạc cũ của đất nước. Thành phố Peshawar cũng là nơi xảy ra vụ thảm sát năm 2014 khiến 150 người thiệt mạng khi TTP tấn công một trường học dành cho con em các binh lính quân đội Pakistan, hầu hết các nạn nhân thiệt mạng là học sinh của nhà trường. Kể từ khi Taliban giành lại quyền lực ở Afghanistan, Islamabad cáo buộc nhóm này không kiểm soát được biên giới miền núi, để các phiến quân tự do qua lại tiến hành các cuộc tấn công và thoát khỏi sự vây bắt.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.