Nhiều băn khoăn với đề án thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội

Thứ Năm, 04/11/2021, 14:45

Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” dự kiến được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội cùng các đơn vị nghiên cứu trình UBND thành phố trong tháng 11-2021, dự kiến áp dụng năm 2024 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, việc Sở GTVT Hà Nội lập đề án bố trí 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô khiến nhiều người băn khoăn.

Giảm phương tiện cá nhân thì vận tải hành khách công cộng mới phát triển

Theo đơn vị chủ trì, đề án sẽ không áp dụng đại trà đối với tất cả các phương tiện, các khu vực cũng như các khung giờ trên thực tế. Loại phí này chỉ áp dụng đối với xe ô tô hoạt động tại những khu vực nhất định và trong những khung thời gian nhất định; là một loại phí mang tính tùy chọn. Người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo một cung đường khác đã được bố trí sẵn cho phương tiện quá cảnh, hoặc tự giác chuyển sang một số loại phương tiện khác không phải đóng phí (phương tiện giao thông công cộng), hoặc chuyển sang khung giờ ngoài cao điểm. Việc cho phép các đối tượng tham gia giao thông quyết định lựa chọn tuyến đường đã bố trí hoặc thay đổi hành vi đi lại sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Nhiều băn khoăn với đề án thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội -0
Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán giao thông đô thị.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, chỉ khi đảm bảo được tất cả các điều kiện mới triển khai thu phí vào nội đô. Lý do đề án giới hạn từ vành đai 3 trở vào bởi đây là khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông, là tuyến vành đai có đủ điều kiện tổ chức giao thông hợp lý, giúp cho người không có nhu cầu vào nội đô có thể vòng tránh được. Các tuyến đường từ vành đai 3 trở vào cũng thuận lợi để bố trí trạm thu phí, tránh gây ùn tắc bởi có diện tích mặt đường tương đối lớn. Nếu lựa chọn sâu vào bên trong 4 quận nội thành thì vành đai 1, 2 chưa khép kín, không có điều kiện vòng tránh. Khi phương tiện đi vào, dễ ùn tắc ở khu vực 4 quận. Lập trạm thu phí từ đường vành đai 3 trở vào còn để những người không có nhu cầu đi qua trung tâm thành phố có thể di chuyển xung quanh vành đai 3 đi các tỉnh mà không phải nộp phí.

Đề án cũng dự kiến lắp đặt 87 trạm thu phí tự động không dừng như công nghệ sử dụng tại các trạm BOT hiện nay. Đặc biệt, các trạm thu phí sẽ kết nối với Trung tâm Điều hành giao thông thông minh của thành phố, gắn camera nhận diện, quét biển số xe để thu tiền. Những trạm này không dựng barie, không phân luồng xe như trạm BOT nên không ảnh hưởng đến mỹ quan hay gây ùn tắc. Như ở Singapore hiện nay, xe chạy 70km/h vẫn thu phí được, còn đường nội đô Hà Nội hiện xe chạy 50km/h. Theo ông Viện, nếu chúng ta không giảm phương tiện cá nhân thì vận tải hành khách công cộng không thể phát triển được. Hiện nay, năng lực xe buýt theo sản lượng đạt khoảng 12% trên đường vành đai 3 nhưng năng lực, khả năng chuyên chở của vận tải công cộng đã có thể đáp ứng được khoảng 50%. Tuy nhiên, do ùn tắc giao thông dẫn đến thời gian vận chuyển của xe buýt không đảm bảo nên người tham gia giao thông lựa chọn phương tiện cá nhân nhiều hơn, vì thế mà vận tải công cộng ở Thủ đô chưa phát huy được.

“Việc thu phí không phải cứ ra quyết định là triển khai thu ngay, mà chỉ thu phí khi đảm bảo được tất cả các điều kiện. Khi thu phí phải có giải pháp xử lý đối với những đối tượng trốn thu phí, chậm nộp phí. Điều này liên quan đến sửa đổi các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định liên quan đến việc thu phí”, ông Viện nói.

Nhiều băn khoăn với đề án thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội -0
Xe buýt nhanh (BRT) không đạt hiệu quả như kì vọng.

Cần dựa trên dữ liệu cụ thể để xem xét

Là một người dân sống ở vùng ven Hà Nội nhưng lại thường xuyên vào khu vực trung tâm làm việc, anh Tuấn Anh (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Tôi thấy việc thu phí này chưa thật sự khả thi ở thời điểm hiện nay. Theo tôi, hãy tạm dừng tính xem sẽ phải nộp phí bao nhiêu tiền, mà thử chậm lại đánh giá xem liệu việc thu phí có thật sự hạn chế ùn tắc hay không”. Theo anh Tuấn Anh, giờ cao điểm thì không ai muốn ra đường để đối mặt với nguy cơ ùn tắc, trừ việc thật sự cần thiết, bắt buộc. Khi đã bắt buộc, dù ai đó đưa ra mức phí 50.000 hay 100.000đ, người dân chỉ có 2 lựa chọn, đóng phí để lái xe hoặc không lái xe cá nhân. Nếu chọn không lái xe ô tô để không mất phí, có thể chuyển sang đi xe máy. Thay vì 4 người ngồi trên 1 ô tô, nay 4 người đi 4 xe máy ra đường cũng vào giờ cao điểm thì liệu có giảm ùn tắc. Tôi cũng chưa thấy có nghiên cứu nào hoàn toàn khẳng định rằng một chiếc ô tô ra đường sẽ gây ùn tắc nhiều hơn 3-4 chiếc xe máy. Vì thế, cách hoàn hảo nhất có lẽ là chuyển từ xe ô tô cá nhân sang phương tiện công cộng. Tuy nhiên phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nôi mới chỉ có xe buýt, sắp tới đây là 2 tuyến đường sắt đô thị. Nhưng, hệ thống này chưa thực sự thu hút người dân.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng Hà Nội cho rằng, tính đến năm 2021, Hà Nội mới chỉ có hơn 120 tuyến buýt, một tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) và 2 tuyến đường sắt đô thị vẫn chưa đi vào khai thác. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt trên 10%. Theo đề án, chỉ vài năm nữa Hà Nội sẽ thu phí vào nội đô nhưng đến thời điểm hiện tại những ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng để kiểm soát được phương tiện cá nhân thì chưa có. Ví dụ đường ưu tiên cho xe buýt được đề xuất từ năm 2016 nhưng đến nay chưa được thành phố chấp thuận thực hiện. Vì vậy, việc cần làm ngay là vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân, khi đó sẽ không cần cấm xe cá nhân, không cần thu phí vào nội đô.

Nhiều băn khoăn với đề án thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội -0
Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của Hà Nội chỉ đạt hơn 10%.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, với đô thị lớn như Hà Nội, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cải thiện tình trạng giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, với Hà Nội còn khá sớm để đánh giá nên hay không áp dụng phương án này, bởi chưa có các tính toán thuyết phục. “Hà Nội muốn triển khai thu phí vào nội đô, trước hết cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải. Nếu chứng minh được lợi ích vượt trội của việc thu phí mới nên triển khai”, ông Minh nói.

Dẫn kinh nghiệm hai thành phố ở Anh, ông Minh cho hay, thủ đô London áp dụng thu phí vào nội đô giúp cải thiện giao thông đô thị, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Thành phố Manchester cũng từng lập đề án thu phí, chính quyền đánh giá tác động rồi quyết định không thực hiện do lợi ích không đủ lớn.

“Giải pháp nào cũng có ưu, nhược điểm. Do đó, chính quyền cần dựa trên dữ liệu cụ thể để xem xét”, ông Minh nói thêm.

Theo đơn vị tư vấn, dự kiến giờ cao điểm mức thu phí vào nội đô sẽ khoảng 50.000 đến 100.000 đồng đối với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Việc thu phí sẽ giúp lưu lượng giao thông trên các trục đường chính giảm từ 8-30%, trung bình khoảng 12-18%.

Các đối tượng thu phí: đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông, trừ các phương tiện được miễn phí như: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...

Nhiều băn khoăn với đề án thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội -0
Theo Đề án, ô tô cá nhân vào trung tâm thành phố giờ cao điểm có thể phải trả mức phí từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi). Tuy nhiên,  mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND TP Hà Nội xem xét trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính được duyệt trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp cụ thể trước khi thu phí.

Phạm Huyền
.
.